Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Cách mạng tháng Mười và bài học Đảng phải “hiểu được đúng ý nguyện của nhân dân”



ttxcc6 : Bài này còn tuyệt vời hay nữa.
QĐND - Thứ Tư, 07/11/2012, 
QĐND Online – Cách đây 95 năm, ngày 7-11-1917, khát vọng được giải phóng, được làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống của quần chúng nhân dân lao động Nga đã được ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê-nin soi rọi, thức tỉnh, làm nên cuộc cách mạng vĩ đại “rung chuyển thế giới”, mở ra một thời đại mới, thời đại nhân dân lao động làm chủ, đứng ra tổ chức xây dựng và cai quản chế độ xã hội mới, chế độ không còn người bóc lột người. Cuộc cách mạng vô sản vĩ đại này đã tỏ rõ vai trò tiên phong và khả năng tổ chức, lãnh đạo quần chúng nhân dân của Đảng Cộng sản trong đấu tranh giành chính quyền, lật đổ chế độ xã hội cũ, đưa nhân dân lao động lên làm chủ, xây dựng chế độ xã hội mới, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội; đồng thời cho thấy rõ vai trò động lực và sức sáng tạo to lớn của quần chúng nhân dân lao động trong tiến trình cách mạng.
 
V.I.Lê-nin, lãnh tụ Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Ảnh: Tư liệu
Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã tập trung công sức đặc biệt cho vấn đề củng cố chính quyền xô viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất được ban hành ngay sau cách mạng thành công đã đáp ứng được  “ý nguyện” của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Nếu như khát vọng được giải phóng, được làm chủ xã hội đã tạo nên động lực to lớn, làm bùng lên những hành động cách mạng “long trời lở đất”, “phá tan cảnh đọa đày của nước Nga tư sản”[1], thì “ý nguyện” của quần chúng nhân dân về cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc là sự nối tiếp khát vọng làm chủ ấy trong điều kiện mới, tạo động lực mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới. V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã “hiểu đúng ý nguyện” của quần chúng nhân dân lao động Nga và làm bùng lên “ý nguyện” đó thành sức mạnh vật chất, thành những hành động cách mạng của chính quần chúng nhân để họ thực hiện “ý nguyện” và khát vọng của mình. Bản chất cách mạng, tính nhân dân và giá trị thực sự của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga chính là ở chỗ đó.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga đã đạt được những thành tựu rực rỡ trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh. Điều đó càng cho thấy khả năng sáng tạo to lớn của quần chúng nhân dân khi họ được giải phóng, được làm chủ xã hội. Mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, đem lại cuộc đời làm chủ và hạnh phúc thực sự cho quần chúng nhân dân mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin vạch ra đã được Cách mạng Tháng Mười Nga và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội khẳng định và chứng minh.
Để đáp ứng yêu cầu của một đảng cầm quyền, một đảng thực sự toàn tâm toàn lực chăm lo cuộc sống của nhân dân, V.I.Lê-nin đã dành nhiều công sức tập trung xây dựng Đảng Bôn-sê-vích Nga thật sự là Đảng “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”[2]. Theo V.I.Lê-nin, Đảng phải biết lãnh đạo, biết tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ chế độ xã hội mới. Điều đó đòi hỏi Đảng phải được xây dựng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải khắc phục triệt để những căn bệnh, những nguy cơ làm suy yếu Đảng. Đảng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, thực hiện tự phê bình và phê bình, kỷ luật tự giác, nghiêm minh, thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng…- những nguyên tắc căn bản trong xây dựng và hoạt động của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lê-nin đòi hỏi Đảng phải “hiểu được đúng ý nguyện của nhân dân”; Người khẳng định: “chỉ khi nào hiểu được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được”[3]. Trong chỉ đạo thực tiễn, V.I.Lê-nin vạch rõ ba kẻ thù chủ yếu và là nguy cơ làm suy yếu Đảng trong điều kiện mới, điều kiện Đảng cầm quyền là tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, nạn mũ chữ và nạn hối lộ, tham nhũng, đó là “cái ung nhọt” cần phải loại trừ. Với thái độ “không khoan nhượng” trong đấu tranh loại bỏ các “ung nhọt”, Người yêu cầu phải kiên quyết “đuổi ra khỏi đảng” những “người đã len lỏi vào đảng”[4]; “cần phải đuổi ra khỏi đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược”[5].
Lịch sử cách mạng Việt Nam hơn tám thập kỷ qua cho thấy những thắng lợi vĩ đại và huy hoàng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng luôn “hiểu đúng ý nguyện của quần chúng nhân dân”, một lòng, một dạ phấn đấu hi sinh thực hiện “ý nguyện” ấy; đồng thời khẳng định mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân trong chỉnh thể thống nhất. Quá trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định sức mạnh “rời non, lấp biển” của sự thống nhất giữa “ý Đảng – lòng dân”; chứng minh sức mạnh của sự thống nhất giữa lý tưởng của Đảng với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân Việt Nam; sức mạnh của sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân trong mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười và cách mạng Việt Nam đã khẳng định: lý do ra đời, tồn tại và mục tiêu hoạt động của Đảng là vì nhân dân, vì độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân; nguồn sức mạnh bất tận và vô địch của Đảng là từ nhân dân, ở trong nhân dân; và Đảng là của dân, vì dân, dân một lòng một dạ theo Đảng; Đảng quan tâm chăm lo đến dân, dân sống chết chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử; toàn bộ hoạt động của Đảng là xuất phát từ lợi ích và “ý nguyện” chính đáng của nhân dân.
Bài học của Cách mạng Tháng Mười và thực tiễn cách mạng Việt Nam chỉ ra rằng, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”[6]. “ý nguyện” của nhân dân Việt Nam lúc này là mong muốn Đảng ta thật sự khỏe mạnh, thật sự “vững”, như thế mới có thể lãnh đạo được toàn thể dân tộc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong tình hình hiện nay, Đảng ta đã xác định trúng vấn đề khi khẳng định nhiệm vụ “then chốt” là xây dựng Đảng và mũi “đột phá” của nhiệm vụ “then chốt” ấy là khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ tham nhũng. Tính nguy hiểm của tình trạng này là rất nghiêm trọng, nó đe dọa đến chính sự tồn vong của Đảng và chế độ như Đảng ta đã nhấn mạnh. Sự rung chuyển và tầm ảnh hưởng của vấn đề “đột phá” này là rất lớn. Sức sống, sức đề kháng của cơ thể Đảng, cơ thể chế độ và đất nước phụ thuộc rất quyết định vào việc chúng ta giải quyết vấn đề “đột phá” này như thế nào.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ bị rạn nứt, chia rẽ, suy yếu, lòng dân sẽ bị ly tán…, sự tồn vong của chế độ và của Đảng sẽ bị đe dọa, nếu tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cấp cao không được ngăn chặn, khắc phục hiệu quả mà vẫn gia tăng. Đây là vấn đề rất khó, nhưng khó mấy chúng ta cũng phải làm và phải làm thật tốt. Quyết tâm chính trị này đã được Đảng ta nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, được triển khai thực hiện mạnh mẽ, nghiêm túc tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, cần phải được tiếp tục thực hiện hiệu quả trong thực tiễn xây dựng Đảng.
Sự nghiệp xây dựng Đảng trước hết là sự nghiệp của bản thân Đảng. Đảng ta chỉ có thể đủ sức lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh khi Đảng ta và toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự “không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[7]; khi Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng luôn “hiểu đúng” và đáp ứng “ý nguyện” của nhân dân. Vì thế, yêu cầu rất cao đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, đặc biệt là cán bộ cấp cao trong lúc này là phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu, phải “phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”[8] như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy.
Bài học của Cách mạng Tháng Mười cũng chỉ ra rằng, sức mạnh của quần chúng nhân dân là hết sức to lớn, tai mắt của quần chúng nhân dân là hết sức khách quan, tinh tường. Sự nghiệp xây dựng Đảng không phải là sự nghiệp của riêng Đảng, mà đó là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay Đảng cần phát huy vai trò và tinh thần làm chủ của quần chúng nhân dân và các tổ chức quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; trong giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên; trong đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trong xây dựng Đảng. Đó là biểu hiện sinh động việc Đảng đưa quần chúng nhân dân vào công cuộc xây dựng Đảng, thực hiện “ý nguyện” và mong ước của chính quần chúng nhân dân về Đảng mến yêu của mình phải thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đưa đất nước tiến lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2002, tập 8, tr. 558, 559.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M. 1976, tập 34, tr. 122.
[3] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tập 45, tr. 134.
[4] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tập 44, tr. 24.
[5] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tập 44, tr. 154.
[6]  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 2, tr 268
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 66.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 11, tr. 373.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét