Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng


Ngô Quỳnh (Danlambao) - Mới đây, khi ai cũng tin rằng kinh tế Việt Nam đang trên đà trở thành một con hổ kinh tế của Châu Á, là một thế lực kinh tế đang lên thì nay, mọi sự đã rất khác. Nguyên nhân nào đã khiến tình hình trở nên như vậy, ai là người phải chịu trách nhiệm và lối ra nào cho kinh tế Việt Nam trong tình hình kinh tế hiện nay?
Nguyên nhân thì đã có nhiều tác giả chỉ ra như: “lỗi cơ chế”, một câu này cũng đã phải bàn cãi rất nhiều. Lỗi cơ chế là lỗi gì? Và con người tạo ra cơ chế hay cơ chế tạo ra con người? Nếu nguyên nhân là do cơ chế thì tại sao ta không xét lại một cách thật kỹ lưỡng cơ chế đó? Nếu mạnh dạn hơn thì người viết đã có thể nói rõ hơn lỗi này là do cơ chế độc đảng tạo ra hay là do cơ chế độc tài đảng trị tạo ra. Vậy thì lựa chọn nào thay thế cho cái “cơ chê” mà mang đến quá nhiều hệ lụy cho Việt Nam đến thời điểm này?
Trách nhiệm thuộc về ai? Vâng, đã có một chiến dịch rầm rộ để tìm ra người phải chịu trách nhiệm. Trung ương đảng đã họp và Quốc Hội cũng đã họp để tìm ra người phải chịu trách nhiệm và câu trả lời khiến cho ai quan tâm cũng không nhịn nổi cười. Đồng chí “X” đã được người quan tâm nhắc đến trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân là tại cơ chế thì người chịu trách nhiệm không thể là đồng chí “X” được bởi đồng chí “X” không tạo ra cơ chế này mà đồng chí X chỉ là sản phẩm của cơ chế này. Cách tổ chức xã hội phải do sự chọn lựa của tất cả dân chúng trong xã hội đó và lỗi này người viết phải dùng đến hai chữ chúng ta. 
Kinh tế Việt Nam hiện nay có cần lối ra?
Người viết lớn lên bên một con sông ở một làng quê Việt Nam. Cả tuổi thơ đã gắn bó với con sông với bao nhiêu kỷ niệm. Việc chứng kiến một con sông trong xanh êm đềm đang biến đổi để trở thành một con sông chết là một điều vô cùng đáng tiếc. 
Sân chơi WTO là một sân chơi rất nhiều thách thức và những bài học chỉ được rút ra sau những thất bại. Các sản phẩm công nghiệp rõ ràng không phải là những sản phẩm mà chúng ta có thế mạnh cạnh tranh. Các sản phẩm như Tivi hay tủ lạnh giá đã không hề tăng trong những năm qua mà thậm chí còn giảm.
TS. Alan Phan đã nhắc đến Nông Nghiệp và Công Nghệ Thông Tin (IT – Information Technology) nên là hai mũi nhọn đột phá của Việt Nam, người viết cũng chia sẻ quan điểm này.
Về nông nghiệp chúng ta có những lợi thế rất lớn về nhân lực và kinh nghiệm. Một đất nước với rất nhiều cát và sa mạc như Israel nhưng lại có nhiều tỷ Dollar từ việc bán các sản phẩm nông nghiệp. Chúng ta, một nước với rất nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai và nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm. Nếu được đầu tư một cách bài bản và trí tuệ thì nguồn lợi mang lại sẽ không nhỏ.
Một lợi thế khác nông nghiệp giúp chúng ta tránh được việc phải đầu tư một ngân sách khổng lồ cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường do việc phát triển công nghiệp theo hướng thô sơ (chủ yếu khai thác các nguồn tài nguyên hóa thạch) và gia công lại các sản phẩm với giá rẻ mạt. Một nước Trung Quốc đang giàu lên thì một bộ phận không nhỏ dân chúng sẽ đòi hỏi được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, đó sẽ là một chiến lược dài hạn của nông nghiệp Việt Nam. 
Bạn và tôi sẽ lựa chọn như thế nào giữa một cường quốc công nghệ thông tin với một bầu không khí trong lành, những dòng sông xanh êm đềm chảy bên cạnh những vườn cây đầy hoa trái được lập trình tưới nhỏ giọt bằng máy điện toán với một Trung Quốc ô nhiễm nặng nề (hiện tượng sa mạc hóa đã tiến sát đến Bắc Kinh) và đang đẩy nông dân của mình đến những khu ổ chuột?
Ngô Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét