Pages

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Mỹ cử lực lượng hùng hậu đến Philippines tham gia tập trận chung


Trên sân tàu khu trục USS Bonhomme Richard, tại cảng
Subic Freeport, 122.6 km về phía tây Manila, 08/10/2012.
REUTERS/Bullit Marquez/Pool
Trọng Nghĩa
Kể từ hôm qua, 08/10/2012, cuộc tập trận thường niên Mỹ - Philippines, mang tên PHIBLEX 2012 - dự trù kéo dài trong 10 ngày - đã bắt đầu tại khu vực Vịnh Subic, với sự tham gia của một lực lượng Hoa Kỳ rất hùng hậu.Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng nẩy sinh tại Biển Đông, nhất là giữa Manila và Bắc Kinh về chủ quyền bãi đá Scarborough, cuộc thao diễn quân sự này được cho là cơ hội để Washington biểu thị bằng hành động cụ thể chiến lược tăng cường sự hiện diện của mình tại Châu Á.

Như thông lệ, cả hai phía Mỹ và Philippines đều nhấn mạnh đến tính chất bình thường của cuộc tập trận, được cho là không nhắm vào ai, và cũng không liên can gì đến các diễn biến gần đây trong khu vực. Nội dung các bài tập được nhấn mạnh đều liên quan đến các lĩnh vực như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ nhân đạo và an ninh hàng hải. Thế nhưng giới phân tích đã ghi nhận sự tham gia của một lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ hùng hậu khác thường.
Theo chương trình dự kiến, có đến 2.600 Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia thao diễn, trong lúc phía Philippines chỉ có 1.200 quân mà thôi. Hai bên sẽ tiến hành các bài tập bắn đạn thật, một cuộc tấn công giả định sử dụng trực thăng, một cuộc biểu diễn của máy bay Mỹ, và các bài tập phòng chống thiên tai và các hoạt động xã hội như xây dựng lớp học, nhà vệ sinh tại các khu vực nghèo khó.
Về các phương tiện vũ khí, ngoài các loại xe tăng, xe lội nước, tàu thuyền đổ bộ thường thấy, Hoa Kỳ đã cử nguyên một loại “mẫu hạm” được hai tàu khu trục nhỏ hộ tống, đến tham gia tập trận. Buổi lễ khai mạc vào hôm qua được tổ chức ngay trên tàu chở trực thăng Bonhomme Richard neo trong Vịnh Subic, bên trên boong tàu là các chiến đấu cơ phản lực Harrier, xếp hàng bên cạnh loại trực thăng CH-46 Sea Knight. Gần đấy là một chiếc tàu ngầm nguyên tử tấn công nhanh Olympia.
Tập trận quy mô như vậy, nhưng Tướng Remigio C. Valdez, Tư lệnh phó lực lượng vũ trang Philippines đã nhấn mạnh rằng sự kiện này không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, mà chỉ nhằm phát huy năng lực tiếp thu « công nghệ tiến bộ ».
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã không ngần ngại gắn liền cuộc tập trận Mỹ - Philippines lần này, cùng với một số hành động phô trương thanh thế khác của Hải quân Mỹ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát, với chiến lược châu Á mới của Hoa Kỳ, mà mục tiêu là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử giáo sư Carlyle Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc phân tích :
Hải quân Hoa Kỳ đang làm những gì họ luôn luôn làm kể từ Đệ nhị Thế chiến đến nay. Đó là góp phần duy trì ổn định khu vực tại các vùng dễ xẩy ra xung đột, thông qua sự hiện diện của mình. Cuộc tập trận với Philippines đã được lên chương trình từ lâu.
Việc Mỹ cử lực lượng hùng hậu đến vùng Biển Đông cũng là một phần trong của chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như nhằm trấn an các đồng minh và đối tác chiến lược.
Động thái đó cũng nhằm đáp trả các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở vùng Biển Đông như thành lập thành phố Tam Sa và đặt đơn vị quân đội đồn trú tại đấy, công khai thừa nhận việc đã tiến hành những cuộc tuần tra trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và chăng giây ngăn chặn lối vào bãi Scarborough Shoal. Các hành động kể trên đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ phê phán trong một tuyên bố công khai chưa từng thấy vào ngày 03 tháng 8 vừa qua.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã phản ứng bằng cách yêu cầu Mỹ “im mồm”. Hoa Kỳ đáp trả bằng hành động “tăng cường thực lực”.
Theo giáo sư Thayer, mới đây, khi cử hạm đội tàu sân bay nguyên tử George Washington đến vùng biển Hoa Đông gần vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền, Hoa Kỳ cũng nhằm cùng một mục tiêu :
Mỹ cũng biến lời nói thành hành động cụ thể trong quan hệ với Nhật Bản. Hoa Kỳ đã khẳng định rằng vùng quần đảo Senkaku thuộc phạm vi hiệu lực của Hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản, trước khi cho thấy rõ sự hiện diện của mình trong vùng, vào một thời điểm quan trọng khi Trung Quốc đang trải qua một tiến trình thay đổi lãnh đạo.
Sự hiện diện của một nhóm tàu sân bay Hoa Kỳ ở Biển Hoa Đông là để dè chừng bất kỳ hành động cứng rắn nào của các thành phần dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, muốn gây nên một sự cố với Nhật Bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét