Pages

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Hòa Giải Dân Tộc, bắt đầu từ đâu?



Nguyễn Việt Triều - Thư gửi thế hệ đi trước và cả thế hệ đang đi cùng tôi, hay là thư gửi một người đã từng là bạn và hy vọng có thể là bạn.

Tôi sinh năm 1985, đến giờ tôi đã mở một công ty thiết kế riêng, một nhà xưởng sản xuất và tôi có một con gái xinh xắn hai tuổi, điều đó có nghĩa là tôi sinh trong thời hòa bình của đất nước, và kể từ năm 1975 đến nay đã có ít nhất hai thế hệ ra đời sau các chú, các bác.

Thế nhưng, hôm nay tôi lại phải nói về những điều mà mình cố gắng dung hòa, bỏ qua và để phấn đấu cho tương lai của mình. Tôi nói ra đây không phải để khơi dậy những hiềm khích xưa cũ, mà nói ra mong các cha ông, các bạn cùng nhìn nhận khách quan mà gợi nên những điều tốt đẹp.

Thưa mọi người:

Cuộc chiến đã đi qua, và theo tôi, mọi cuộc chiến đều là tội lỗi của con người. Là một sự quá độ của tư tưởng, của những phát triển bùng nổ không đồng nhất giữa khoa học và văn hóa. Được nung nấu bởi những tham vọng hoang tưởng mà một số cá nhân, tập đoàn, nhóm lợi ích ích kỷ, tham lam vô độ tạo nên.

Đất nước ta cũng không thoát khỏi vòng xoáy tàn bạo đó. Có chiến tranh xâm lược - vệ quốc và có những cuộc nội chiến. Nội chiến - suy cho cùng đó là cuộc chiến của những ý thức hệ khi va chạm vào nhau mà không tìm được một giải pháp nhân đạo nào để dung hòa... Đó là quan niệm ngắn gọn của tôi về chiến tranh, chung và riêng với đất nước mình.

Thưa các cha ông:

Những mất mát và bi thương thường gây nên lòng thù hận, đó là điều tất yếu. Để vượt qua nó, không còn điều gì khác hơn là sự bao dung, có thể không dành cho các vị mà chỉ dành cho tương lai, sự bao dung dành cho chính thế hệ đi sau. Và cái mà tôi mong được nhìn thấy ở các cha ông, đó là tinh thần vì tương lai đất nước, vì thế hệ con cháu của các ông, tôi đã thấy các vị từng hô hào một sự HÒA GIẢI DÂN TỘC, thế nhưng cho đến lúc này tôi vẫn còn nhìn thấy, còn nghe thấy biết bao nhiêu là sự hận thù, sự cấu xé giữa những người Việt với nhau về đề tài đó !!!

Sự hận thù, hằn học nếu chảy trong các vị thì đó là điều có thể chấp nhận, tuy nhiên tôi nhìn thấy nó nhan nhản trong đầu của những người trẻ chúng tôi, trong đầu các em tôi và có thể còn chảy trong cả con cái chúng tôi. Những đứa trẻ không hề liên quan đến cuộc chiến của thế hệ đi trước, và chúng chỉ là những đứa trẻ nhận những trái chát mà người lớn hái cho chúng từ quá khứ của họ. Điều đó không thể chấp nhận và các vị là những người phải nhìn nhận vai trò của mình trong hiện tượng này. Đó còn hơn là tội ác chiến tranh, đó là sự hủy hoại giống nòi. Đó là sự kìm hảm quy luật phát triển, kìm hãm cả một dân tộc.

Tôi nhìn thấy đất nước khác, tôi nhìn thấy dân tộc khác, họ cùng nhau gạt bỏ quá khứ bi thương mà đứng lên xây dựng đất nước, mỗi một sự kiện gợi nhớ thù hận dân tộc điều bị cân nhắc và phản ứng. Những bảo tàng chiến tranh mọc lên, không phải để khoe khoang hợm hĩnh về thành tích giết người, không để lên án một dân tộc nào hiện tại mà để lên án chính nó: chiến tranh, bảo tàng chiến tranh này dựng lên, để cho những đứa trẻ nhìn thấy sự tàn bạo của chiến tranh mà ghê sợ bạo lực, để cho những đứa trẻ sắp lớn toan gạt bỏ những tham vọng ngược ngạo đang nảy sinh trong đầu, để đoàn kết và yêu thương nhau .

Đối diện với quá khứ, với chiến tranh với tinh thần này, họ thật sự đưa đất nước phát triển hơn chúng ta rất nhiều.

Kẻ chiến thắng, người chiến bại, dẫu ở tư thế nào thì ít nhất cũng cần ghi nhớ rằng, trách nhiệm với cuộc sống, trách nhiệm với dân tộc không chỉ là thời điểm các vị cầm súng, mà còn ở lúc chiến cuộc qua đi, ở những chồi xanh đang mọc. Đừng cố gắng xun xoe quá khứ để lừa phỉnh hiện tại, đừng cố gắng phỉnh nịnh tương lai để gầy dựng những điều đã cũ. Cái chúng ta cần, là một dân tộc đoàn kết, một đất nước phồn thịnh.

Trong số các vị, đã ai làm được điều này hay chưa ?

Thưa các bạn :

Dòng sông không ai tắm hai lần, thế nên, hãy lựa chọn sự hiện hữu của chính mình. Không ai sống cho cuộc đời của bạn, và bạn không thể sống cuộc đời của bất kỳ một ai khác, dẫu người đó có là cha ông của các bạn. Thế mà, tôi đã thấy một số người trong chúng ta vẫn cố bám vào những định kiến của người khác để sống và tồn tại, để suy luận và phản biện, để học tập và xây dựng cuộc đời của chính mình.

Chúng ta không có lỗi, chúng ta không phải chịu trách nhiệm với những gì người khác gây ra trong khi chúng ta chưa ra đời, chưa có khả năng để chịu những trách nhiệm liên đới nào khác. Vì thế, đừng lấy những liên lạc quá khứ mà phỉ nhổ nhau, chia rẽ nhau, đó là thái độ cũa những gã trai lơ hợm hĩnh.

Nếu như chúng ta không thể thay đổi quá khứ (điều đó hiển nhiên), thì chúng ta thay đổi hiện tại, thay đổi tương lai. Bằng cách nghĩ và nhìn nhận khách quan vai trò của lịch sử, để chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, một cuộc sống ý nghĩa hơn (tôi chưa dám nói về một cuộc sống sung túc hơn, vì có lẽ chúng ta chưa đủ thời gian để có thể thay đổi những điều ăn sâu vào máu của nhiều người). Hẳn các bạn đã từng nhìn thấy hình ảnh con chó gặm khúc xương và nghĩ rằng nó no đủ ấm áp. Hình ảnh những con chó trong trường nghiệp vụ được đào tạo bằng đòn roi và thuốc phiện. Hẳn nhiên, chúng ta là con người và quan trọng nhất chính chúng ta là người làm chủ bản thân mình, làm chủ đất nước này.

Chính thái độ của chúng ta quyết định cuộc sống của mình chứ không phải là những người thầy, người cha. Tôi tin là các bạn đủ tỉnh táo và mạnh mẽ, đủ yêu thương và bao dung cho chính mình, cũng như cho chính cuộc sống một cơ hội để cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp thật sự.

Chúng ta đã đủ lớn đến làm chủ vận mạng mình, làm chủ đất nước. Đã đến lúc chúng ta yêu cầu những kẻ bề trên ứng xử công bằng và văn minh, chúng ta cần gửi những thông điệp mạnh mẽ đến những kẻ đang tư lợi cá nhân dựa trên sự hy sinh và lao động của dân tộc. Chúng ta cần họ hoặc làm tốt hơn, hoặc họ buộc phải chấp nhận quy luật của sự đào thải, thay vì chúng ta tự làm xấu hình ảnh của chính mình bằng những lý luận, bằng những hành động xỉ vã lên án nhau mà những kẽ ấy đang âm thầm tác động và trục lợi. Chúng ta cần một tiếng nói chung ôn hòa, và đầy đủ mãnh lực. Xin các bạn hãy thôi im lặng và ít nhất bày tỏ chính kiến của mình một cách văn minh nhân đạo nhất có thể.

Chúng ta đã đủ lớn để sống trách nhiệm hơn. Tôi nghĩ vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét