Andreas Lorenz
Phan Ba dịch, theo blog Phan Ba
Phan Ba dịch, theo blog Phan Ba
Người ta có thể nhìn thấy họ trên nhiều đường phố và quảng trường: bộ binh, phi công và thủy thủ của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Súng trong tay, họ nghiêm trang nhìn từ trên những tấm áp phích và những hàng chữ bằng đèn neon ra phía xa xa. “Quân đội của chúng ta bước đi về phía mặt trời”, họ tuyên bố đầy xúc cảm.
Những câu khẩu hiệu đó cần phải biểu lộ tình gắn bó giữa quân đội và nhân dân – gây sợ hãi và đồng thời cũng trấn an. Đó là những người lính này, những người đã đàn áp cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1989, đó là những người lính này, những người bảo vệ người dân Trung Quốc trước những cuộc tấn công từ bên ngoài và giúp quê hương họ tiến đến tầm vóc to lớn mới.
Đã từ lâu, Quân đội Giải phóng Nhân dân không còn là một đội quân số đông của những người trai nông dân trẻ tuổi gầy gò đi giày vải mỏng. Nó đang trên đường tiến đến một quân đội công nghệ cao đầy sức mạnh với những người lính được đào tạo và trang bị tốt, những người cũng có cả nhiệm vụ tấn công máy tính của đối phương.
Nó tự gọi mình một cách kín đáo là “Tám – Một” theo ngày thành lập 1 tháng 8 năm 1927. Hai con số đấy là biểu tượng của quân đội. Các quốc gia khác, trước hết là USA, luôn yêu cầu nhiều minh bạch hơn nữa từ phía Trung Quốc, như về chi phí cho vũ trang. Năm 2010, về mặt chính thức là 78 tỉ dollar. Vì Bắc kinh phải tiết kiệm do cuộc khủng hoảng tài chính nên ngân sách “chỉ” tăng 7,8%, tức không nhiều như những năm trước đấy. Từ 1998 cho tới 2008 hàng năm đã tăng tròn 12%. 91,5 tỉ dollar được đưa vào kế hoạch cho năm 2011, tức tăng tròn 17%.
Chuyên gia nước ngoài cho rằng các dữ liệu này là giả mạo. Vì nhiều chi phí được giấu trong những ngóc ngách khác của ngân sách, nên tình báo Mỹ ước lượng ngân sách hàng năm, kể cả chi phí cho nghiên cứu, ở tròn 70 đến 100 tỉ. Đồng nghiệp người Úc của họ phát hiện rằng năm 2006 tiền chi cho quân đội nhiều gấp đôi như đã được đưa ra công khai. Thay vì 35 tỉ là tròn 70 tỉ.
Để có thể so sánh: Ngay cả khi người ta chấp nhận con số lớn nhất, thì nó vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với những con số mà USA hay Liên hiệp Anh chi cho quân đội của họ. Và cảnh sát, an ninh mật, tòa án và trại giam Trung Quốc nhận chính thức năm 2010 còn nhiều hơn cả những người lính: 95 tỉ dollar[1].
Nhưng ở châu Á, ngân sách vũ trang của Trung Quốc đứng ở hàng đầu, trước xa Nhật (2008: 42,75 tỉ dollar) và Ấn Độ (2008: 24,72 tỉ dollar). Đáp lại những lời cáo buộc, rằng Trung Quốc tăng cường vũ trang quá mức, thủ tướng Ôn Gia Bảo nói: “Nếu xem xét rằng Trung Quốc có 1,3 tỉ người, một lãnh thổ 9,6 triệu kilômét vuông, 22.000 kilômét đường biên giới trên đất liền và 18.000 kilômét biên giới đường thủy, thì các chi phí cho quân sự này là cân đối, và nó còn nhỏ hơn nhiều nước khác nữa.”[2]
Các tướng lĩnh Trung Quốc chi số tiền đó không chỉ cho vũ khí công nghệ cao. Nhiều vật liệu đã lỗi thời, và để lôi kéo những người đã tốt nghiệp đại học, quân đội phải chào mời một đồng lương hấp dẫn. Hiện giờ, một đại tá nhận được từ 3000 đến 4000 nhân dân tệ (300 đến 400 euro) trong một tháng, chưa kể phụ cấp.
Hiện có tròn 2,3 triệu nam nữ phục vụ trong quân đội, trước kia là tròn 4 triệu. Nhưng không rõ có bao nhiêu người Trung Quốc là dân quân, những người cũng sẵn sàng chiến đấu như quân nhân. Các ước lượng dao động từ 10 cho đến 140 triệu nam nữ.
Cũng đầy bí mật như ngân sách vũ trang là tổng hành dinh bên cạnh Viện bảo tàng Quân đội ở phía Tây của Bắc Kinh. Nhìn từ ngoài, nó tạo một ấn tượng hoang vắng. Hiếm khi có khách vào bên trong. Trong lần thăm viếng Bắc Kinh của nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Franz Josef Jung trong tháng 4 năm 2007, tôi đã được phép bước vào bên trong nó. Hai bình hoa đỏ-đen khổng lồ đứng cạnh cửa vào, tám cây đèn chiếu nhún cả gian tiền sảnh bằng đá hoa cương và granite vào trong một ánh sáng nhợt nhạt. Ở phía sau có một cỗ xe đánh trận thời Cổ đại của Đội quân đất nung. Tranh vẽ cảnh chiến trận treo trên tường. Ngoài những thứ khác, chúng vẽ Chu Đức, người lãnh đạo quân đội huyền thoại từ thời Mao, đang cùng với một vài đồng chí chiến đấu đứng trong tuyết nhìn ra phía xa. Tít phía trong sảnh có một nữ quân nhân tóc cột đuôi gà bước nhanh qua, cô ấy mặc một bộ đồng phục đi trận màu xanh lá cây.
Đời sống nội bộ của quân đội khép kín dường nào thì họ xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống của người Trung Quốc dường đó. Họ phát kênh truyền hình riêng, hầu như không một lễ hội trên truyền hình nào hay một lễ hội ở tỉnh nào mà không có các nữ sĩ quan quân đội đeo dải vàng xuất hiện hát ca ngợi tổ quốc (“Tôi yêu Trung Quốc”). Những đứa bé trong trường cũng đã học cách bước đi diễu binh, hàng năm có hàng trăm nghìn sinh viên mặc quân phục ngồi đầy trên những đoàn tàu hỏa để đi luyện tập quân sự ba tháng trong trại lính.
Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một đơn vị thuộc quân đội có tròn 660.000 nam nữ, canh giữ những kẻ phá rối trong các trận bóng đá, đàn áp những cuộc biểu tình, canh giữ các đại sứ quán, xây đập lúc ngập lụt và đi chữa cháy.
Có bao nhiêu tiền chảy vào trong các trại lính của họ đi chăng nữa – điều chắc chắn là: Quân đội Trung Quốc tăng cường vũ trang mạnh. Họ có ngày càng nhiều tên lửa, tàu ngầm và máy bay tốt hơn – và các láng giềng chạy theo. Họ không thể quên cái được gọi là “Cuộc phản công tự vệ” mà năm 1979 Quân đội Giải phóng Nhân dân đã phát động để trừng phạt Việt Nam vì những cái được cho là khiêu khích. Sau ba tuần, cả hai quân đội tuyên bố mình là người chiến thắng và thương tiếc hàng nghìn người chết.
Eurofighter ở Nam Ấn
Một cuộc chạy đua vũ trang kịch liệt đã bùng phát từ lâu ở châu Á. Những người bán vũ khí kinh doanh hết sức phát đạt trên các hội chợ của châu lục. Trên đường từ Mysore ở Nam Ấn đến Bangalore có một quyển sách mỏng lọt vào tay tôi, quyển “Show Daily, Day Three”. Nó mô tả diễn tiến ở ngày thứ ba của hội chợ hàng không “Aero India 2011″ trong tháng hai. Thông điệp không thể nào rõ ràng hơn được nữa. Công nghiệp vũ khí châu Âu muốn thu nhiều lợi nhuận từ những xung đột của châu Á.
“Ấn Độ và các quốc gia khác là những thị trường quan trọng cho chiến đấu cơ”, Enzo Casolini tuyên bố, sếp của consortium Eurofighter. Trong một tấm ảnh, đứng trên đường băng của Bangalore, bên cạnh đồng sự của ông ấy từ Ý, Tây Ban Nha và Liên hiệp Anh là Karl-Theodor zu Guttenberg, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức, ông ấy mặc một bộ com lê nhiệt đới lịch sự màu sáng.
Doanh nghiệp Đức Diehl BGT Defende từ Überlingen ca ngợi tên lửa Iris-T của mình, một tên lửa không đối không có máy dò tìm hồng ngoại. Chiếc chiến đấu cơ đa chức năng “Rafaele” hết sức thích hợp với nhu cầu của phi công Ấn Độ, sếp không quân Pháp, tướng Jean-Paul Paloméros, quảng cáo ở trang sau đó. Và doanh nghiệp Nga Irkut (khẩu hiệu: “Chỉ những thứ tốt nhất”) quảng cáo cho chiếc “MiG-29K” và chiếc máy bay huấn luyện “Yak-130″. Algérie, Lybia và Syria đã là khách hàng của họ rồi, tôi biết được từ quyển sách này.
Cứ như thế ở khắp nơi trong châu Á. Hàn Quốc và Việt Nam mở rộng hạm đội, Ấn Độ còn đặt một chiếc hàng không mẫu hạm ở Nga, thêm vào đó còn đóng một chiếc hàng không mẫu hạm riêng nữa. Đất nước này cũng muốn mua cả xe tăng và máy bay, như máy bay tấn công đa chức năng kiểu “Suchoi”, và hiện đại hóa những thứ đang có với trên hai tỉ dollar. Thêm vào đó, New-Delhi mua tàu ngầm từ Pháp.
Ấn Độ đã khánh thành tàu ngầm hạt nhân riêng của mình, chiếc “INS Arihant”. Nó có thể bắn cho tới 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và, như thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố, là “một cột mốc lịch sử” của công cuộc bảo vệ đất nước. Hai chiếc tàu ngầm khác sẽ nối tiếp theo sau đó. Thêm vào đấy, Ấn Độ thuê hai chiếc tàu ngầm hạt nhân từ Nga.[3]
Mục đích của Ấn Độ là kiểm soát Ấn Độ Dương mà phân nửa tất cả các tàu chở container của thế giới này phải đi ngang qua đó. Đất nước này, cũng như Trung Quốc và Nhật Bản, phải dựa vào nhập khẩu nguyên liệu đến trên tàu thủy từ Mozambique, Indonesia, Nam Phi và Úc. Nước này mua dầu từ Vịnh Ba Tư, ngoài những nước khác là trong Iran, từ đấy các tàu chở dầu phải đi qua eo biển Hormuz, cái lại nằm sát cạnh bờ biển của Pakistan thù địch.[4]
Người Nhật cũng hăng hái tham gia mua vũ khí – và lý giải điều đấy ngoài những điều khác là với láng giềng Trung Quốc. “Điều đấy dần dần trở thành một mối đe dọa”, nguyên thủ tướng Taro Aso nói.[5]
Đội cảnh sát dã chiến bao gồm 75000 người chỉ được trang bị với vũ khí cá nhân của đầu những năm 50 hiện giờ đã trở thành một quân đội chuyên nghiệp của “Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”. Có 240.000 người cầm súng. Với tròn 110 tàu chiến, một phần được trang bị với kỹ thuật radar tân tiến nhất, và trên 370 chiến đấu cơ phản lực, quân đội Nhật Bản thuộc trong số các quân đội được trang bị tốt nhất – không chỉ trong châu Á mà trên toàn thế giới.[6]
Người Nhật, theo Hiến Pháp có nhiệm vụ bảo vệ và chỉ bảo vệ đất nước của họ, muốn thay đổi chiến lược của họ: Quân đội cần phải mang tính di động hơn và linh hoạt hơn, để được như thế, trinh sát và phòng chống tên lửa được tăng cường, và những đơn vị không quân và hải quân mới sẽ được thành lập. Con số tàu ngầm được nâng từ 16 lên 22.[7]
Quân đội trước hết
Ngoài Trung Quốc, người Nhật còn có một láng giềng mạnh khác: Triều Tiên, nước có một trong những lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, ít nhất là theo con số quân nhân. 1,1 triệu nam nữ phục vụ thường trực, họ phải thi hành nghĩa vụ quân sự nhiều năm liền. Trong thời gian ngắn, có thể động viên được tròn 4,7 trriệu người dự bị.
“Songun” là chính sách của triều đại Kim – “đầu tiên là quân đội”. Điều đấy có nghĩa là: xã hội Triều Tiên hướng hoàn toàn đến quân đội của mình, nó đặt dấu ấn lên đời sống hàng ngày và chính trị.
Tôi trải nghiệm được quyền lực của quân đội này trong năm 2001, khi tôi cùng với một phái đoàn của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc đi qua đất nước đói kém này. Tổ chức cung cấp ngũ cốc và bánh quy năng lượng cao. Sau khi chúng tôi đáp xuống một sân bay quân sự ở gần thành phố cảng Chongjin ở miền Đông Bắc, người đi cùng với chúng tôi, một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tìm cách gọi đoàn xe đang ở sau hàng rào vào đến sân bay để chúng tôi không phải mang vác hành lý. Nhưng giữa những chiếc ô tô và chiếc máy bay có một người lính canh, trông vẻ ngoài độ vào khoảng 14 tuổi, đang đứng cạnh một thanh chắn. Anh ấy nhìn trừng trừng xuyên qua vị chính khách cấp cao, thanh chắn vẫn nằm ở dưới. Làm theo lời yêu cầu của một người dân thường là điều không xứng đáng với anh ấy.
Không rõ là người đàn ông trẻ tuổi bướng bỉnh đấy và những người đồng chí cùng chiến đấu với anh ấy được đào tạo tốt cho tới đâu và vũ khí của họ hiện đại ra sao. Trên đường phố Triều Tiên, người ta có thể nhìn thấy những chiếc xe tải quân sự cũ kỹ từ thời Liên bang Xô viết lúc trước và từ Tiệp Khắc, nhiều người lính đi bộ và đã có lần chỉa súng để bắt buộc xe dân sự phải ngừng lại. Có lẽ những lời đe dọa hùng hổ như “biến Seoul thành một biển lửa” và “nổ tung thành trì của những tên xâm lược” là chỉ để che dấu thế yếu. Tuy vậy, người Triều Tiên hiện có tròn 800 tên lửa tầm ngắn và tầm trung, họ cũng đã thử nghiệm tên lửa tầm xa rồi. Các chuyên gia không tin rằng chúng có thể trúng đích chính xác. Nhưng cái gì còn chưa thì có thể sẽ được. Thế nào đi chăng nữa, Triều Tiên đã bán vũ khí và công nghệ cho những nước như Pakistan và Iran.
Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.
[2] “Premier: China’s military expenditure at very low level in world”, Xinhua News, 16/03/2007, http://news.xinhuanet.com/english/2007-03/16/content_5856051.htm
[3] http://www.zeit.de/online/2009/31/indien-atom-u-boot
[4] Xem Robert Kaplan: “Center Stage for the Twenty first Century – Power Plays in the Indian Ocean”, Foreign Affairs, March – April 2009
[5] “Japan alarmed by China ‘thread’”, BBC-Online, 22/12/2005
[6] Markus Tidten: “Japans Militär – Neuer Auftrag und alte Grenzen?” ["Quân đội Nhật Bản – Nhiệm vụ mới, biên giới cũ?"], Stiftung Wissenschaft und Politik, tháng 6 2003
[7] Sueddeutsche.de, 18/12/2010, http://www.sueddeutsche.de/C5r38Y/3792834/Japan-erneuert-Militaer-Strategie.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét