Pages

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Được hay mất ?



Lê Hoàng - Thế là một lần nữa gần 90 triệu con dân Việt nam lại bị chưng hửng, bị “tẽn tò“. Họ bất ngờ, sửng sốt và ngơ ngác như vừa mới mất cái gì đó rất lớn mà vẫn chưa định thần. Thật hài hước, không có con sâu nào bị bắt! người bị sa bẫy không ai khác lại chính là những người … đi xem “Hội bắt sâu“.
Cho tới trước Hội nghị TW6, và cả trong thời gian Hội nghị, mặc dù không ai “khiến” người dân tham gia vào những sự kiện “quốc gia đại sự“, song với bản năng sinh tồn mách bảo thì việc tò mò, thóc mách, đồn đoán và lo lắng cho số phận của họ sau hội nghị là việc dễ hiểu.  Có thể nói đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quyết định để lấy lại uy tín của đảng Cộng sản vốn đã bị mất lòng tin trầm trọng bởi tình trạng tham nhũng và lũng đoạn nhà nước do sự điều hành của chính phủ mà đứng đầu là TT Nguyễn Tấn Dũng. Mặc dù Hội nghị được đặt tên là “chỉnh đốn đảng“, song ai cũng hiểu rằng đó là một “phiên tòa công lý” mà hy vọng qua phiên tòa này kẻ tham nhũng, phá hoại nền kinh tế sẽ phải bị trừng trị. Niềm hy vọng cuối cùng của dân đối với đảng Cộng sản sau rất nhiều nghi vấn, mơ hồ về trách nhiệm và sứ mạng của đảng đối với dân tộc.

 Tuy nhiên với sự ngây thơ và cả tin sẵn có của người dân trong nền văn hóa lúa nước đang ở “thời kỳ trung cổ” (còn lâu mới tới thời phục hưng, hay thời kỳ ánh sáng….) thì sự chưng hửng, mắc bẫy và thất vọng là điều hiển nhiên. Cuối cùng, chính người dân là nạn nhân.  Mỗi tầng lớp xã hội đều có lý do để … thất vọng, và họ đã bị sa bẫy bởi những lý do sau:
 Tầng lớp thứ nhất: Đấy là số đông chiếm phần lớn trong số gần 90 triệu dân, họ là những nông dân thật thà chất phác, sống “vô tư“. Họ xem Hội nghị TW6 giống như đi xem một “phiên tòa” và hy vọng rồi kết quả sẽ có hậu như những câu chuyện cổ tích quen thuộc; phe chính nghĩa sẽ thắng, kẻ ác ắt phải đền tội…
 Tầng lớp thứ hai: Những người tỉnh táo hơn, từng trải và “văn minh” hơn một chút (phần lớn sống trong các đô thị) thì  nghe ngóng, bàn tán các tin đồn rồi đưa ra dự đoán nhưng (phần lớn) là mang theo mong muốn và định kiến của cá nhân. Họ cho rằng “phiên tòa” mặc dù rất căng thẳng, có thể chưa triệt hạ hết được bọn lưu manh trộm cắp song ít nhất cũng đưa được vài tên sừng sỏ ra trước vành móng ngựa bởi các “Quan Tòa” đang thể hiện quyết tâm rất cao.
 Tầng lớp thứ ba : Những người chót “lỡ bước sang ngang” hay còn gọi là kẻ “theo đóm ăn tàn“  thì trông chờ vào một sự “biết điều” của vị “cái bang“. Họ hy vọng vào sự ăn năn, hối lỗi và day dứt của “bị cáo Cái bang” (tuy không nói nhưng ai cũng biết tên). Họ phỏng đoán “phiên tòa” sẽ chứng kiến sự ăn năn và tự thú của hắn để được khoan hồng… Lớp người này xuất thân chủ yếu từ nông dân và người lao động nên về bản chất không khác mấy với tầng lớp nông dân nhưng được chút ân huệ do cùng băng đảng nên không muốn có sự xáo trộn lớn trong nội bộ, ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của họ.
 Tầng lớp thứ tư: Đây là tầng lớp nhân sĩ trí thức có quan tâm đến các vấn đề xã hội. Những người này đưa ra dự đoán trên cơ sở nghiên cứu và phân tích rất khoa học, logic và biện chứng. Họ làm phép so sánh lực lượng giữa các phe, tìm ra những mâu thuẩn nảy sinh trong quá trình tranh giành quyền lực, đọc vị những xung đột lợi ích giữa các nhóm để nội suy ra một giải pháp thanh toán và triệt hạ lẫn nhau; và kết quả cho thấy lực lượng bên “quan tòa” có vẻ mạnh hơn.
Và thế là cả xã hội bao gồm mọi tầng lớp tuy có khác nhau về nhận thức, trình độ văn hóa, điểm xuất phát và lý do của hy vọng đều đi đến một kết luận khá thống nhất: kẻ phạm pháp cùng đồng bọn chắc chắn bị sa lưới pháp luật. Con sâu chúa sẽ bị bắt cùng với hầu hết lũ sâu sẽ bị sa lưới. Đó là suy đoán, song cũng là ý nguyện chung nhất của xã hội.
Hơn nữa, qua theo dõi bên ngoài cho thấy “vụ án” này là đặc biệt nghiêm trọng nên đã được chuẩn bị rất chu đáo. “Phiên tòa” được huy động một lực lượng đông đảo cảnh sát, có sự tham gia của đầy đủ các thành phần từ Chánh án đến Thẩm phán, đoàn Luật sư … Ngoài ra “phiên tòa” còn được tập hợp đầy đủ nhân chứng, vật chứng, đối chứng rất bài bản, công phu. Họ hy vọng “phiên tòa” sẽ có một kết quả như mong đợi, cho thỏa lòng dân…
 Nhưng họ đã nhầm! Nói cách khác, họ lại một lần nữa là nạn nhân của sự mơ hồ và mất cảnh giác.
 Chỉ có một ít người không hề bị bất ngờ, không bị mắc bẫy. Họ trước hết là những  trí thức giác ngộ, những người đã có bề dày cuộc sống trong xã hội toàn trị và đã từng  bị sa bẫy, hoặc bị trả giá cho sự ngây thơ và tính trung thực. Một số, thậm chí đã từng giữ vai vế trong băng nhóm đó nay đã “hoàn lương“, thì hơn ai hết họ quá rõ bản chất gian manh, thấp hèn và tàn nhẫn của những băng đảng độc tài. Trước hết họ hiểu một nguyên lý rất đơn giản: không thể có một “phiên tòa công lý” trong một xã hội không có công lý. Sự công bằng, công khai và minh bạch chỉ có thể tìm thấy ở một xã hội tự do và dân chủ. Ngược lại một xã hội phi dân chủ, toàn trị được xây dựng trên nền tảng của bạo lực, tồn tại được là do đàn áp và cướp bóc, thì công lý bị trà đạp, sự thật bị đánh tráo là hoàn toàn logic và dễ hiểu.
 Ở xã hội phi dân chủ này, những “bản án bỏ túi” luôn được sản xuất theo đơn đặt hàng rất thô thiển nhưng không hề là “cẩu thả“. Trái lại, sự chuẩn bị vụ án và đặc biệt là phiên tòa xét xử thì luôn được xây dựng theo một kịch bản hết sức chu đáo, kỹ lưỡng và … diễn như thật.
 Nếu chịu khó quan sát thì sẽ thấy “vụ án” này chẳng khác gì vụ án “hai bao cao su” giành cho TS Cù Huy Hà Vũ, và vô vàn vụ án tương tự, rồi gần đây nhất là vụ án xử các nhà báo tự do : Điếu cày, Tạ phong Tần và Phan thanh Hải. Về bản chất nó là một, có khác chỉ là đối tượng bị cáo ở hai phía đối nghịch sẽ cho ra kết quả đối ngược (một bên là đổi trắng thay đen và bên kia là đổi đen thành trắng). Nếu gọi đó là nhảm nhí hay nhâng nháo thì cũng được, bởi nó không tuân theo bất cứ luật lệ nào. Chúng đều vi hiến, đều thách thức dư luận và nhổ thẳng vào mặt dân.
 So với vụ án “hai bao cao su“, vụ này còn đểu cáng hơn ở chỗ: Một vụ án không có tên bị cáo, chỉ có một cụm từ rất chung: “có một đồng chí“. Điều này khác gì cách nói: “có một công dân phạm tội” ? (kể cả những vụ xử vắng mặt hay bị cáo chết rồi thì đều phải có tên tuổi rõ ràng). Thật là chỉ có một, không có hai trong lịch sử. Cuối cùng chỉ có những “tổn thất vô cùng to lớn” cùng với sự vi phạm “đặc biệt nghiêm trọng” về nguyên tắc quản lý, điều hành nền kinh tế (các con số cụ thể không được nêu trong cáo trạng song ai cũng biết là tới hàng triệu tỷ). Số người bị hại tuy không được nói rõ (nhưng ai cũng biết là gần 90 triệu dân) mà tuyệt nhiên không có một nạn nhân nào được tiếp kiến phiên tòa để minh chứng.
 ”Phiên tòa” lên đến cao trào khi viên Chánh án mếu máo xúc động (rớt nước mắt như phim) tỏ thái độ đau xót của cả “phiên tòa” lẫn “bị cáo ẩn danh” . Thật là bi hài kịch!  ông nghẹn ngào: “Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh, đánh giá rất cao sự nghiêm túc, gương mẫu và cầu thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình đợt này cũng như sự quyết tâm, nỗ lực lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4″
 Và kịch tính lên đến tột đỉnh khi ông kết luận ”Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.”
 Thưa ông: còn gì nữa để “thế lực thù địch” xuyên tạc? ông đã đổi đen ra trắng thành công rồi còn gì nữa? và còn ai phá đảng của ông hơn ông nữa? – Thế lực thù địch xin bày tỏ sự biết ơn đối với ông và đồng bọn.
 So với vụ án Vinashin mà tên Phạm Thanh Bình đã phải lãnh án 20 năm tù (cũng vẫn còn nhẹ), thì vụ này, tên “một đồng chí -bị cáo ẩn danh” lẽ ra phải chịu tội 1000 năm tù hay 100 lần tử hình mới tương xứng. Song, cũng như vụ Vinashin, “không có cá nhân nào trong chính phủ có lỗi” tương tự, kết quả vụ này không ai trong BCT bị kỷ luật mà thậm chí còn được tiếng thơm là đã có “sự thành khẩn xin được nhận một hình thức kỷ luật“.
Cuối cùng người mất không ai khác vẫn là gần 90 triệu con dân Việt nam. Sau vụ này họ chẳng còn gì để mất nữa – cái hy vọng cuối cùng đã tan thành hơi khói!
 Họ đã trắng tay. Họ trắng cả niềm tin lẫn sự mong mỏi. Họ mất hết, điều này đồng nghĩa với nỗi sợ hãi cũng mất theo.
 Kết quả hết hiệp 1:
Đảng Cộng sản VN đã được 1: “đổi đen thành trắng” – thành công mỹ mãn.
90 triệu dân Việt Nam đã mất 2: “mất niềm tin, mất cả nỗi sợ hãi” – mất trắng.
 Liệu đây có phải là “bắt đầu” của một sự “kết thúc” không?    Hãy đợi xem!
Lê Hoàng
Melbourne  Oct. 16. 2012
© X-Cafevn 2012

Không có nhận xét nào: