Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Đại hội 18: Bình mới rượu cũ



Thập Bát Đại (Đại hội 18) Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra từ ngày 8/11 và ban lãnh đạo mới sẽ ra mắt vào cuối tuần này.

BBC đã phỏng vấn chuyên gia chính trị học có tiếng ở Hong Kong, ông Willy Lam, để tìm hiểu các nhận xét và dự đoán của ông.
Sự kiện quan trọng đi kèm với chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc đang được phân tích dưới nhiều góc cạnh.
Ông Willy Lam: Theo như tôi được biết thì thành phần Thường vụ Bộ Chính trị đã được quyết định. Có thể còn có đấu tranh đâu đó giữa các phe nhóm cho các vị trí khác, nhưng bảy nhân vật trong thường vụ BCT đã được định đoạt là ai.
Tương tự, thành phần của quân ủy Trung ương cũng ̣đã được định hình. Điều này cho chúng ta thấy là các vấn đề gay cấn nhất đã được dàn xếp.

BBC: Có những đồn đoán rằng ban lãnh đạo mới sẽ có xu hướng bảo thủ và quân đội hơn hiện nay, ông nghĩ sao về thông tin này?
Ông Willy Lam: Hai nhân vật được cho là có tư duy cải cách cởi mở hơn cả – Bí thư Quảng Đông Uông Dương và trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều, đáng tiếc không nằm trong danh sách thường vụ Bộ Chính trị.
"Bắc Kinh có thể sẽ cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại và an ninh, nhất là trong các tranh chấp lãnh thổ như ở Biển Đông và Hoa Đông với Nhật Bản."
Chuyên gia Willy Lam
Một số thành viên thường vụ Bộ Chính trị cũng bị cho là bảo thủ, nhưng không có ai trong ban thường vụ là người của quân đội. Cả Bộ Chính trị chỉ có hai viên tướng.
BBC: Nhưng ông Tập Cận Bình được cho là thân cận với giới tướng lĩnh có phải không ạ?
Ông Willy Lam: Sự thật là ông Tập Cận Bình có nhiều bạn bè trong giới tướng lĩnh con ông cháu cha, tức những người vào quân nghiệp vì cha ông của họ từng là tướng lĩnh.
Điều này theo tôi nghĩ sẽ có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại và an ninh của ông Tập.
Ông Tập Cận Bình được trông đợi sẽ trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Vị trí thứ hai nhanh hay lâu thế nào còn là điều ta chưa biết chắc chắn.
Ông Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào
Ông Tập Cận Bình (bên trái) được cho là sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào
Nhưng nói chung, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại và an ninh, nhất là trong các tranh chấp lãnh thổ như ở Biển Đông và biển Hoa Đông với Nhật Bản.
BBC: Ông có thể nói rõ hơn nhận định của ông về các động thái trong tương lai liên quan tới Biển Đông và biển Hoa Đông?
Ông Willy Lam: Nói về biểu hiện quyền lực ở Châu Á-Thái Bình Dương thì Bắc Kinh sẽ tỏ ra cứng rắn và hung hăng hơn trong các vấn đề chủ quyền.
Có một số lý do như sau: Trung Quốc là cường quốc đang lên, và với các diễn biến mới trong việc chế tạo, thu nhập công nghệ quân sự, đưa vào hoạt động hàng không mẫu hạm... Trung Quốc đang muốn ganh đua với Hoa Kỳ và Nga về khía cạnh quân sự trong khu vực.
Một lý do khác là chủ nghĩa dân tộc nay đã trở thành một trong các điểm tựa quan trọng nhất cho tính chính danh của đảng cộng sản. Đảng do vậy muốn thuyết phục người dân tin rằng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc là cường quốc đầy tiềm năng, các nước khác phải kính nể, nhất là trong khu vực.
Lý do thứ ba, Bắc Kinh bị ám ảnh về điều mà họ cho là chính sách kiềm chế Trung Quốc của Washington. Bởi vậy, Trung Quốc có thể thực hiện chính sách cứng rắn để ngăn chặn Hoa Kỳ tranh giành ảnh hưởng và kiềm chế Trung Quốc.
Tất cả những điều tôi nói ở trên cho thấy khả năng Trung Quốc sẽ thi hành chính sách phiêu lưu hơn là rất cao, nhất là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
BBC: Xin nói qua về nhân vật được cho sẽ là số hai trong Đảng, ông Lý Khắc Cường. Ông Lý là người ôn hòa, kiềm chế. Ảnh hưởng của ông ta sẽ ra sao?
Ông Willy Lam: Chúng ta cần nhớ rằng sự phân chia quyền lực bên trong Đảng CSTQ hết sức rõ ràng, phân minh. Ông Lý Khắc Cường sẽ vào vị trí thủ tướng, có rất ít tiếng nói trong các vấn đề quân sự và đối ngoại.
"Chân dung ông Mao Trạch Đông vẫn sẽ ngự trị trên Thiên An Môn trong nhiều năm tới."
Bởi vì trong quan hệ với các nước khác, ông Lý sẽ chỉ có ảnh hưởng về khía cạnh thương mại, hợp tác kinh tế. Các lĩnh vực khác đều do Chủ tịch-Tổng Bí thư quyết định.
BBC: Con số bảy thay vì chín người trong Thường vụ Bộ Chính trị phải chăng có ý nghĩa là quyền lực sẽ được tập trung hơn? Và điều gì đang xảy ra với cánh tả, những người theo chủ nghĩa Mao?
Ông Willy Lam: Về hệ tư tưởng thì tôi nghĩ rằng tại thượng tầng lãnh đạo cao nhất của Đảng CSTQ đã có đồng thuận rằng sẽ không có cải cách gì trong những năm sắp tới.
Đây là ưu tiên hàng đầu của tất cả các phe cánh trong Đảng và sẽ chi phối cuộc sống chính trị trong nước.
Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng vẫn sẽ không chấp nhận bất cứ một sự bất đồng, thách thức nào đối với quyền lực của Đảng.
Lãnh đạo Đảng có thể đưa ra các khẩu hiệu khác nhau trong những thời kỳ khác nhau, nhưng chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi.
Đang có đồn đoán rằng trong Điều lệ Đảng sửa đổi tới đây, tư tưởng Mao Trạch Đông sẽ không được nhắc tới nữa, chủ yếu vì bê bối Bạc Hy Lai, người theo Maoist.
Thế nhưng ngay cả khi có sửa đổi như vậy, mà tôi nghi ngờ sẽ xảy ra, thì cũng không có bước ngoặt về đường hướng.
Chân dung ông Mao vẫn sẽ ngự trị trên Thiên An Môn trong nhiều năm tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét