Pages

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Vì sao TT Nguyễn Tấn Dũng chỉ nhận "Trách nhiệm chính trị" mà không nhận "Trách nhiệm hành chính" ? (2)


Căn cứ Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức Chính phủ 2001: Thủ tướng và Chính phủ chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính, không phải chịu "trách nhiệm chính trị" trước Quốc hội và nhân dân…Xin nêu 2 trường hợp Vinashin và Vinalines ra để cùng bàn giải về chức phận, chức trách của Thủ tướng và Chính phủ đến đâu, mức độ nào ?
Điều 109 Hiến pháp 1992 đã ghi rõ về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ:”Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Điều 112
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống thống nhất bộ máy hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ viên chức Nhà nước;

Điều 114
Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; chủ toạ các phiên họp của Chính phủ;
2- Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ; trình Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;”

Luật Tổ chức Chính phủ số: 32/2001/QH10 thể chế thêm tại Điều 1:

“-Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.”

Rõ ràng Hiến pháp và Luật Tổ chức chính phủ đã “duy danh, định phận”… chức năng và chức trách của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ: cơ quan hành chính cao nhất; Chiểu theo luật pháp đã xác định rõ ràng như vậy nên khi Thủ tướng và Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra những sai phạm làm thất thoát tiền của nhà nước thuộc phạm vi chức trách của mình như các vụ Vinashin và Vinalines thì sai phạm đó là sai phạm hành chính chứ không thể “ đánh lận con đen”, “ đánh bùn sang ao” thành trách nhiệm chính trị…

Thế tại sao Thủ tướng lại biển lận, lại không thừa nhận lỗi hành chính của mình và của Chính phủ mà lại quay sang xí nhận trách nhiệm chính trị ? Theo nguyên tắc được quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính: phạm lỗi lĩnh vực nào, mức độ nào thì phải khắc phục và chịu hình phạt trong lĩnh vực đó; ai vi phạm, để những sai phạm trong lĩnh vực hành chính mà mình chịu trách nhiệm thì phải xử hành chính; nếu sai phạm hình sự thì phải xử lý hình sự… Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính…quy định: nếu cá nhân nào làm mất, hỏng thì phải đền, bồi thường thiệt hại; nếu không bồi thường thiệt hại được thì sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc hình sự…

Đối với quan chức, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước không có quy định nào điều chỉnh, xử lý “trách nhiệm chính trị”; Nhà nước chỉ ban hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính… chứ không hề ban hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm trách nhiệm chính trị…Trách nhiệm chính trị là loại trách nhiệm chỉ có thể xử lý trong nội bộ Đảng; mà Đảng thì như hội nghị TW vừa qua việc xử lý trách nhiệm chính trị đối với 1 đồng chí UVBCT phạm khuyết điểm được xử lý rất à uôm, ù xọe vì nó được điều chỉnh theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực chất là bè cánh, bầy đàn; cánh nào mạnh hơn, đông hơn, chân lý thuộc về cánh này…Đa số các UV Ban chấp hành TW đã bó phiếu tán thành không kỷ luật trách nhiệm chính trị đối với đồng chí X. nên đồng chí X. thoát…

Như vậy, qua việc nhận lỗi “trách nhiệm chính trị cao nhất” mà Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội trong báo cáo 22/10/2012 vừa qua, về bản chất đó là thứ trách nhiệm mà Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Chính phủ 2001 không hề giao, quy định cho Thủ tướng và Chính phủ, do vậy sự nhận lỗi này là vô giá trị, vô lối, đồng nghĩa với việc không nhận gì?!

Điều này chứng tỏ: Thủ tướng chỉ nhận lỗi trước Đảng của ông chứ ông không chịu thừa nhận những sai phạm do cá nhân ông và Chính phủ gieo tai họa cho dân, cho nước trước các việc làm của Chính phủ của ông đã làm mất hàng trăm ngàn tỷ đồng của nhà nước, mồ hôi nước mắt của nhân dân? Tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng ngang nhiên phủi tay, chối bỏ trách nhiệm hành chính và không chịu nhận lỗi như Hiến pháp và luật pháp đã quy định, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng…Thất thoát những khoản tiền lớn như vậy mà về phía Chính phủ không chịu một trách nhiệm hành chính nào mà chỉ nhận trách nhiệm chính trị; mà trách nhiệm chính trị trong các trường hợp này là loại trách nhiệm hươu vượn; Điều khôi hài là: đã có ông nghị gật gù tít khen là an tâm với sự nhận lỗi của Thủ tướng ? Một ông Thủ tướng nói năng nhăng cuội trước diễn đàn Quốc hội như vậy mà cho đến nay không ai có ý kiến gì mặc dù Quốc hội có cả một ủy ban giám sát pháp luật ?

Sự thật: Một trong những nguyên nhân dẫn tới những vi phạm pháp luật Thủ tướng và Chính phủ trong vụ Vinashin và Vinalines vừa qua một phần do lựa chọn mô hình quản lý, quản trị sai; Về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước thành lập theo Nghị định 101/2009/NĐ-CP, người viết bài này đã có lần chứng minh mô hình này vi phạm Hiến pháp 1992 và vi phạm 2 luật: Luật Tổ chức Chính phủ và Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…

Những cái sai do lựa chọn mô hình quản lý này có 2 cơ quan phải liên đới chịu trách nhiệm chính trị đó là Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội…

Chắc Bộ Chính trị luôn tự cho mình là những người cộng sản mẫu mực siêu đẳng nên mới định hướng tùm lum: thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cái “con tườu” gì ? Chính cái thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của mấy bố mà cái đám Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng mới có cơ cướp trắng hàng trăm ngàn tỷ ngon ơ? Có cái thị trường nào trên thế giới mà quan chức nhà nước cướp không ngon lành trong vài năm tiền công quỹ vậy không mà không tim ra thủ phạm và không biết khoản tiền đó chui vào đâu để đòi về; thế các vị không thấy cái lỗi định hướng của mình sao…

Được biết trong hội nghị TW 6 vừa qua ông Nguyễn Tấn Dũng đã cãi lại: mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước là mô hình được trình Bộ Chính trị phê duyệt, vậy nó có mệnh hệ gì thì BCT cũng phải giơ lưng ra mà chịu trách nhiệm chứ không chỉ đổ lên đầu Thủ tướng? Đây là một trong những lý do để Thủ tướng đẩy sang cho Bộ Chính trị nhận lỗi tập thể và giảm nhẹ tội cho Thủ tướng…

Có thể diễn nôm na chuyện này như sau: Bộ Chính trị, Quốc hội giao cho Thủ tướng một cục tiền mang ra “chợ giời” mua hàng để kinh doanh; Do giao nhiều tiền quá, lóng ngóng lại chưa có cách quản nên bị lừa bị cướp trắng…vì thế nên Thủ tướng cãi lại là tại BCT giao quá sức, quá khả năng của Thủ tướng ?

Phải rành rẽ chỗ này: mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước là do Chính phủ đề xuất và Thủ tướng và Chính phủ là tác giả công trình, dự án này; Điều này giống như chuyện các tác giả của một vở kịch, một bộ phim đề xuất với các cơ sở sản xuất…Tác giả trình lên, cơ quan phê duyệt, cấp kinh phí là Hội đồng nghệ thuật và Giám đốc hãng phim, nhà hát kịch, Bộ Văn hóa có trách nhiệm nghiên cứu phê chuẩn, bố trí kinh phí…Cấp kinh phí rồi nhưng vở kịch, bộ phim kia không như ý, không thành, tiền được cấp rồi như đoàn làm phim để mất tiền vào những việc ngoài, không hoàn đưa vào bộ phim, vở kịch; Thế nhưng đạo diễn lại không nhận trách nhiệm hành chính mà lại nhận trách nhiệm chính trị và bắt các cấp đã phê duyệt cùng liên đới chịu trách nhiệm về số tiền không vào phim, kịch kia là vô lối ? Đại loại trong cái hội nghị TW 6 vừa qua khi xử lý về trách nhiệm của Thủ tướng và BCT trong vụ Vinashin, Vinalines đã được “ đánh bùn sang ao “ theo kiểu đó…

Ở đây, Bộ Chính trị chịu trách nhiệm về việc định hướng sai mô hình; coi doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo nên mới dẫn tới nông nỗi dồn tiền vốn cho nó; quá tin tưởng Chính phủ và phó thác cho Chính phủ ?

Thực ra thì việc quản lý hành chính là trách nhiệm của Chính phủ chứ đâu phải của Bộ Chính trị và của cả Ủy ban thường vụ Quốc hội…Có điều khi Chính phủ ban hành Nghị định 101/2009/NĐ-CP để đề xuất mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước, Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã không làm hết trách nhiệm, không cản, cũng có thể do sự hạn chế trình độ, gà mờ, ú ớ việt gian nên đã không làm trọn trách nhiệm chính trị như khái niệm chính trị được WikiPedia xác định:” làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó…” dẫn đến mất hàng trăm ngàn tỷ đồng rồi mới thấy mình ngu dại, ngớ ngẩn…

Xin nêu một ví dụ: Người viết bài này nhận được thông tin, trong vụ kiểm điểm trách nhiệm của Thủ tướng vừa qua, có ý kiến chất vấn trường hợp con gái Thủ tướng Nguyễn Thanh Phượng môi giới vụ mua ụ nổi của Vinalines ? Thủ tướng đã thanh minh, phản bác: con làm con chịu không được đổ cho bố vì nó lớn rồi?

Sự thanh minh, phản bác như vậy là không đúng? Về mặt đảng, về các quy ước về gia đình văn hóa, Thủ tướng phải “chịu trách nhiệm chính trị “ đối với con cái của mình: con cái của mình mà Thủ tướng không giáo dục được thì giáo dục được ai ? Còn nếu điều tra ra, (trong trường hợp có công tố viên độc lập như các nước, ở ta cơ quan điều tra thuộc quân của Chính phủ nên việc này khó lòng làm rõ được việc này) nếu quả thật có dính líu tới Thủ tướng thì ông không chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính mà là hình sự như đã xảy ra tại nhiều nước…

Cho dù Bộ Chính trị, UBTVQH có gánh chịu một phần trách nhiệm chính trị đối với các sai phạm của Chính phủ và của Thủ tướng, song điều này không vì thế mà giảm nhẹ trách nhiệm hành chính của Thủ tướng và Chính phủ; Bởi vì, BCT và UBTVQH không được luật pháp giao điều hành hoạt động hành chính công việc mà Chính phủ và Thủ tướng đang đảm trách.

Tóm lại, là một cử tri, tôi yêu cầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội:

1/ Phải yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi lại Quốc hội, cử tri về trách nhiệm hành chính đối với các yếu kém trong điều hành quản lý kinh tế-xã hội của Chính phủ…
2/ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cần phải xem xét hình thức kỷ luật hành chính đối với Thủ tướng theo quy định của Pháp lệnh xử phạt hành chính: đã sai thì phải xử lý chứ không theo “nguyên tắc bầy đàn”, ù xọe như bên Đảng…

“Chính trị” gốc Hán-Việt nghĩa là làm cho ngay thẳng, trung chính, làm cho chính danh; trong thời buổi kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” do Đảng chủ trương đã làm cho khái niệm này bị lạm dụng, nhem nhuốc thậm chí có lúc trở nên tàn tạ như những mụ điếm già nhưng lại già mồm, cao đạo khi nói về luân thường, đạo đức, phải trái…

Phạm Viết Đào

(Blog PVĐ)

Không có nhận xét nào: