Pages

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Để hội nhập và phát triển bền vững



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4.
“Việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật trong phát biểu khai mạc.
Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội từ 26-28/11, thu hút sự tham dự của gần 1500 nhà nghiên cứu và học giả từ 36 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, ba ngày hội thảo tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình là cơ hội cho các tham dự viên chia sẻ thông tin, tư liệu và cập nhật về Việt Nam trong nhiều lĩnh vực bao gồm lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội và luật pháp, được thảo luận trong 15 tiểu ban khác nhau.

Biển Đông vẫn là đề tài nóng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu khai mạc hội thảo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá hội thảo quốc tế về Việt Nam học là hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
Dù không được tổ chức thành một tiểu ban riêng, chủ đề Biển Đông vẫn được các nhà khoa học đề cập sôi nổi tại nhiều cuộc thảo luận tại các tiểu ban: giao lưu văn hóa, vấn đề nghiên cứu khu vực và quan hệ quốc tế của Việt Nam trong hội nhập và phát triển. Một số ý tham luận cho rằng, yêu sách “đường lưỡi bò” do Trung Quốc công khai năm 2009 là dấu mốc quan trọng đối với các xung đột gần đây. Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” đã được đưa ra mổ sẻ. Các học giả Việt Nam chỉ rõ, việc thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này đã được các vua triều Nguyễn thực hiện từ rất sớm. Theo PGS. Đỗ Bang (ĐH Khoa học Huế), các vua Nguyễn từ thế kỷ 19 đã có nhiều biện pháp hữu hiệu như việc lập đội Hoàng Sa, đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ biển đảo, cắm bia chủ quyền, lập miếu thờ, trồng cây và lập trạm thu thuế trên các đảo.
GS. Vladimir Kotolov (ĐH St.Petersburg, Nga) cho rằng, Trung Quốc càng đơn phương áp đặt quyền kiểm soát lên Biển Đông bao nhiêu thì sự phản ứng quốc tế càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Về phần mình, GS. Tsuboi Yoshiharu (ĐH Waseda, Nhật Bản) cho rằng Việt Nam và Nhật Bản từ nay có lợi ích chung trong việc cùng phối hợp giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, cụ thể là Việt Nam đang gặp vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa, còn Nhật Bản có mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ý kiến này của GS. Tsuboi gặp phải sự phản đối của học giả Trung Quốc Đặng Thuần Đông (Viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx, Viện Xã hội học Trung Quốc). Theo GS. Đặng, đây là hai vấn đề tách biệt, không có liên quan đến nhau.
GS Đặng còn ngụy biện rằng, sau khi Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì Việt Nam mới phá được bao vây, cấm vận và mới hội nhập được với quốc tế. Tuy nhiên, lập luận này bị PGS.TS Trần Thị Vinh (ĐH Sư phạm Hà Nội) phản bác với bằng chứng là từ trước đó Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, chứ không chờ đến khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, bởi vì hội nhập là nhu cầu tự thân của Việt Nam, nằm trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa.
Đề cập đến đường đứt đoạn chín khúc (đường lưỡi bò), Tiến sĩ Erik Franckx đến từ ĐH Vrije (Brussel, Bỉ) cho rằng, “đường lưỡi bò” chỉ thực sự xuất hiện vào năm 2009 (đính kèm một bản đồ vẽ đường yêu sách này kèm theo công hàm gửi Liên Hợp quốc sau báo cáo của Việt Nam). Trước đó, dù nói là xuất hiện từ những năm 1940 song Trung Quốc chưa bao giờ công khai với cộng đồng quốc tế về đường ranh giới này. Vị giáo sư này cũng đồng ý rằng năm 2009 là mốc thời gian đánh dấu sự kiện rất quan trọng đối với các xung đột gần đây trên Biển Đông.
PGS. Trần Khánh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện KHXH Việt Nam) cho rằng, vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông là rất quan trọng. Song, các nước trong khối đang đối mặt với nguy cơ mất đoàn kết, thiếu thống nhất. “Hơn lúc nào hết, ASEAN cần nghiêm túc nhìn lại thất bại của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao lần thứ 45 để từ đó có những quyết sách và hành động chính trị hợp thời, thúc đẩy tiến trình COC về phía trước”, ông Khánh nói. Vị Phó giáo sư này cùng nêu quan điểm về việc phải xem lại “nguyên tắc đồng thuận” trong khối. Theo ông, nguyên tắc này cần linh hoạt, thay đổi cho phù hợp với thời cuộc.
Thoát khỏi thế “trên đe dưới búa”
Nhìn rộng ra khu vực Đông Á, GS. Kotolov đánh giá tình hình hiện nay đang tạo ra tình huống để cả Trung Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc chơi địa-chính trị và thực tế “Việt Nam đang tồn tại giữa búa và đe”. “Bây giờ, Việt Nam (kể cả Hoàng Sa và Trường Sa) là một vùng cạnh tranh ác liệt giữa các cường quốc. Việc sử dụng yếu tố Việt Nam có thể đẩy mạnh hoặc ngăn chặn sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc về phía nam”, GS. Kotolov nhận định như vậy.
Theo GS. Kolotov, một điều rõ ràng là “cuộc chiến giành Việt Nam” đang diễn ra ngày một công khai và quyết định của Việt Nam nghiêng về một bên nào đó sẽ mang lại những hệ lụy nghiêm trọng. Nhưng tình trạng này chẳng có gì mới lạ đối với Việt Nam, vốn là một quốc gia trong lịch sử của mình không chỉ tích lũy được nhiều kinh nghiệm xương máu, biết cách ứng xử linh hoạt với các cường quốc, mà còn nổi tiếng vì có truyền thống kiên cường bảo vệ chủ quyền của mình đến cùng trước mỗi cuộc ngoại xâm.
Mang đến hội thảo kinh nghiệm từ việc đàm phán 9 năm phân định Vịnh Bắc Bộ, GS. Đỗ Tiến Sâm (Viện nghiên cứu Trung Quốc) cho biết, việc ký kết hiệp định phân định Vịnh đã giải quyết dứt điểm được một số vấn đề. Lần đầu tiên, Việt Nam và Trung Quốc có một đường biên giới rõ ràng bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh có giá trị pháp lý quốc tế, được hai bên cùng thỏa thuận. Theo giáo sư Sâm, hiệp định này cùng với hiệp định về hợp tác nghề cá có giá trị tham khảo cho việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề về nghề cá trong khu vực Biển Đông. Đồng thời, nó thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, các vùng biển, thềm lục địa thông qua thương lượng hòa bình.
Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng đã lưu ý bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 đã được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đề ra, với phương châm xuyên suốt là phát triển bền vững. Vì vậy, chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” của Hội thảo lần này không chỉ là sự tiếp nối chủ đề của các hội thảo trước đây, mà còn thực sự bám sát và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Sau phiên họp khoáng đại, các cuộc trao đổi ý kiến đã diễn ra ở 15 tiểu ban. Đặc biệt, các thảo luận tập trung nhiều vào những thay đổi của môi trường quốc tế và khu vực trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nêu bật các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Anh, Nga), các nỗ lực và sáng kiến hợp tác của ASEAN và hệ thống quan niệm, chính sách và quan hệ giữa Việt Nam với thế giới.
Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư có quy mô lớn hơn hẳn so với ba lần trước. Lần này có gần 300 đại biểu nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số tham luận được lựa chọn lên tới con số 800, trong đó có khoảng 600 tham luận của các học giả trong nước và khoảng 200 tham luận của các học giả nước ngoài. Thông qua hội thảo lần này, các học giả trong và ngoài nước đã tham gia đề xuất nhiều ý kiến bổ ích ý về quan điểm và chính sách phát triển – hội nhập của Việt Nam theo tinh thần: “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”. Hội thảo đã đề cập sâu rộng tới những nội dung chủ yếu là: Những yêu cầu cấp bách của phát triển đất nước; Yêu cầu xây dựng luận cứ khoa học cho phát triển bền vững; Yêu cầu về xây dựng luận cứ cho hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét