Tân Nguyên Thủ- Trợ lý của Châu Xuân Nguyễn.
Trong những ngày qua dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến kết quả của Hội Nghị Trung Ương 6. Việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn tại vị đã làm dấy lên rất nhiều ý kiến của những người quan tâm đến thời cuộc và vận mệnh của đất nước. Đa phần các ý kiến cho rằng 2 ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng đã thất bại ê chề trong cuộc đấu đá cung đình và đất nước đã đến hồi mạt vận…
Sự phản biện của dư luận có lẽ đúng trong nhận định rằng vận mệnh đất nước đã đến hồi bế tắc nhưng đã sai khi cho là ông Nguyễn Phú Trọng đã không hạ bệ được Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan về dư luân những ngày qua thật khó tìm thấy được một ý kiền nào có thể bao quát được toàn bộ bối cảnh của sự kiện này trong thực tế rối tinh rối mù của nền chính trị Việt Nam hiện nay. Có nhiều ý kiến của dư luận vẫn nặng về chế giễu và châm chích kiểu Trạng Quỳnh mà chưa cho chúng ta thấy một tầm nhìn bao quát, đa dạng hơn về chiến thuật và cách thức mà ông Trọng và những người cộng sản đang tiến hành trong tình hình đất nước đang bế tắc về chính trị cũng như phá sản về kinh tế.
Cuộc cờ của những người cộng sản Việt Nam đã chơi và đã đối xử với nhân dân bao năm nay đang đi vào thế cờ tàn nhưng đối với cá nhân Nguyễn Phú Trọng thì ông vẫn tin rằng ông và những đồng chí chưa thoái hóa và “chưa bị lộ” của ông vẫn còn có cơ hội đảo ngược tình thế. Nếu chúng ta coi ông là một kẻ chơi cờ thì với những thế gài cuối cùng ông vẫn tin rằng đảng của ông sẽ gượng dậy được và sẽ vẫn lãnh đạo được đất nước này như trong quá khứ đã từng làm.
Với những gì đã và đang diễn ra trong bàn cờ chính trị Việt Nam hiện nay nếu gọi Nguyễn Phú Trọng là một đấu thủ cờ thế không hề là một sự ngoa ngôn. Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí Thư của một đảng duy nhất cầm quyền tại Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Ngoài chức vụ tối cao về mặt đảng ông còn là Bí Thư Quân Ủy Trug Ương có quyền quyết định cao nhất khi cần sử dụng sức mạnh vũ lực của đất nước. Cơ chế độc đảng của những người cộng sản tập trung quyền lực theo hình kim tự tháp đã cho ông được cầm lá cờ lệnh của đảng ông và chế độ.
Nguyễn Phú Trọng đang làm điều đó theo cách của ông.
Và tình thế đang rất nan giải cho ông và cái đảng độc tài này. Để bắt Nguyễn Tấn Dũng dọn cho sạch đống rác kinh tế hổ lốn do ông này đã gây ra trong lúc nhân dân chán ghét chế độ đến tận cùng rất dễ bộc phát những hành động phản kháng không hề là chuyện đơn giản. Hơn nữa còn có anh láng giềng Trung Quốc lúc nào cũng muốn áp đặt thủ đoạn lên trên đường lối của “tiểu bá Việt Nam” rồi còn phải giữ thể diện với cả khối Asean đang ngó chừng nữa. Khó khăn muôn phần như vậy nên Nguyễn Phú Trọng phải cắn răng tiến thủ trong cuộc cờ là điều dễ hiểu.
Nếu nhìn lại tất cả những động thái trong thời gian qua, từ Hội Nghị Trung Ương 4 cho đến Hội Nghị 5 và 6 chúng ta có thể thấy sự chủ động ông Trọng trong đảng vẫn là xuyên suốt và ông vẫn đang nắm được tình hình. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn diện của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng những nỗ lực của đương kim Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đang làm chỉ nên được coi là những động thái dọn rác khi cái đảng này đang bị xú uế nặng bởi tham nhũng hoại tử. Điều này đúng từ góc nhìn bên ngoài. Nhưng nếu nhìn từ nội bộ Đảng CSVN thì ông Trọng vẫn đang ở vị trí đầu lĩnh, những chủ trương ông đưa ra tại các hội nghị trung ương vừa qua vẫn được các đồng chí của ông tuần tự thực hiện. Nguyễn Tấn Dũng là Thủ Tướng cầm đầu Chính Phủ nhưng nhìn vào bàn cờ lớn Việt Nam đang biến động hiện tại và so sánh tư thế của ông với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thật chẳng thể coi Ba Dũng là một tay chơi cờ. Ông Thủ Tướng này chỉ là một con cờ trong cuộc cờ thế này mà thôi.
Đáng buồn cho Nguyễn Phú Trọng là đối thủ trong cuộc cờ này lợi hại hơn ông rất nhiều và là một tay chơi vô hình với những thế cờ cũng vô hình. Đối thủ này nếu được gọi tên chính là “xu thế thay đổi và tiến hóa của thời đại“.
Xu thế thay đổi và tiến hóa lên văn minh hơn nữa của thời cuộc và quốc gia Việt Nam khiến cho mọi cơ chế độc tài và công cụ chuyên chính vô sản lâu nay vẫn áp đặt bạo lực thô bạo lên xã hội của Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn phù hợp và nó cũng làm đảo lộn mọi chính sách về chính trị, kinh tế… của Việt Nam.
Tự coi mình là một trong những người cộng sản chân chính, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nghẹn ngào mất mấy giây khi đề cập đến những lỗi lầm của đảng ông trong bài diễn văn bế mạc Hội Nghị 6. Sự nghẹn ngào của ông là có thể hiểu được khi ông cảm thấy đau đớn vì sự thoái hóa của những những đồng chí của ông khiến Đảng CSVN đang trên đường mục nát và ông cảm thấy những mục tiêu và lý tưởng mà ông đã theo đuổi cả đời đang dần xa tầm tay… Việc ông “nghẹn ngào” là rất thực chứ không phải như nhiều người suy diễn rằng ông cảm thấy uất ức khi bị Ban Chấp Hành Trung Ương “phản thùng” không cho kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng. Cái “nghẹn ngào” của ông cũng là một thông điệp cảnh báo đến toàn thể hội nghị rằng cơ hội sửa sai trong đảng có thể sẽ là lần cuối cùng, toàn thể ủy viên trung ương hãy liệu chừng mà nhớ đến hình ảnh này của Tổng Bí Thư để liệu mà hành xử sau khi về lại địa phương. Léng phéng là sẽ bị “chém” như chơi. Ngoài vài giây nghẹn ngào đó ra hẳn ai cũng thấy ông Trọng rất có tư thế của người cầm đầu trong đảng của ông. Ông làm chủ hội nghị, có phong thái tự tin của và ngôn từ gãy gọn hơn hẳn nhiều vị Tổng Bí Thư tiền nhiệm dù về nội dung của diễn văn có nhiều điều còn phải bàn lại. Trong những ngày qua hình ảnh của Tổng Bí Thư xuất hiện dày đặc và gần như duy nhất trên các phương tiện thông tin của cả lề phải cũng như lề trái càng xác thực cho tư thế nguyên thủ của ông.
Như đã nói ở trên Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một quân cờ đối với ông Trọng nên việc cho Nguyễn Tấn Dũng được tại vị nhằm đảm bảo ổn định chính trị hoặc theo cách nghĩ của ông là tăng cường đoàn kết trong đảng là có thể hiểu được. Với tình hình Việt Nam hiện nay đang bức bối trong ngõ cụt rất nhạy cảm và dễ xảy ra những biến động xã hội thì việc “không để các thế lực thù địch xuyên tạc lợi dụng…” là cái mưu mô của ông và các chiến hữu trong đảng. Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của một cuộc Cách Mạng Nhung và mọi động thái đáp trả của dân chúng tiếp theo sẽ rất khó lường. Cho nên việc đưa Nguyễn Tấn Dũng ra hạch tội trước toàn thể Ban Chấp hành Trung Ương như một động thái cảnh cáo và làm mất mặt ông này có thể được coi là một hình phạt vừa đủ trong đảng của ông. Còn đối với nhân dân Việt Nam vị tha và trình độ chính trị chưa cao việc xoa dịu dư luận xã hội để nhân dân cho đảng thêm thời gian sửa sai là có thể chấp nhận được. Hẳn ông nghĩ rằng nhân dân Việt Nam đã cam chịu bị áp bức hơn nửa thế kỷ rồi thì việc chịu đựng cái đảng này thêm một thời gian ngắn nữa không phải không thể.
Trên truyền hình chúng ta thấy Nguyễn Tấn Dũng vẫn vênh vang tươi cười chỉ là đặc tính cố hữu của ông Thủ Tướng. Cử chỉ lúc nào cũng nghếch mặt lên trời của “anh Hai nam bộ” chính là tật xấu khó bỏ của Ba Dũng và cũng chính là cái ngu sẽ hại ông nay mai. Cả Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đều nhấn mạnh không kỷ luật Ba Dũng không có nghĩa là Thủ Tướng không có lỗi và điều này là sự thật. Những chuyến vi hành của Tổng Bí Thư cũng như Chủ Tịch nước những ngày qua không phải không có nguyên do và những lời phát biểu của 2 ông này vẫn nhất quán tinh thần “cờ thế” mà Nguyễn Phú Trọng đã giăng ra. Chúng ta cũng thấy những tuyên bố của hai vị nguyên thủ quốc gia là liên tục và quyết lệt hơn những lời hô hào sáo rỗng trước đây. Tất cả đều có chủ ý trong đó, cả của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và cả toàn thể Ban Chấp Hành Trung ương. Đặc biệt vai trò thống lĩnh của Bộ Chính Trị không hề có sự thay đổi nào hết. Không hề có chuyện Bộ Chính Trị bị Ban chấp Hành Trung Ương qua mặt. Việc đưa Nguyễn Tấn Dũng ra Hội Nghị Trung Ương là cách Nguyễn Phú Trọng đã suy nghĩ kỹ chứ chẳng phải bị Lê Hồng Anh lừa như đồn đoán . 14 ủy viên Bộ Chính Trị có 1 người miền Trung, 4 miền Nam và đến 9 nhân vật là người miền Bắc, tức là thành phần có truyền thống luôn đề cao sự áp đặt của Đảng lên mọi mặt của chế độ. Thực tế hiên nay cho thấy ông Trọng và Bộ Chính Trị đang thực hiện được điều này.
Có nhiều trang mạng chế giễu blog Quan Làm Báo đã bị thua cuộc trong động thái hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng thực sự Quan Làm Báo đã thành công hoặc góp phần vào sự thành công. Nguyễn Tấn Dũng còn tại vị không có nghĩa là ông chưa bị hạ bệ mà những ngày tiếp theo của ông chỉ đơn thuần là khắc phục hậu quả nặng nề do chính ông và bộ sậu gây ra mà thôi. Đồng ý rằng Nguyễn Tấn Dũng chính là sản phẩm của cơ chế nhưng sự tham lam vật chât và quyền lực của ông cùng gia đình là vô bờ bến và nó đã góp phần nhanh hơn vào sự sụp đổ kinh tế Viêt Nam. Cả nền kinh tế đang phá sản và các nhóm lợi ích đã táp những miếng lớn vào miếng bánh chung của đất nước. Vậy không gì tốt hơn hãy để chính tay Nguyễn Tấn Dũng, với sự tỏ tường đường đi của những dòng tiền bẩn và cái uy với đám đàn em sẽ moi móc lại những gì đất nước đã mất và phải dọn đống rác do chính lũ này gây ra. Một khi quyền lực đảng được khôi phục để chui vào mọi ngóc ngách của chính quyền và xã hội thì việc hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng không còn thật sự quan trọng nữa. Có Thủ Tướng hay không cũng thế thôi, người đứng đầu chính phủ chỉ là tên bung xung của đảng và Bộ Chính trị. Chưa kể việc nhận lãnh chức Thủ Tướng để dọn rác trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay không hề là miếng bánh thơm cho nên không phải nhân vật nào trong đảng cũng sẵn lòng đứng ra gánh vác.
Trong bối cảnh những xáo trộn do vụ Bạc Hy Lai tạo ra gần đây cho Đảng Cộng Sản của người “anh em láng giềng” khổng lồ, hẳn nhiên Nguyễn Phú Trọng cũng phải chiều lòng Tập Cận Bình để giảm thiểu càng nhiều càng tốt những xáo động có thể gây ảnh hưởng đến uy tín và những giá trị được cho là tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản trước thềm Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18. Đảng Cộng Sản lớn nhất thế giới đang ở sát bên thì thật “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, cứ để Nguyên Tấn Dũng tại vị thêm một thời gian nữa. Một công đôi chuyện, vừa không mếch lòng “anh lớn” vừa ép được Ba Dũng sửa sai. Để kềm chế Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn đó đến các Hội Nghị Trung Ương khác hoặc mượn tay Quốc Hội để bỏ phiếu tín nhiệm Thủ Tướng và các thành viên chính phủ…
Ngay cả đối với khối Asean, ông Trọng cũng có thể nuốt cục thẹn vào trong để chơi đến cuối cuộc cờ của mình. Dù có nhiều nước trong khối coi thường Việt Nam duy trì quyền lợi phe đảng và chiếm đoạt dân chủ của nhân dân nhưng Asean vẫn cần Việt Nam làm trái độn để ngăn chặn một Trung Quốc hung hăng lấn xuỗng phía Nam biển Đông nên họ vẫn không thể không giao thiệp. Bài toán chính trị trong khu vực rất phức tạp không phải ai cũng giải được chỉ có đáp số cuối cũng là nhân dân Việt Nam là kẻ thua cuộc mà thôi.
Nhìn toàn cục, những chủ trương của Tổng Bí Thư vần đang được những đồng chí của ông thực hiện tuần tự và ý đồ tăng cường sự quản lý của Đảng hơn nữa trong bộ máy có vẻ sẽ hoàn thành. Hội Nghi Trung Ương 4 đề xuất các biện pháp cấp bách (Xin nhấn mạnh “cấp bách”) đối với chỉnh đốn Đảng. Hội Nghị 5 thành lập lại Ban Nội Chính Trung Ương và Tổng Bí Thư đảng làm Trưởng Ban Phòng Chống Tham Nhũng. Hội Nghị 6 làm mạnh về việc gọt dũa Thủ Tướng và răn đe các Ủy Viên Trung Ương đồng thời tái lập Ban Kinh Tế Trung Ương. Hội Nghị này cũng chủ trương thu gom lại các tập đoàn kinh tế nhà nước không cho ăn hại và ăn báo cô thêm nữa…
Như vậy tay chơi cờ thế Nguyễn Phú Trọng thật sự vẫn làm chủ tình hình trong cuộc chơi với các đồng chí của mình. Ông vẫn có quyền khuynh đảo thay thế sắp xếp những quân cờ trong nội bộ đảng theo ý mình để hòng đối chọi với xu thế của thời cuộc.
Vấn đề ở chỗ ông có duy ý chí được mãi như vậy hay không và ông sẽ được coi là tay chơi cờ được bao nhiêu lâu nữa. Nếu nhìn xa hơn đến cuối vàn cờ hẳn những ai am hiểu thời cuộc sẽ hình dung ra những toan tính của ông. Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ vẫn độc quyền lãnh đạo đất nước và sẽ quay trở lại thời kỳ mệnh lệnh của đảng là tối thượng được dội từ trên xuống. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị soi trong từng bước đi, các Tổng công ty ăn hại sẽ bị thu gọn lại, các ngân hàng sẽ bị cơ cấu ít hơn nhưng nhiều ngân hàng nhà nước vẫn chưa chết hẳn, bất động sản đóng băng, đầu tư ngước ngoài ngày càng giảm… Người thất nghiệp sẽ nhiều hơn trong bối cảnh tham nhũng sẽ tạm nằm im chờ thời nhưng vấn đề cốt lõi phát triền kinh tế vẫn sẽ bế tắc. Độc quyền chính trị sẽ vẫn dẫn dắt kinh tế thị trường loanh quanh bên cạnh định hướng xã hội chủ nghĩa. Của cải vật chất không được làm ra được bao nhiêu bên cạnh đội quân thất nghiệp dôi ra từ các doanh nghiệp ăn hại sẽ gây nên những bất ổn khôn lường cho xã hội. “Bần cùng thì sinh đạo tặc” văn hóa ngày càng xuống cấp, Bộ Công An đang cảnh báo nạn bắt cóc tống tiền và các tệ nạn hình sự gia tăng hàng ngày như một minh chứng cho điều này. Chưa kể thái độ nhu nhược của Đảng CSVN đối với tình hình Trung Quốc đang tung hoành ngoài Biển Đông càng làm cho ngõ cụt của đường hầm lịch sử đang chờ đón những người cộng sản và cả nhân dân Việt Nam mau trở thành hiện thực.
Nguyễn Phú Trọng hy vọng sau khi sắp xếp và cơ cấu lại nền kinh tế, nếu không có tham nhũng thì Việt Nam sẽ dần từng bước đi lên dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Đảng viên sẽ tu dưỡng đạo đức để cống hiến cho đất nước và nhân dân sẽ tin yêu đảng. Ông vẫn coi đảng của ông độc quyền sở hữu đất nước này. Trong ván cờ của ông vẫn không thấy vai trò của nhân dân, không thấy bầu cử tự do, tam quyền phân lập thật sự. Ông vẫn ngây thơ tin rằng nhân dân Việt Nam sẽ khoanh tay ngồi im cho đảng ông muôn làm gì thì làm.
Có lẽ theo xu thế của lịch sử cuộc cờ của ông Trọng sẽ chỉ là vô ích. Có lẽ Đảng Cộng Sản không thể thay đổi mà chỉ nên bị xóa sổ.
Chỉ khi nhân dân Việt Nam thay thế ông Tổng Bí Thư trở thành một đấu thủ chính thức chơi trong bàn cờ thời cuộc thì hạnh phúc, phồn thịnh mới đến với đất nước này.
Ngày ấy là bao giờ xin dành câu trả lời cho những người Việt Nam dũng cảm và yêu tự do dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét