Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Đồng minh với Mỹ


Nguyễn Đạt Thịnh.

Ký giả danh tiếng Anne-Marie Slaughter khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ nên giúp phong trào kháng chiến của người Syrian chống chính phủ; và tôi thấy cô Slaughter có thể có lý. Không chuyện gì thừa thãi và vô duyên hơn chuyện một ký giả Việt Nam khen ngợi cô Slaughter -một ký giả tên tuổi của Mỹ. Cả Slaughter lẫn độc giả Hoa Kỳ không quan tâm đến sự hiện hữu của chính tôi, nói gì đến việc họ biết tôi viết gì về họ.
Báo giới và chính giới Hoa Kỳ rất nể những bài bình luận giá trị cô viết trên tạp chí Atlantic Magazine, cái giá này càng cao hơn với chức vụ giáo sư cô đang đảm nhận tại viện đại học Princeton, và với vị trí viên chức cao cấp của bộ Ngoại Giao cô đã giữ vài năm trước. Ngần đó thành tích khẳng định hai chữ "giỏi lắm" gán cho người đàn bà còn rất trẻ này.
Giới thiệu Slaughter rân rác như vậy, mục đích của tôi chỉ là trích lại câu cô nói là của một người đàn bà Syria vô danh, chị của một chiến sĩ vừa bị quân chính phủ Syria giết, trong lúc anh này tác chiến như một dân quân của lực lượng FSA (Free Syrian Army-Giải Phóng Quân [GPQ] Syria).
Người đàn bà Syrian nói với một ký giả Mỹ, khi anh này giải thích cho gia đình người tử sĩ Syrian hiểu chính sách "kinh cung chi điểu" của chính phủ Hoa Kỳ, không muốn can dự thêm vào một cuộc chiến tranh Trung Đông khác sau 2 kinh nghiệm A Phú Hãn và Iraq.
"Ngày GPQ  cầm quyền tại Syria chúng tôi sẽ không quên chính sách của Hoa Kỳ đối với chúng tôi," đó là câu nói Slaughter trích lại trong câu chuyện giữa người đàn bà Syrian và anh ký giả Mỹ.
Dựa trên câu chuyện, Slaughter viết "không cách nào người thiếu phụ này và hàng triệu người Syrians khác hiểu được việc, một mặt Hoa Kỳ vẫn đề cao Dân Chủ và Tự Do, mặt khác vẫn quyết liệt không giúp đỡ cuộc chiến đấu của dân tộc Syrian cho Dân Chủ, cho Tự Do."
Slaughter tiên đoán sớm hay muộn chế độ độc tài Bashar al-Assad cũng thua trong cuộc nội chiến mưu cầu tình trạng trường trị của gia đình al-Assad; và ngay sau đó một khối phối hợp nhiều thành phần dân Syrian sẽ lên cầm quyền.
Thành phần phối hợp của tân chính phủ sẽ phản ánh thành phần của lực lượng kháng chiến trong ngày họ lật đổ được chính phủ al-Assad hiện nay, và trong thành phần đó phe thân Mỹ sẽ là thiểu số vì thành phần sinh viên, thanh niên tân học thân Mỹ không được võ trang bằng súng Mỹ để mạnh hơn những thành phần khác trong thời gian kháng chiến.
Slaughter nêu lên câu hỏi "tại sao chính phủ Obama lại có thái độ trái ngược với chủ trương của chính tổng thống Obama?"
Ngày lên cầm quyền -4 năm trước- ông Obama chủ trương thực hiện một "chính sách mới" trong những liên hệ giữa Hoa Kỳ với khối Ả Rập; ông muốn thay đổi chính sách thù nghịch tạo ra 2 cuộc chiến tranh A Phú Hãn và Iraq mà ông khổ công chấm dứt.
Obama đã ủng hộ "Mùa Xuân Ả Rập", giúp đỡ phong trào nhân dân nổi dậy chống những chính phủ độc tài lạc hậu tại Ai Cập, Tunisia, Libya, ... nhưng lần này, Hoa Kỳ tỏ ra ngần ngại dù chỉ trong thái độ ủng hộ giới hạn, để mặc hai nước Qatar và Saudi Arabia giúp đỡ GPQ Syrian.
Chính quyền của 2 quốc gia này không thuyết phục được Hoa Kỳ cung cấp hỏa lực phòng không và súng chống thiết giáp cho GPQ Syrian -qua sự trung gian của họ. Lý do: trong thành phần GPQ có nhiều phần tử Hồi Giáo quá khích; Hoa Kỳ không muốn loại hỏa tiễn phòng không cá nhân lọt vào tay những thành phần quá khích này, sợ hậu họa sau ngày chiến thắng tại Syria.
Đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ không cung cấp súng chống chiến xa và súng phòng không cho GPQ Syrian, trong lúc Nga và Iran vẫn đều đặn tiếp tế bom, đạn và xe tăng cho quân al-Assad. Tình trạng võ trang chênh lệch này cho phép không quân, kỵ binh, và pháo binh của phe chính phủ mặc sức tung hoành, bắn giết vô tội vạ GPQ và thường dân Syrian.
Câu chuyện Mỹ không võ trang GPQ Syrian gợi liên tưởng đến việc Hoa Kỳ giải giới Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước cuộc tấn công 1975 của lực lượng cộng sản Hà Nội. Giải giới bằng  cách làm tịt ngòi pháo binh vì không tiếp tế đạn, làm tê liệt không quân vì giới hạn nhiên liệu, bom, đạn, và gây xáo trộn trong hệ thống phòng thủ của 10 sư đoàn bộ binh Việt Nam bằng những lệnh lạc vô lý, mâu thuẫn của vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội.
Việc "giải giới" chưa lần nào được chính thức nói lên, tuy nhiên, nghi vấn này vẫn làm ấm ức nhiều quân nhân, cay đắng ôm hận vì thất trận mà không được giao tranh với địch.
Tâm trạng này khiến tôi đặt ra nhiều nghi vấn về thái độ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi viết thành nhiều bài đăng báo, chất vấn ông về những mệnh lệnh rút lui ông chỉ thị cho 2 Quân Đoàn 1 và 2.
Tổng Thống không trả lời.
Hai năm trước tiến sĩ Nguyễn tiến Hưng phát hành quyển Tâm Tư Tổng Thống Thiệu (TTTTT); trước khi từ California sang Houston ra mắt sách ông Hưng có cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại, cuộc phỏng vấn được trực tiếp phát thanh qua đài Sài Gòn-Houston trên băng tần AM 900.
Tác phẩm TTTTT của ông Hưng xoay quanh câu tuyên bố của tổng thống Thiệu, "trong việc Việt Nam thất thủ, je suis responsable, mais pas coupable." (trong việc thất thủ Việt Nam, tôi có trách nhiệm, nhưng không có tội.)
Tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi, "Theo quan điểm của tiến sĩ thì một vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội, làm tan một nửa quân đội, và làm mất một nửa lãnh thổ trong vòng 2 tuần lễ, thì việc làm đó là trách nhiệm hay là trọng tội).
Ông Hưng không trả lời, và cuộc phỏng vấn tiếp nối, gượng gạo, ậm ự, rồi chấm dứt; nhưng trong câu hỏi tôi nêu lên, cũng đã chuyên chở nhiều hơn một câu trả lời rồi. Vì người hỏi là một quân nhân, nên ngoài cái ý kết tội vị Tổng Tư Lệnh, câu tôi hỏi còn chuyên chở thái độ ngờ vực, không tin được là quân đội Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi có thể thất trận nhanh chóng, thất trận dễ dàng mà không đánh được một trận nào cho ra hồn cả.
Ba năm trước -năm 1972- chúng tôi cũng đã chặn đánh nguyên cả toàn lực quân đội Bắc Việt đổ ập vào Nam, đánh phá Nam Việt trên 3 mặt trận Quảng Trị, KonTum, và An Lộc. Cuộc giao tranh khiếp đảm hơn 2 chữ "đẫm máu", và kéo dài suốt nhiều tháng dài mà người lính VNCH vẫn không để mất một tấc đất nào cả.
 Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, chỉ huy trưởng Không Đoàn Phù Cát, một phi công với nhiều chiến công lẫy lừng, và cũng một thi nhân nhậy cảm, với nhiểu vần thơ uất hận, đầu tháng Mười 2012 vừa sang Houston thăm anh em chiến hữu ngày xưa; nhân dịp tái ngộ anh đã nghẹn lời đọc cho tôi nghe một bài thơ nước mắt của anh, mà tôi chỉ nhớ được 2 câu:
Xin trả tôi về biển xanh Phù Cát,
Đất mẹ, tôi thề giữ gìn từng tấc
Anh Tuyền không cần thề, tôi tin anh, gần 5,000 quân nhân phục vụ tổ quốc dưới quyền chỉ huy của anh, tin anh; và cả 1,000,000 người lính Việt Nam Cộng Hòa tin anh, vì -cũng như anh- họ đã xả thân, đã tận tâm, tận lực, phơi thây đổ máu trên chiến trường cũng chỉ để giữ gìn từng tấc đất mẹ.
Tôi nhớ nhiều buổi chiều anh ngồi ngơ ngẩn nhìn ra đường bay chờ đợi "một thằng em" không bao giờ còn đáp xuống nữa; anh kiên nhẫn chờ mặc dù tin tổn thất anh đã nhận từ vài tiếng đồng hồ trước.
Anh Tuyền chỉ là một quân nhân trong một triệu quân nhân Việt Nam, phi đoàn Phù Cát chỉ là một đơn vị trong hàng ngàn đơn vị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận tình trạng mất Việt Nam mà họ không được bắn một viên đạn, không được cất cánh oanh kích quân xâm lược.
Trở lại với chuyện "đồng minh với Mỹ" tôi vẫn nghĩ 37 năm trước những chính khách Cộng Hòa và những chính khách Dân Chủ Mỹ đã giải quyết xong "vấn đề Việt Nam", một vấn đề nếu không giải quyết được sẽ tiếp tục tạo bận tâm cho Hoa Kỳ, và vẫn đòi hỏi viện trợ, một số viện trợ rất lớn vì vấn đề đối phó với nạn xâm lược của cộng sản Bắc Việt vẫn còn nguyên vẹn.
Dĩ nhiên cung cách chính quyền Mỹ giải quyết gánh nặng Việt Nam bằng cách giết đồng minh làm nhiều người ghê tởm, nhưng khi thấy người Việt Nam không chấp nhận chế độ cộng sản, rủ nhau nhẩy xuống Biển Đông, người Mỹ cũng lại thấy tình trạng đó là một vấn đề lương tâm mà họ không thể không giải quyết.
Và họ đã giải quyết bằng một cuộc di dân khổng lồ, lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và cũng dễ dãi nhất, nhân đạo nhất.
Thế hệ thứ nhì của người Việt di tản đang chỉ huy nhiều đơn vị của quân đội Hoa Kỳ, nhiều người sắp mang cấp tướng, và không ai hận người Mỹ về cái tội đã giết đồng minh Nam Việt để giải quyết vấn đề Việt Nam lúc đó trở thành quá khó khăn đối với họ.
Cha anh của những sĩ quan cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ hôm nay -thế hệ di dân đầu tiên của người Việt Nam- cũng không ai còn hận người Mỹ nữa. Họ biết dù họ có hận, có viết lên những bài báo như bài này, người Mỹ cũng không hiểu: họ là những người Mỹ khác, không liên quan và cũng không bênh vực việc làm của những chính khách Hoa Kỳ thế hệ 1975.
Tâm trạng của 2 thế hệ Việt Nam và việc làm táng tận lương tâm của những chính khách Mỹ 37 năm trước là điều tôi biết mà cô Slaughter không biết, dù cô đang là giáo sư đại học, và đã là một viên chức cao cấp của ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Ý tôi muốn nói là khuyến cáo của cô là Mỹ nên giúp súng phòng không, súng chống chiến xa cho GPQ Syrian có thể cũng không đúng lắm đâu.
Tôi biết về chiến tranh, và về vấn đề "đồng minh với Mỹ" rõ hơn cô Slaughter, vì như 1 triệu người bạn đồng đội của tôi, tôi tốt nghiệp từ trường đại học máu Việt Nam, một ngôi trường mà Slaughter chưa bao giờ biết, và cũng chưa bao giờ nghĩ là có.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét