Pages

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Hải quân Ấn Độ sẵn sàng bảo vệ tập đoàn ONGC tham gia thăm dò dầu khí ở Biển Đông


Tàu đổ bộ INS Airavat của Hải quân Ấn Độ.  DR
Anh Vũ
Ngày 03/12/2012, chỉ huy hải quân Ấn Độ đã nhận định , việc gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc chính là một mối « lo ngại chủ yếu », đồng thời ông cam kết sẽ bảo đảm cho tập đoàn năng lượng nhà nước Ấn Độ ONGC có thể tham gia thăm dò đầu khí tại Biển Đông.

Phát biểu trước các nhà báo tại thủ đô New Delhi, Đô đốc hải quân Ấn Độ D.K Joshi đánh giá hải quân Trung Quốc đang có quá trình « hiện đại hóa thực sự kinh ngạc ». Thông tấn xã Ấn Độ TPI dẫn lại nhận định của ông Joshi rằng việc phát triển sức mạnh hải quân của Trung Quốc « là một căn nguyên lo ngại lớn cho chúng ta và chúng ta phải thường xuyên đánh giá để soạn ra những đối sách và chiến lược ».

Những đòi hỏi chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh hầu khắp vùng Biển Đông đã khiến Trung Quốc thường xuyên rơi vào những tranh chấp về lãnh thổ với các nước trong vùng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Tháng 10 năm ngoái Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Việt Nam vào thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.
Tuy nhiên Bắc Kinh đã tìm cách ngăn cản, yêu cầu New Delhi « tôn trọng sự ổn định hòa bình của khu vực » và không tham gia các dự án khai dầu với Việt Nam trên vùng Biển Đông. Đô đốc Joshi tuyên bố, hải quân Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ tập đoàn ONGC để có thể tham gia vào dự án thăm dò dầu khí với Việt Nam như đã thỏa thuận.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước lớn kình địch nhau ở châu Á, vẫn luôn tồn tại những bất đồng về lãnh thổ biên giới kéo dài và đã từng xảy ra xung đột trong quá khứ. Giờ đây, New Delhi lo ngại Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang săn đón tìm cách nhảy vào nhiều dự án đầu tư lớn về hạ tầng cơ sở trong khu vực này như xây dựng cảng ở Sri lanka, Banladesh và Miến Điện.
Trong một báo cáo hàng năm tại Quốc hội về vấn vấn đề quốc phòng của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ khẳng định Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì phát triển tiềm lực quân sự đều đặn, chủ yếu trong các lĩnh vực tìm kiếm công nghệ mới của phương tây, gián điệp mạng và phát triển các loại tên lửa có khả năng ngăn chặn xâm nhập vùng bờ biển. Theo con số chính thức, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2012 là 106 tỷ đô la Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét