Pages

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Việt Nam kết án tù 2 nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình với tội danh ''tuyên tuyền chống Nhà nước''


Hai nhạc sĩ Việt Khang (phải) và Trần Vũ Anh Bình (trái)
Thanh Phương / Trọng Thành
Hôm nay, 30/10/2012, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên án 4 năm tù giam và 2 năm quản thúc đối với nhạc sĩ Việt Khang và 6 năm tù giam và 2 năm quản thúc đối với nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Cả hai đều ra toà với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », vì là tác giả những bài hát thể hiện lòng yêu nước, phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc.

Hai nhạc sĩ Việt Khang (tức Võ Minh Trí) và Trần Vũ Anh Bình (còn có tên là Hoàng Nhật Thông) đã bị bắt từ cuối năm 2011, trong bối cảnh chính quyền gia tăng đàn áp phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc. Tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » vẫn thường được chính quyền Hà Nội sử dụng để bỏ tù các nhà đối lập, nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.

Nhạc sĩ Việt Khang được nhiều người biết đến qua một số nhạc phẩm thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa như “Anh là ai ?” và “Việt Nam tôi đâu ?”. Anh đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào mùa hè năm 2011.
Còn nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình là thành viên một ca đoàn thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Theo Truyền thông Chúa Cứu Thế, những tác phẩm của Trần Vũ Anh Bình được nhiều bạn trẻ yêu thích, như "Người Việt Nam", "Rạng Ngời Nước Nam". . .
Trả lời RFI Việt ngữ sau phiên tòa, luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho nhạc sĩ Việt Khang, khẳng định rằng không thể xem những sáng tác của anh là hành động chống Nhà nước và cho biết ông sẽ tiếp tục yêu cầu trả tự do cho Việt Khang, để anh được đoàn tụ với vợ con :
Luật sư Trần Vũ Hải
 
30/10/2012
 
 

 LS Trần Vũ Hải : Chúng tôi nhận thấy trước khả năng đó, và anh Việt Khang, theo tôi, cũng sẽ kháng cáo. Bởi vì anh có mong muốn lớn nhất là được đoàn tụ với gia đình. Anh ấy có vợ và một đứa con 4 tuổi, anh ấy muốn được đoàn tụ với gia đình càng sớm càng tốt. Tôi, là luật sư, sẽ giúp anh ấy đạt được nguyện vọng đó.
RFI : Theo luật sư, việc tòa án quy kết anh Việt Khang như vậy có bảo đảm tính chất pháp lý không ?
LS Trần Vũ Hải : Khi tôi yêu cầu triệu tập giám định viên văn hóa, liên quan đến các bài hát của các bị cáo, trong đó có của anh Võ Minh Trí (tức nhạc sĩ Việt Khang), thì Tòa có triệu tập, nhưng họ chưa đến. Chúng tôi thấy rằng, như vậy cũng chưa được nghiêm túc. Tuy nhiên, Tòa án và Viện kiểm soát cho rằng kết luận giám định chỉ là tham khảo, không phải là bắt buộc trong các phiên tòa. Nhưng tôi cũng nói rằng, dù thế nào thì Tòa và Viện kiểm sát cũng dựa vào kết luận giám định ấy để truy cứu, xét xử các bị cáo, nên (giám định viên) cũng cần phải có mặt. Đấy là một cái mà về mặt tố tụng tôi thấy là chưa hài lòng.
Anh Việt Khang nói rằng, hai bài hát mà anh ấy viết, (anh ấy) thừa nhận rằng có hai ý thức (tức là hai nhận thức khác nhau về bài hát này) mà anh biết được. Ý thức thứ nhất là thể hiện lòng yêu nước. Thì thực ra anh ấy biết rằng, nếu hát bài này lên, thì nhiều người hiểu rằng, nội dung này là cũng « chống Nhà nước », tức là anh ấy thừa nhận, có hai ý thức từ hai bài hát này. Anh ấy nói như vậy tại phiên tòa, cũng như tại cơ quan điều tra.
Còn tôi, với tư cách là luật sư, tôi cũng nói rằng là, nếu xem bài đó một cách khách quan, thì ngay cả chỗ giám định viên văn hóa cũng nói rằng, hầu hết các bài đều có nội dung chống Nhà nước « ở mức độ này hay mức độ khác ». Như vậy, tôi nói rằng không phải tất cả các bài đều có nội dung chống Nhà nước. « Ở mức độ này hay mức độ khác » thì có thể rút kinh nghiệm, xử lý hành chính… chứ không phải ở mức độ hình sự. Như vậy, ngay trong nội dung kết luận giám định cũng mờ mờ, ảo ảo. Tôi có nói thêm là riêng bài hát « Anh là ai ? », thì chỗ giám định có nói rằng : (bài hát này) chỉ phản kháng lại việc giải quyết của chính quyền. Tức là có một số vụ biểu tình được coi là trái phép và chính quyền giải tán, thì bài hát này phản kháng lại việc đó.
Tôi nói rằng, phản kháng và phản đối các cách (hành xử) của chính quyền thì không phải là chống Nhà nước. Bởi vì chính quyền cũng có thể làm đúng, làm sai, và người ta cũng có quyền phê phán, và cái chuyện đó cũng là chuyện bình thường. Và hôm nay tôi chưa nói, nhưng tương lai, tôi sẽ nói là, ngay cả việc đó (việc giải tán biểu tình bằng bạo lực), thì chính quyền cũng thừa nhận là sai. Ví dụ vụ anh (Nguyễn Chí) Đức, biểu tình viên bị đạp vào mặt. Thì rõ ràng người ta cũng thừa nhận là sai cơ mà. Như vậy, bài hát này không thể coi là chống (Nhà nước), mà chỉ có thể nói là phản kháng thôi. Tất nhiên là nghe cái bài hát này có thể không tốt cho chính quyền, nhưng đó là chuyện khác.
Bài hát thứ hai, Viện kiểm sát có nói và anh Việt Khang có nói là : Có một cái câu, một cụm từ, anh (Việt Khang) không ghi, nhưng một người bạn ở bên Mỹ, một chủ trang mạng, họ sửa lại, nhưng anh ấy, với tư cách là tác giả, anh ấy phải chịu trách nhiệm. Tức là có nói đến « Chống quân xâm lược phương Bắc, chống bè lũ bán nước ». Anh ấy nói rằng, thực tế là anh viết «Chống quân xâm lược phương Bắc cướp nước Việt Nam », chứ anh không nói phần còn lại. Thế thì, anh cũng thừa nhận rằng, nếu viết theo người sửa chữa kia, thì (có thể) được hiểu là phỉ báng Nhà nước, thì anh cũng hiểu như vậy, nhưng thực ra không phải là câu xuất phát từ anh. Thì Viện Kiểm sát cũng nói cái đoạn thêm bớt từ, Việt Khang có thể không có ý thức được điều đó, nhưng để cho người khác lợi dụng, và từ đó mà dẫn tới nói xấu chính quyền Việt Nam. Chúng tôi cũng nói rằng, trách nhiệm đó cũng cần phải tranh cãi. Cái này cũng chỉ là nói ám chỉ thôi, chứ không phải là đích danh. Bởi vì nếu chống ai, thì phải nói rõ là chống người đó, kể tên đích danh, còn nếu ám chỉ thì hiện nay trong văn học, có rất nhiều tác phẩm ám chỉ, có thể đúng, có thể sai. Nhưng nếu chúng ta kết tội tất cả các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có ám chỉ, thì rất là không hay.
Phản ứng của các tổ chức nhân quyền
Theo AFP, trước khi phiên tòa diễn ra hôm nay, nhiều tổ chức nhân quyền đã kêu gọi trả tự do cho hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Ông Rupert Abbot, thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố : « Đối xứ như vậy với những người chỉ sáng tác các bài hát thì thật là lố bịch ». Đối với ông Abbot, hai nhạc sĩ nói trên là những « tù nhân lương thức ». Về phần ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch thì lên án « sự đàn áp ngày càng tăng đối với quyền tự do ngôn luận ». Theo ông Robertson, « đầu tiên là những người chỉ trích chính quyền, tiếp đến là các blogger, rồi đến các nhà thơ, bây giờ là các nhạc sĩ( cũng bị bỏ tù) ».
Vào cuối tháng 9 vừa qua, ba blogger nổi tiếng ở Việt Nam, Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, Phan Thanh Hải, tức Anhbasaigon và Tạ Phong Tần đã bị kết án tù nặng nề cũng với tội danh «tuyên truyền chống Nhà nước », những bản án đã bị quốc tế phản đối kịch liệt, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu.
Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM, cũng đã bị bắt giữ từ ngày 14/10 và cũng bị cáo buộc tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », do đã tham gia vào việc rải truyền đơn chống Trung Quốc.
Công an bắt giữ em trai LS Lê Quốc Quân
Theo tin từ mạng xã hội Facebook, sáng sớm hôm nay, 30/10/2012, gần 70 an ninh thành phố Hà Nội đã ập vào nhà riêng của doanh nhân Lê Đình Quản, giám đốc công ty VietnamCredit và là em trai của luật sư Lê Quốc Quân. Anh Lê Đình Quản bị còng tay, bắt đi, với cáo buộc trốn thuế và sẽ bị tạm giam 3 tháng để điều tra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét