Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Biển Đông và “ba chân kiềng” chiến lược 2013


Từ góc nhìn của Việt Nam, những vụ va chạm tại khu vực tranh chấp hay các hành động mời thầu dầu khí trái phép nằm trong vùng đặc quyền kinh tế đưa đến nhận định rằng Trung Quốc muốn đánh giá ba yếu tố chính: (1) khả năng sẵn sàng đối đầu của Việt Nam thể hiện qua các hành động trên thực địa và dư luận trong nước, (2) khả năng đoàn kết và ủng hộ của ASEAN trong việc ủng hộ các thành viên của mình liên quan tới tranh chấp và, (3) phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ đối với những hành động gây hấn. Có vẻ như Bắc Kinh đã thành công trong hai phép thử sau, khi Philippines quá yếu, một ASEAN chia rẽ, cũng như Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn sàng để can thiệp hoàn toàn vào khu vực trong khi khủng hoảng kinh tế và vấn đề ở Afghanistan chưa được giải quyết triệt để.

Hội thảo Việt Nam học là một trong những cách “ngoại giao học thuật” phù hợp với một nước có tiềm lực không lớn như Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Phan

Việc thừa nhận hay bắt buộc phải thừa nhận Trung Quốc là một quốc gia mạnh hơn về nhiều mặt, từ quân sự đến kinh tế và nguồn lực con người đòi hỏi một tiếp cận đúng từ các bên yếu thế hơn. Ứng xử một cách thông minh trên Biển Đông là câu hỏi làm sao phát huy tốt nhất lợi thế của mình và hạn chế tối đa thế mạnh của đối phương. Lẽ đó, ba trụ cột xoay quanh giữa thể chế hoá, ngoại giao học thuật và dân sự hoá cần được xây dựng.

Luật chứ không phải nắm đấm

Người mạnh dùng sức, kẻ yếu mượn sức. Điểm tựa của mượn sức là tận dụng những đòn bẩy khác nhau để tạo ưu thế thương lượng cho mình. Lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy đã có nhiều quốc gia thành công trong việc mượn sức hay tạo đòn bẩy giành lấy mục tiêu cao nhất về cho đất nước. Mượn sức trong bối cảnh Biển Đông là ASEAN và việc xây dựng các thể chế mang tính ràng buộc. Sự yếu thế tương đối của ASEAN trong năm qua có thể làm nhiều người thất vọng, nhưng không thể phủ định hoàn toàn vai trò của tổ chức này trong việc thiết lập một diễn đàn để các nước có thể đối thoại với nhau, từ cường quốc cho đến các nước vừa và nhỏ. Đứng trong một môi trường “pháp trị”, yêu cầu dùng luật nhiều hơn nắm đấm. Dù rằng quá trình thể chế hoá nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng cái đích đến của nó vẫn là một khung pháp lý mang tính giới hạn hành động, mà trong đó có sự cân bằng tương đối giữa nước mạnh và nước yếu hơn.

Cụ thể thì trong năm 2013, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra hàng đầu chính là thông qua một COC giữa ASEAN với Trung Quốc dựa vào ba điểm chính. Thứ nhất là về các vòng đàm phán và thời gian đàm phán cụ thể giữa các bên liên quan. Thứ hai là quyết định về các bên tham gia sẽ là đa phương với sự hiện diện của các cường quốc khác bên ngoài khu vực với vai trò trọng tài, hay song phương giữa ASEAN và Trung Quốc, tuyệt đối không chấp nhận quan điểm đàm phán song phương với tư cách quốc gia của Trung Quốc. Thứ ba là thông qua dự thảo chính thức về các vấn đề cần đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó thì việc cần làm ngay bây giờ chính là thúc đẩy đoàn kết ASEAN chống lại các chia rẽ về quan điểm và lợi ích, để sớm đưa ra một ý kiến thống nhất về vấn đề Biển Đông, từ đó tạo nên đối trọng phù hợp trong đàm phán COC với Trung Quốc. Đoàn kết ASEAN chính là chìa khoá quan trọng nhất mở ra giải pháp hoà bình cho tranh chấp Biển Đông. Nếu cả ba mục tiêu trên đều đạt được thì năm tới sẽ là một năm đầy triển vọng cho Việt Nam trong quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Mượn luật cần lập luận và hậu thuẫn của toàn dân

Nền tảng của việc xây dựng một khung pháp lý hành động là hiểu và đồng thuận trên những vấn đề bất đồng, không những từ góc nhìn của ASEAN mà còn trên góc nhìn của Trung Quốc và các nước liên quan. Lẽ đó, học thuật hoá và ngoại giao học thuật là trụ cột quan trọng thứ hai. Nôm na, học thuật hoá là xây dựng những kiến thức – chuẩn mực chung, tập hợp lý lẽ, thu thập bằng chứng về một hiện tượng hay đối tượng nào đó cần nghiên cứu. Hiện tượng hay đối tượng này trước đây có thể được nói, viết, bàn luận nhiều, nhưng thiếu hoặc chưa có một nền tảng khoa học vững chắc để đưa ra nhận xét hay kết luận.

Sau đó sẽ là công tác tác động, ảnh hưởng hay truyền tải những lý lẽ, lập luận hay quan điểm đã được tập hợp ra các diễn đàn thế giới bằng học thuật, hay thông qua cộng đồng khoa học thế giới. Cách thức này trước đây đã được nhắc tới, tuy nhiên vẫn chưa được chú ý đúng mức, cũng như giới học giả Việt Nam vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ cho công việc này. “Ngoại giao học thuật” sẽ rất phù hợp với một nước có tiềm lực không lớn như Việt Nam, bởi chúng ta mạnh hơn Trung Quốc nhiều lần về mặt lý lẽ và luật pháp quốc tế, cũng như xu hướng “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những xu hướng chủ đạo.

Song song với việc đẩy mạnh học thuật hoá để tuyên truyền lý lẽ của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, thì việc đẩy mạnh dân sự hoá, tức hoạt động tuyên truyền, giải thích và phổ biến các chính sách của Nhà nước cho nhân dân cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, chúng ta cần giải thích các chính sách ngoại giao và các biện pháp giải quyết của Nhà nước, để người dân có cái nhìn đúng đắn và tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các chính sách của quốc gia. Trang bị sự hiểu biết đúng đắn cho người dân cũng là xây dựng nền tảng cho đoàn kết dân tộc, đồng thời giúp giảm thiểu các mâu thuẫn dân sự có thể xảy ra trên Biển Đông, từ đó giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang và tạo ra điều kiện thuận lợi cho các giải pháp ngoại giao đạt hiệu quả.

Nhìn từ dài hạn, biện pháp dân sự hoá có thể bao gồm hai hướng căn bản, thứ nhất là truyền tải các thông tin chính xác và giúp đỡ người dân thực hiện các quyền lợi chính đáng của họ trên lãnh thổ hợp pháp của quốc gia. Qua đó, duy trì sự hiện diện dân sự liên tục để chống lại các hành vi xâm chiếm “dân sự hoá” của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong khi vẫn đảm bảo các điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi cho phát triển. Hướng thứ hai là xây dựng cầu nối thông tin giữa Chính phủ và nhân dân, giúp tận dụng tối đa các nguồn lực của quốc gia cho quá trình bảo vệ chủ quyền đất nước. Không chỉ giúp ích cho quá trình thông tin liên lạc, mà chính người dân cũng có thể đóng góp ý kiến và đưa ra một số giải pháp cho các chính sách của chúng ta, đặc biệt là các chính sách dân sự có liên quan trực tiếp như việc thiết lập các đội tàu đi biển có trang bị bộ đàm liên lạc, hay xây dựng đời sống kinh tế – xã hội trên hai quần đảo.

Trước sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông, thể chế hoá là nhu cầu cấp thiết nhất đối với các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc. Con đường phía trước còn dài, và khó khăn đang ngày một lớn. Việt Nam đã chậm chân hơn Trung Quốc trong quá trình học thuật hoá và dân sự hoá. Do đó, cần phải thúc đẩy hơn nữa hai biện pháp này để xây dựng mặt trận ngoại giao nhân dân vững mạnh, làm nền tảng cho quá trình đàm phán COC. Luật dựa trên đồng thuận lý lẽ cùng sự hậu thuẫn ở trong lẫn ngoài sẽ là nguồn sức mạnh cho ngoại giao Việt Nam hoàn tất trọng trách nặng nề năm 2013.

(Báo SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét