Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Lấn lướt láng giềng, Đại Hán nghênh ngang chiếm biển


Bắt đầu từ ngày 1/1, cảnh sát tỉnh Hải Nam, Trung Quốc sẽ tiếp cận các tàu tiến vào khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Họ được phép lên tàu, kiểm soát các tàu nước ngoài “xâm nhập trái phép” và yêu cầu các tàu thay đổi lộ trình.
“Các hoạt động như xâm nhập vào vùng biển của tỉnh đảo mà không được phép… và công khai tham gia đe dọa an ninh quốc gia là phi pháp”, tờ Nhật báo Trung Quốc viết. “Nếu các tàu nước ngoài hoặc thủy thủ đoàn vi phạm quy định đưa ra, cảnh sát Hải Nam có quyền tiếp quản tàu hoặc hệ thống thông tin liên lạc trên tàu”.

Động thái ngày một quả quyết thậm chí là lấn lướt gây hấn của Trung Quốc đã làm phức tạp và tăng nhiệt cho một “điểm nóng” của châu Á – nơi có những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới được cho là đảm nhận hơn nửa lượng vận chuyển dầu của toàn cầu.
“Điều này là không thể”, Tướng Juancho Sabban, chỉ huy lực lượng quân sự Philippiines miền tây cho biết. “Đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi pháp quyền tự do đi lại quốc tế”.
Ngoài Trung Quốc, còn một số nước châu Á tuyên bố chủ quyền với các đảo nhỏ trong khu vực được coi là vùng biển chiến lược với các vùng đặc quyền kinh tế giàu tiềm năng năng lượng, nguồn cá.
Tiến sĩ Ely Ratner, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng, động thái này biểu hiện cách thức sử dụng lối ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự “áp chế” nhằm giành lợi thế trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tuy nhiên, điều mới mẻ ở đây là trong các cuộc xung đột khác – kiểu như bãi cạn Scarborough, hay cái gọi là “thành phố Tam Sa” hoặc quần đảo Senkaku – Trung Quốc biện hộ là phản ứng với sự khiêu khích từ các nước khác. Còn trong trường hợp mới nhất này, họ không tuyên bố đó là một phản ứng.
“Nó rõ ràng là sự leo thang và gây mất ổn định”, Ratner nói. “Đó là hành động đơn phương của Trung Quốc, và là kiểu ‘ra tay trước’ mà mọi người luôn luôn lo lắng”.
Theo chuyên gia Ratner: “Rõ ràng là về trung hạn, phản ứng ngoại giao từ khu vực và cả những cường quốc bên ngoài là khá mạnh mẽ” bởi nó gắn liền với thực tế rằng, nền kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều vào tự do hàng hải, tự do qua lại ở Biển Đông.
Mỹ – quốc gia nhiều lần nhấn mạnh rằng, họ có một lợi ích quốc gia trong đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực – đã và đang thay đổi nguồn lực quân sự hướng về châu Á.
Nhưng điều khiến Trung Quốc gây khó dễ với các nước khác là Bắc Kinh sử dụng các cơ quan phi quân sự và thực thi pháp luật (nghĩa là bớt đe dọa hơn so với việc sử dụng tàu hải quân) để lấn lướt ở Biển Đông. Nước này cũng không tỏ ra mặn mà trong việc xây dựng và phát triển một bộ quy tắc ứng xử cung cấp khuôn khổ hành xử cho các nước khác ở các khu vực tranh chấp trên biển.
Tuy vậy, điều đó cũng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ áp dụng cách thức này trong thời gian dài. “Đó không phải là một chiến lược có lợi cho Trung Quốc trong dài hạn”, Ratner nói. “Mỗi khi họ làm điều gì tương tự như vậy, điều chúng ta được chứng kiến là sự tăng cường hợp tác của các quốc gia trong khu vực; là yêu cầu gia tăng hiện diện cũng như tham gia các nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong khu vực”.
Sự tăng cường chú tâm của Mỹ với châu Á đã thúc đẩy nhiều nước đứng lên chống lại sự hăm dọa của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Ratner, các quốc gia trong khu vực và Mỹ có thể nói chung tiếng nói về vấn đề này. “Họ có thể cung cấp sự đối trọng ngoại giao ấn tượng cho các hành động của Trung Quốc”.
Ratner nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ có khả năng tiếp tục đưa những sự cố đụng độ trên biển vào trong quan điểm rộng lớn hơn của mối quan hệ Trung – Mỹ. “Câu hỏi thực sự đặt ra là Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa – nước này đã vượt qua luật pháp quy định hay thực sự đã sẵn sàng vươn ra biển lớn, bắt đầu bắt giữ các ngư dân hay bất cứ thứ gì đang ở vùng biển quốc tế hoặc ở vùng lãnh thổ tranh chấp nơi họ đánh bắt hay làm việc trong nhiều thế kỷ qua?”, Ratner cho biết. “Trung Quốc giống như con voi trong phòng và là người cuối cùng sẽ quyết định giải quyết vấn đề một cách hòa bình hay không”.
Nguyễn Huy (TVN)
  • * (“Con voi trong phòng” là cụm từ được dịch từ tiếng Anh “Elephant in the Room”. Đây là thành ngữ ý muốn ám chỉ một vấn đề mà ai cũng biết, nhưng không ai dám nói ra do ngượng ngùng hoặc do đó là điều kiêng kỵ).

Không có nhận xét nào: