Pages

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Trung Quốc tăng tầm ảnh hưởng


Liệu Trung Quốc có trở thành trung tâm mới của thế giới

Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc sẽ họp Đại hội bắt đầu từ ngày 8 tháng tới để chuẩn y một thế hệ lãnh đạo mới của đất nước trong vòng 10 năm tới. 

Và đây là tám nguyên do – con số tám, hay 'bát', là một con số may mắn đối với người Trung Quốc – tại sao mà thế giới cần quan tâm đến những gì diễn ra đằng sau hành lang bí mật của Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

'Làm giàu là vinh quang'


Đã 35 năm kể từ khi cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đưa ra phát biểu nổi tiếng này để báo hiệu Trung Quốc sẽ mở cửa với thế giới và đưa đến một trong những câu chuyện thành công về kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong thời gian đó, nền kinh tế Trung Quốc đã đi từ chỗ nhỏ hơn của Ý một chút trở thành đệ nhị cường quốc của thế giới và hiện giờ đất nước này có khoảng một triệu triệu phú Mỹ kim. Đến lúc thế hệ lãnh đạo mới chuyển giao thế hệ năm 2022, Trung Quốc sẽ thách thức vị trí số một của Hoa Kỳ.

Sự chuyển biến này đã thay đổi cách kinh doanh của thế giới. Lao động giá rẻ của Trung Quốc đã giúp làm mềm giá mọi mặt hàng ở phương Tây từ giẻ lau nhà cho đến điện thoại di động. Đất nước này giờ đây là nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi và có cơ lần đầu tiên trong vòng hai thế kỷ qua sẽ dịch chuyển trọng tâm của châu lục này ra khỏi châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện giờ Trung Quốc cũng là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của khối nợ công của Mỹ – một cây gậy đe dọa, hay là sự đặt cược liều mạng?

Vấn đề mấu chốt hiện nay là liệu thế hệ lãnh đạo mới của nước này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như thời gian qua và qua đó giúp phần còn lại của thế giới hồi phục hay không. Phần lớn các phân tích gia phương Tây dự đoán rằng tốc độ này sẽ giảm từ 10% xuống còn 6-7% - một con số vẫn ấn tượng. Tuy nhiên họ cho rằng đất nước này cần cải cách sâu sắc nếu như họ muốn trở thành một quốc gia giàu có thay vì là một quốc gia thu nhập trung bình.
Công nhân dệt ở Trung Quốc
Lao động giá rẻ giúp Trung Quốc trở thành 'công xưởng của thế giới'

Sự tăng trưởng sẽ giúp tạo nên tầng lớp trung lưu đông đảo nhất của thế giới – những người rất háo hức được tận hưởng những tiện nghi như xe hơi hay máy điều hòa bất chấp tác hại đối với môi trường.

Tiệc vui nào cũng tàn

Trung Quốc đang phát triển nhanh quá mức đến nỗi họ hiếm khi dừng lại để cân nhắc cái giá môi trường mà họ phải trả.

Hậu quả thật đáng cảnh tỉnh. Tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt và sự bùng nổ xây dựng đã đưa Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới trong năm 2007. Bảy trong số những thành phố ô nhiễm nhiều nhất thế giới là ở Trung Quốc. Mỗi năm tình trạng ô nhiễm khiến cho từ 500.000 đến 750.000 người chết sớm.

Thiệt hại này không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Trung Quốc. Ô nhiễm thủy ngân và ô nhiễm chì theo không khí lan ra các nước lân cận và thậm chí vượt Thái Bình Dương đến tận Bờ Tây của Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như là đang quyết tâm dọn dẹp những hậu quả tai hại nhất nhưng quy mô công việc khiến chúng ta phải giật mình.

“Nếu chúng ta nhìn vào quy mô của nền kinh tế và dân số Trung Quốc, chỉ hai yếu tố này thôi cũng đủ cho chúng ta thấy sự phức tạp của vấn đề như thế nào,” chuyên gia Edgar Cua ở Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết.
Múa rồng
Thế giới ngày càng quan tâm đến văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc

Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ nắm vị trí trung tâm trong bất cứ thỏa thuận nào về biến đổi khí hậu nào trong tương lai. Họ đã từ chối đặt ra giới hạn lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà chỉ muốn cắt giảm ‘mật độ carbon’ – lượng khí carbon thải trên mỗi đơn vị sản lượng kinh tế – ở mức từ 40 đến 45% vào năm 2020. Nhưng với nền kinh tế phát triển quá nóng như thế và với việc nước này dựa vào than đá đến 70% nhu cầu năng lượng thì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng lên 60% từ mức hiện nay, ngay cả khi họ đạt được mục tiêu ‘mật độ carbon’.

Dạy bọn trẻ tiếng Quan thoại

Đã từ lâu Trung Quốc đã làm phương Tây mê hoặc, và sự vươn lên của nước này như là một cường quốc kinh tế càng làm thế giới thêm quan tâm đến văn hóa và ngôn ngữ của họ.

Ba chục năm trước đây, phương Tây chỉ biết đến những lãnh đạo rất kín kẽ của Trung Quốc. Nhưng giờ đây những cái tên như nữ tài tử Chương Tử Di, cầu thủ bóng rổ Diêu Minh và nghệ sỹ Trương Tiểu Cương là những tên tuổi toàn cầu.

Trong khi đó các trường học trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ đang mở các lớp dạy tiếng Quan thoại cho trẻ em từ 6 tuổi. Hồi Olympics London, xe buýt ở đây còn được vẽ các mẫu quảng cáo bằng Hán tự.

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách nắm bắt được nhu cầu này. Họ đã lập ra hàng trăm Viện Khổng Tử trên khắp thế giới mà mục đích thấy rõ nhất là dạy tiếng Hoa nhưng đồng thời cũng thể hiện quyền lực mềm của họ.

Số lượng người nói tiếng Hoa đang tăng lên nhanh chóng, nhất là ở châu Á, nhưng liệu ngôn ngữ này có khả năng thách thức tiếng Anh như là một ngôn ngữ toàn cầu? Trước mắt sẽ không có chuyện này, nhiều chuyên gia phân tích, với lý do là âm điệu chói tai và chữ viết ngoằn ngoèo mà phải mất nhiều năm mới học hết.

Duy trì hòa bình

Một bức họa của họa sỹ Trung Quốc
Người giàu có Trung Quốc sẵn sàng chi tiền để tận hưởng cuộc sống

Trung Quốc là quốc gia đưa ra thuật ngữ ‘trỗi dậy hòa bình’ để trấn an các nước láng giềng đang lo lắng rằng quyền lực kinh tế mà họ mới đạt được sẽ không biến họ trở thành kẻ bắt nạt trong khu vực.

Tuy nhiên những tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, và căng thẳng âm ỉ với Hoa Kỳ, đôi khi khiến cho những ngôn từ này trở thành sáo rỗng.

Giải phóng quân Trung Quốc là đội quân lớn nhất trên thế giới với quân số ba triệu người và ngân sách quốc phòng chính thức của họ đang tăng nhanh chóng. Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ vừa mới được đưa vào hoạt động và quốc gia này cũng được tin là đang đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ tàng hình, chiến tranh mạng và an ninh mạng.

Theo lập luận của Trung Quốc thì đây là sự phát triển bình thường của một quốc gia có tầm vóc và tầm ảnh hưởng như họ và không hề là dấu hiệu cho thấy họ đã thay đổi lập trường.

“Mỗi quốc gia cần phải bảo vệ các lợi ích an ninh và lãnh thổ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải trở nên hung hăng. Bằng cách đó anh có thể khiến bạn bè của anh xa lánh,” ông Ngô Kiến Dân, cựu đại sứ tại Pháp, nói.

Nhưng vấn đề thật sự là làm sao các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ quyết định chính sách đối với Mỹ. Họ trẻ trung hơn và có nhiều kinh nghiệm về thế giới bên ngoài hơn thế hệ trước, cho nên liệu họ có thể gạt qua một bên sự nghi kỵ thâm căn cố đế giữa quân đội hai nước? Lịch sử cho thấy xung đột không thể tránh khỏi giữa một siêu cường và một đối thủ đang lên sẽ dẫn đến căng thẳng nhiều hơn là hòa giải.

Người tiếp theo lên Mặt Trăng sẽ đến từ Trung Quốc?

Lễ ra mắt tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Sự đầu tư vào quân sự của Bắc Kinh làm nhiều nước láng giềng lo ngại

Đảng Cộng sản Trung Quốc phác họa thế kỷ trước khi họ lên cầm quyền vào năm 1949 là thời kỳ nhục nhã của đất nước trong tay phương Tây. Do đó chương trình không gian thành công của họ được ca tụng như là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã giành lại chỗ đứng trên trường quốc tế.

Nhưng cái giá khổng lồ cũng là chủ đề gây tranh cãi bởi vì 150 triệu người dân Trung Quốc vẫn sống với mức thu nhập từ 1 đô la một ngày trở xuống.

Đã từng đưa phi thuyền không người lái vào quỹ đạo Mặt Trăng, Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ đưa tàu thăm dò đầu tiên lên hành tinh này vào năm 2013. Họ cũng cho biết về kế hoạch sơ khởi đưa người lên Mặt Trăng mặc dù chưa nói ngày tháng cụ thể.

Nếu mọi việc tiến triển, thì hình ảnh truyền hình phát vào mỗi hộ gia đình trên thế giới sẽ cho thấy sự thách thức của Trung Quốc với vai trò cường quốc không gian thống lĩnh thế giới của Hoa Kỳ.

Chẳng còn con vật gì cả

Tầng lớp mới giàu của Trung Quốc bị xem là nguyên nhân của tình trạng săn bắt trộm các động vật trong diện tối nguy để làm thuốc tráng dương, làm cảnh trong nhà hay đơn giản là để nấu súp.

Hàng ngàn con voi bị hạ sát mỗi năm ở châu Phi để lấy ngà và chính quyền Trung Quốc bị chỉ trích là không kiểm soát đúng mức tình trạng mua bán ngà voi ở đất nước họ.

Vấn đề là cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo thì cũng tạo ra bấy nhiêu những người tiêu dùng vô độ.
Một thành phố Trung Quốc
Các thành phố Trung Quốc đang có tốc độ xây dựng chóng mặt

Hãy nhìn vào tình hình tiêu thụ thịt lợn chúng ta sẽ thấy. Người dân Trung Quốc hiện nay tiêu thụ lượng thịt heo nhiều gấp năm lần so với năm 1979. Hiện nay, nông dân Trung Quốc đang chăn nuôi 460 triệu con lợn, chiếm phân nửa của thế giới.

Nhưng để có thực phẩm nuôi đàn lợn này là điều không thể ở Trung Quốc vì thiếu đất canh tác. Do đó nông dân nước này phải nhập khẩu đến 60% lượng đậu tương xuất khẩu của thế giới làm đẩy giá mặt hàng này lên cao trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra cũng phát sinh những lo ngại về những tác động môi trường của ngành chăn nuôi.

Sức ép sẽ càng dữ dội trong tương lai khi Trung Quốc phải làm sao nuôi số dân chiếm đến 21% dân số thế giới trong khi chỉ chiếm có 9% diện tích đất canh tác toàn cầu. Một số chuyên gia tin rằng rồi chúng ta sẽ phải làm quen với giá lương thực tăng cao cũng như việc nông dân Trung Quốc sẽ mua ngày càng nhiều đất đai ở nước ngoài.

Chu du còn hơn đọc vạn quyển

Chỉ mới năm 1995, việc xin hộ chiếu để có thể ra nước ngoài ở Trung Quốc là cả một quá trình thử thách lòng kiên trì kéo dài đến sáu tháng. Hầu hết những người có nhu cầu đi nước ngoài lúc đó toàn là quan chức.

Giờ đây chỉ cần vài ngày là xong, và hàng triệu người Trung Quốc đang tận dụng chính sách cởi mở của chính phủ của họ để đi du lịch và du học nước ngoài.

Du khách Trung Quốc giờ đây nằm trong số những người tiêu tiền hạng ba trên thế giới, chỉ sau du khách Đức và Mỹ. Trong năm 2011, 70 triệu người Trung Quốc đã ra nước ngoài so với chỉ 4,5 triệu vào năm 1995. Phần đông trong số này chỉ đi những nơi lân cận như Hong Kong, Macau và Thái Lan. Nhưng ngày càng nhiều người bỏ tiền đi chơi xa hơn như Mỹ và Pháp, hay thậm chí những nơi ít người nghĩ đến như Trier, sinh quán của Karl Marx.

Hàng năm khoảng 300.000 sinh viên Trung Quốc cũng đi ra nước ngoài du học, nhất là đến Mỹ và Úc. Họ muốn có cái tiếng là du học để dễ dàng có công việc tốt khi quay trở lại quê nhà. Một số sinh viên còn xem đây là cách để né kỳ thi tuyển sinh mệt mỏi và các trường đại học Trung Quốc.

Mua cả thế giới

Người lao động Trung Quốc
Đại bộ phận người dân Trung Quốc vẫn nghèo khổ

Lượng của cải được tạo ra ở Trung Quốc ngày càng đi ra khắp thế giới.
Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đẩy giá của một số mặt hàng như đồng – vốn cần ở các thành phố đang phát triển nhanh chóng hoặc các công trình cơ sở hạ tầng. Nhu cầu từ Trung Quốc cũng đã giúp các nhãn hàng xa xỉ của châu Âu như Louis Vuitton và Hermes lấy lại sinh khí. Các mặt hàng của các hãng này là không thể thiếu trong nền văn hóa quà cáp và coi trọng địa vị ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang thay đổi diện mạo của thị trường rượu vang xa xỉ – giờ đây họ mua nhiều rượu Bordeaux hơn cả Đức.

Có lẽ tác động đặc biệt nhất, một số người có thể cho là ‘bong bóng’, là đối với hội họa Trung Quốc. Ba trong số 10 bức họa đắt tiền nhất được bán trong năm 2011 là của các họa sỹ Trung Quốc, trong đó có bức đắt nhất trị giá 57,2 triệu Mỹ kim của họa sỹ Tề Bạch Thạch.

Giai đoạn kế tiếp có thể chứng kiến các đại gia công nghiệp Trung Quốc bắt đầu vươn ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới và khả năng mới.

Điều này có thể dẫn đến tranh cãi vì đa phần các công ty này đều thuộc quyền quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong những lĩnh vực như năng lượng và viễn thông sự vươn ra của Trung Quốc có thể dẫn đến các tranh cãi thương mại với phương Tây.

Angus Foster 
BBC News, Bắc Kinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét