Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Trung Quốc sẽ chọn đối thoại hay đấu súng?


Ngoài những đường chồng lấn trên bản đồ, tình thế đối đầu đã xuất hiện tại các khu vực tranh chấp lãnh thổ Biển Đông. 

Tranh chấp đang ngả theo hướng trở thành điểm nóng quân sự và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn khu vực xoay quanh những toan tính an ninh năng lượng phức tạp trong tham vọng dài hạn là đóng một vai trò lớn hơn trong địa chính trị khu vực của Trung Quốc.

Tiềm năng dầu khí tại Biển Đông

Để đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề an ninh năng lượng, có lẽ nên nhìn vào khu vực qua lăng kính của những toan tính về năng lượng. Theo Thống kê của BP, năm 2011, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ chiếm 2,5% trữ lượng dầu được kiểm chứng trên toàn thế giới, nhưng chiếm tới trên 1/3 lượng tiêu thụ. Về khí tự nhiên, châu Á - Thái Bình Dương đóng góp 8% trữ lượng đã được kiểm chứng trên toàn thế giới và 18% tổng tiêu thụ toàn cầu.

Châu Á - Thái Bình Dương là khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% tổng mức tiêu thụ. Kể từ năm 2001, sức tiêu thụ dầu và khí gas của khu vực tăng hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng tiêu dùng năng lượng trên thế giới. BP dự báo, lượng tiêu thụ của châu Á - Thái Bình Dương sẽ còn tiếp tục duy trì cao hơn gấp đôi tốc độ gia tăng tiêu thụ năng lượng toàn thế giới cho tới năm 2030. Trung Quốc là một trong những nhân tố chính đóng góp vào sự gia tăng này.

Rủi ro kinh tế đang tăng lên. Khi châu Á ngày càng khát dầu và khí tự nhiên. Do vậy, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định sẽ có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định. An ninh năng lượng đòi hỏi giảm phụ thuộc vào nguồn cung ở những nơi xa xôi và hay rối loạn trong các xung đột. Do vậy, yếu tố địa chính trị được quan tâm hàng đầu.

Dưới đáy Biển Đông được cho là có một trữ lượng dầu khí tương đối lớn. Trữ lượng ước tính dao động từ 28 tỷ thùng cho tới 213 tỷ thùng; nếu đúng là con số 213 tỷ thùng thì điều này sẽ đưa Biển Đông lên vị trí thứ ba trong số các khu vực có trữ lượng dầu được kiểm chứng lớn nhất. Khoảng 50% cơ hội vùng biển này có 3,8 nghìn tỷ m3 khí gas, tương đương khoảng ¼ trữ lượng khí tự nhiên được kiểm chứng của khu cả châu Á - Thái Bình Dương. Biển Đông cũng là tuyến lưu chuyển dầu khí quan trọng trong khu vực. Giá trị kim ngạch thương mại ước tính khoảng 5 nghìn tỷ USD.





Trung Quốc: Đối thoại hay đối đầu?

Do những toan tính lợi ích kinh tế, nên việc Trung Quốc mong muốn thực thi mở rộng tầm ảnh hưởng là điều dễ hiểu. Biển Đông có thể được coi là cứu cánh cho nước này khi mà cơn khát năng lượng đang nàng càng lớn. Hàng năm, Trung Quốc đang phải nhập khẩu ròng dầu khí. Do đó Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội triển khai quyền lực ra khu vực. Khối lượng dầu khí dưới đáy Biển Đông cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và Philippine, hai nước cũng nhập khẩu ròng dầu khí, trong khi Brunei và Malaysia là những nước xuất khẩu ròng.

Giai đoạn hiện nay chính là cơ hội để Trung Quốc triển khai sự lãnh đạo chiến lược và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như ra thế giới. Nhưng một thái độ cẩu thả và sẵn sàng gây khiêu khích ở thời điểm quan trọng này có thể làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Trung Quốc không chỉ với các nước trong khu vực mà còn cả với các đối thủ địa chính trị toàn cầu. Để trỗi dậy là một thành viên có trách nhiệm trong phạm vi toàn cầu, Trung Quốc cần phải lựa chọn giữa đối thoại hay đấu súng.

Triển vọng đạt được một giải pháp mang tính tập thể cho vấn đề, có thể dưới sự trung gian của ASEAN, có vẻ rất mờ nhạt, thể hiện ở sự bế tắc chưa từng có giữa các nước thành viên. Việc không thể thông qua bản thông cáo chung lần đầu tiên trong 45 năm qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng không phải là điều quá bất ngờ khi khả năng đạt được một sự đồng thuận trên thực tế cho vấn đề Biển Đông còn rất hạn chế. Tuyên bố duy nhất được đưa ra, Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, lại dẫn chiếu rõ ràng hai lần tới Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Một điểm mà Trung Quốc phản đối không áp dụng cho tình huống hiện nay là nó liên quan đến chủ quyền lịch sử.

Do vậy, dễ hiểu khi Trung Quốc ưu tiên đàm phán song phương hơn là xây dựng sự đồng thuận đa phương, khi nước này có sức nặng đàm phán lớn hơn với từng quốc gia nhỏ lẻ, nhờ vào vị thế kinh tế vượt trội. Việc các cuộc đàm phán song phương có nhằm đạt được các hiệp ước đa phương hay không vẫn là điều phải bàn cãi. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng ngoại giao song phương để giành sự ủng hộ của các quốc gia nhỏ hơn không tranh chấp, kết hợp với thể hiện những sự khiêu khích nhỏ.

Việc Trung Quốc cảm nhận thời điểm leo thang vấn đề, trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử tại Mỹ, đã mở đường cho "những kẻ cơ hội". Tuy nhiên, Trung Quốc phải cân nhắc cuộc chuyển giao lãnh đạo cấp cao sắp diễn ra ở trong nước, nơi những lợi ích nhóm riêng sẽ trỗi dậy. Một động thái hiếu chiến với khối ASEAN có thể làm trầm trọng thêm vấn đề, khi đẩy các nước nhỏ hơn vào vòng tay của Mỹ. Hậu quả, Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa chấp nhận, hay thể hiện lập trường cứng rắn. Thiệt hại sẽ rất lớn nếu đụng độ dẫn tới một cuộc đối đầu toàn diện.

Mỹ: Quan sát thận trọng

Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công khai nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là một ảnh hưởng địa chính trị cần được tính đến, bên cạnh sự trỗi dậy như một cường quốc kinh tế. Quyết định "xoay trục" chiến lược về châu Á của Mỹ thể hiện những quan ngại trong việc quản lý sự trỗi dậy quá nhanh chóng của Trung Quốc trong cuộc đối đầu quyền lực toàn cầu. Washington đang đứng trước nhiều câu hỏi cấp bách là nên xuống thang hay leo thang khi cuộc bầu cử đang tới gần. Cuộc tranh luận cô lập hay can thiệp từ thời Franklin D. Roosevelt lại nổi lên với "những vấn đề phương Đông" - Israel-Iran, Syria ở Trung Đông và Biển Đông ở Viễn Đông. Dường như Mỹ đang cảm thấy có trách nhiệm can thiệp vào trên cơ sở để bảo vệ lợi ích của mình, không chỉ về mặt thương mại mà cả về địa chính trị, trong khu vực.

Sau khi đóng một vai trò quan trọng trên phạm vi toàn cầu trong gần nửa thế kỷ, Mỹ sẽ thận trọng hơn với những hành động có thể đánh mất sự kiểm soát cho đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc. Sự can thiệp của Mỹ có thể có khả năng gây nguy hiểm cho mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mà mức độ căng thẳng nào đó đang tồn tại dưới lớp vỏ hài hòa, đe dọa dẫn tới sự rạn nứt "đại hồng thủy". Có rất nhiều bất đồng từ cả hai bên, với Trung Quốc nghi ngờ Mỹ cố tình gây cản trở sự vươn lên về quân sự và kinh tế của mình.

Hậu quả, sự tiếp tục chính sách bên miệng hố chiến tranh quân sự của Trung Quốc sẽ là trao lợi thế cho phía Mỹ. Điều này sẽ tạo cho Mỹ cái cớ để triển khai theo ý mình trong tình huống này, đứng về phía các quốc gia nhỏ hơn trong khối ASEAN. Nếu Trung Quốc thể hiện lập trường hài hòa với các nước láng giềng, Mỹ sẽ rất khó tham gia về mặt ngoại giao. Mặc dù tính chất chính trị bầu cử ở trong nước, Mỹ sẽ vẫn đảm nhận tốt vai trò của người quan sát thận trọng trong cuộc xung đột, và để cho các bên liên quan trong khu vực đi đến một giải pháp hòa bình.

Việt Nam và Philippine: Lựa chọn nào?

Trong lời cáo buộc mạnh mẽ sau khi không thể đưa ra thông cáo chung, Philippine đã nhắc đến Trung Quốc là "láng giềng phương Bắc" và thẳng thắn nêu ra nhu cầu cần phải giải quyết đa phương hơn là thảo luận song phương. Những hành động ăn miếng trả miếng giữa các bên càng làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn. Các nước nhỏ hơn rõ ràng có lý do để lo ngại về sự chuyển dịch cán cân quyền lực trong khu vực. Nỗ lực quốc tế hóa vấn đề đi ngược với nỗ lực khu vực hóa của Trung Quốc. Sự bế tắc này có thể nhanh chóng leo thang hơn nữa nếu không có những cuộc đối thoại tích cực.

Mối quan hệ về thương mại với Trung Quốc đã đặt Việt Nam và Philippine vào thế yếu hơn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong phạm vi kinh tế, quân sự. Theo một số cách, các nước nhỏ có thể tìm sự ủng hộ từ phía Mỹ nếu Trung Quốc vẫn ngoan cố leo thang đối đầu.

Trung Quốc nên góp phần củng cố an ninh khu vực

Cũng trong thời điểm này, rắc rối giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang âm ỉ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Những tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc có nguy cơ đẩy một tranh chấp lãnh thổ nữa giữa hai nước láng giềng vốn không ưa nhau vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Các nhà hoạt động Trung Quốc đã đổ bộ lên các hòn đảo và truyền thông Trung Quốc lập tức nắm bắt lấy những hình ảnh này để thổi bùng tinh thần chủ nghĩa dân tộc. Khi các nhà hoạt động Nhật Bản đáp lại, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản lập tức nổ ra ở khắp Trung Quốc. Vấn đề lãnh thổ có xu hướng dễ dàng làm kích động tâm lý dân tộc chủ nghĩa của dân chúng. Đây sẽ là một vấn đề mà các chính phủ rất cần thận trọng giải quyết nếu nó vượt quá ngưỡng chịu đựng.

Một mặt, Trung Quốc tuyên bố đây là vấn đề chủ quyền, do đó nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của UNCLOS; mặt khác cũng thể hiện sẵn sàng khẳng định các tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc không nên leo thang sức mạnh hải quân và thay vào đó dành sức lực cho các nỗ lực đảm bảo an ninh khu vực. Quyết tâm của Trung Quốc sẽ được chào đón, nếu nó hướng tới đạt được giải pháp đa phương cho vấn đề và không đi quá phạm vi các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Một sự phân phối cân bằng và khai thác chung các nguồn tại nguyên dầu khí dưới đáy biển có lẽ là giải pháp hợp lý nhất cho các bên liên quan trong khu vực. Tuy nhiên, triển vọng giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các bên tuyên bố chủ quyền còn rất mờ nhạt, nếu không nói là đang sa lầy trong bế tắc. Thái độ của các bên đang làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Trong khi đó, sự trung gian hòa giải của Mỹ có thể đồng nghĩa với việc làm sứt mẻ hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm mới trên trường quốc tế.

Đình Ngân 

(Foreign policy journal)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét