Pages

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

“Cố ý làm trái cũng là tội tham nhũng”


 SGTT.VN - Nhắc lại sự kiện Tổng thống Nga Putin đã bãi nhiệm bộ trưởng Quốc phòng vì nghi có liên quan đến tham nhũng 100 triệu USD, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) nói, Việt Nam có thể học tập cách làm này. Nhiều ý kiến thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội ngày 9.11 được đánh giá là khá mạnh mẽ.
 Cơ quan chống tham nhũng độc lập chỉ làm bộ máy phình to

 
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình)
 Nhận định về ý kiến nên thành lập một cơ quan độc lập của Quốc hội chống tham nhũng mà nhiều đại biểu bàn luận gần đây, bà Yến cho rằng, hiện nay đã có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, đồng thời tồn tại ba cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng là cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát. Những cơ quan này có bộ máy từ Trung ương đến cơ sở với quy mô rất lớn, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn. Vì vậy, “nếu chúng ta tập trung chỉ đạo, có cơ chế rõ ràng, nâng cấp lên thì hoạt động về phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả hơn. Thay vào đó, nếu chúng ta hình thành một cơ quan độc lập của Quốc hội vào lúc này cùng với cơ quan kiểm toán của Quốc hội thì bộ máy phình ra rất lớn, tốn kém không nhỏ cho các chi phí nuôi dưỡng cơ quan này”, bà Yến nói.
 Đồng tình với bà Yến, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), về thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập như nhiều đại biểu đề nghị, trong đó có thành lập cơ quan chống tham nhũng ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là không hợp lý. Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập cơ quan điều tra tham nhũng độc lập với Chính phủ do Tổng thống điều hành, cơ quan này có quyền tiến hành phát hiện, khởi tố, điều tra ban đầu các hành vi tham nhũng và sau đó chuyển cho cơ quan chuyên trách để điều tra tiếp và truy tố trước Tòa án. Mô hình này rất hiệu quả, hành vi tham nhũng được phát hiện sớm được cơ quan tiến hành điều tra tham nhũng độc lập và cơ quan này đồng thời cũng là cơ quan giám sát hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra chuyên trách, đảm bảo xử lý kịp thời không bỏ lọt tội phạm, nên chăng Việt Nam cũng áp dụng mô hình này, thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng trực thuộc Chủ tịch nước?
 Góp ý để công tác phòng chống tham nhũng đi vào thực chất, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị phải có cơ chế thu hồi tài sản. “Tôi nghĩ rằng đã cán bộ mà đối tượng phải kê khai, nhưng khi khám nhà anh nhiều vàng, nhiều USD thì đó là tiền bất hợp pháp chúng ta phải tịch thu”.
 Theo ông Thuyền, trong luật này phải bổ sung hành vi là nếu không chứng minh được, không giải trình được hoặc không kê khai thì phải tịch thu tài sản đó, nhiều nước đã làm việc này. “Ví dụ anh mua gì đó mà quá khả năng thu nhập của anh thì anh phải chứng minh nguồn gốc tài sản đó ở đâu, còn nếu không được chúng ta tịch thu. Nếu chúng ta thấy không làm được việc này thì kê khai không có ý nghĩa gì”.
 “Cố ý làm trái” cũng là tham nhũng
 
đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
 Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuyền, rõ ràng hành vi cố ý làm trái và tất cả các vụ án tham nhũng vừa rồi chúng ta đều chuyển sang xử cố ý làm trái: “Tôi cho rằng phải bổ sung hành vi này là hành vi tham nhũng. Tôi nói ví dụ, một con tàu chỉ có giá thị trường 100 tỷ nhưng mua 200 tỷ, chênh lệch đến 100 tỷ mà chúng ta chỉ xử được hành vi đó là cố ý làm trái thì rất không công bằng và rõ ràng chúng ta đã bỏ lọt hành vi tham nhũng”.
 Đại biểu Thuyền ví dụ thêm: “Như chúng ta thấy một con đường rất dài nhà nước có thể làm hàng trăm tỷ nhưng lại cho tư nhân đầu tư một cầu con con để bán vé, tôi cho rằng đó là dấu hiện tham nhũng rất rõ. Những dự án chúng ta làm quy hoạch dự án này nhưng khi thu hồi đất xong chúng ta lại chuyển đổi sang làm việc khác. Tôi cho rằng những việc đó là hành vi tham nhũng, chúng ta phải được cụ thể hóa trong luật thì chúng ta mới chống được, còn mấy đồng chí cảnh sát có nhận mấy đồng của nhân dân thực ra chỉ gây bức xúc cho dư luận nhưng tham nhũng về chính sách, về chế độ này nó mới lớn. Tôi đề nghị lần này sửa thì phải bổ sung hành vi cố ý làm trái vào hành vi tham nhũng còn nếu không sửa được theo tôi nghĩ cũng không đảm bảo việc xử lý”.
 “Chúng ta phải coi tham nhũng như ma túy, như tội phản quốc và chúng ta phải tuyên chiến với tham nhũng bởi tham nhũng đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng”, ông Thuyền nhấn mạnh.
 Đại biể Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho biết thêm, phải đưa thêm ít nhất một hành vi nữa đó là ra quyết định sai, ra chủ trương, chính sách ban hành sai, cố ý hoặc vô ý nói chung do trình độ năng lực kém, hạn chế vào tội tham nhũng: “Phải quy ra ai bố trí cán bộ đó. Chúng ta phải làm rõ như thế, hay là vì lợi ích nhóm, hay vì vấn đề gì ở đây? Chúng ta nói là thất thoát, chúng ta chuyển đổi tội danh tham nhũng thì qua là cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng, hay chúng ta dùng thuật ngữ thất thoát. Như đồng chí tổng thanh tra Chính phủ báo cáo cách đây mấy hôm tại hội trường này. Chúng ta nói là thất thoát hoặc chưa trả nợ lại được hoặc chưa xử lý nợ tốt… thì đó là cái gì? Vấn đề này chúng ta phải đưa vào xem đó là hành vi tham nhũng. Tôi đề nghị như vậy”.
 Nêu bật nguyên nhân khiến tham nhũng vẫn hoành hành, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho rằng, việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập không phải là vấn đề mới. Việc này đã đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng thực tế chỉ dừng lại ở việc kê khai rồi để đó, chưa có tác dụng trong thực tế, chưa được công khai, chưa góp phần kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng được kê khai để tăng cường cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham nhũng.
 Từ đó, ông Nghĩa đề xuất, Quốc hội cần xem xét quy định thêm một chế tài đủ mạnh có tác dụng bắt buộc người kê khai phải kê khai trung thực đầy đủ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cần thiết phải thiết kế một điều luật riêng, đặc biệt phải có chế tài tịch thu những tài sản cố tình che dấu không kê khai.
 Đề nghị có thống kê gửi tiền ra nước ngoài
  
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc)
 Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đánh giá, việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài đang là một vấn đề rất thời sự, rất bức xúc trên các diễn đàn phòng, chống tham nhũng. Việc công dân, công chức nước ngoài hay công chức Việt Nam gửi tiền tham nhũng ra ngân hàng nước ngoài hoặc rửa tiền ở nước ngoài đang là hiện tượng phổ biến mà Chính phủ cần phải có thống kê, dự báo và phối hợp liên ngành thanh tra, ngân hàng Nhà nước và công an, tài chính để đấu tranh.
 Bàn về việc bảo vệ người tố cáo, đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) nói, tôi đề nghị quy định cụ thể áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người tố cáo, gia đình và người thân của họ, vì họ dám đứng ra tố cáo các hành vi tham nhũng. Không như dự luật là có dấu hiệu đe dọa, trả thù mới tính đến việc bảo vệ người tố cáo. Ai cũng biết tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn khi tai họa đến họ tính toán rất kỹ bằng mọi cách có thể để che giấu hành vi phạm tội, không từ một thủ đoạn nào, từ mua chuộc, lôi kéo, đe dọa, trả thù.
 Đại biêu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhận định, hiện pháp luật cũng đã có nhiều quy định bảo vệ nhằm ngăn chặn các hành vi trả thù người tố cáo, nhưng cho đến nay chưa có những văn bản cụ thể đối với các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nên họ dễ bị trả thù, trù dập. Nhìn chung cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng tiêu cực còn nhiều bất cập chưa phát huy hiệu quả. “Do vậy tôi chưa thấy thỏa đáng mà cần đưa vào luật này để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, đồng thời có quy chế của Chính phủ bảo vệ người tố cáo tham nhũng sau khi Luật tố cáo có hiệu lực từ ngày 01/07/2012”, ông Lâm quả quyết.
 Ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, nếu chúng ta nhận thấy vũ khí sắc bén của báo chí thì thay vì mài cho sắc nay để ta dũa cho cùn. Những biện pháp để bảo vệ nhân chứng hầu như vẫn chưa được khuyến khích để người dân có trách nhiệm vào cuộc. Phải mở ra một mặt trận rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong đó có báo chí vào cuộc, cũng có nghĩa là phải củng cố được lòng tin thì mới vào trận được, đáng tiếc đó là điều chưa thấy rõ lắm trong bản dự thảo lần này.
 VIỆT ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét