Pages

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Nạn mua quan bán chức là đại họa của đất nước


Hệ thống được vận hành bởi những con người đi lên bằng mua bán thì hệ thống đó được điều hành bằng mối quan hệ tiền bạc. Sự minh bạch, liêm khiết và tính chuyên nghiệp trong quản trị chỉ là những câu được viết trên báo cáo và hô to thành khẩu hiệu.
Nạn mua quan bán chức là đại họa của đất nước
Nạn mua quan bán chức là đại họa của đất nước
Chuyện bán cái biên chế, mua suất công chức không có gì mới, ai cũng biết vì nó quá phổ biến. Nhưng xã hội phải sửng sốt khi ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trần Trọng Dực lột thẳng cái mặt nạ giả dối đó ra với con số khá cụ thể, không dưới 100 triệu đồng.

 Tại sao nói rằng giả dối? Bởi vì có nhiều chương trình trải thảm đỏ đón nhân tài, tuyển dụng các thủ khoa đại học rất ồn ào. Hóa ra đó chỉ là cái để lòe thiên hạ, để che mắt thế gian, còn đằng sau nó là cuộc mua bán ồn ào náo nhiệt và thị trường tham nhũng ngày càng sôi động với thị phần ngày càng mở rộng.
Cộng đồng mạng cũng tỏ ra ngạc nhiên, không phải là vì việc mua ghế công chức 100 triệu đồng như ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực nói, mà ngạc nhiên vì cho rằng đó là cái giá quá rẻ. Ở tỉnh lẻ, giá còn cao hơn thì Thủ đô khôngthể có mức “thiếu cạnh tranh” như vậy. Thật đau đớn cho đất nước khi chuyện mua bán cái ghế công chức trở thành cái chợ như chợ cá, chợ rau, chợ gà, chợ vịt…
Mà đó là mới công chức quèn cấp quận huyện thôi. Than ôi! Nếu có chức vụ hẳn hoi thì sao? Chạy mua được cái ghế có tanh mùi tiền bạc một chút thì không biết bao nhiêu tiền mới đúng giá.
Nhưng cái họa của chuyện mua bán này không chỉ là 100 triệu đồng hay 1 tỷ đồng, mà là sự tha hóa của cán bộ, công chức nhà nước. Với cách tuyển chọn bằng đồng tiền thì bộ máy chính quyền sẽ “phổ biến” là những kẻ bất tài, thiếu đức. Họ sẽ vơ vét để hoàn vốn và đó chính là những con sâu nhung nhúc, trở thành bầy sâu cái trong tương lai.
Họ là những người coi thường cấp trên, coi nhỏ công việc. Bởi vì cấp trên là người cầm tiền của họ, công việc chỉ là cơ hội để họ lấy lại tiền vốn và sau đó là thu lãi. Tham nhũng nảy sinh từ đây, sự yếu kém trong quản lý điều hành là từ đây, trên bảo dưới không nghe cũng chính từ đây. Hạch sách nhũng nhiễu dân từ đây và cản trở tiến trình phát triển xã hội cũng từ đây. Đất nước không phát triển cũng từ đây và nghèo đói cũng từ đây…
Hệ thống được vận hành bởi những con người đi lên bằng mua bán thì hệ thống đó được điều hành bằng mối quan hệ tiền bạc. Sự minh bạch, liêm khiết và tính chuyên nghiệp trong quản trị chỉ là những câu được viết trên báo cáo và hô to thành khẩu hiệu. Bầy sâu này làm cho chất lượng chính quyền suy giảm, không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội, tư duy năng động của cộng đồng. Người dân, doanh nghiệp bị mất đi các cơ hội chính vì phải chờ đợi sự chậm chạp và vòi vỉnh của những con sâu này.
Trên thực tế đã có những trường hợp doanh nghiệp nộp đơn xin hoạt động, hồ sơ bị đá đi đá lại với hàng chục con dấu vẫn chưa xong. Cái thói quan liêu nhũng nhiễu đã ngấm vào máu, vô tâm vô cảm với nhân dân…
Đại họa là những người giỏi giang, thông minh, nhưng vì có liêm si nhưng thiếu tiền bị loại ra ngoài. Đất nước bị lãng phí nguồn chất xám, đó là nguồn tài nguyên vô giá.
Đại họa nữa, là không ai tin vào những chính sách thảm đỏ, thảm nhung được tuyên truyền.
LÊ CHÂN NHÂN (DÂN TRÍ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét