Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Tiếp tục huy động vàng trong tủ dân


Về dài hạn cần tiếp tục huy động vàng trong dân, song phải có biện pháp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó. Hiện trên thế giới, các ngân hàng thương mại vẫn được huy động vàng, tuy nhiên, NHNN phải kiểm soát chặt việc này.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương khẳng định như vậy.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại huy động vàng và sử dụng không đúng với mục đích, chuyển đổi sang tiền đồng cho vay, nên đến nay, khi gần tới hạn chấm dứt huy động, các Ngân hàng phải tăng cường gom vàng để cân đối trạng thái, tạo áp lực lên nguồn cung trong nước, làm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới.

Các tổ chức tín dụng được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012, theo nguyên tắc thời gian đáo hạn của các chứng chỉ không vượt quá ngày 30/6/2013. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chuyển 300 tấn vàng thành tiền để “bơm” vào sản xuất kinh doanh.
- Việc người dân và các tổ chức tín dụng “đổ xô”  chạy sang  tiết kiệm vàng sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế, thưa ông?
Ông Võ Trí Thành: Các tổ chức tín dụng găm vàng, người dân lao vào vàng sẽ đẩy các tổ chức tín dụng và người dân gặp rủi ro không đáng có. Nghị định 24 chống vàng hóa của Chính phủ để có một thị trường ổn định không phụ thuộc và thị trường vàng thế giới. Theo ước tính cả nước có 300 tấn vàng, tương đương với 15 tỷ USD, tất cả đều chôn chặt dưới những thỏi vàng, trong khi đó cả nền kinh tế thiếu nguồn lực để phát triển.
Hệ quả những năm qua, nền kinh tế cả nước phát triển quá nóng vì vậy, cuối năm 2012 vừa qua vỡ hàng loạt bong bóng bất động sản, tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp… chính những chuỗi vỡ “bong bóng” khiến cho nền kinh tế thiếu tiền một cách trầm trọng, thêm vào đó người dân mua vàng để gửi vào ngân hàng. Vấn đề làm thế nào để vàng chảy thành tiền, để đưa vào nền kinh tế sản xuất kinh doanh.
- Vậy làm thế nào để vàng chuyển thành tiền, rồi bơm vào sản xuất kinh doanh?
Ông Võ Trí Thành: Số vàng huy động được có thể dùng làm tài sản thế chấp để vay ngoại tệ ở nước ngoài với lãi suất thấp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tùy từng thời điểm, NHNN trực tiếp nhập vàng để bình ổn giá. Khi thị trường dần ổn định, các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối được kiểm soát thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản, hạn chế tình trạng giao dịch vàng vật chất như hiện nay.
Chuyển vàng sang tiền sẽ tạo thêm nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng nhà nước đã mua lại 60 tấn vàng, tương đương khoảng trên 10 tỷ USD từ thị trường. Việc hút USD và bơm tiền VNĐ ra tạo thanh khoản trong hệ thống. Vì vậy, tốc độ tăng VND trong dân cư tăng gần 29%, không kém những năm kinh tế phát triển.
Nguồn lực vàng trong dân được đánh giá là rất lớn nên cần khai thác, và vàng huy động về cần phải sử dụng làm sao cho hiệu quả và tránh được rủi ro.
Vì vậy, về dài hạn cần tiếp tục huy động vàng trong dân, song phải có biện pháp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó. Hiện trên thế giới, các ngân hàng thương mại vẫn được huy động vàng, chứ không riêng gì NHNN. Tuy nhiên, NHNN phải kiểm soát chặt việc này. Các ngân hàng huy động vàng phải sử dụng đúng mục đích và minh bạch trong việc sử dụng vốn vàng, thay vì chỉ mang lại quyền lợi cho ngân hàng.
- Việc ra đời Nghị định 24 sẽ chống được vàng hóa, thưa ông?
Ông Võ Trí Thành: Nghị định 24 chuyển tải được thông điệp mà nhiều người dân nắm được là nội dung nghị định làm cho việc nắm giữ vàng hiện giờ kém hấp dẫn và việc giao dịch vàng trở lên khó khăn và rủi ro hơn. Chính vì vậy, khi người dân có tiền nhàn rỗi, họ sẽ đứng trước 2 sự lựa chọn là nắm giữ vàng hay tiền đồng.
Điều này họ thấy giữ vàng thì không có lợi vì không đem gửi vào ngân hàng được, thậm chí nếu đem gửi thì có thể bị mất phí, còn giữ nguyên ở nhà thì sẽ mất chi phí cơ hội. Trong khi, họ bán vàng đó đi, chuyển sang tiền đồng đem gửi vào ngân hàng hoặc họ đem tiền đồng đầu tư vào một kênh sinh lời khác thì sẽ có hiệu quả hơn.
Việc nhiều người dân tiết kiệm bằng vàng sẽ mất cơ hội kinh doanh
- Theo ông, người dân và các tổ chức tín dụng nắm giữ vàng gặp rủi ro như thế nào?
Ông Võ Trí Thành: Việc các tín dụng huy động và cho vay vốn bằng vàng đã kích thích tâm lý vàng hóa trong nền kinh tế và tâm lý nắm giữ vàng, làm cho một nguồn lực tài chính rất lớn không được đưa vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, khi các tổ chức huy động và cho vay vốn bằng vàng, chuyển đổi nguồn vàng huy động sang VND để cho vay, cũng như những hoạt động cho vay để đầu tư vào vàng, nhưng khi giá vàng biến động đã làm cho chính hoạt động của các tổ chức tín dụng gặp rủi ro rất lớn, gây mất an toàn của cả hệ thống tín dụng và bản thân người vay vàng cũng gặp rủi ro do giá vàng biến động.
Vì vậy, việc thực hiện chủ trương của NHNN thời gian vừa qua mục đích áp dụng các biện pháp để chống vàng hóa và yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt hoạt động, huy động cho vay vốn bằng vàng để giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng cũng như người vay vốn bằng vàng, để đưa số vàng chuyển đổi sang tiền để đưa vào sản xuất kinh doanh.
- Theo ông để phát triển sản xuất kinh doanh bền vững có phụ thuộc nhiều vào vàng?
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy không có huy động và cho vay vốn bằng vàng. Một nền kinh tế không phụ thuộc vào ngoại tệ, giá vàng, người dân tin tưởng vào đồng nội tệ mới là có một nền kinh tế vững chắc.
Thực tế cho thấy, Nghị định 24 mục đích chống vàng hóa, nhưng gặp một số phản ứng phụ từ thị trường vàng như hiện tượng vàng giả, vàng nhái, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rất cao. Tuy nhiên, việc kiên trì thực hiện Nghị định 24 để chống vàng hóa để có một thị trường vàng minh bạch, phục vụ phát triển nền kinh tế là một bước đi vững chắc.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét