Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

“Khi gã khổng lồ ngã xuống” (phần 1)


Icon_Symbols_Nations_Trung Cộng_Rồng đỏ
Về những rủi ro và tác dụng phụ của lần bùng nổ ở châu Á
Xe phun nước rút lui về cho đến tận cuối phố, với họ là cảnh sát và binh lính. Xe buýt nhỏ với nhà báo chạy tới. Chính quyền địa phương muốn cho chúng tôi thấy những gì mà người Uyghur quá khích đã gây ra trong những ngày trước đó. Ví dụ như họ đã đốt cháy một salon ôtô lớn trong khu phố này.
Thế nhưng cuộc họp báo đã thất bại. Khi chúng tôi nói chuyện với người dân Uyghur trong những con đường phụ, có nhiều người phụ nữ la hét và khóc lóc nhanh nhóng bao quanh lấy chúng tôi, yêu cầu thông tin về số phận của những người chồng, con trai và anh em của họ. Họ đã bị những đội bắt người mang đi trong những đêm trước đó. “Đến trẻ em cũng bị họ mang đi.”

Những người phụ nữ lợi dụng sự có mặt của camera nước ngoài và tụ tập lại trên con đường chính. Cảnh sát sờ vào súng, quân lính đu đưa gậy đánh người, mấy chiếc xe phun nước lại lăn đến. Cuối cùng, người ta thành công trong việc chận đứng bùng nổ, những người phụ nữ đi về nhà.
Trong tháng 7 năm 2009, thống trị trên đường phố của Ürümqi, thủ phủ của vùng Tân Cương nơi sinh sống của người Uyghur và những nhóm dân Muslim khác ở rìa Tây của Trung Quốc, là tình trạng khẩn cấp. Quân lính của “Cảnh sát Nhân dân Vũ trang”, một lực lượng của quân đội, khóa chặt cả khu phố, đóng chốt trên các ngã tư và trong các con đường hẻm. Tối tối, các chính ủy đọc những bài bình luận từ báo Đảng cho những người mang quân phục nghe. Đường dây điện thoại ra nước ngoài bị cắt đứt, tin nhắn bị chận lại, chỉ được phép vào Intenet nhiều tháng sau đó.
Lần nổi dậy bắt đầu vào ngày 5 tháng 7 sau một cuộc biểu tình của sinh viên người Uyghur, cuộc biểu tình mà đã chấm dứt một cách đẫm máu. Một đám người xuất hiện bất thình lình và tấn công người Hán. Cuối cùng, cơ quan nhà nước đếm được 197 người chết, nhiều cửa hàng và nhà bị đốt cháy. Sau đó, người Hán kéo đi tấn công người Uyghur.
Nguyên nhân của cuộc chống đối là một sự kiện cách đấy hàng nghìn kilômét về phía Đông Nam. Ở đấy, hai công nhân người Uyghur đã bị người Hán đánh chết trong một nhà máy. Các sinh viên biểu tình yêu cầu cung cấp thông tin chính xác hơn, quyền lực nhà nước phản ứng mạnh với những vụ giết người ở Ürümqi. Hàng trăm người bị bắt giam, vài người bị tuyên án tử hình, thay đổi quan chức cấp cao. Nguyên nhân thật sự của tấn bi kịch, như chúng tôi tìm thấy qua trao đổi với người Uyghur, rõ ràng không phải là những người quá khích, đấu tranh cho một “Đông Turkestan” độc lập với Trung Quốc. Mà chính là vì lòng căm phẫn đã vỡ đập, lòng căm phẫn trước sự giám hộ của Trung Quốc và trước sự tham nhũng – cũng như nỗi lo ngại bị bỏ lại trong lúc Trung Quốc vươn lên.
Những sự kiện đã xảy ra ở Ürümqi cho thấy cuộc sống bên trong của Trung Quốc đôi lúc phức tạp cho đến đâu, các căng thẳng chính trị và xã hội có thể bùng nổ nhanh cho đến đâu. Ở khắp nơi trong Ấn Độ và Đông Nam Á, tôi đã đặt ra một câu hỏi cho các chính khách cũng như nhà khoa học: Điều gì có thể ngăn cản sự vươn lên của châu Á? Câu trả lời bao giờ cũng rõ ràng và giống nhau: Bất bình đẳng xã hội quá lớn trên châu lục và sự bất ổn định trong Trung Quốc.
Tân Cương chỉ là một trong những vùng đang sôi sục của Trung Quốc. Một năm trước đó, 2008, các nhà sư đã phản đối trên đường phố của Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Cả ở đây, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực chống lại người Hán và những người nhập cư khác. Nhà sư và người dân trong những khu dân cư Tây Tạng của các tỉnh lân cận tỏ tình đoàn kết. Các nhà sư Tây tạng mà chúng tôi đã có thể nói chuyện với họ luôn luôn nhắc lại những lời ta thán về những quan chức can thiệp quá sâu vào trong các tu viện. Các thầy tu bị ép buộc phải quy phục về mặt chính trị. ĐCS muốn có tiếng nói cuối cùng, ngay cả khi phải tìm thấy Phật sống, tức lần đầu thai của những nhà sư đặc biệt linh thiêng. Cái mà người Tây Tạng đặc biệt oán giận chính phủ trung ương Bắc Kinh: họ từ chối không cho người đứng đầu về tôn giáo của họ, Đạt Lai Lạt Ma, trở về Tây Tạng.
Ở rìa của nước Cộng hòa Nhân dân không yên ổn, ở nội địa cũng không yên ổn. ĐCS ngày càng hay phải đối phó với những người dân không còn để cho người ta dễ dàng dọa nạt mình như trước đây nữa. Họ thường phản đối cán bộ tham nhũng, chống tịch thu đất không công bằng, chống lại những nhà máy phun ra chất độc. Lúc đấy có xe cảnh sát bốc cháy và cả trụ sở ủy ban nhân dân nữa, và đôi lúc nó trở nên dữ dội đến mức quân đội bắn vào người biểu tình. Trong năm 2008, cơ quan nhà nước đếm được trên 120.000 “vụ việc đông người”.
Đình công, biểu tình và phản đối thuộc vào trong cuộc sống bình thường của nhiều nước. Ở Trung Quốc, nơi lãnh đạo của nó thề thốt “ổn định” và “hài hòa”, chúng luôn luôn ẩn dấu mầm mống của một cuộc khủng hoảng chính trị. Và qua đó có một câu hỏi được đặt ra: Liệu đất nước này đến một lúc nào đó có bị sa lầy trong lúc đang muốn tiến tới hay không.


Doom hay Boom?


Cho tới nay, không một nước nào trên thế giới đạt được tỷ lệ tăng trưởng chín, mười, mười một phần trăm qua nhiều năm như thế. Cả ở Trung Quốc rồi cũng sẽ không tiếp tục được như thế. Ngân hàng Phát triển châu Á tiên đoán sẽ có một giai đoạn kém tăng trưởng, nếu như Bắc Kinh cứ tiếp tục chính sách của họ, đầu tư quá nhiều vào nhà máy và thiết bị thay vì nhiều hơn vào giáo dục và nghiên cứu. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình chỉ khoảng 5,5% trong thời gian từ 2010 đến 2030, so với 9,4% từ 1981 đến 2007. Lời cảnh báo đấy cũng dành cho các quốc gia châu Á còn lại.[1]
Giáo sư kinh tế người Mỹ Michael Pettis giảng dạy sinh viên Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh về chính sách tài chính và giúp đỡ mầm non nhạc Rock Trung Quốc trong quán “D-22″ của ông ấy. Ông cũng nhìn tương lai của Trung Quốc một cách hoài nghi nhiều hơn: “Có một câu chuyện dài về những nền kinh tế lớn, ít nhiều đều được lập kế hoạch tập trung, rất không cân bằng, do đầu tư thúc đẩy với những tỷ lệ tăng trưởng rất cao qua nhiều thập niên, những nền kinh tế mà đã tạo ra tất cả các tiên đoán cuồng dại đủ mọi loại về sự tăng trưởng trong tương lai”, ông ấy nói. Và trong mọi trường hợp, như ở Brazil, Nhật hay Liên bang Xô viết, thì “những kỳ vọng ấy không hề được thỏa mãn, đến gần đúng cũng không”, ông ấy nói với tôi.
Stephen Roach có cùng nỗi nghi ngại đấy, giáo sư tại Đại học Yale và là sếp châu Á của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley. Vào một buổi chiều của tháng 3 năm 2011, ông đứng trên bục diễn thuyết của một sảnh lễ hội trong Grand Hyatt Hotel Bắc Kinh và kêu gọi đảo ngược chính sách kinh tế Trung Quốc trước giới doanh nhân châu Âu: “Chiếc hàng không mẫu hạm phải đổi hướng đi của nó, và nó phải làm điều đấy ngay tức khắc!”
Ông ấy có ý nói Trung Quốc với “chiếc hàng không mẫu hạm”. Cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, Vương Quốc Ở Giữa đã để cho nền kinh tế dựa quá nhiều trên xuất khẩu – một con đường rủi ro, như chuyên gia người Mỹ nhận thấy. Vì thế giới đã trở nên “khó chịu hơn” cho Trung Quốc: châu Âu mắc nợ nhiều, USA cũng thế, giá dầu tăng và trong thời gian dài tới đây nước Nhật sẽ không hồi phục lại sau thảm họa thiên nhiên và nguyên tử khổng lồ – tất cả đều là những yếu tố dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc không còn được mua nhiều như trước đây nữa. Tức là Trung Quốc phải chuyển đổi nền kinh tế của mình càng nhanh càng tốt, Roach suy ra: xuất khẩu ít hơn, tiêu thụ ở trong nước nhiều hơn là câu khẩu hiệu của ông ấy. Thế nhưng người Trung Quốc lại thích tiết kiệm hơn. Vì họ cần tiền để dàng cho tuổi già, cho đào tạo con cái của họ và cho hóa đơn thanh toán của bác sĩ. Bảo hiểm xã hội của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu.
Roach cũng suy nghĩ như thế cho toàn bộ châu lục. Giấc mơ về thế kỷ châu Á chỉ thuần túy là lãng mạn. Các chính phủ châu Á, chuyên gia tài chính nói, tuy đã học được từ những lỗi lầm của cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng 1997/1998: dự trữ ngoại tệ mới được gom góp lại; cán cân vãng lai, tức là cán cân của tất cả các thanh toán của một nước ra nước ngoài và vào trong nước, lại là con số cộng; con số nợ ngắn hạn từ nước ngoài được giảm xuống. Qua đó, trong tương lai châu Á có thể chống lại những kẻ đầu cơ tốt hơn.
Tuy vậy, Roach vẫn còn nhìn thấy một mối nguy hiểm lớn. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Điều đấy làm cho châu Á dễ bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng ở đâu đấy trên thế giới. Nếu một ngày nào đấy người Mỹ và người Âu mua ít hơn vì cuộc sống của chính họ không còn sung túc nữa thì đấy là một tai họa cho châu Á. Chỉ khi châu Á thành công trong việc xoay sự tăng trưởng của nó từ xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước thì rủi ro này mới được làm giảm đi, Roach nói: “Một đường xoắn ốc đi xuống xuất hiện, và dường như châu Á không hề chuẩn bị trước đến mức đáng  ngại.”[2]
Doom hay boom? Suy tàn hay thăng tiến? Đối với Trung Quốc, tất cả các kịch bản này đều quá bi quan, Jonathan Anderson của ngân hàng Thụy Sĩ UBS đáp trả. Để cho Trung Quốc thất bại, phải cần nhiều hơn là chỉ những con số tăng trưởng thấp, mà phải là “rối loạn lớn hay một cuộc khủng hoảng trầm trọng làm triệt tiêu tăng trưởng qua một khoảng thời gian dài – và cuộc khủng hoảng này phải đến ngay trong thời gian sắp tới đây”.[3]

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.


[1] “ADB warns on China’s long-term growth”, Financial Times, 28/10/2010
[2] Stephen Roach: “The Next Asia”, John Wiley & Sons, Hoboken, 2009
[3] Xem thảo luận “The Color of China” by Minxin Pei and Jonathan Anderson, 3/9/2009, http://www.nationalinterest.org/Article.aspx?id=20953

Không có nhận xét nào: