Pages

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

TẢN MẠN VỀ BẠN “CHỮ VÀNG”


Bùi Công Tự, theo Basamnews
Nhân ngày quốc khánh nước CHND Trung Hoa, trên tinh thần “thân thiện – cứng cỏi” (ý của ngài Đạt lai Lạt ma khuyên chúng ta ứng xử trong quan hệ Việt – Trung), mình muốn tản mạn với bạn chữ vàng đôi câu.
 Được biết năm nay nước bạn kỷ niệm quốc khánh bằng một bình bông (hoa) cực bự đặt tại quảng trường Thiên An Môn, thu hút rất đông du khách đến chụp hình. Bình bông kết bằng hoa ấy có đường kính chân đế 50m, cao 15m, tức là diện tích chân đế ngót nghét 2000 m2 (25 x 25 x 3,1416) và chiều cao tương đương ngôi nhà 1 trệt 4 lầu. Cái tâm lý khoái to bự này chắc bên Tàu học được từ bên ta? Các bạn hẳn còn nhớ chúng ta đã lập nên những kỷ lục cỡ Guiness như chiếc bánh chưng khổng lồ (ruột độn bằng mút xốp) hay tượng Phật làm từ viên đá ngọc lớn nhất hành tinh.

 Về mối quan hệ Viêt – Trung, mình muốn nói vắn tắt thế này: Trung Quốc là mối bất an thường trực đối với mọi người Việt Nam yêu nước. Đất nước ta, dân tộc ta sẽ không thể ngóc đầu lên được, dòng giống Lạc Hồng sẽ mãi mãi chịu nhục nhã, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không thức tỉnh, không mạnh mẽ để thoát ra khỏi cái gọng kìm đại Hán bá quyền.
 Nỗi bất an không chỉ đến từ những thực phẩm, hoa quả chứa đầy chất độc hại hằng ngày, hằng giờ tuồn vào Việt Nam từ bên kia biên giới. Không chỉ là nạn buôn người, nạn tiền giả, nạn lừa đảo ăn quỵt, … mà người Trung Quốc gây ra trên đất nước ta. Không chỉ là việc hàng trăm ngàn người Hoa có mặt trên các công trình xây lắp đang cướp đi cái cần câu cơm của con em chúng ta…
 Nỗi bất an lớn nhất cho chúng ta là một cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc gây ra, nó có thể bắt đầu bằng việc đánh chiếm vùng biển và hải đảo của ta, cũng có thể họ đánh ta cả trên đất liền? Việt Nam là miếng mồi ngon mà đại Hán muốn đớp, đồng thời cũng là cái gai mà đại Hán muốn nhổ trong tham vọng lì lợm bất chấp đạo lý của chúng. Là nước lớn, có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, lại mang sẵn dòng máu Thiên triều, lại đã chi phối được thế giới ở mức độ đáng kể cho nên Trung Quốc sẵn sàng ngồi xổm trên dư luận để đánh Việt Nam. Cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Trung Quốc có thể xảy ra ngay ngày mai, mà cũng có thể ít năm nữa, bất kể lúc nào nếu họ thấy thời cơ đã đến. Cho dù những cái loa của Bắc Kinh vẫn ngày đêm leo lẻo nói hoà bình.
 Nói thế không có nghĩa là Trung Quốc muốn làm gì cũng được. Thể chế chính trị của họ, chính quyền của họ đang bị đe doạ. Một đất nước mà lan truyền cả tin đồn lãnh tụ bị ám sát, đủ biết đất nước ấy bất ổn thế nào? Lịch sử đã cho thấy không ít lần chính người Trung Quốc tàn phá đất nước họ, gây bao thảm hoạ cho dân tộc họ.
 Với Trung Quốc sự đe doạ không đến từ bên ngoài mà ở ngay trong long đất nước họ. ĐCS Trung Quốc đang duy trì một chế độ bị cả loài người bài xích, phê phán, rũ bỏ, thậm chí coi là ghê tởm. Quyền lực chính trị ở Trung Quốc là một thế giới kín bưng, luôn luôn bí mật, “một lỗ đen, một vùng tối và bí ẩn, một hậu trường không ai có thể lọt vào” (đài RFI).
 Vì sao ĐCS và chính quyền Trung Quốc không dám minh bạch? Hơn ai hết người Việt Nam chúng ta hiểu rõ điều này vì chính chúng ta đang phải chịu đựng những gì tương tự.
 Những người Trung Quốc chân chính như luật sư Lưu Hiểu Ba, luật sư Trần Quang Thành, hoạ sĩ Ngải Vị Vị, … đã nhiều lần lên tiếng phản kháng. Một đất nước bất ổn đến nỗi ngân sách chi cho ngành an ninh nhiều hơn cả cho quốc phòng, ngành an ninh lấn át ngành tư pháp. Sự công bằng làm sao có được khi hệ thống tư pháp khép kín. Nhiều phiên toà tiếng là xét xử công khai nhưng người dân và nhà báo bị ngăn cản tham dự. Do thiếu thông tin chân thực nên mới có nhiều đồn đoán,  ví dụ có tin đồn trong phiên toà xử bà Cốc Khai Lai mới đây, người phụ nữ đứng trước vành móng ngựa là một người được thuê để đóng thế cho can phạm? Hầu hết các bản án ở Trung Quốc đều được phán quyết trong các cuộc họp kín trước ngày mở phiên toà (án bỏ túi, án Kănguru). Khi công lý bị chà đạp thì tất yếu có đấu tranh, nhà nước thối nát tất bị lật đổ. Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình (Tập cận …Đào) không thể dương dương tự đắc mà đe doạ thế giới.
 Với Việt Nam, mới vài chục năm nay thôi, Trung Quốc đã đánh, đã cưỡng chiếm, đã liên tục đe doạ, phá hoại. Họ chưa thoả mãn dục vọng đen tối tham lam nên họ sẽ tiếp tục đe doạ, phá hoại, lừa gạt và đánh và chiếm!
 Chẳng lẽ chúng ta, với lịch sử bất khuất bốn ngàn năm, giờ đây lại hèn nhát?
 Không, nhân dân ta chắc chắn không hèn nhát!
 Quân đội ta chắc chắn không hèn nhát!
 Thế còn những người lãnh đạo của chúng ta thì sao? Trong thâm tâm thì tôi nghĩ các vị ấy cũng không hèn nhát. Bởi vì hầu hết các vị lãnh đạo hiện nay thời trai trẻ đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Nhưng trước những hành động đe doạ xâm lược ngang ngược của Trung Quốc, các vị đã không thể hiện rõ ràng, dứt khoát quan điểm của mình. Vì thế nhân dân không hiểu được các vị đang nghĩ gì, đã làm những gì, có vì đất nước, vì dân tộc, vì nhân dân, vì con cháu không? Hay là vì ai, cho ai?
 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói rằng hiện nay là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Ông bạn thân của tôi từ Hà Nội nhắn tin: “7h 30 VTV3 chiếu phim Thần thám Địch Nhân Kiệt,  hay! Xem cảnh triều đình Trung Quốc lúc bấy giờ có những nét giống như đang diễn ra ở ta bây giờ vậy”. Chao ôi! thế thì nguy quá rồi!
 ĐCS Việt Nam đang thực hiện nghị quyết TW4 (khoá XI). Tôi nghĩ rằng cùng với việc phê và tự phê bình về sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cùng với việc tìm ra những nhóm lợi ích để loại trừ, cùng với việc thay thế những người không đủ đức tài trong những cương vị lãnh đạo, các vị cần kiểm điểm sâu sắc xem những chủ trương nào, những tổ chức nào, những cá nhân nào đã để cho Trung Quốc xâm nhập quá sâu vào mọi lĩnh vực, kìm kẹp không cho đất nước ta phát triển, làm cho ta phụ thuộc vào họ, phải quay trên quỹ đạo của họ, biến đất nước ta thành sân sau của họ. Chỉ khi nào nhận thức ra điều này thì mới hy vọng có cơ hội “thoát ra khỏi Trung Quốc”.
 Tôi công nhận rằng có những người Việt Nam run sợ trước Trung Quốc. Nhiều người chỉ biết thông tin một chiều, nhiều nguời vì những lợi ích trong làm ăn với Trung Quốc, cũng có người do nhu nhược, ươn hèn hay như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “cõng rắn cắn gà nhà”.
 Trên truyền thông lại có những bài viết đề cập đến việc Mỹ và Trung Quốc phân chia thế giới để khống chế, thực chất là cai trị. Nếu điều đó có thật thì Việt Nam, với vi trí ở sát nách Trung Quốc thì sẽ bị đại Hán cai trị chứ gì?
Có người lại cho rằng Việt Nam cần “thân Mỹ” để Mỹ cứu giúp nếu bị Trung Quốc đánh. Nhưng cũng có người nói Trung Quốc đang là chủ nợ cả ngàn tỷ đô la của Mỹ, lợi ích của Mỹ ở Trung Quốc lớn hơn với Việt Nam nhiều, nên Mỹ thực dụng sẽ không hy sinh quyền lợi với Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam?
 Tóm lại chưa biết ai đúng, ai sai, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào?
 Đúng đắn nhất là ta phải tự lo, tự gánh vác vận mệnh dân tộc, tự mình cứu mình.
 Lịch sử cho thấy có con đường tồn tại và phát triển cho những nước nhỏ ở cạnh nước lớn, cạnh nước hiếu chiến. Thuỵ Sỹ vẫn tồn tại bên cạnh Đức Hitle là một bằng chứng. Thậm chí Hitle còn phải mang tiền nhờ ngân hàng Thuỵ Sỹ giữ hộ.
 Nước nhỏ vẫn được các nước lớn nể trọng khi họ đủ mạnh và có tư cách, tức là biết tự trọng, không hèn nhát. Nói như Đạt lai Lạt ma là “cứng cỏi”. Nước Mỹ mạnh thế, giàu thế mà cũng vui mừng tưng bừng khi được nước Thuỵ Điển nhỏ bé tặng cho những giải Nobel, lấy làm vinh dự lắm trước nhân loại.
 Còn làm thế nào để Việt Nam tồn tại và phát triển bên cạnh nước Trung Quốc tham lam thì nhiều chính khách, nhiều học giả sáng suốt, tài ba đã chỉ ra. Tôi không dám lạm bàn.
 Bạn Trung Quốc thân mến, nhân ngày Quốc khánh nước bạn (01.10) hãy để tôi nói thật điều này:
 Đó là không gì nham hiểm bằng cái gọi là “tình hữu nghị Trung – Việt”. Đáp lại, không gì giả dối bằng cái gọi là “tình hữu nghị Việt – Trung”!
 Hãy sống chân thật với nhau bạn ơi!
 Hán và Việt là hai giống người khác nhau. Này nhé, người Hán cao to hơn, da trắng hơn, mắt một mí ti hí. Còn người Việt nhỏ bé hơn, màu da sậm hơn, mắt hai mí mở to.
 Dù khác nhau về hình thức như thế nhưng hãy giống nhau ở chỗ cùng yêu chuộng hoà bình.
 Mong bạn yêu chuộng hoà bình, trọng lẽ phải, thượng tôn công lý quốc tế. Chứ chưa mong bạn yêu thương chúng tôi.
 Nhiệt liệt chào mừng Quốc khánh nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa! Bao giờ tôi mới có thể nói câu ấy một cách thật lòng nhỉ?
 Sài Gòn, ngày 30 tháng 9 năm 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét