Pages

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Thống đốc và thị trường vàng: “Tôi nhận trách nhiệm!”


Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm về những hạn chế trong quản lý thị trường vàng…
Thống đốc cho biết, theo đánh giá chưa đầy đủ thì nền kinh tế có 300 – 400 tấn vàng, tương đương 15 đến 20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng
Được mời làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về thị trường vàng tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31/10, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về những hạn chế trong quản lý ở lĩnh vực này.
Cụ thể hơn, ông Bình nói, Ngân hàng Nhà nước đã không làm tốt việc tuyên truyền phổ biến chính sách trong quản lý thị trường vàng, nên có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây bất ổn trên thị trường.

Thống đốc cho biết, theo đánh giá chưa đầy đủ thì nền kinh tế có 300 – 400 tấn vàng, tương đương 15 đến 20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng.
Thực hiện đề án chống “vàng hóa”, Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng, trong đó có Nghị định 24 và đã có kết quả ban đầu. Từ tháng 5/2012 trở lại đây giá vàng bên ngoài và trong nước chênh nhau khá lớn, nhưng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá hoàn toàn ổn định. Ngay lúc Quốc hội đang họp, giá vàng cao hơn thế giới 3 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn hạ.
Như vậy, mục tiêu ban đầu đã đạt kết quả rất có ý nghĩa quyết định, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã được chặn đứng, từ tháng 5 đến nay, ngân hàng đã mua lại 60 tấn vàng và mua 10 tỷ USD từ đầu năm đến nay để tăng thanh khoản và góp phần giảm lãi suất, ông Bình cho biết.
Tuy nhiên, Thống đốc Bình thêm một lần xin nhận khuyết điểm về những bất cập trong quản lý thị trường vàng, liên quan đến quan ngại về sự độc quyền vàng miếng SJC.
Ông cho biết, từ 25/5, kể cả SJC cũng đã chấm dứt dập vàng miếng, chỉ có Ngân hàng Nhà nước thực hiện độc quyền nhà nước dập vàng miếng và chọn SJC làm mác độc quyền. Các loại vàng miếng đã được cấp phép được phép lưu hành bình thường.
Thống đốc cũng nhấn mạnh là không bắt buộc chuyển đổi từ vàng miếng này sang vàng miếng khác, tuy nhiên do việc tuyên truyền chưa tốt nên còn có cách hiểu khác nhau dẫn đến lo lắng về vấn đề này. Ông xin nhận trách nhiệm, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng thương hiệu khác sang vàng SJC.
Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho biết là từ tháng 4/2012 đến nay đã có 36 nghìn tỷ đồng được khoanh nợ, giãn nợ.
Nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng quan trọng của hàng tồn kho trong giải quyết nợ xấu, Thống đốc cũng nhẩm tính sơ bộ, nếu tỷ lệ 20% hàng tồn kho hiện nay là của tổng hàng hóa sản xuất ra thì khi giải quyết hàng tồn kho là xử lý được 4% nợ xấu ngân hàng.
“Ngành ngân hàng phấn đấu hết mức, đến cuối năm nay nếu ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không cho chia cổ tức”, Thống đốc Bình khẳng định với hy vọng nợ xấu sẽ được xử lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét