Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Phạt xe không chính chủ: Ngồi trên trời làm chính sách



- Bên hành lang QH, có đại biểu QH cho hay bản thân ông cũng không có cái xe máy nào, ngày nghỉ thường mượn xe của con đi ăn sáng, nếu xe đó của con dâu, con rể thì làm sao chứng minh cùng họ…
Thường trực UB Pháp luật Ngô Văn Minh: Không khả thi
Về mặt chủ trương thì có vẻ đúng, đó là chống thất thu thuế, trốn thuế tập trung vào nhóm người mua đi bán lại nhưng không chịu sang tên đổi chủ và với các đối tượng phạm tội thì sẽ dễ nắm bắt thông tin hơn. Nhưng để đạt mục đích này cần phải có các biện pháp đồng bộ hơn. Chứ cách phạt xe không chính chủ vừa không khả thi, lại gây phản ứng trong dân.
Thường trực UB Pháp luật Ngô Văn Minh
Đại bộ phận là dân nghèo, cả nhà có một cái xe đi chung tại sao bây giờ lại nói đến chuyện chính chủ hay không chính chủ?
Như bản thân tôi không hề có một cái xe máy nào. Nhưng ngày nghỉ tôi mượn xe con tôi đi ăn sáng, uống cafe vỉa hè vậy tôi cũng phải chứng minh xe chính chủ. Giả sử như xe đó do con rể, con dâu đứng tên, vậy bảo tôi chứng minh cùng họ với dâu rể sao được? Hoặc nếu yêu cầu phải chung hộ khẩu, nhưng tôi hộ khẩu ở ngoài Hà Nội, mà con tôi ở trong quê, chứng minh sao được. Xử phạt là hết sức vô lý.
Đây là một chủ trương thiếu thực tiễn của những người ngồi trên trời làm chính sách. Những chính sách không khả thi, không phù hợp tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
Mà rõ ràng đã sai là phải sửa, không phù hợp là phải sửa.
Tôi nhớ ngành giao thông trước kia cũng có một quy định phi lý về việc người thấp bé nhẹ cân không được điều khiển xe gắn máy, sau đó QH phản đối và quy định này đã phải bỏ.
Đứng trước phản ứng của dư luận thì bản thân cơ quan ban hành chính sách cũng sẽ phải tự điều chỉnh. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì một thời gian sau đó, UB Pháp luật sẽ có ý kiến. Luật Khiếu nại cũng có quy định là cơ quan ban hành chính sách tự xem lại quyết định của mình, tự sửa chữa, nếu không sửa sẽ bị tuýt còi.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo: ‘Đùng’ một cái đem ra phạt
Chủ trương khi sang tên đổi chủ xe thì phải làm các thủ tục chuyển nhượng là đúng, hợp lý và cần cho công tác quản lý. Nhưng cách làm của ta là không có tuyên truyền phổ biến, “đùng” một cái đem ra phạt.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (giữa)
Về mặt tài chính, có hai khoản thu là thuế thu nhập cá nhân đối với người chuyển nhượng tài sản và phí trước bạ đối với việc sang tên đổi chủ mà nếu không làm nghiêm thì Nhà nước sẽ mất một khoản thu.
Mặt khác, khi phương tiện xảy ra tai nạn hay vi phạm, nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật là chụp biển số, như ở các nước, phạt xe đậu sai chẳng cần gặp chủ xe, cứ dán giấy phạt là chủ xe phải tự giác đi nộp, không nộp mức phạt sẽ lũy tiến ngày càng nhiều, điều đó chỉ thực hiện được khi xe là chính chủ. Nếu là xe đã qua bao nhiêu lần đổi chủ lòng vòng, làm sao cơ quan công quyền lần theo được.
Chủ trương có từ lâu mà nay mới làm, và còn vướng nhiều vấn đề khác. Ví dụ, với xe ôtô, theo một nghị định khác của Chính phủ lại cho phép hai người trao đổi xe chỉ cần hợp đồng ủy quyền có công chứng và nộp phí. Bây giờ, theo Nghị định này thì nếu không sang tên đổi chủ ngay là vi phạm, phạt rất nặng. Như vậy rõ ràng là là sai rồi. Bởi chính sách phải liên hoàn và đồng bộ.
Theo tôi, Chính phủ nên có một văn bản chính thức quy định rõ tạm dừng, hoãn hoặc lùi thi hành điều khoản này trong 6 tháng – 1 năm và yêu cầu những người đang sử dụng ôtô, xe máy không chính chủ thì phải chuyển đổi. Cũng như từ nay trở đi, các giao dịch đều phải làm đúng thủ tục. Hết thời gian gia hạn, ai không làm sẽ bị xử lý nghiêm, phạt nặng.
Nhưng vấn đề chính chủ là liên quan đến chủ xe, chứ không phải người sử dụng, nên phạt người sử dụng là không đúng. Nếu CSGT phát hiện người đi trên đường là người nhận chuyển nhượng xe nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ thì phạt là đúng, tức là đánh vào chủ cũ và chủ mới của phương tiện, chứ không thể phạt một người vì đang sử dụng một cái xe chưa sang tên, vì chuyện mượn ôtô, xe máy là quyền mà trên thế giới này không ai cấm.
Nhất là chuyện này không khéo sẽ lại khuyến khích những nhà có điều kiện, nhu cầu chỉ cần 1 xe cho 4 người nhưng sắm mỗi người một xe, dẫn đến gia tăng lượng phương tiện cá nhân, đó là điều mà ta không khuyến khích.
Cách làm các thủ tục sang tên đổi chủ cũng phải cải cách làm sao thuận tiện và gọn, chứ như hiện nay rất phức tạp. Có khi phải mất hàng buổi đến chầu chực công chứng, nộp tiền, xếp hàng…
Thường trực UB Tư pháp Đỗ Văn Đương: Phải tính đến yên dân trước
Chủ trương đúng hướng, nhưng khi ban hành chính sách pháp luật nào đó thì phải có thời kỳ quá độ, phải có sự chuẩn bị.
Thường trực UB Tư pháp Đỗ Văn Đương
 
Ở đây phải cân nhắc cách làm bởi người tham gia phương tiện giao thông khi ra đường thì phải đem theo đầy đủ giấy tờ sở hữu xe. Mượn xe cũng là quyền dân sự bình thường.
Về việc này, nếu được thì Bộ trưởng cũng nên đứng ra giải trình cho dân rõ, tính cho hết các trường hợp chứ không nên cứng nhắc quá.
Theo tôi, phải làm thế nào đó để hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và cá nhân. Mọi chính sách đều phải tính đến yên dân trước.
Ngọc Lê – Chung Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét