Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

La voie chinoise- Con đường Trung Quốc


Công an Trung Quốc kiểm tra giấy tờ khách bộ hành trên quảng trường
 Thiên An Môn ngày 02/11/2012. Càng gần đến ngày Đại hội Đảng,
 an ninh được tăng cường thêm. 
Reuters
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Barack Obama chiếm thế thượng phong sau trận bão Sandy, tổng thống Hollande trấn an cộng đồng người Do Thái nhân chuyến viếng thăm nước Pháp của thủ tướng Israel ; Trung Quốc họp trù bị trước Đại hội đảng. Đó là những đề tài được các báo Paris quan tâm hôm nay.
Báo L’Humanité đã có một bài phỏng vấn dài với giáo sư kinh tế Michel Aglietta, đồng tác giả cuốn sách mang nhan đề « La voie chinoise. Capitalisme et empire – Đường lối của Trung Quốc.
Tư bản và đế quốc », nhà xuất bản Odile Jacob. Trong tác phẩm này, giáo sư Aglietta và một nhà nghiên cứu trẻ của Trung Quốc, cô Quách Bách, đã nhắc lại quá trình công nghiệp hóa của nền kinh tế Trung Quốc và làm thế nào quốc gia châu Á này đã phác họa ra một hướng đi riêng biệt để tiến đến chủ nghĩa tư bản. Trung Quốc cũng đã từng bước đặt nền móng cho một loạt các chương trình cải tổ, để vươn lên một siêu cường kinh tế của thế giới.
Trong mắt hai tác giả, phát triển kinh tế chỉ là một phương tiện để duy trì ổn định xã hội, sự đoàn kết trong quần chúng. Theo quan báo L’Humanité « La voie chinoise » là một trong những cuốn sách thú vị nhất viết về Trung Quốc hiện nay.
Trả lời phỏng vấn báo L’Humanité, giáo sư Aglietta ngược dòng thời gian nhìn lại quá trình phát triển trong hàng ngàn năm của Trung Quốc. Ông nhắc lại : trước xa châu Âu, từ thế kỷ thứ 9, Trung Quốc đã là một nền kinh tế thị trường, nhưng tiếc là vào thời điểm đó ngành công nghiệp của Trung Quốc chưa được mở mang và mô hình kinh tế thị trường không giúp cho Trung Quốc phát triển.
Thế rồi sau này Mao Trạch Đông là người đầu tiên đã hiểu ra rằng, nếu Trung Quốc muốn tiến hành một cuộc cách mạng, thì điểm xuất phát phải từ nông thôn. Một nền nông nghiệp vững mạnh sẽ cho phép Trung Quốc tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp. Đến thời Đặng Tiểu Bình, ông này chủ trương phải « cải tổ sâu rộng trước khi tính tới việc mở cửa ». Thí điểm của các chương trình cải tổ do họ Đặng tiến hành lại cũng bắt nguồn từ nông thôn.
Khi mà đời sống của nông dân được cải thiện thì cũng là lúc Bắc Kinh bắt đầu xóa bỏ chính sách kế hoạch hóa. Tuy nhiên cái giá phải trả là lạm phát gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo giáo sư Aglietta, tình trạng này đã dẫn tới phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh.
Thiên An Môn phản ánh một cuộc khủng hoảng chính trị vô cùng nghiêm trọng trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc, giữa một bên là phe cải tổ và bên kia là những thành phần bảo thủ. Trong cuộc độ sức này, phần thắng đã nghiêng về cánh cải tổ, chủ yếu là nhờ uy tín của cá nhân ông Đặng Tiểu Bình.
Trong giai đoạn hậu Thiên An Môn, giáo sư Anglietta cho rằng Trung Quốc dưới bàn tay Đặng Tiểu Bình đã tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ. Từ đó Trung Quốc hướng tới hai động cơ chính : xuất khẩu và đầu tư. Năm 2001 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế của Trung Quốc khi quốc gia này chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
L’Humanité nêu lên một câu hỏi khác với giáo sư Aglietta : thế hệ lãnh đạo đang chuẩn bị lên cầm quyền sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 sẽ phải cải tổ kinh tế theo chiều hướng nào ? Đồng tác giả cuốn « La voie chinoise » trả lời : với khủng hoảng toàn cầu 2009, Bắc Kinh ý thức được rằng, không thể chỉ trông vào khu vực xuất khẩu để đem lại thịnh vượng kinh tế, mà đã đến lúc Trung Quốc cần khai thác nguồn tiêu thụ vô giá của 1,3 tỷ dân.
Thứ hai là, để tồn tại, Trung Quốc phải nâng cấp các sản phẩm « made in China », đồng thời tăng lương, để qua đó nâng cao sức mua của người lao động và đương nhiên bước kế tiếp là Trung Quốc sẽ phải cải tổ mạng lưới an sinh xã hội. Điều mà giáo sư Aglietta gọi là giai đoạn ba của cuộc cách mạng kinh tế Trung Quốc.
Cuối cùng, giáo sư người Pháp, cho rằng đe dọa chia rẽ nội bộ giữa các thành phần lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai sẽ không ghê gớm như những gì từng xảy ra trong quá khứ. Đành rằng trong hàng ngũ của đảng luôn có các phe cánh, nhưng hầu hết đều theo đuổi một lợi ích chung : đó là tính chính đáng của chính quyền trung ương. Như vậy các bên sẽ tìm ra những đồng thuận, tránh để Trung Quốc bị tê liệt.
Các thành viên đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay đều là những thành phần trẻ và có trình độ hiểu biết cao để vượt qua những bất đồng. Vấn đề còn lại là Trung Quốc sẽ tiến hành khâu thứ ba trong quá trình cải cách với tốc độ nào mà thôi.
Đại hội 18, khúc quanh lịch sử ?
Vẫn liên quan đến Đại hội Đảng sắp tới của Trung Quốc, xã luận nhật báo La Croix nói tới « một khúc quanh » trong lịch sử Trung Quốc. Một ban lãnh đạo mới đang chuẩn bị lên cầm quyền với hai ưu tiên : tiếp tục hiện đại hóa guồng máy kinh tế và duy trì ổn định chính trị.
Trong 30 năm qua, kinh tế nước này đã trải qua một cuộc cách mạng, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Sự thành công vượt bực đó đã diễn ra trong một thời gian cực ngắn, khiến nhiều người chờ đợi ông khổng lồ châu Á này sẽ có lúc « hụt chân » : đó sẽ là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy mô hình của Trung Quốc thất bại, khi mà kinh tế thị trường đặt trong tay một đảng phái chính trị duy nhất.
La Croix nhìn nhận có nhiều « sự bất cân đối » nghiêm trọng đang làm suy yếu mô hình Trung Quốc. Uy tín của đảng bị mai một vì tham nhũng. Do vi phạm nhân quyền , Đảng Cộng sản Trung Quốc rất thận trọng trước mọi hình thức chống đối. Việc người dân Trung Quốc thường xuyên chuyển tiền ra nước ngoài là một dấu hiệu khác cho thấy con cháu của các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình không mấy tin tưởng vào tương lai trên quê hương họ.
Dù vậy, trong 3 thập niên qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn giữ vững tay lái. Trung Quốc trở thành một nền kinh tế hùng mạnh. La Croix kết luận : dù muốn dù không, quốc tế nên ý thức rằng, trong tương lai ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ càng ngày càng lớn và Trung Quốc thì sẽ càng ngày càng mạnh.
Hồi kết của một triều đại
Nhìn lại 10 năm cặp bài trùng Hồ Cẩm Đào- Ôn Gia Bảo lãnh đạo Trung Quốc, ở trang trong tờ báo nhận xét : bản thân thủ tướng Ôn Gia Bảo đang bị suy yếu sau khi gia đình ông bị tố cáo làm chủ một tài sản khổng lồ 2,7 tỷ đô la. Nhiều nghi vấn cũng đang dấy lên chung quanh tài sản của ông Tập Cận Bình, nhân vật số 1 của guồng máy chính trị Trung Quốc sắp tới.
Những tuần lễ cuối cùng của thời đại Hồ Cẩm Đào- Ôn Gia Bảo cho thấy mô hình chính trị và kinh tế Trung Quốc đang bị hụt hơi. Tác giả bài báo tỏ ra tiếc cho ông Hồ Cẩm Đào, bởi vì chính dưới nhiệm kỳ của ông, Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới. Cũng dưới triều đại Hồ Cẩm Đào, thu nhập bình quân đầu người ở thành phố đã được nhân lên gấp đôi.
Bí ẩn chung quanh sức khỏe tổng thống Nga
Rời khỏi châu Á để nhìn sang châu Âu, bài báo mang tựa đề « Chứng đau lưng bí ẩn của Putin » trên tờ Le Figaro không khỏi gây chú ý. Nhật báo Nga Vedomosto hôm qua 01/11/2012 đang một bài báo dài về tình trạng sức khỏe của tổng thống Vladimir Putin, đây là đề tài nổi cộm nhất trong thời sự Matxcơva hiện nay.
Nhưng như thường lệ, điện Kremlin đang làm tất cả để ẻm nhẹm vụ này vì ở Nga, thông tin về tình hình sức khỏe của các vị lãnh đạo luôn là điều cấm kỵ, nếu không muốn nói là một bí mật quốc gia.
Le Figaro nhắc lại là vào đầu tháng 9, trong cương vị chủ nhà tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia diễn đàn APEC, ông Putin đã đi khập khiễng. Từ đó đến nay, tất cả các chuyến công du nước ngoài của chủ nhân điệm Kremlin đều đã bị hoãn lại. Lý do là tổng thống Nga đang rất đau lưng.
Từ hai tuần nay, ông Putin hầu như không ra khỏi ngôi nhà ở ngoại ô Matxcơva. Theo các nguồn tin thông thạo, có thể ông sẽ phải giải phẫu để dứt bệnh đau lưng. Đương nhiên tin trên đã được phủ tổng thống Nga bác bỏ. Tờ báo nhắc lại trong quá khứ, Matxcơva đã từng giấu tin ông Boris Eltsin bị đau tim giữa hai vòng bầu cử tổng thống năm 1996. Đối với ông Putin, điện Kremlin lo rằng thông tin ông bị đau lưng sẽ làm sứt mẻ hình ảnh của người hùng, của một nhà vô địch về judo và của một chính khách rất năng động !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét