Pages

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Mời Trí Thức Việt Kiều


Đất nước muốn tiến bộ, cần phải có một lực lượng trí thức trong mọi ngành dẫn đầu. Ai cũng biết như thế. Vì chuyện đơn giản ai cũng biết: người đi xe đạp không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để lái một chiếc phi cơ. Thử liều mạng đưa một người chỉ biết đi xe đạp lên lái phi cơ là biết liền, không ai dám thử như thế. Do vậy, phải có trí thức.
Và Việt Nam may mắn đang có sẵn vài trăm ngàn trí thức Việt Kiều, tại sao không sử dụng? Ai cũng nghĩ như thế.
Do vậy, mới có nghị quyết 36, mới có chuyện trải thảm đỏ mời trí thức Việt Kiều về ra sức xây dựng quê nhà.
Do vậy, mới có những Đạị Hội kiều bào hải ngoại hàng năm, và dần dà biểu diễn mời những người nổi tiếng về để chứng tỏ tấm lòng nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với trí thức phương xa, bất kể là tấm lòng thù nghịch vẫn găm trong bụng với đủ mọi thủ đoạn, tuy không tới nổi lấy đầu lâu vệ quân phương Nam năm xưa về là bô để quan chức đứng tè, nhưng đã cho trồng ở nghĩa trang Biên Hòa đủ mọi loại cây có rễ xuyên tâm để thọc lủng hết mọi quan tài có lớp gỗ cứng nhất.

Do vậy mới có những bữa tiệc năm xưa do Thủ Tướng CSVN Phan Văn Khải mở tiệc đón tiếp cựu Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng lòng thù nghịch đặc chất xã hội chủ nghĩa đã cấm ngặt báo chí quốc nội đăng những tấm hình cho thấy ông Kỳ ngang hàng với các quan chức CSVN – không hề phổ biến một tấm hình nào cho thấy ông Kỳ bắt tay ông Khảỉ, hay cụng ly với ông Khải, làm như thể những bữa tiệc đó, hai ông không hề cầm ly mà chỉ bú bình như em bé…
Báo Nông Nghiệp VN hôm Thứ Sáu 7-12-2012 có bản tin “Đãi ngộ giảng viên nước ngoài về nước,” trong đó nêu lên chính sách có vẻ như là mới để mời trí thức Việt Kiều về dạy đại học, trích:
“Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quyết định quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo đó, các nhà khoa học là người nước ngoài và nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam được đảm bảo sinh hoạt phí, chỗ ở, chỗ làm việc, phương tiện đi lại; được cấp thị thực xuất nhập cảnh (kể cả các thành viên gia đình) có giá trị sử dụng nhiều lần phù hợp với thời gian làm việc; được miễn thuế thu nhập cá nhân; được hưởng bảo hiểm trong thời gian làm việc tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam; được phép tạm nhập, tái xuất các phương tiện giao thông cá nhân.
Nhóm người này cũng được mua, thuê nhà với giá ưu đãi và làm thủ tục thuận lợi nhất.”(hết trích)
Tuyệt vời, Đảng CSVN đã xóa bỏ chữ Việt Kiều, vì chữ này có vẻ xa lạ, mà thay bằng chữ người Việt Nam ở nước ngoài. Nghĩa là, xóa lằn ranh thường nghĩ, mà chỉ giữ lằn ranh cửa khẩu, bước ra là người Việt Nam ở nước ngoàì, bước vào là một khối. Đặc biệt, cần trí thức về dạy đại học, để đào tạo các thế hệ mới.
Nhà viết blog Hai Lúa, gọi đó là “Chiếc bánh vẽ đầy màu sắc nhưng kém hấp dẫn.” Trên trang nhà http://hailuablog.wordpress.com, nhà văn này gợi lại chuyện cũ để so sánh chuyện nay:
“Tôi nhớ không lầm, đây có lẽ không phải là lần thứ đầu tiên Bộ GD-ĐT rình rang dự thảo về vấn đề này. Thế nhưng nhìn lại, kết quả chẳng đâu vào với đâu. Tháng 1/2007, trong một buổi làm việc, bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố “Trong 10 năm tới, chúng ta cố gắng thu hút vài trăm, thậm chí 1.000 nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục VN”. Sau đó là hàng loạt những vấn đề được đem ra mổ xẻ như: cởi trói về thủ tục và trả thù lao tương xứng cho nhà khoa học Việt Kiều, rồi “thu hút trí thức Việt Kiều: giải pháp nào?”,…. Thử làm một điều tra xem các trường đại học hàng đầu trong cả nước như ĐHQG TPHCM, ĐHQG HN, số lượng nhà khoa học Việt Kiều làm việc thường xuyên là bao nhiêu? Như năm 2007, cả ĐHQG TPHCM chỉ khoảng hơn 10 nhà khoa học Việt Kiều làm việc toàn thời gian, mà đa số, họ đều ở tuổi đã nghỉ hưu, tình nguyện về làm việc mà không so đo tới chuyện lương bổng. Một số trường ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ,….có những trường hoàn toàn không có một nhà khoa học Việt Kiều làm việc tòan thời gian…”(hết trích)
Giáo Sư Nguyễn Quốc Vọng từ Đại Học RMIT, Úc Châu, trong bài viết tháng 7-2010 đăng trên nhiều mạng, có bài tựa đề “Vì sao ít trí thức Việt kiều về nước làm việc?” phân tích chi tiết nhiều lý do, trong đó có vài lý do nổi bật để thấy ngay trí thức trong nước cũng không được trân trọng, huống gì là ngoài nước về. Cần ghi nhận rằng, GS Nguyễn Quốc Vọng khi viết bài này đã có thực tiễn 2 năm về nước làm việc. Trong đó, vài lý do như:
“- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;
—–
- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên…) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;
- Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;
- Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.
Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới…” (hết trích)
Trong phần phản hồi bài trên, với nick là “Hank – usa” người ký tên Khánh Hưng kể:
“…tôi muốn góp nhặt mấy mẩu chuyện tai nghe mắt thấy sau đây.
Năm 2006, một công ty của người gốc Việt ở Mỹ thuê tôi về Việt Nam làm một nghiên cứu cho một dự án đầu tư kinh tế. Vài người quen đưa tôi đi làm việc với chính quyền một vài tỉnh để tìm hiểu các kế hoạch kinh tế của địa phương. Đi đến đâu, tôi cũng nhận được một lời khuyên tương tự là, tôi nên đưa theo một người Mỹ trắng, dù người đó là một nhân viên bảo vệ hay là một lao công cho công ty tôi ở Mỹ, miễn sao người đó nói “xí bô xí ba” gì đó, rồi tôi dịch ra tiếng Việt, thì tôi mới được tiếp đón nồng hậu và nhiệt tình!
Trở lại thành phố Sài Gòn, gặp một cậu “Việt kiều” 26 tuổi, sinh ở Mỹ, tốt nghiệp Cao học Anh ngữ tại Đại học Los Angeles (UCLA). Với nguyện vọng tha thiết được làm việc tại Việt Nam, cậu xin vào dạy tại một trung tâm Anh ngữ trực thuộc một trường Đại học lớn của Việt Nam. Ở đây, người ta trả lương theo giờ cho cậu ít hơn ba lần so với mấy người Tây ba lô. Họ nói, cho dù anh có trình độ và khả năng hơn hẳn mấy người Tây đó, nhưng vì anh là người “gốc Việt” nên không có… giá cao!”(hết trích)
Về bài “Đại học tư thục và những sự áp đặt” đăng lúc đầu ở Tuần Việt Nam tháng 10-2009 và sau đăng lại ở nhiều mạng, trong đó Giáo sư GS Huỳnh Hữu Tuệ – Hiệu trưởng ĐH tư thục Bắc Hà — trả lời phóng viên Thùy Linh về trở ngại ở cấp đaị học. Cần ghi nhận GS Tuệ là trí thức Việt Kiều từ Canada về. Trên báo Diễn Đàn ở Paris, mục Forum, có lời bình rằng:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đang áp đặt lên các trường ĐH quá nhiều: Chương trình khung, kiểm soát tài chính và cơ cấu nhân sự. – Gs Huỳnh Hữu Tuệ – Hiệu trưởng ĐH tư thục Bắc Hà./ Ông Việt kiều này về nước đã lâu mà chưa học được chiêu đưa phong bì để hoá giải búa áp đặt của mấy quan Bộ thì dở thiệt, võ nghệ chưa tinh thông lắm nhỉ!”(hết trích)
Khó vậy. Nhà nước xẻ bỏ hết những tấm ảnh ông Kỳ nâng ly với ông Khaỉ, lặng lẽ trồng cây cho rễ xuyên bộ binh lính phương Nam, và trải thảm đỏ mời trí thức Việt Kiều về… thực sự chỉ là để trình diễn, và để có cớ xài tiền chiêu đãi…
Bao giờ mới thoát nổi tâm lý thù hằn naỳ, trong khi hung hiểm đang lấn tới từng dặm biển, từng thước đất rừng?
Tác giả : Trần Khải

Không có nhận xét nào: