Pages

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Chiến tranh Trung Việt xảy ra hay không?



Lê Dủ Chân (Danlambao) - Với tình hình tranh chấp lãnh thổ hiện nay, chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam có xảy ra không? Đây là câu hỏi nhức nhối không riêng gì của những người lãnh đạo tại Bắc Kinh, tại Hà Nội mà của cả nhân dân hai nước Việt Trung.

Trước hết mọi người ai cũng biết rằng, nếu chiến tranh xảy ra thì kẻ phát động chiến tranh dứt khoát phải là Trung Quốc bởi vì căn cứ vào bản chất chính trị của nhà cầm quyền Việt Nam cũng như dựa vào thế và lực đang có thì Việt Nam hoàn toàn không muốn và không có khả năng gây nên một cuộc chiến đối đầu với Trung Quốc. Thực tế này cả thế giới và ngay cả Trung Quốc, Việt Nam đều thấy rõ.

Từ trước đến nay những luận điệu tuyên truyền của hệ thống truyền thông báo đài Bắc Kinh cho rằng Việt Nam "gây hấn" là những cáo buộc hàm hồ vô căn cứ chỉ làm trò cười cho nhân dân hai nước Việt Trung và quốc tế. 

Để phát động chiến tranh với Việt Nam đương nhiên những người cầm đầu tại Bắc Kinh phải biết rằng thế giới hôm nay không còn trong bối cảnh của thời phong kiến, vào thời điểm mà chiến tranh giữa các quốc gia được nhìn nhận như một sự kiện cục bộ giữa hai bên tham chiến không phải là vấn đề của các nước lân bang và thế giới bên ngoài. 

Cục diện thế giới đã thay đổi, hoàn cảnh, vị trí của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đối với quốc tế hoàn toàn không giống như trong những thập niên 70, 80 và bản chất của cuộc chiến nếu xảy ra hôm nay giữa Trung Quốc và Việt Nam là cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, lãnh hải với mục đích kinh tế, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều quốc gia trong vùng cũng như trên toàn thế giới. 

Những người lãnh đạo tại Bắc Kinh thừa khôn ngoan để hiểu rằng trong thế kỉ 21 loại quyền lực có thể đem lại lợi ích chính đáng và lâu dài cho một cường quốc đó là quyền lực mềm (soft power). Sự tương quan lực lượng quân sự cũng như tính hủy diệt của vũ khí nguyên tử trong thế kỷ này bắt buộc những nhà lãnh đạo trên thế giới hiểu rằng bất cứ quốc gia nào chủ trương xử dụng quyền lực cứng (hard power) để giành lợi ích bất chính cho mình thì quốc gia đó sẽ bị hủy diệt, Trung Quốc không thể là một ngoại lệ.

Với tham vọng trở thành một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới, hơn nước nào hết Trung Quốc cần thời gian, sự ổn định và lòng tin của nhân dân trong nước cũng như tại những khu vực mà Trung Quốc đang muốn vươn tới. Asia, trong đó có Việt Nam là một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu mà Trung Quốc cần có sự ổn định và lòng tin để bành trướng thế lực của mình ra bên ngoài. Với vị trí chiến lược của mình, Việt Nam và Asia là cửa ngỏ để Trung Quốc đi vào thế giới, nếu chiến tranh xảy ra cánh cửa này khép lại Trung Quốc muôn đời chỉ là một quốc gia lục địa, giấc mộng cường quốc chỉ là chân trời xa thẳm.

Việt Nam hiện nay là 1 trong 4 nước có đường lối chính trị rập khuôn theo Trung Quốc. Hơn thế nữa tập đoàn lãnh đạo Việt Nam là đồng chí là anh em của tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc. Họ chẳng khác gì những tên tay sai bộ hạ trung thành của Bắc kinh, mọi đường lối chính sách của Việt Nam đều do Bắc Kinh chỉ đạo qua châm ngôn 16 chữ vàng và 4 tốt. Tập đoàn lãnh đạo Bắc kinh sẽ không điên rồ đến nỗi đem quân đi đánh kẻ đã thần phục mình. Một chiến lược gia dù tầm thường nhất cũng thấy được rằng trong tình trạng bang giao giữa hai nước Việt Trung hiện nay thì con đường tối ưu để Trung Quốc xử lý đối với Việt Nam là "bất chiến tự nhiên thành".

Từ những nhận định trên, nếu Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Việt Nam cho dù thắng trận, nhất thời chiếm được toàn bộ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và kiểm soát được Biển Đông (chỉ riêng đối với Việt Nam) thì họ sẽ được và mất những gì?

Việt Nam dù nhỏ và yếu nhưng một khi chiến tranh xảy ra trở thành kẻ đối đầu thì chắc chắn không để yên cho Trung Quốc an nhiên sử dụng lãnh thổ của mình. Chiếm thì dễ nhưng giữ được hay không đó là vấn đề cần phải bàn tính. Muốn giữ được lâu dài Trung Quốc phải phát động chiến tranh toàn diện trên đất liền và trên Biển Đông để xóa sổ Việt Nam. Điều này nằm ngoài khả năng của Trung Quốc nếu không muốn nói rằng con đường này sẽ đưa Trung Quốc đến sụp đổ toàn diện.
Vì mất một phần đất nước, Việt Nam sẽ chấp nhận chiến tranh lâu dài nhưng Trung Quốc thì không thể vì chiến tranh với Việt Nam mà hủy đi tham vọng cường quốc của mình.

Thời đại ngày nay là thời đại sống chung hòa bình, bất cứ quốc gia nào ỷ vào sức mạnh quân sự để bành trướng lãnh thổ của mình, làm trở ngại giao thương quốc tế, vi phạm các hiệp định quốc tế nhất định sẽ bị Liên Hiệp Quốc và thế giới lên án và trừng phạt. 

Do tham vọng bành trướng lãnh thổ, hiện nay Trung Quốc là một nước đang có nhiều kẻ thù (Nga, Ấn, Phi, Nhật, Hồi, Mông, Mãn, Tạng...) liệu họ có dám vì lợi ích từ Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông mà trở thành kẻ địch của thế giới hay không? nhất là đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ nằm sát cạnh Trung Quốc như Nam Hàn, Phi, Nhật, Việt Nam, Ấn Độ... Sức mạnh của Trung Quốc còn rất xa để có thể làm được việc này. Sự tồn tại của đảo quốc Đài Loan từ năm 1949 đến nay đã xác định cho luận điểm này. 

Khi mở một cuộc tấn công vào Việt Nam, Trung Quốc mặc nhiên trở thành một quốc gia nguy hiểm đối với các nước lân bang trong khối Asia. Niềm tin mà Trung Quốc đã xây đựng được đối với họ lâu nay sẽ tan tành như mây khói. 

Để bảo vệ quốc gia của mình, con đường duy nhất của các quốc gia đó là liên kết lại với nhau và ngã hẳn về phía Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc do vậy dù muốn dù không Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia bị cô lập.

Dù chiếm được Hoàng Sa và Trường Sa nhưng các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo này như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Taiwan có để cho Trung Quốc có được tự do và rảnh tay để khai thác tài nguyên ở đó hay không? Chắc chắn là không và chiến tranh có thể kéo dài mãi cho đến khi nào Trung Quốc bỏ mộng xâm lăng của mình. 

Riêng các cường quốc như Mỹ, Ấn, Nhật, Úc có khoanh tay đứng nhìn khi thấy quyền lợi thiết thực và nền an ninh quốc gia của họ bị đe dọa một khi Biển Đông lọt trong tay Trung Quốc? Những tuyên bố và động thái trong thời gian gần đây của các quốc gia này cho thấy họ sẽ không ngồi yên để nhìn Trung Quốc múa gậy rừng hoang.

Thể chế chính trị hiện nay tại Việt Nam và Trung Quốc đang nương tựa nhau để tồn tại trong thế "môi hở răng lạnh" do đó nếu nói eo biển Malacca (*) là tử huyệt cho sự vươn lên của Trung Quốc thì Dân Chủ ở Việt Nam là tử điểm của chế độ cộng sản độc tài độc đảng tại Bắc Kinh. 

Một khi có chiến tranh xảy ra với Trung Quốc, Việt Nam dưới sức ép nhân dân trong nước và trên thế giới, để có được sự đoàn kết của toàn dân, để có được sự ủng hộ của quốc tế, bắt buộc chế độ cộng sản độc tài độc đảng hiện nay hoặc phải tự thay đổi hoặc bị lật đổ để trở thành một nước tự do dân chủ. 

Nếu Việt Nam trở thành một nước tự do dân chủ thì nền độc tài của Trung Quốc khó mà tồn tại trước sự đòi hỏi của nhân dân Trung Hoa và loài người văn minh trên thế giới, đó là kết quả mà tập đoàn lãnh đạo tại Bắc Kinh không bao giờ mong muốn. Đây chính là giá trị đích thực của câu nói "môi hở răng lạnh " mà nhân dân hai nước Việt Trung trong thời đại cộng sản được tuyên truyền.

Tóm lại: Chiến tranh xâm lược chỉ là phương tiện cuối cùng phải dùng để đạt đến mục đích chính trị và kinh tế. Phát động một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô với Việt Nam, Trung Quốc không những không nhận được lợi lộc gì về hai phương diện này mà ngược lại sẽ nhận lấy những hậu quả vô cùng tai hại cho chính sách, cho chế độ của họ hiện nay. Như vậy liệu chiến tranh Trung Việt có xảy ra như một số lời đe dọa ngu xuẩn vô trách nhiệm của một số báo chí Trung Quốc trong thời gian gần đây hay không?

Xin trả lời: Kẻ sợ chiến tranh là Trung Quốc không phải là Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét