Pages

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Khóc Cười Theo Mệnh Nước Nổi Trôi, Nước Ơi: “Sử Dụng” hay “Xử Dụng”?


Chân Phương.

Người em rể đưa chúng tôi một cuốn sách dày, NHÂN VĂN GIAI PHẨM và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của nữ sĩ Việt kiều đang sinh sống tại Pháp, Thụy Khuê, do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành, trước khi mở cửa garage chở Bà Cụ và chúng tôi ra sân bay Washington Dulles, Virginia. Quả là ý tốt của người em rể (vừa là em họ cháu dì-già) thân nhau từ thủa bắn bi đánh đáo: cuốn sách biên khảo công phu và tỉ mỉ gần ngàn trang giấy in không chỉ là phương tiện để giết thời gian năm tiếng rưỡi trên chuyến bay sang miền Bắc California. Nó cũng là kỳ công biên khảo về những đề tài chúng tôi từng mong muốn tìm hiểu đến tận nguồn cội, khi mà cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào qua mặt được “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” do học giả Hoàng văn Chí (Mạc Định) viết từ hơn năm mươi năm về trước (1959). Vì thế ngồi trên chuyến bay hơn năm tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đọc được gần phân nửa cuốn sách và tự nhủ sẽ đọc lại dăm lượt nữa sau khi kết thúc lượt đọc đầu tiên.
 
Vẫn là thói quen cố hữu khi xem một cuốn sách với ấn tượng là hay và hấp dẫn, chúng tôi lật từ trang giấy đầu tiên để biết tên tuổi và sơ lược tiểu sử của tác giả, nhà xuất bản, ban biên tập, người hiệu đính, họa sĩ trình bày… Sau đó mới đọc đến cả các lời tựa, lời bạt, cũng như lời giới thiệu thường nằm trong những trang đầu tiên. Dường như thói quen này giúp chúng tôi đọc được mau, hiểu và theo sát… với nội dung được trình bày trong sách.
 
Tủ Sách Tiếng Quê Hương (TQH) là một trong số ít nhà xuất bản – cũng như Xuân Thu, Văn Nghệ,… – mà chúng tôi yêu thích vì có sự tuyển chọn kỹ lưỡng khi giới thiệu với công chúng những sáng tác văn chương, tài liệu biên khảo quý giá. Vì thế, nếu không đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản và lời tựa, lời bạt của tác giả; chúng tôi sẽ tự trách mình vì thiếu sót.
 
Chúng tôi thưởng thức NHÂN VĂN GIAI PHẨM và vấn đề Nguyễn Ái Quốc với cùng một cung cách, bắt đầu từ trang bìa, cho đến lời giới thiệu, lời bạt trước khi vào phần mục lục và nội dung của tác phẩm. Lần này TQH đã cho độc giả một ngạc nhiên lớn. Thay cho lời giới thiệu tác phẩm là một thư ngỏ dành cho độc giả đề cập đến hai vấn đề đang là những vết thương nhức nhối đối với Việt ngữ. Hai vấn đề này là việc sử dụng các từ ngữ Hán Việt sao cho chính xác và vấn đề liên quan đến các lỗi chính tả. Lời lẽ mềm mỏng trong thư ngỏ đã thể hiện lập trường dứt khoát của nhà xuất bản đối với việc bảo tồn tiếng Mẹ đẻ là điều rất đáng được ca ngợi và phổ biến rộng rãi. Trong khi đồng ý với mục đích “giảm thiểu mức hỗn loạn về cách viết chữ Việt” và “gợi nhắc một vấn đề cần lưu ý” của Tủ Sách TQH trong các phần nói về chính tả cũng như phân tích nghĩa của chữ “toàn trị”, chúng tôi lại khó có thể đồng ý với việc dùng chữ “xử dụng” để thay thế cho “sử dụng” của nhà xuất bản.  Để được rộng đường dư luận, chúng tôi xin đánh máy toàn văn “Thư Gửi Bạn Trước Khi Vào Sách” của Tủ Sách TQH, thay thế lời giới thiệu tác phẩm NHÂN VĂN GIAI PHẨM và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của tác giả Thụy Khuê (Vũ Thị Tuệ):
Thư Gửi Bạn Trước Khi Vào Sách
 
Khi theo đuổi chủ hướng thu gom các tiếng nói chứng nhân trung thực về một thời kỳ bi đát cùng cực của đất nước Việt Nam, Tủ sách TQH đã đương nhiên nhận lãnh việc góp phần bảo tồn ngôn ngữ Việt Nam trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Công việc có vẻ khá đơn giản nhưng khi phải đối mặt với thực tế đã trở nên hết sức phức tạp.
 
Bởi chữ quốc ngữ dù qua một quá trình phát triển dài trọn 100 năm khởi từ đầu thế kỷ 20 vẫn chưa đạt thành hệ thống hoàn chỉnh với tiêu chuẩn rõ ràng về nhiều mặt từ nghĩa chữ cho đến cách viết. Tuy nửa đầu thế kỷ 20, một số học giả như Nguyễn văn Tố, Phan Khôi, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim… đã lưu tâm tới vấn đề, nhưng công trình của các vị này chưa thể hoàn hảo và đáng buồn hơn là đã bị rơi vào quên lãng. Tới nay gần như mỗi người đều thoải mái tự ban nghĩa cho các ngôn từ và thoải mái viết theo sở ý, thậm chí ngay tài liệu giáo khoa cũng chưa hề thống nhất.
 
Vì thế, Tủ Sách TQH phải tự định một chuẩn hướng theo các chỉ tiêu do cân nhắc chủ quan với mong mỏi không gây hỗn loạn thêm cho cách viết và cách dùng từ. Quyết định này đã khiến cho Tủ Sách khó tránh bất đồng với một số tác giả trong các phạm vi trên do thói quen dùng từ và chuẩn hướng của Tủ Sách.
 
Cụ thể là với tác phẩm NHÂN VĂN GIAI PHẨM mà quí bạn đang cầm trên tay đã có sự bất đồng về hai từ “sử dụng” và “toàn trị”. Tác giả Thụy Khuê đã yêu cầu TQH giữ nguyên cách viết “sử dụng” cũng như từ “toàn trị”, nhưng TQH lại không thể đi ngược với chuẩn hướng đã đề ra là phải viết “xử dụng” và thay từ “toàn trị” bằng “độc trị”, “đảng trị” hoặc “độc quyền đảng trị.”
 
Do đó, chúng tôi xin thông báo cùng bạn đọc về quan điểm của tác giả Thụy Khuê và cũng xin nữ sĩ coi những dòng này như lời tạ lỗi của TQH với riêng nữ sĩ do việc đã đổi khác hai từ “sử dụng” và “toàn trị” trong bản thảo.
 
Chúng tôi cũng xin được nói về lý do chọn cách viết “xử dụng” và không dùng chữ “toàn trị.”
 
Như chúng ta đều biết, đa số từ Việt ngữ là Hán Việt tức có gốc Hán tự. Chẳng hạn chữ “sử” hoặc “xử” của ta là 5 chữ Hán viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã, Hô, Mộc. Trước đây, các học giả Thiều Chửu, Đào Duy Anh đã phiên âm 2 chữ viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã là “sử” và 2 chữ viết theo các bộ Hô, Mộc là “xử.” Các chữ thuộc 3 bộ Khẩu, Mã, Mộc đều có nghĩa rõ ràng riêng biệt nên chỉ còn vấn đề với 2 chữ viết theo bộ Nhân và bộ Hô.
 
Từ viết theo bộ Nhân được phiên âm là “sử” có nghĩa là “sai khiến” hoặc “phỏng định” dẫn đến các thành ngữ như “giả sử”, “sử nhân dĩ dục”, “sử dân dĩ thời”…, hay chỉ một chức vụ như “thứ sử”, “ngự sử” … và biến âm thành “sứ” để có các từ “sứ thần”, “sứ giả”, “đại sứ”, “sứ quán” …
 
Riêng từ viết theo bộ Hô phiên âm là “xứ” bao gồm nhiều nghĩa như “thu xếp”, “sắp đặt”, “xét đoán”, “lo liệu”, “phân định”, “vận dụng”, “thể hiện”, “đối đãi…” ghép thành nhiều từ như “xử thế”, “xử trí”, “xử lý”, “xử trị”, “xử sự”, “khu xử”, “hành sử”, “xuất xử”…
 
Theo cách phân tích này, chúng tôi thấy không thể viết sử dụng vì ở đây không hàm nghĩa “sai khiến” như trong câu “sử nhân dĩ dục” – lấy lòng ham muốn để sai khiến con người – hoặc “sử dân dĩ thời” – dựa theo thời vụ mà sai khiến dân chúng. Chữ “xử” ở đây chỉ đơn thuần mang nghĩa “thu xếp”, “sắp đặt”, “vận dụng”… những thứ gì đang có trong tay mà thôi nên phải viết là “xử dụng.” Do đó, dù hiện nay rất nhiều người viết “sử dụng”, chúng tôi vẫn thấy nên cần viết “xử dụng.”
 
“Toàn trị” cũng không phải từ mới mà chỉ là một từ cũ được ban cho nghĩa mới trong vòng vài chục năm nay.
 
Nghĩa vốn có của từ “toàn trị” là “sắp đặt trọn vẹn”, “hoàn toàn an lành” như trong các diễn tả về một thời kỳ “toàn thịnh toàn trị” được rút gọn là “thịnh trị” để nói về mức phát triển tốt đẹp trong tình trạng “ổn định” tuyệt đối. Chữ “toàn” trong Hán tự hàm nghĩa “trọn vẹn” và diễn tả “cái đẹp, cái tốt” nên ta chỉ gặp những từ như “toàn thiện”, “toàn tài”, “toàn hảo”, “toàn mỹ…” chứ không có chữ “toàn” nào ghép với “ác”, “xú”, “độc”…
 
Ngoài ra, dịch từ totalitarisme thành “toàn trị” chưa hẳn có một từ mới chính xác hơn các từ cũ như “độc quyền đảng trị”, “độc trị”, “độc tài độc đoán…” Đó là chưa kể còn dễ gây hiểu lầm do hàm nghĩa quen thuộc diễn tả ý hướng tốt đẹp của từ “toàn.” Cho nên, dù từ “toàn trị” có thể lôi cuốn một số người, chúng tôi vẫn chọn giữ các từ cũ “độc trị”, “đảng trị”, hoặc “độc quyền đảng trị…”
 
Một lần nữa xin tác giả Thụy Khuê thông cảm về thế bất khả kháng của chúng tôi và xin thông báo để bạn đọc hiểu lý do khiến các tác phẩm do TQH ấn hành không xuất hiện các từ “sử dụng”, “toàn trị” trong khi xuất hiện nhiều từ với phân biệt dứt khoát có thể khác hẳn cách viết của nhiều người, chẳng hạn như “giòng giõi”, và “dòng chữ” hay “theo dõi”, “giễu cợt” và “diễu binh”, “dây nhợ” và “giây phút”, “dấu hiệu” và”che giấu”, hoặc “réo rắt” và “giắt lưng”, “dắt dẫn”…
 
Xin được coi đây như một nỗ lực trong mong ước góp phần giảm thiểu mức hỗn loạn về cách viết chữ Việt và nếu chưa thực sự chính xác thì cũng gợi nhắc mỗi người về một vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong hướng bảo tồn và truyền bá tiếng mẹ của chúng ta.   
  
Tủ sách TQH.
 
Trung thành với nguyên văn của Tủ Sách TQH, chúng tôi đã cố gắng hết sức để ghi lại chính xác toàn văn thư ngỏ, kể cả lỗi chính tả “quí bạn” thay vì “quý bạn” cũng như các lỗi chấm câu, chấm lửng bên trong các dấu ngoặc kép một cách tùy tiện… Chúng tôi xem như đó là những lỗi do đánh máy và không nằm trong nội dung bài viết này! 
 
Nội dung chúng tôi muốn đề cập, nằm trong lý lẽ mà TQH đưa ra để phủ nhận giá trị của chữ “sử dụng” và thay đổi bằng “xử dụng” vì tin rằng trường hợp sau đúng hơn.
 
TQH đã đưa hai chữ Hán là “sử – 使” thuộc bộ Nhân (đứng) và chữ “xử – 處” thuộc bộ Hô và phân tích nghĩa của chúng để đi đến kết luận là phải dùng chữ nào, “sử dụng” hay “xử dụng” để được hợp lẽ. Kết luận của TQH là chọn dùng chữ “xử dụng” cũng được giải thích bởi lẽ các công trình của những học giả uyên thâm về Hán học như Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim… đã không được hoàn thiện(?)
Để phủ nhận giá trị của chữ “sử dụng”, TQH cho rằng:
 
1. “Sử dụng” không mang nghĩa “sai khiến” như TQH nghĩ là phải có. Có lẽ, khi lập luận, TQH đã quên mất một trong các nghĩa khác nhau của ”sử – 使” là “điều khiển”. Liên quan đến nghĩa “điều khiển” này, chúng tôi chợt nhớ đến những chữ khác thường thấy khi đọc tin tức chiến sự trong những năm tháng lửa khói tại VN. Đó là “khả dụng”, “khiển dụng”, “bất khiển dụng”… dùng để chỉ tình trạng có thể sử dụng được hay không của khí tài quân sự hoặc các đơn vị thuộc binh chủng chiến đấu!
Sử dụng một dụng cụ, phương tiện nào đó; rõ ràng đơn giản chỉ là việc điều khiển dụng cụ, phương tiện đó để đạt được mục đích của mình mà thôi!
 
2. TQH cho rằng, “xử dụng” hợp lý hơn vì mang các nghĩa “thu xếp, sắp đặt, vận dụng…”. 
 
Chúng ta thử so sánh hai đôi câu văn đơn giản dưới đây:
 
a1) Họa sĩ sử dụng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
a2) Họa sĩ điều khiển cọ và màu dầu để vẽ tranh. 
 
b1) Họa sĩ xử dụng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
b2) Họa sĩ thu xếp/sắp đặt/vận dụng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
 
Rõ ràng, đôi câu văn a1) và a2) thể hiện chính xác được ý nghĩa Việt ngữ hoàn toàn của câu văn sau đây:
 
c) Họa sĩ dùng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
 
Đem các câu b1) và b2) dùng để thay thế cho câu c), chắc chắn chúng ta sẽ bị cười chê là người ngoại quốc nói tiếng Việt, không hơn không kém!
 
3. Trên tất cả những lý lẽ vừa kể, TQH đã mắc phải sơ sót trầm trọng trong quan điểm của mình khi giải thích một từ kép Hán Việt. Sơ sót quan trọng này là TQH đã bất chấp nguyên nghĩa của chữ “sử dụng – 使用” đã được sử dụng ra sao trong Hán văn:

Sử dụng – Thị chỉ án chiếu vật đích tính năng hòa dụng đồ gia dĩ lợi dụng.
 
Nếu TQH đã cẩn thận hơn một chút xíu và đọc lời chỉ dẫn của bất kỳ vật dụng bằng Hán văn như trên, có lẽ họ đã không mắc phải sai lầm đáng tiếc.
 
Nghĩa của ”sử dụng – ” đơn giản chỉ là “dùng (động từ) và cách dùng (danh từ)”. Trong khi đó, “xử dụng – 處用” được dùng với ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Trong đó, “xử” được hiểu là nơi cư trú:

Bất tri hà xử dụng tướng quân?
Chẳng biết tướng quân đang ở nơi nào?
 
Mục đích ban đầu của ”Thư Gửi Bạn Trước Khi Vào Sách” là trong sáng với mong mỏi “giảm thiểu mức hỗn loạn về cách viết chữ Việt”. Nhưng TQH lại quá tự tin và chủ quan nên chính mình đã góp phần tham dự vào việc hỗn loạn đáng trách nói trên!
 
Công việc biên tập và hiệu đính cho các ấn phẩm văn hóa vô cùng quan trọng và đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn cũng như ngôn ngữ được sử dụng trong ấn phẩm. Nó còn đòi hỏi sự cẩn trọng cần thiết để nếu không làm tăng giá trị của các tác phẩm được ấn loát, thì cũng không nên phá hoại giá trị văn hóa và văn nghệ một cách đáng tiếc như trường hợp lá thư ngỏ của TQH!
Dù lời lẽ trong thư ngỏ quả thật có mềm mỏng, nhưng với thái độ cứng rắn và áp chế đối với tác giả Thụy Khuê nói riêng và các tác giả sáng tác và nghiên cứu khác khi TQH không hiểu được rằng lý lẽ của mình hoàn toàn sai trong việc sử dụng chữ “xử dụng”, chúng tôi e rằng đó là sự xúc phạm không nhỏ. Hơn thế nữa, phủ nhận sự đứng đắn của chữ “sử dụng” trong kho tàng ngữ vựng Hán Việt mà Ông Cha chúng ta để lại; do hiểu biết nông cạn, hời hợt và mang chút ngông cuồng ngạo mạn, cũng là hành vi vong ân đáng tiếc lắm thay!…
 
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời!
 
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui!
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…
(Tình Ca – Phạm Duy)
 
Chân Phương
San Jose, CA
12/26/12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét