Xe chở tù nhân đậu tại Tòa án Nhân dân TP.HCM |
Tháng 12 là tháng biểu dương và tôn trọng nhân quyền. Ngày 10/12/1948, tại Paris, trong phòng họp lớn của Lâu Đài Chaillot – Palais de Chaillot nhìn xuống sông Seine, trước mặt Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt long trọng đọc Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền gồm có 30 điều khoản, được nhất trí thông qua trong niềm hân hoan chung.
Khi được vào Liên Hiệp Quốc từ tháng 9 năm 1977, Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng các tuyên ngôn, các văn kiện cơ bản của Liên Hiệp Quốc, trong đó Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền là văn kiện cơ bản nhất.
Năm nay tình hình vi phạm nhân quyền, chà đạp nhân quyền một cách ngang nhiên và nghiêm trọng nhất đang diễn ra trên đất Việt Nam với những kỷ lục đen mới.
Chưa bao giờ có nhiều nhà báo, trí thức, blogger, nhà lãnh đạo tôn giáo…bị kiểm soát, kiểm duyệt, sách nhiễu, truy tố, và tuyên án nặng nề như hiện nay.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ, Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Trung, Linh mục Nguyễn Văn Lý; các nhà báo Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Hoàng Khương ; các nhạc sỹ Việt Khang và Trần Anh Bình, sinh viên Nguyễn Phương Uyên, mới chỉ là một số tiêu biểu.
Trái với mọi cam kết của nhà nước, chính phủ, và Bộ Ngoại giao Hà Nội, việc đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình ôn hòa ngày chủ nhật 9/12/ vừa qua ở Hà Nội và Sài Gòn là một hành động ngang ngược thách đố dư luận thế giới đúng vào dịp kỷ niệm bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
Do cảm thấy số đông nhân dân vẫn còn bị kềm kẹp, lo sợ bị khủng bố, do nhận thấy các nước dân chủ mới chỉ lên tiếng cảnh cáo về những hành động hung bạo của họ với nhân dân, chưa có sự răn đe mạnh mẽ, chưa có sự trừng phạt đích đáng nên họ sinh ra lờn. Họ nghĩ rằng các nước chỉ dọa mồm thôi, các nước vẫn còn mê mải làm ăn với Việt Nam để kiếm lời, nên họ vẫn cứ chây ỳ, vi phạm nhân quyền ngày càng táo tợn.
Nhưng họ đã tính sai do bệnh chủ quan, duy ý chí. Trước hết nhân dân ngày cành tự tin, quật khởi hơn.
Vừa qua Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mạnh mẽ hơn về tố cáo chính quyền Việt Nam chà đạp nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố về sự sa sút rõ rệt trong việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam. Ngoại trưởng Hillary Clinton còn nêu rõ việc tôn trọng nhân quyền là điều kiện không thể thiếu trong tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ – Việt. Và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nói rõ là sẽ không bán vũ khí sát thương, không nâng cao quan hệ chiến lược Mỹ – Việt chừng nào mà Việt Nam chưa tỏ ra thật sự tôn trọng nhân quyền.
Mới đây ông Phil Roberston, giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch, cảnh báo rằng tình hình tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam trong năm nay đã suy thoái rất trầm trọng, đến mức tồi tệ.
Chính vì thế mà cuộc đối thoại Việt – Mỹ về nhân quyền năm nay lẽ ra đã được thực hiện, nhưng đã giáp cuối năm mà phía Hà Nội vẫn lần lữa, tảng lờ. Vì sao vậy?
Phiên tòa xử phúc thẩm 3 nhà báo Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải được dự định diễn ra vào ngày 28/12/2012 và phiên tòa xử ông Nguyễn Quốc Quân, một công dân Mỹ, cũng được dự định tổ chức vào cuối năm, sẽ là thước đo xem Hà Nội còn ngang tàng, ương ngạnh và ngoan cố đến đâu trong thái độ coi thường nhân dân, coi thường dư luận thế giới. Tất nhiên họ gieo gì thì sẽ được gặt nấy.
Không thể trơ tráo mãi được. Một sự trơ tráo tội lỗi, khi bất cứ chiến sỹ dân chủ nào đụng chạm đến bọn bành trướng đều bị họ trừng phạt không nương tay. Luật sư Cù Huy Hà Vũ vạch mặt bành trướng chiếm đoạt Tây Nguyên; nhà báo Điếu Cày lên tận biên giới Cao Bằng tố cáo bành trướng chiếm Bản Dốc; nhạc sỹ Anh Bình, Việt Khang đặt lời ca vạch mặt bọn xâm lược – tất cả đều đã bị kết tội và tuyên án hết sức khắc nghiệt.
Khi một chính quyền đứng hẳn về phía giặc ngoại xâm, kết tội rất nặng các chiến sỹ yêu nước, thì đó là loại chính quyền gì?
Lẽ ra chính quyền phải đứng về phía nhân dân, bênh vực, bảo vệ nhân dân yêu nước, cùng nhân dân của mình xuống đường chống bành trướng, thì họ lại đi làm toàn điều trái ngược.
Trong cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần tới, chắc chắn đại biểu Hà Nội lại sẽ lải nhải rằng ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo và rằng mỗi nước có một quan niệm khác nhau về quyền công dân và nhân quyền. Tôi yêu cầu các vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hãy đọc kỹ Điều 30 là điều cuối cùng của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền để đừng có ngụy biện một lần nữa. Cách đây 64 năm các nhà thảo ra văn kiện này đã lường trước là sẽ có người bám víu vào các đặc điểm địa lý – văn hóa – dân tộc để lẩn tránh nghĩa vụ phải thực hiện nghiêm chỉnh bản Tuyên ngôn lịch sử này.
Điều 30: Không được diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong bản Tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong bản Tuyên ngôn này.(Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền – 1948)
Chỉ riêng điều khoản này đã thừa đủ để đánh sập mọi luận điệu cãi chày cãi cối về Việt Nam có đặc điểm văn hóa, lịch sử, dân tộc riêng biệt để có cách tôn trọng nhân quyền riêng của mình.
Thể diện của một quốc gia không cho phép một ai được quyền tiếp tục ngụy biện như thế.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét