Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Quy trình xử lý đảng và chính quyền đối với Thủ tướng


Trong lịch sử gần đây của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị phải nhận hình thức kỷ luật và bị khai trừ khỏi Trung ương có đồng chí Trần Xuân Bách, đồng chí Nguyễn Hà Phan. Một người có bài phát biểu được cho là đi ngược lại đường lối của Đảng. Một người thì bị tố cáo từng làm việc cho bên kia. Trong trường hợp hai đồng chí này, đầu tiên Thường trực Bộ Chính trị họp, đánh giá, lấy biểu quyết nhất trí là là “có vấn đề”. Sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh củng cố. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị họp lại, đánh giá, biểu quyết có kỷ luật hay không và nhất trí hình thức kỷ luật.
Sau đó, Tổng bí thư thay mặt Bộ Chính trị báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương. Trong trường hợp của hai đồng chí nói trên, việc Trung ương nhất trí khai trừ chỉ là thủ tục. Sau đó, đảng bộ và các cơ quan chính quyền có liên quan sẽ thực hiện những bước tiếp theo.

Tuy nhiên, hai đồng chí Bách và Phan chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị. Nếu trường hợp là tứ trụ hay có chân trong thường trực Bộ Chính trị thì khá phức tạp mà chưa có tiền lệ xử lý hay kỷ luật. Vừa qua, đây chính là chỗ khiến Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lúng túng (xin không đề cập chuyện lợi ích nhóm, mua bán phiếu, với tiêu cực khi kiểm phiếu trong bài này).
Lấy trường hợp của Thủ tướng. Câu chuyện bắt đầu từ Tự kiểm điểm, một sinh hoạt chính trị thông thường của đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4. Trong sinh hoạt này, nội dung tự kiểm điểm phải được cấp ủy quản lý thông qua (tức là Bộ Chính trị) bằng hình thức lấy phiếu. Khi xem xét, đánh giá thông qua thì một vài Ủy viên Bộ Chính trị thấy nội dung tự kiểm điểm của Thủ tướng “có vấn đề” nên chưa thông qua được. Nội dung quan trọng nhất và yếu nhất trong bản tự kiểm điểm là Tư tưởng chính trị trong đó có việc người thân chấp hành các chủ trương, có vi phạm 19 điều cấm Đảng viên, trách nhiệm cá nhân trong lĩnh cực công tác … Thế là bản tự kiểm điểm của Thủ tướng chưa thể thông qua được.
Vậy là những “vấn đề” này cần xác minh. Tổng Bí thư giao cơ quan chức năng của Đảng là Ủy Ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, báo cáo Bộ Chính trị. Để thận trọng, Bộ Chính trị còn thành lập Bộ phận giúp việc, huy động thêm 2 Ủy viên Bộ chính trị khác tham gia. Trong khi đang thẩm tra thì xảy ra nhiều vụ bắt bớ Bố già, soái mà dường như đều có liên quan đến người thân và liên quan trực tiếp đến đối tượng đang thẩm tra. Như vậy là càng “có vấn đề”. Đấy là chưa nói tới một trang blog ngày đêm tung các thông tin có giá trị như những cú điểm huyệt chết người.
Báo cáo thẩm tra có trong tay rồi, Tổng Bí thư triệu tập mấy cuộc họp liền mà Bộ Chính trị chưa thông qua được nội dung tự kiểm điểm của đồng chí Thủ tướng. Quả bóng được “khéo léo” đưa sang chân Trung ương. Chỗ này chính là chỗ mà Bộ Chính trị chưa làm tròn nhiệm vụ bởi trách nhiệm thông qua nội dung tự kiểm điểm Ủy viên là của Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư.
Triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành, Bộ Chính trị đưa toàn bộ tài liệu ra báo cáo trước Trung ương. Sau khi nghiên cứu, đánh giá, Trung ương bỏ phiếu nhất trí đề nghị Bộ Chính trị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nội bộ. Trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm, (nếu tín nhiệm thấp) Bộ Chính trị đề xuất hình thức kỷ luật hay xử lý để lấy biểu quyết trước Trung ương. Trên cơ sở kết quả biểu quyết (nếu quá bán nhất trí kỷ luật), Tổng Bí thư thay mặt Ban Chấp hành ký thông báo kỷ luật tới toàn thể Trung ương.
Tuỳ hình thức kỷ luật mà đảng và chính quyền có các bước phù hợp tiếp theo. Nếu chỉ cảnh cáo qua loa, chuyển vị trí công tác (tức không còn giữ chức vụ Thủ tướng) thì không có chuyện khai trừ khỏi Bộ Chính trị và Trung ương. Tuy nhiên, quy trình xử lý về mặt chính quyền thì chưa hoàn tất.
Theo Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng là chức danh do Quốc hội bầu ra và miễn nhiệm/bãi miễn trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước. Do vậy, phải chờ tới khi Quốc hội họp kỳ họp kế tiếp (kỳ họp thứ 4 – cuối tháng 10/2012) thì đồng chí mới chính thức bị tước hết quyền lực.
Hình thức kỷ luật nặng nhất là công khai khai trừ khỏi Bộ Chính trị, khai trừ khỏi Trung ương, khai trừ khỏi Đảng, có lẽ chỉ áp dụng đối với các “tội danh” cấm kỵ như kiểu của đồng chí Trần Xuân Bách và Nguyễn Hà Phan.
Đẹp nhất thì đồng chí lãnh đạo tự nguyện xin nghỉ, không tham gia Trung ương vì lý do sức khoẻ để nhường chỗ cho các đồng chí khác có năng lực, phẩm chất cách mạng phù hợp với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và sự nghiệp xây dựng CNXH của đất nước. Sẽ có một buổi bàn giao trong đó các lãnh đạo bắt tay ôm nhau thắm thiết, hôn nhau chùn chụt, sẽ có bài phát biểu ghi nhận công lao và đóng góp của đồng chí, báo chí rùm beng, rồi trao huân huy chương cao quý … Nhưng đồng chí phải về nhà đuổi gà cho vợ.
Cũng có kịch bản nữa rất rất ít xảy ra là đồng chí sau khi nhận kỷ luật rất ăn năn và muốn cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Nếu được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành “đoái thương”, đồng chí có thể được bố trí một chỗ ngồi đảm bảo danh dự mà không phương hại đến sự nghiệp chính trị của một số đồng chí khác – (gần như sẽ không xảy ra trong trường hợp này).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét