Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Trung Quốc ra mắt thành phần ban lãnh đạo mới


VOA 

Thành phần Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị mới của Trung Quốc

Hôm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố các thành viên trong ban lãnh đạo cấp cao là Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực.

Tập Cận Bình, 59 tuổi: Con trai của một đảng viên kỳ cựu. Được coi là một nhà hành chánh thận trọng và thúc đẩy thỏa hiệp. Nguyên phó chủ tịch nước. Sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng 3.

Lý Khắc Cường, 57 tuổi: Lên nắm quyền với nguồn gốc khiêm nhường. Tốt nghiệp trường luật. Hiện làm phó thủ tướng. Sẽ thay thế Thủ tướng Oân Gia Bảo vào tháng 3.

Trương Đức Giang, 66 tuổi: Học về kinh tế ở Bắc Triều Tiên. Hiện làm phó thủ tướng đặc trách năng lượng, viễn thông và giao thông. Đã thay thế ông Bạc Hy Lai trong chức bí thư thành uỷ Trùng Khánh.

Du Chính Thanh, 67 tuổi: Bí thư thành uỷ Thượng Hải. Được coi là một “thái tử đảng.” Có quan hệ mật thiết với cố lãnh tụ cải cách Đặng Tiểu Bình.

Lưu Vân Sơn, 65 tuổi: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, đã siết chặt kiểm soát truyền thông trong nước. Từng làm phóng viên cho Tân Hoa Xã. Được nhiều người coi là bảo thủ.

Vương Kỳ Sơn, 64 tuổi: Nói tiếng Anh làm đại diện cho Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về kinh tế với Hoa Kỳ. Nguyên đô trưởng Bắc Kinh và đứng đầu Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc.

Trương Cao Lệ, 66 tuổi: Bí thư thành ủy Thiên Tân. Được đào tào làm kinh tế gia. Ủng hộ đầu tư nước ngoài nhiều hơn ở Trung Quốc.
​​Sau nhiều tháng đồn đoán và một vụ tai tiếng chính trị rắc rối, giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn một nhóm mới gồm 7 người làm thành phần lãnh đạo nòng cốt và định ra nghị trình cho thập niên sắp tới. Thông tín viên VOA William Ide đã dự một buổi lễ hôm thứ năm công bố ban lãnh đạo mới và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ Bắc Kinh.



Ông Tập Cận Bình đã kế nhiệm ông Hồ Cẩm Ðào, tiếp quản các chức vụ cao nhất là đứng đầu đảng Cộng sản và quân đội đầy quyền lực của Trung Quốc.

Nhóm lãnh đạo mới có nhiệm vụ chỉ huy nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới nổi lên trong tư cách thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc vào một thời điểm mà đất nước đang đứng trước nhiều thách thức và khi mà những lời kêu gọi cải cách đang ngày càng gia tăng.

Ông Tập dường như biết rất rõ về các vấn đề đó và đã đề cập thẳng đến chúng trong bài phát biểu ngắn nhưng đầy ý nghĩa mà giới phân tích chính trị cho là định ra xu hướng trong thời kỳ tại chức của ông.

Ông Tập nói rằng người Trung Quốc tha thiết yêu đời và họ muốn có nền giáo dục tốt đẹp hơn, công ăn việc làm ổn định hơn, thu nhập cao hơn, an sinh xã hội nhiều hơn, chăm sóc y tế và sức khỏe tốt hơn, tình trạng gia cư được cải thiện và một môi trường tốt hơn.

Ông cũng nói về sự quan ngại ngày càng nhiều đối với việc các giới chức đảng Cộng sản lâm quyền và tham nhũng.

Ông Tập nói cần phải thực hiện các nỗ lực lớn để giải quyết vấn đề các đảng viên dính líu đến tham nhũng và rời xa công chúng cũng như chú trọng quá mức vào hình thức và thủ tục hành chính.

Tuy các nhận định của ông Tập về tham nhũng và các vấn đề mà Trung Quốc phải đối phó không phải là mới, phong cách của ông rất khác biệt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây.

Ông David Zweig, một nhà khoa học chính trị tại trường Khoa Học Kỹ thuật ở Ðại học Hong Kong cho rằng ông Tập đã tỏ ra rất thoải mái trong bài phát biểu đầu tiên và nhận xét rằng ông Tập đã xin lỗi các phóng viên về việc để họ phải chờ đợi. Ông Zweig nói các nhận định của ông Tập về việc Trung Quốc muốn là một phần của thế giới phản ánh sự nghiệp và cá tính của ông.

Ông Zweig nói: “Ông ấy đã đi nhiều và tiếp xúc với phương Tây, ông ấy đã sống nhiều năm ở Phúc Kiến, đã tiếp xúc với thế giới bên ngoài, với Ðài Loan, với Hong Kong. Và ông ấy đã làm việc ở Thượng hải, ông ấy đã làm việc ở Triết Giang, ông ấy là một tay từng sống ở ven biển, đã có thời gian đi Hoa Kỳ, ông ấy đạt thành tích rất khá trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ.”

Các chuyên gia chính trị nói trong thời gian giữ chức phó chủ tịch, ông Tập đã công du nước ngoài khoảng 50 lần, trong khi người tiền nhiệm Hồ Cẩm Ðào thực hiện chưa đầy 20 chuyến đi.


Tân Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình
​​Sự tương phản giữa nhà lãnh đạo sắp xuất nhiệm và ông Tập đã thu hút nhiều lời bình trên mạng. Một người sử dụng dịch vụ vi blog Weibo, giống như Twitter đã đăng một so sánh giữa bài diễn văn của ông Hồ Cẩm Ðào khi ông lên làm tổng bí thư đảng cách đây 10 năm với các nhận định của ông Tập Cận Bình.

Bài đăng nêu ra những câu ông Tập đề cập đến dân chúng Trung Quốc, những nguy cơ mà đảng phải đối diện và lời xin lỗi ông đưa ra với các phóng viên.

Ông Jean-Pierre Cabestan là một nhà khoa học chính trị tại trường Ðại học Baptist Hong Kong. Ông nói ông Tập đang cố gắng lánh xa các thuật ngữ của đảng.

Ông Cabestan cho biết: “Ðó là một thay đổi tốt so với ông Hồ Cẩm Ðào trong bài diễn văn mở đầu mang nặng tính cách cổ điển, nêu bật sự xa rời với xã hội, là một đề tài gây quan tâm kể cả trong giới cầm quyền cao cấp, bởi vì ban lãnh đạo đảng mới cần phải xử lý các quan hệ với xã hội sau vài tháng xảy ra một loạt những vụ tai tiếng có liên quan đến các thành viên cao cấp trong ủy ban thường vụ.”

Tuy nhiên, ông Cabestan nói thêm rằng không phải chỉ có phong cách là cần phải thay đổi ở Trung Quốc, mà cả cách thức các nhà lãnh đạo mới điều hành đất nước nữa.

Ông Cabestan nói: “Tôi nghĩ vấn đề là họ thống nhất về một số việc, nhưng lại chia rẽ về những cải cách táo bạo và mang tính chính trị hơn. Họ thống nhất về việc cần phải tiến tới một mô hình tăng trưởng khác, các mô hình do tiêu thụ hướng dẫn, sẽ phải mất nhiều thời gian hơn so với sự trông đợi.”

Về phần mình, ông Tập tỏ dấu cho thấy ông đang trông mong vào sự ủng hộ của công chúng và cam kết trong bài phát biểu của mình là sẽ làm đủ mọi cách có thể được để hoàn thành nhiệm vụ trong tư cách người lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Ông Tập nói sức mạnh của Trung Quốc nằm trong nhân dân. Ông nói tuy khả năng của cá nhân là hạn chế, nhưng không có gì mà dân chúng không thể cùng nhau hoàn thành.

Những lời hô hào vang dội kêu gọi nhân dân đoàn kết là một sự nhắc nhở các thách thức lớn trước mặt. Các chuyên gia phân tích nói thử thách lớn nhất của ông Tập là lèo lái theo một hướng làm hài lòng cả công chúng đang khao khát sự cởi mở lớn hơn trong các hệ thống chính trị và kinh tế với các đảng viên không muốn theo con đường thay đổi.

Không có nhận xét nào: