Pages

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông


Công an Việt Nam ngăn chặn người dân biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội diễn ra ngày 09 tháng 12, 2012. Ảnh: AP Photo/Na S

Những phân tích về các vụ tranh chấp hiện đang diễn ra ở Biển Đông phần lớn chỉ tập trung vào việc cân bằng chiến lược và lợi ích về địa chính trị trong khu vực.

Trong khi những phân tích như vậy tất nhiên rất quan trọng, nhưng cũng không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua hoàn cảnh chính trị nội địa tại các quốc gia này. Liên quan đến những vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông, các sự kiện gần đây đã minh họa một cách rõ ràng rằng chủ nghĩa dân tộc và chính trị nội bộ quan liêu có thể là chìa khóa giúp hiểu rõ thêm vì sao căng thẳng đang leo thang giữa hai nước Việt-Trung.


Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và thuyết phục hồi lãnh thổ gần đây đã trở thành một chính sách đối ngoại nặng ký của Trung Quốc. Trong lúc Trung Quốc đang trở thành một siêu cường toàn cầu thì chính phủ và người dân nước này nhìn thấy nhu cầu cần phải quyết đoán hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của họ. Việc này một phần nhắm vào mục tiêu khắc phục mối bất bình của Trung Quốc trong giai đoạn “thế kỷ nhục nhã” (từ khoảng năm 1949 trở đi), khi nước này bị các cường quốc phương Tây buộc ký kết một loạt các điều ước quốc tế bất công và nhục nhã dẫn tới nhiều mất mát tại các vùng lãnh thổ của người Trung Quốc. Về vấn đề Biển Đông, não trạng ‘nạn nhân’ đã được thấy rõ qua các nhóm dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc và họ kêu gọi Bắc Kinh nên đẩy mạnh việc triển khai quân sự trong khu vực nhằm gửi một thông điệp cứng rắn tới những nước đang có tranh chấp trong khu vực. Rõ ràng rằng, nếu các lãnh đạo Trung Quốc không đáp ứng tình cảm dân tộc mà các nhóm này đang kêu gọi thì chế độ chính trị của chính họ có thể sẽ trở thành chủ đề của nhiều lời chỉ trích.
Tương tự như ở Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam cũng đã gia tăng và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xung đột. Trong thực tế, tinh thần dân tộc chủ nghĩa đối với các vụ tranh chấp đang được thể hiện rất mạnh mẽ tại Việt Nam, nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Năm ngoái, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đã diễn ra trong 12 tuần liên tiếp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước khi các cơ quan nhà nước quyết định dập tắt chúng, vì sợ rằng các cuộc biểu tình sẽ dẫn đến chống chính phủ.
Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam ngày nay được gắn bó rất chặt chẽ với tinh thần chống Trung Quốc và các vụ tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc khôi phục những mối nhục trong quá khứ thì chủ nghĩa dân tộc Việt Nam lại mang một đặc trưng lịch sử lâu dài chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là Trung Quốc. Một thiên niên kỷ đối với chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc và cuộc chiến tranh năm 1979 giữa Trung Quốc và Việt đã nuôi dưỡng ý thức sâu sắc về sự thiếu tin cậy và oán giận giữa người Việt Nam đối với Trung Quốc. Các chính trị gia, quân sự gia và trí thức có tiếng tại Việt Nam đều lên tiếng kêu gọi Bộ Chính trị [Đảng Cộng sản Việt Nam] nên có những hành động quyết liệt hơn đối với Trung Quốc. Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quân sự, áp lực trong nước có khả năng sẽ buộc các lãnh đạo Việt Nam phải đứng lên đối mặt với phía Trung Quốc, mặc dù hai nước có sự khác biệt rõ ràng về sức mạnh quân sự.
Hơn nữa, các lãnh đạo Việt Nam thường sử dụng chủ đề phản đối Trung Quốc nhằm ghi điểm chính trị trong các thời điểm mà nền chính trị nội địa nước này không được ổn định. Ví dụ, cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã từng tìm cách kích động một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào năm 1974 nhằm tập hợp tình cảm dân tộc và củng cố vị trí chính trị sút kém của ông.
Chính trị nội bộ quan liêu đã dẫn đến những hậu quả về chính sách đối ngoại bất ngờ và nguy hiểm trong quá khứ. Năm 1988, hải quân Trung Quốc và Việt Nam đã đụng độ sau khi các lực lượng Việt Nam tìm cách phá vỡ những công trình của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa. Hải quân Trung Quốc đã đánh chìm ba tàu Việt Nam, dẫn đến cái chết của 74 thủy thủ Việt Nam – và đó là một trong những cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất từng thấy tại Biển Đông.
Nguyên nhân chính của vụ việc này bởi sự phát triển quá mạnh mẽ của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong thời gian đó. Đô đốc Liu Huaqing [Lưu Hoa Thanh], chỉ huy của Hải quân PLA trong thời điểm đó, đã tìm cách hiện đại hóa hải quân nước này, vì ông cho rằng Trung Quốc cần phải khẳng định chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên tại các vùng biển xa xôi ngoài khơi. Để đổi lại sử ủng hộ của quân đội, các lãnh đạo chính trị Trung Quốc đã sẵn sàng xác nhận và hỗ trợ những hoạt động ở Biển Đông. Phản đối ngoại giao của Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] đã không được lắng nghe, và sau đó Hải quân Trung Quốc đã làm nóng vấn đề bằng cách điều các tàu chiến tới để đối đầu với hải quân Việt Nam ở Biển Đông.
Ngày nay, nhiều nhóm khác trong nước ở Trung Quốc, chẳng hạn như chính quyền tỉnh Hải Nam và các cơ quan thực thi pháp luật nội địa, đã biến Biển Đông thành chủ đề chính trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, chống lại phía Việt Nam và Philippines. Chúng chủ yếu được thúc đẩy bởi các khả năng nhận thêm nguồn ngân sách từ Bắc Kinh (như trong trường hợp của Cơ quan Giám sát Biển Trung Quốc và Cơ quan Thực thi Chính sách Thủy sản) hoặc có thêm nguồn thu từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông (như trong trường hợp của chính quyền tỉnh Hải Nam). Tinh thần dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng cao và sự giám sát của công chúng liên quan đến chủ đề Biển Đông đang giúp các nhóm này xây dựng nền tảng quan liêu tuyệt vời để thúc đẩy gia tăng nguồn tài trợ [từ trung ương] cũng như củng cố quyền lực chính trị.
Với sự gia tăng về số lượng của các nhóm, các bên liên quan và các tổ chức khác nhau trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, nền chính trị nội địa sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với việc giải thích về những căng thẳng giữa các quốc gia tuyên bố có chủ quyền tại Biển Đông. Trong khi sự cạnh tranh vũ trang và cạnh tranh địa chính trị trong khu vực chắc chắn rất phổ biến thì các nhân tố nội bộ như chủ nghĩa dân tộc và chính trị quan liêu, trong chính sách dài hạng, có thể sẽ dẫn tới một cuộc xung đột giữa các nước tuyên bố có chủ quyền tại khu vực Biển Đông.
Justin Ho Cheng Lun*, East Asia Forum
Nguồn: Phiatruoc

Không có nhận xét nào: