Pages

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Nhật tăng cường hiện diện quân sự khi Trung Quốc trỗi dậy



Tàu hộ tống của lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản trong một cuộc thao diễn tại vịnh Sagami, phía nam Tokyo
Trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy, Nhật Bản lần đầu tiên cung cấp viện trợ quân sự sau nhiều thập niên và “trình diễn” lực lượng vũ trang trong nỗ lực xây dựng các liên minh khu vực, liên kết phòng thủ với các nước khác.
Năm nay, Nhật Bản đã “vượt ngưỡng” bằng cách lần đầu tiên cung cấp hỗ trợ quân sự ở nước ngoài kể từ khi chấm dứt Thế chiến II. Tokyo đã thông qua gói viện trợ trị giá 2 triệu USD để các kỹ sư quân sự của mình sang đào tạo cho quân đội tại Campuchia và Đông Timor về những kỹ năng đối phó thảm họa hay xây dựng đường sá. Các tàu chiến Nhật không chỉ ngày càng tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận với lực lượng vũ trang ở châu Á – Thái Bình Dương, mà còn bắt đầu viếng thăm cảng ở một số quốc gia.

Lặng lẽ thay đổi
Các quan chức quốc phòng và giới phân tích Nhật cho hay, Nhật Bản cũng có thể sớm đạt được cột mốc khác: bắt đầu bán khí tài quân sự trong khu vực như các thủy phi cơ, tàu ngầm ở một khu vực mà Trung Quốc ngày càng gia tăng sự quyết đoán trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Nhật Bản đã lặng lẽ thay đổi để trở thành một quốc gia quân sự ngày càng quan trọng hơn giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tăng cường nắm giữ “thị phần” ảnh hưởng ở châu Á.
Động cơ cho sự thay đổi chiến lược an ninh quốc gia của Nhật là sự tranh chấp căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc tại biển Hoa Đông khiến người Nhật ngày càng lo lắng về hình ảnh đang sụt giảm của đất nước. Đồng thời, các khó khăn tài chính của Mỹ – đồng minh bảo đảm an ninh chủ chốt với Nhật – khiến người Nhật ngày càng cảm giác dễ bị tổn thương.
“Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, tất cả những gì Nhật Bản phải làm là theo Mỹ”, Keiro Kitagami, cố vấn đặc biệt về an ninh cho Thủ tướng Yoshihiko Noda nói. “Với Trung Quốc, mọi sự khác hẳn. Nhật phải có chỗ đứng riêng của mình”.
Các động thái của Nhật không có nghĩa là họ có thể thay đổi lực lượng quân sự – vốn hoàn toàn phục vụ mục tiêu phòng thủ – trở thành một lực lượng tấn công trong tương lai gần. Người dân nước này đã phản đối những nỗ lực của một số chính khách muốn thay đổi hiến pháp hòa bình, và khối nợ lớn của Nhật cũng là một hạn chế. Nhưng rõ ràng quan điểm của Nhật đã thay đổi khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số và quả quyết hơn trong tranh chấp chủ quyền với Nhật.
Các nhà lãnh đạo Nhật đã đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Các cuộc thăm dò cũng cho thấy, công chúng Nhật ngày càng gia tăng ủng hộ lập trường cứng rắn trong vấn đề lãnh thổ. Hai đảng chính trị lớn đã công khai đề cập tới sự linh hoạt hơn của hiến pháp, để cho phép Nhật Bản bảo vệ các đồng minh như bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên hướng tới Mỹ. Đây là động thái được xem là sự xóa nhòa ranh giới giữa một lực lượng phòng thủ và tấn công.
Lực lượng phòng vệ của nước này đã bắt đầu “ngắm” tới Iraq và Afghanistan, nơi Nhật ủng hộ các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu bằng cách triển khai các tàu hải quân tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương.
Bước đi lớn
Quan chức Nhật khẳng định, chiến lược của họ không phải để khởi xướng một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, mà nhằm thắt chặt quan hệ với các nước khác có cùng mối lo về người láng giềng khổng lồ. Họ cũng thừa nhận, việc xây dựng khả năng của lực lượng phòng vệ bờ biển của nước khác là một cách để nâng cao khả năng chung trước bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh thay đổi địa chiến lược, ít nhiều quốc gia trong khu vực hoan nghênh sự trợ giúp của Nhật. “Chúng tôi sẵn sàng đặt cơn ác mộng Thế chiến II sang bên vì mối đe dọa từ phía Trung Quốc”, Rommel Banlaoi, một chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philippines cho biết.
Mới đây, 22 quan chức phòng vệ bờ biển từ nhiều nước châu Á, châu Phi đã tham gia khóa đào tạo tại vịnh Tokyo. Trên thực tế, Nhật được xem là quốc gia duy nhất trong khu vực có lực lượng hải quân đủ mạnh để “kiểm tra” Trung Quốc.
Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Nhật đang giảm sút, nhưng ngân sách quân sự theo rất nhiều cách khác nhau, vẫn đứng thứ sáu trên thế giới. Theo quan điểm hòa bình, Nhật không có tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân hay tàu sân bay cỡ lớn để khuếch trương sức mạnh cần thiết. Nhưng các tàu ngầm diesel của họ được đánh giá vào loại tốt nhất thế giới. Hải quân Nhật Bản cũng sở hữu tàu tuần dương trang bị hệ thống Aegis có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo và hai tàu khu trục lớn có thể được nâng cấp để mang các máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng.
Hải quân Nhật đã thực hiện một bước đi lớn vào năm 2009 khi tiến hành tập trận quân sự chung với Australia – một cuộc tập trận đầu tiên với quốc gia ngoài Mỹ. Kể từ đó, nước này đã tham gia một số cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia tại Đông Nam Á, và tháng 6 thì tổ chức cuộc tập trận đầu tiên với Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích và các cựu quan chức quốc phòng, quân đội Nhật tới nay đã thận trọng tham gia viện trợ ở một số lĩnh vực phi chiến đấu như đối phó thảm họa, chống cướp biển và y tế. Bộ quốc phòng, chính phủ Nhật đã lên kế hoạch tăng cường viện trợ quân sự trong năm tới với một số nước Đông Nam Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét