Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Vấn đề phá sản của doanh nghiệp



Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thất bại, mất khả năng chi trả nên đành ngưng hoạt động. Song để tiến hành thủ tục tuyên bố phá sản là không dễ. Các vướng mắc trong quá trình giải quyết bắt đầu từ mặt nhận thức, sau đó nằm ở khả năng thực thi của luật định, các định chế áp dụng…
RFA
Trong tháng 4-2012 đã có gần 50 nghìn doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Năm 2011 có tới 50 ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể. Đến năm nay, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, có hơn 40 ngàn doanh nghiệp đang gặp khó khăn, phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Mặt khác, Tòa Kinh tế TP HCM cho thấy cả năm ngoái chỉ thụ lý 11 vụ phá sản doanh nghiệp. Sang năm sau, số vụ phá sản Tòa thụ lý cũng tăng không đáng kể.

Thiếu nhận thức

Khi nghe đề cập đến nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp ít chọn phương án làm thủ tục phá sản nếu kinh doanh thất bại, chúng tôi được một đại diện doanh nghiệp trong ngành gỗ và lâm sản phía Bắc trả lời như sau:
“Hiện nay tôi đang bận họp một chút. Có thể vui lòng tìm xem Nghị quyết mới của Chính phủ, anh mở ra tìm đọc, trong đó có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Tôi đang bận phát biểu hội nghị.”
Hoặc theo một doanh nghiệp kinh doanh thủy sản ở miền Tây Nam bộ:
“Xin lỗi là đang đi có việc riêng ở ngoài, tôi đang đi dự một đám tang. Ồn quá, tôi không có nghe được gì hết.”
Nhà xưởng của Bianfishco
Cơ xưởng của Bianfishco. tienphong.vn
Ngoài việc từ chối trả lời, các doanh nhân đều không muốn nêu danh tính và tên của doanh nghiệp. Nhìn chung, nhận thức về một doanh nghiệp phá sản vẫn còn nặng nề, phần lớn nghiêng về góc độ là một con nợ mất khả năng chi trả. Việc tiến hành thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp có vẻ là một lãnh vực nhiều cấm kỵ. Vậy lý do nào khiến các doanh nghiệp tỏ ra không hợp tác khi đề cập đến việc này, chúng tôi được TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết như sau:
“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những các nguyên nhân chính gồm có: Về phía Luật Phá sản cũng có những quy định không được sát thực tế lắm; Nguyên nhân thứ hai là sổ sách của các doanh nghiệp không được đầy đủ, không được hoàn chỉnh đúng theo quy định của pháp luật.
Cho nên đến khi làm các thủ tục pháp lý, có doanh nghiệp bị kéo dài thời gian, có doanh nghiệp thì không làm được.”
Thực tế kinh doanh cho thấy, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp ít hay nhiều đều mắc một số sai phạm về mặt pháp luật. Nếu đệ đơn phá sản, tòa sẽ thụ lý và xem xét tất cả các hồ sơ, chứng từ có liên quan. Xem ra, một vụ phá sản thuần túy dân sự có nhiều khả năng trở thành một vụ phá sản hình sự. Vì vậy, nhiều doanh nhân rất e ngại khi phải đệ đơn xin phá sản.

Luật phá sản còn phức tạp

MG_1099-250.jpg
Công trình xây dựng Sàn giao dịch bất động sản Eurowindow tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 11-07-2012. RFA PHOTO.
Ngoài ra, Luật Phá sản của Việt Nam có hướng bảo vệ nhiều cho con nợ thay vì chủ nợ. Chính vì vậy trên quan điểm của các tổ chức tín dụng, để con nợ phá sản thì khả năng thu hồi lại nợ vay cũng không nhiều. Từ thực tế này, chính các tổ chức tín dụng cũng hạn chế sử dụng cơ chế phá sản cho các doanh nghiệp để thu hồi nợ. Về quy trình đăng ký phá sản của doanh nghiệp hiện nay, theo Luật sư Lê Văn Thư thuộc Công ty Luật Hà Sơn, Hà Nội cho biết:
“Giải thể thì đơn giản, còn thủ tục phá sản thì rất phức tạp. Có khi phải kéo dài đến 2 – 3 năm mới xong. Muốn tiến hành thực hiện thủ tục phá sản, công ty luật phải xem hồ sơ doanh nghiệp để giải quyết từng bước. Nợ bao nhiêu, các hợp đồng, sổ sách kế toán ra sao; số liệu thanh quyết toán dao động như thế nào, báo cáo tài chính…
Theo quy định của pháp luật, vấn đề phá sản rất chi là khó. Chỉ có thể tham khảo và không thể thực hiện được, nếu như công ty luật không xem được tình hình nội bộ của doanh nghiệp.”
Đồng thời, những doanh nhân làm việc thất bại phải phá sản còn bị những luật định chế tài rất khắt khe. Theo pháp luật hiện hành, chủ doanh nghiệp phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị tòa quyết định không được quyền thành lập, và cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ 1 – 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Giải thể thì đơn giản, còn thủ tục phá sản thì rất phức tạp. Có khi phải kéo dài đến 2 – 3 năm mới xong.
LS Lê Văn Thư
Để có thể thực hiện phá sản doanh nghiệp một cách lành mạnh, một số định chế ứng dụng trong quá trình xử lý doanh nghiệp phá sản cần phải xác lập. Về mức độ hoàn thiện các định chế này, chúng tôi được TS Lê Đăng Doanh cho biết:
“Thị trường mua bán nợ hiện nay chưa phát triển. Còn vấn đề định giá tài sản thì cũng có các công ty tư vấn định giá. Nhưng quá trình định giá đó, do các doanh nghiệp từ trước đến nay là không có thực hiện việc định giá qua các công ty tư vấn. Cho nên đến khi gặp các công ty tư vấn định giá, thường các doanh nghiệp bị hụt hẫng.
Các doanh nghiệp cảm thấy giá trị tài sản bị giảm sút nhiều, cho nên họ không lấy làm hài lòng lắm. Từ đây dẫn đến việc không ít doanh nghiệp thường kéo rất dài. Quá trình thực hiện thủ tục phá sản ở Việt Nam đối với một doanh nghiệp có thể kéo dài hàng năm. Có doanh nghiệp kéo dài đến 2 – 3 năm. Số lượng doanh nghiệp có thể hoàn thành được thủ tục phá sản là tương đối ít.”
Thị trường mua bán nợ không phát triển khiến việc xử lý các khoản nợ (có thế chấp) khi doanh nghiệp phá sản trở nên rất khó khăn, đặc biệt là khi liên quan đến nhiều chủ nợ.
Nhận xét về tình trạng pháp luật đối với doanh nghiệp trong việc áp dụng thủ tục phá sản, và hướng giải quyết thuận tiện đối với các doanh nghiệp, Luật sư Lê Văn Thư cho biết như sau:
“Thực tế ở mình vẫn còn khó khăn trong vấn đề về cơ quan hành chính. Ví dụ như là các cơ quan, đôi khi đưa giấy tờ đầy đủ hoặc là “gì gì đấy đấy” thì họ vẫn còn vì lý do này, lý do khác; họ sẽ lại yêu cầu thế nọ thế kia.
Vấn đề phá sản ở Việt Nam thì rất ít khi xảy ra. Chỉ có các công ty lớn mới phá sản, không giống như ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, đối với công ty nhỏ thì làm giải thể.”
Luật Phá sản cho doanh nghiệp cần hoàn thiện hơn, để doanh nghiệp sau khi mất khả năng kinh doanh được rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự, lành mạnh.
hang-hoa-chat-dong-250.jpg
Hàng hóa chất cao trong một siêu thị ở Hà Nội hôm 11/6/2012. RFA photo
Hoạt động phá sản theo luật định là một công cụ sàng lọc doanh nhân, hạn chế những doanh nghiệp quá yếu kém. Vì các doanh nghiệp này tiếp tục chiếm dụng vốn, làm cho nợ xấu tăng lên. Nếu công cụ tuyển chọn này được hoàn thiện thì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Theo TS Lê Đăng Doanh, vấn đề phá sản của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường cần được nhìn nhận như sau:
“Trong nền kinh tế thị trường, việc phá sản là một hiện tượng bình thường. Trong kinh tế học, người ta coi phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Tức là những doanh nghiệp nào có ông chủ kém, đã có đầu tư sai và không có khả năng kinh doanh nữa thì doanh nghiệp đó sẽ phải làm thủ tục phá sản; để cho có một ông chủ khác có năng lực hơn được thực hiện.
Hiện nay, quá trình sàng lọc này đã bắt đầu diễn ra ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế thị trường thì không thể nào tránh khỏi những giai đoạn sàng lọc.”
Phá sản luôn là một giải pháp cần thiết trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vì đây là cách tái phân bổ nguồn lực từ chỗ không còn hiệu quả sang chỗ có hiệu quả hơn. Trong thực tế, những doanh nghiệp mất khả năng chi trả nhưng không áp dụng được thủ tục phá sản sẽ làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế vốn nhiều trì trệ hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét