Pages

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Trung ương Đảng thôi họp để tính tiếp



GS Nguyễn Phú Trọng thể hiện uy thế lãnh đạo tại Hội nghị
Sau hai tuần họp kín, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6, công bố sự thắng lợi của tinh thần 'tập thể đóng cửa bảo nhau' trong vụ đề nghị nhưng không kỷ luật 'một ủy viên Bộ Chính trị'.
Nhưng dù đã nâng cao uy tín của chính mình qua kỳ họp gay go, Giáo sư Trọng chưa tạo ra đột phá hay chỉ ra được hướng đi lớn cho các vấn đề trọng đại hơn của đất nước.

Năm điều đã đạt


Chỉ riêng đây cũng đã là một thành công: thành công của sự trở lại bình thường vì trừ Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, việc họp kín dài ngày không phải là thông lệ của chính trị trong khối Asean mà Việt Nam là thành viên cũng đã lâu.
1. Dư luận hẳn thở phào sau khi chờ đợi hai tuần họp kín, Trung ương Đảng cầm quyền tại Việt Nam cuối cùng cũng đã ra được thông cáo bế mạc và bài diễn văn của TBT Nguyễn Phú Trọng được truyền hình cho toàn dân xem.
Điểm nhấn của thành công này là lời ‘thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân’ vì những sai lầm nghiêm trọng làm kinh tế ảm đạm, doanh nghiệp lao đao, nồi cơm của hàng triệu người bị bể chỉ trong vài năm qua.
Rõ ràng là Giáo sư Trọng phải là người có dũng khí, bản lĩnh chính trị cao và làm chủ hoàn toàn nghị trình của Hội nghị 6 mới cho ra được lời xin lỗi đó.
"Bộ Chính trị cũng đã gợi ý kiểm điểm sâu hơn về một số nội dung đối với 56 tập thể và một số cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị quản lý"
Vận hành giữa các hạn chế của bộ máy nhưng TBT Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ là nhà lãnh đạo khôn khéo và nhất quán hơn hẳn hai ba đời tổng bí thư trước và đây là điều đáng mừng cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Điều thứ nhì thể hiện quyết tâm xử lý các vụ việc trong ngành ngân hàng gây chấn động cả nước thời gian qua là việc nêu đích danh các nhân vật từ Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Dương Chí Dũng...trong thông báo của Trung ương, điều ít xảy ra từ trước tới nay trong các văn kiện, văn bản của Đảng Cộng sản khi nói về các vụ án cao cấp.
3. Với câu “điều chỉnh hành vi của gia đình, vợ con và người thân”, Hội nghị cũng gián tiếp xác nhận nạn bè phái, bảo kê chính trị, con ông cháu cha không chỉ còn là một thông lệ xã hội mà đã trở nên tệ nạn mang tính lũng đoạn kinh tế và chính trị Việt Nam ở mức cao nhất, tức là trong chính các Ủy viên Trung ương Đảng.
4. Về công tác cán bộ, điều đạt được là nêu ra một loạt chuẩn về quy hoạch nhân sự mới, ‘mỗi chức danh có thể quy hoạch vài ba người, một người có thể quy hoạch vào bài ba chức danh” và đạt ra ba độ tuổi để đảm bảo tính liên tục cho nhân sự Ban Chấp hành Trung ương.
Hình từ một kỳ họp khác: Đảng đang rút ra bài học nhân sự
Hiện nay chưa rõ điều này sẽ có tác động thế nào đến sự cải thiện chất lượng cán bộ cho bộ máy và thậm chí có làm tăng con số vụ chạy chức chạy quyền hay không, nhưng về mặt nội bộ, ít ra ngôn ngữ của Hội nghị cho thấy một sự linh hoạt hơn, thậm chí dân chủ nội bộ được nới rộng ít nhiều.
5. Điều đạt được nữa, ít ra là trên lý thuyết, chính là việc xác nhận công khai ý tưởng đã được nói đến từ lâu rằng các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty của nhà nước phải được cấu trúc lại theo mô hình công ty mẹ – công ty con và chúng phải được kiểm toán hàng năm.
Con số các doanh nghiệp nhà nước cũng được giảm từ 5.374 xuống còn 1.060 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Năm điều chưa xong

Nhưng căn cứ vào những gì được nêu ra cuối ngày 15/10 tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương còn khá nhiều điều chưa đạt.
1. Thứ nhất là dù họp nội bộ căng thẳng, Đảng vẫn phải nêu ra ‘các thế lực thù địch, phá hoại’ làm lý do để nêu cao ‘tình đồng chí’ trong vụ đề nghị xử lý kỷ luật nội bộ đã nêu chức danh, chỉ thiếu nêu tên của một ủy viên Bộ Chính trị.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua, chưa có thế lực bên ngoài nào phá hoại tới mức làm sụt cả tăng trưởng kinh tế hoặc gây ra các vấn đề chính thông báo nêu ra, từ khủng hoảng ngân hàng, nợ xấu, tai nạn giao thông đến tệ nạn xã hội.
Những thông tin công kích cá nhân lãnh đạo thời gian qua cũng xuất phát từ nội bộ, không phải từ đài báo nước ngoài hay những tổ chức của người Việt ở hải ngoại vốn phần lớn thiếu tin trong nước.
Quán tính ‘đổ tại’ cho bên ngoài phần nào thể hiện não trạng ít chịu trách nhiệm về chính mình và đây mới chính là điểm khó làm cho Đảng tự cải tổ.
2. Thông báo bế mạc Hội nghị viết, "Bộ Chính trị cũng đã gợi ý kiểm điểm sâu hơn về một số nội dung đối với 56 tập thể và một số cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị quản lý", cho thấy các tin đồn đoán về ‘cuộc chiến cung đình’ là có thực và sẽ còn tiếp diễn.
ṇĐất và nông dân là vấn đê lớn của Đảng cầm quyền
Tuy vậy cú 'hoãn binh' cũng cũng bộc lộ một nỗi quan ngại của chính Đảng về nguy cơ đổ vỡ lớn nếu tự phê làm tới nơi tới chốn.
Nhìn vào các định hướng kinh tế – xã hội, danh sách những điều chưa đạt, có thể vì thiếu thời gian bàn thảo còn dài hơn, hoặc thực ra không có ai có ý chí để thay đổi.
3. Đó là doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn đóng vai trò nòng cốt dù chúng bị cấm ‘đầu tư dàn trải’.
4. Đó là Luật Đất 2003 sẽ được điều chỉnh nhưng về nguyên tắc thì Nhà nước sẽ vẫn toàn quyền quyết định chuyện thu hồi đất của dân cho các công trình quy hoạch.
Dù cách bồi thường có thể điều chỉnh khi cưỡng chế đất của dân nhưng đây sẽ vẫn là điểm nóng kinh tế – xã hội không có hướng giải quyết.
5. Đó là chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục nhưng vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một học thuyết cũ kỹ, mơ hồ và không phù hợp với hội nhập quốc tế. Hỗ trợ giáo dục, nhân tài vẫn căn cứ vào tiêu chuẩn giai cấp (xuất thân công nhân, nông dân), hay dân tộc thiểu số thứ không mang tính chuyên nghiệp.
Nhìn chung, trong tinh thần tập thể vượt trên cá nhân, Hội nghị Trung ương 6 đã thể hiện mạnh mẽ hơn sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bị việc nước thách thức.
Nhưng hiện chưa rõ các kết quả và hệ quả của Hội nghị sẽ như điệu nhảy Cha-Cha-Cha, bao nhiêu bước tiến thì cũng từng đấy bước lui, hay là một vũ điệu hoành tráng chứng tỏ năng lực tự điều chỉnh để tiếp tục nắm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét