Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Ông Tổng BT cũng sành chơi chữ

Hội nghị TW6 đã kết thúc. "Vở kịch câm" đã hạ màn. Các vai diễn lặng lẽ rút khỏi sân khấu, chẳng có lấy một tràng vỗ tay tán thưởng, đèn sân khấu đã tắt.

Trái với sự câm lặng choán gần hết thời gian của vở diễn, không khí bên ngoài nơi công chúng lại đang huyên náo hơn bao giờ hết. Vừa chấm dứt vở diễn người ta đã la ó, chửi bới, mạt sát, và thất vọng tràn trề cả về nội dung lẫn hình thức. Thực ra họ cũng không lạ gì "loại hình nghệ thuật" này nhưng trước vở diễn nhiều nhà phê bình cả chuyên lẫn không chuyên đưa ra dự đoán với suy diễn một chiều, khiến công chúng hy vọng chắc "vở kịch" sẽ có một kết cục rất "hoành tráng", song nó lại không như dự đoán. Cuối cùng họ đã bị lừa, bị chưng hửng và thất vọng.

Chẳng riêng gì công chúng, ngay chính những nhà "phê bình điện ảnh", nhà "nghiên cứu sân khấu" cũng bị bất ngờ. Thế rồi cả công chúng lẫn phần lớn các nhà phân tích đều thống nhất cho rằng vở kịch thất bại, vai diễn quá tồi.

Theo dư luận, sự thất bại biểu hiện ở chỗ: nếu sự diễn xuất tẻ ngắt theo kiểu "kịch câm nửa mùa" khiến công chúng chán ngán và thất vọng một phần, thì chín phần còn lại là do đoạn kết của vở diễn. Khi mà đến cả "Vua" cũng không dám gọi tên kẻ "phản phúc". Tội lỗi của y thì đã hai năm rõ mười.

Thế mới biết làm cái nghề sân khấu không phải là dễ.

Tuy nhiên khi xem xét đến sự thành công hay không của một vở diễn thì ngoài số lượng khán giả còn phải tính đến cái "giá trị nghệ thuật" của nó. Nhiều vở kịch hay bộ phim rất ăn khách nhưng chưa chắc đã phải là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Nghệ thuật là cả một quá trình lao động sáng tạo của nghệ sĩ, nó đòi hỏi phải có sự thăng hoa và sáng tạo. Mặt khác sự thành công của vở kịch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như kịch bản, đạo diễn... còn diễn viên cũng chỉ đóng một vai trò nhất định thôi. Vậy hãy bình tĩnh một chút, suy ngẫm lại một chút thì thấy cả vở kịch lẫn vai diễn cũng có những thành công nhất định. Hãy thử phân tích theo những khía cạnh sau:

Thứ nhất: Đã là kịch câm thì ngôn ngữ chính là hình thể chứ không phải bằng lời nói thông thường. Về khía cạnh này thì vở diễn khá đạt, ít nhất là đã thể hiện đúng hình thức của một "vở kịch câm".

Thứ hai: Trong khía cạnh nghệ thuật (mà ở đây, kịch chính là nghệ thuật sử dụng ngôn từ), có những lúc không nhất thiết phải biểu đạt một cách cụ thể, mà chỉ cần nói xa, nói xôi, nói úp mở... cách nói đó gọi là ngôn ngữ ẩn dụ. Nhiều khi dùng lối nói ẩn dụ lại truyền đạt được nhiều hơn là nói cụ thể. Lấy ví dụ như đoạn văn sau đây được trích từ một tiểu thuyết:

"... Trong lúc vội vàng tìm chỗ ngồi trên xe buýt, Hùng vô tình đặt tay mình vào đúng "chỗ ấy" của một thiếu nữ trên xe. Cô gái giật mình, vội khép đùi lại, rồi quay sang nhìn Hùng, khuôn mặt đẹp của cô bỗng đỏ rần rần. Hùng lúng túng, ấp úng định xin lỗi, song cũng chẳng biết là xin lỗi cái gì. Thế rồi cả hai cùng im lăng, cùng quay mặt đi."

Ở đoạn văn trên, nếu ta thay "chỗ ấy" bằng cái... của cô gái thì thật chẳng ra làm sao, mà thậm chí mất đi sức truyền cảm của cái mà người ta cần nhấn mạnh. Không phải lý do để lịch sự, tế nhị mà cách nói như thế còn làm nổi bật thêm cái cần nói. Chẳng cần phải gọi đúng tên, mọi người đều hiểu "chỗ ấy" là cái gì thì mới là hay.

Cũng tương tự, cụ Tổng đã nói hết những tội danh của cái "đồng chí X" rồi còn gì? Nào là thất bại trong điều hành chính phủ để thất thoát rất lớn trong các Tập đoàn kinh tế, đặc biệt là Vinashin, Vinaline; nào là để các nhóm lợi ích lũng đoạn tài chính, thôn tính ngân hàng; nào là có biểu hiện dung túng cho người nhà, người thân lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính... và cái "đồng chí ấy" lại ở trong BCT thì còn ai vào đấy nữa? Nói như thế đã là "bắt tận tay day tận trán" rồi còn gì?

Cả đoạn văn trên và đoạn cuối "diễn văn bế mạc Hội nghị" của cụ Tổng đều giống nhau ở cách diễn đạt ngôn ngữ ẩn dụ rất thành công. Tuy không nói mà mọi người đều hiểu rõ ràng "chỗ ấy" chỉ có thể là "cái ấy" và cái "đồng chí X" cũng chỉ có thể là "đồng chí ấy" mà thôi. Lối nói đó trên thực tế còn có sức mạnh công phá hơn là gọi đúng cái tên cúng cơm của nó. Có lẽ ngài đã cân nhắc chán, suy nghĩ chán rồi mới diễn xuất như thế.

Xem ra cụ Tổng tuy học về chính trị Mác-Lê và tư tưởng Hồ chí Minh nhưng cũng khá sành ngôn ngữ và kịch nghệ chứ không phải tay vừa.

25/10/2012

Tùng Lâm

(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét