Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Đại sứ Úc Đại Lợi đến Thanh Minh Thiền Viện vấn an Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ



(PTTPGQT) - Đức Tăng Thống nhấn mạnh với Đại sứ Úc rằng vấn để Biển Đông không riêng là chuyện của Việt Nam. Dù rằng Việt Nam đã mất Hoàng Sa và 8 đảo thuộc Trường Sa; dù rằng Trung quốc đã đặt cơ quan hành chánh và quân đội ở Huyện Tam Sa để kiểm soát vùng biển không phải của Trung quốc. Thế nhưng Biển Đông liên hệ với toàn thế giới, trong có nước Úc. Trung quốc mà chiếm Biển Đông, làm chủ eo biển Malacca thông qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương thì nước Úc cũng sẽ gặp khó khăn. Nhà Phật có thuyết nhân duyên, cái này liên hệ với cái kia, tương quan chằng chịt. Cho nên Biển Đông cũng là vấn đề của thế giới, của nước Úc. Vì vậy các nước dân chủ, tiến bộ cần liên hệ, giúp đỡ nhau giải quyết vấn đề, thì an ninh và hòa bình khu vực mới hiện ra...

*

Sáng hôm qua, thứ năm 29.11.2012, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Úc Đại Lợi từ Hà Nội vào Saigon đến Thanh Minh Thiền Viện vấn an Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. 

Qua cuộc điện đàm sáng nay với ông Võ Văn Ái, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ cho biết cuộc gặp gỡ thân tình và cởi mở trong vòng một giờ 15 phút. Ông Đại sứ cùng với hai nhân viên Tòa Đại sứ đến Thanh Minh Thiền Viện lúc 9 giờ sáng thứ năm. 

Đức Tăng Thống đã trình bày ba vấn đề nghiêm trọng với ông Đại sứ Úc. 

Trước hết là tình hình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống (GHPGVNTN) bị kỳ thị và đàn áp suốt 37 năm qua dưới chế độ độc tài Cộng sản. Đức Tăng Thống cho biết từ ngày thoát ly thời kỳ Pháp thuộc cho tới nay, Giáo hội luôn bị Dụ số 10 dưới thời thuộc Pháp đeo đẳng không dứt và đè nặng lên mọi sinh hoạt. Phật giáo không được xem như một giáo hội, vì bị bó buộc hoạt động trong khuôn khổ hội đoàn hay hiệp hội. Pháp nạn lớn nhất của Giáo hội xẩy ra từ năm 1975, từ khi Cộng sản Bắc Việt toàn thắng miền Nam. 

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và Đại sứ Úc Đại Lợi, Hugh Borrowman trước Thanh Minh Thiền Viện - Hình PTTPGQT 

Tất cả những cơ sở tôn giáo, giáo dục, văn hóa, y tế, đại học của GHPGVNTN bị nhà cầm quyền Cộng sản tịch thu. Tuy không có văn kiện nhà nước giải tán GHPGVNTN, nhưng Giáo hội không được tự do sinh hoạt tín ngưỡng. Vì GHPGVNTN không chịu khuất phục những bất công do Cộng sản áp đặt. Hiện nay công cuộc hoạt động rất khó khăn. Những ai công khai là thành viên của GHPGVNTN tất không thể thuyết pháp, truyền đạo hay thực hiện các công tác giáo dục, văn hóa, y tế. Trong khi đó, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng và rất cần đến sự đóng góp chia sẻ của Giáo hội. 

Đảng và Nhà nước đã ép buộc một số nhà Sư cộng tác với các tổ chức Phật giáo trá hình của Đảng thành lập ra năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà quần chúng gọi là Giáo hội Phật giáo Quốc doanh. Tổ chức này nằm trong Mặt trận Tổ quốc như một hiệp hội không hơn không kém, và do Mặt trận là ngoại vi của Đảng lãnh đạo. 

Tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam đều do Đảng Cộng sản chỉ huy thông qua Ủy ban Tôn giáo Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận và Bộ Công an. 

Trước hiện tình không có tự do tôn giáo, không có nhân quyền lại bị Trung Cộng xâm lấn, Đức Tăng Thống giải thích cho ông Đại sứ Hoa Kỳ biết rằng giải pháp cứu nguy tình thế hiện nay là dân chủ hóa Việt Nam. Đức Tăng Thống nhấn mạnh đây là nhu cầu cấp thiết không riêng cho Giáo hội mà là cho toàn dân. Bởi vì toàn dân cũng bị đàn áp như Giáo hội. Tại Việt Nam ngày nay, chỉ ai cúi đầu khuất phục đảng Cộng sản, còng lưng phục vụ cho đảng Cộng sản thì mới có cơ sống còn. Ai từ khước đảng, phê phán đảng dù phê phán đúng đều bị bắt bỏ tù. Đức Tăng Thống cho biết điều đáng lưu tâm hiện nay là giới thanh niên, giới trẻ bị bắt bỏ tù rất nhiều. Chỉ chừng 20 tuổi trở lên thôi. Không như trước kia là những người lớn tuổi. Đây là những người yêu nước, biết suy nghĩ trước xu thế mới của toàn cầu. 

Cho nên dân chủ hóa Việt Nam là vấn đề cấp thiết để cho nhân dân và giới trẻ có thể tham gia đóng góp vào việc phát triển đất nước. Đồng thời chận đứng sự chậm tiến và chính sách ngu dân của một nhà nước độc đảng. Đức Tăng Thống mong mỏi các nước dân chủ trên thế giới, trong có Úc Đại Lợi, giúp đỡ cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sớm thành hình. Dù rằng đây là chuyện của người Việt phải tự giải quyết lấy. Nhưng dưới chế độ công an trị và độc tài toàn trị như hiện nay thì rất khó để tự mình hoàn tất. 

Vấn đề thứ ba mà Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ trình bày là Biển Đông. Đức Tăng Thống thất vọng trước sự nhu nhược và ươn hèn của nhà nước Cộng sản mà ngài thấy rõ tại Thượng đỉnh ASEAN tại Nam Vang hơn tuần lễ trước. Đức Tăng Thống nói khi Thủ tướng Kampuchia Hun Sen đọc tuyên cáo chung nói 10 nước ASEAN không đồng tình việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thì phái đoàn Việt Nam im lặng, chẳng dám phản ứng. Duy chỉ có Tổng thống Aquino III của Philipines là dám đứng lên phản đối. Một thái độ như thế của Việt Nam thì làm sao chống xâm lược Bắc Kinh? 

Đức Tăng Thống cũng nhắc tới việc Trung quốc in hình Lưỡi Bò trên Hộ chiếu, nhưng Việt Nam chẳng có phản ứng quyết liệt gì. Nếu Việt Nam chấp nhận ký visa trên hộ chiếu ấy thì có khác chi dâng nước mình cho Tàu? 

Đức Tăng Thống nhấn mạnh với Đại sứ Úc rằng vấn để Biển Đông không riêng là chuyện của Việt Nam. Dù rằng Việt Nam đã mất Hoàng Sa và 8 đảo thuộc Trường Sa; dù rằng Trung quốc đã đặt cơ quan hành chánh và quân đội ở Huyện Tam Sa để kiểm soát vùng biển không phải của Trung quốc. Thế nhưng Biển Đông liên hệ với toàn thế giới, trong có nước Úc. Trung quốc mà chiếm Biển Đông, làm chủ eo biển Malacca thông qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương thì nước Úc cũng sẽ gặp khó khăn. Nhà Phật có thuyết nhân duyên, cái này liên hệ với cái kia, tương quan chằng chịt. Cho nên Biển Đông cũng là vấn đề của thế giới, của nước Úc. Vì vậy các nước dân chủ, tiến bộ cần liên hệ, giúp đỡ nhau giải quyết vấn đề, thì an ninh và hòa bình khu vực mới hiện ra. 

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ hy vọng ông Đại sứ Úc sẽ lưu tâm chính phủ Úc ba vấn đề nghiêm trọng mà ngài trình bày trong cuộc gặp gỡ hôm nay để Úc Đại Lợi hậu thuẫn tích cực cho nhân dân Việt Nam. 

Nhân dịp gặp gỡ này, Đức Tăng Thống đã trao cho Đại sứ Úc hai tài liệu tiếng Anh:“Memorandum on the situation of the Unified Buddhist Church of Vietnam – Compiled for the meeting with H.E.Hugh Borrowman, Australian Ambassador to Viet Nam (Giác thư về tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhân cuộc gặp gỡ Đại sứ Úc), và The Unified Buddhist Church of Vietnam, 30 Years of Peaceful Struggle for Religious Freedom, Human Rights and Democracy in Vietnam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, 30 năm tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền và Dân chủ). 

PARIS, ngày 30.11.2012

Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : pttpgqt@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét