Pages

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Obamacare Bắt Đầu Có Hậu Quả

Vũ Linh

   
 
...công ty với 50 nhân viên trở lên phải mua bảo hiểm y tế cho tất cả nhân viên...

Với chiến thắng vừa qua của TT Obama, luật cải tổ y tế của ông coi như đã tránh được mối đe dọa bị thu hồi mà ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney đã hứa hẹn. Hiện nay, luật y tế vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn như hai tá thống đốc Cộng Hòa từ chối áp dụng một vài điều của bộ luật trong tiểu bang của mình, và cả lô đơn thưa kiện trước các tòa án còn chưa giải quyết hết, nhưng thực tế, đó chỉ là những khúc mắc trong chi tiết thi hành luật, sớm muộn gì cũng sẽ được giải quyết mà không ảnh hưởng tới toàn bộ luật Obamacare. Trong bốn năm tới, luật sẽ đi vào thực tế và trở thành… gạo đã nấu thành cơm. Sau này, một tổng thống bảo thủ nào nắm quyền cũng khó có thể thu hồi lại được.

Nhìn vào Obamacare mới thấy được tính quan trọng của chiến thắng vừa qua đối với TT Obama vì nó đã cho ông cơ hội bảo vệ thành quả này. Obamacare đối với khối bảo thủ cũng là yếu điểm lớn thứ hai của TT Obama, sau những thất bại không cải tiến được kinh tế. Sáu chục phần trăm dân Mỹ cũng chống Obamacare. Nhưng TĐ Romney đã không có cách nào triển khai được yếu điểm này vì ... há miệng mắc quai với cuộc cải tổ y tế của chính ông tại Massachusetts.

Obamacare sẽ đi vào lịch sử như cuộc cải tổ y tế lớn nhất từ nửa thế kỷ qua, từ ngày TT Johnson ký luật ban hành Medicare và Medicaid giữa thập niên 60, cũng là gia tài của TT Obama để lại hậu thế. Vấn đề là gia tài đó tốt hay xấu?

Thật ra, thắng lợi của TT Obama không phải là thành quả của một mình ông, nhờ tài của riêng ông, mà đã đạt được nhờ nhiều yếu tố khác. Một phần lớn nhờ đảng Dân Chủ đại thắng, chiếm được đa số tuyệt đối, kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Dù vậy, luật cải tổ y tế cũng vẫn chỉ được thông qua bằng một kẽ hở thủ tục phê duyệt luật của Thượng Viện. Ở đây, miả mai thay, có lẽ TT Obama phải cám ơn TT Bush. Nếu ông Bush không bị thiên hạ chán ghét quá thì chưa chắc đảng Dân Chủ đã chiếm được thế thượng phong quá mạnh như vậy, và TT Obama cũng sẽ chẳng cải tổ gì được hết.

Một phần thành công khác là nhờ công của bà Hillary Clinton đã quảng bá và vận động cho kế hoạch bảo hiểm y tế toàn dân trong suốt mùa tranh cử những năm 2007-08.

Bảo hiểm y tế toàn dân là ý kiến lớn của bà Hillary dù đã thất bại khi chồng bà còn là tổng thống, ngay từ đầu đã bị ứng viên Barack Obama mạnh mẽ chống đối. Khi đó, ứng viên Obama cho rằng quan điểm bảo hiểm y tế toàn dân của bà Hillary có vẻ quá cấp tiến cực đoan, nên ông chống rất mạnh, với suy nghĩ phải có hậu thuẫn của khối độc lập ôn hoà mới thắng được đối thủ Cộng Hòa. Sau khi đắc cử thì TT Obama chuyển hướng, chấp nhận hậu thuẫn và thực hiện ý kiến của bà Hillary. Đã có nhiều dư luận cho rằng việc chuyển hướng của TT Obama là cái giá ông thoả thuận sẽ trả, đổi lấy hậu thuẫn của TNS Ted Kennedy và của chính bà Hillary sau khi bà thua ông Obama. Những hậu thuẫn này đã giúp ông Obama thắng cử, rồi sau đó giúp cho khối Dân Chủ nhất trí thông qua cải tổ mặc dù bị cả khối Cộng Hòa nhất loạt chống đối.

Luật cải tổ y tế bắt đầu có hiệu lực ngay từ 2011, nhưng chỉ hiệu lực từng phần, đến cuối năm 2014 mới hiệu lực trọn vẹn. Mới nghe thì có vẻ thời gian hơi dài, nhưng thật ra lại là quá ngắn. Một trong những lý do cải tổ này bị chống đối mạnh là vì đã đi quá nhanh. Trong vòng vỏn vẹn bốn năm, nước Mỹ không thể nào có khả năng thu nhận thêm từ ba đến bốn chục triệu người vào hệ thống y tế hiện hữu. Tất nhiên sẽ đưa đến mất quân bình cung cầu, không đủ nhà thương, bác sĩ, y tá, thuốc men, gây tắc nghẽn cho các dịch vụ y tế, khiến thiên hạ sẽ có triển vọng chờ dài người mới được chữa trị, trong khi chi phí y tế cho tất cả mọi người và nhất là cho Nhà Nước sẽ tăng rất nhanh.

Bước qua năm 2013, hậu quả của cuộc cải tổ y tế này sẽ được thấy trước tiên qua việc tăng một số thuế.

Trước hết, những người có lợi tức trên 200.000 đô một người, hay trên 250.000 đô một cặp vợ chồng khai thuế chung, sẽ phải đóng thuế thêm 3,8% trên lợi nhuận đầu tư, và 0,9% thuế trên lợi tức thường, bắt đầu từ tháng Giêng năm tới để giúp tài trợ chi phí Medicare trong Obamacare. Những thuế này, may mắn thay, không đụng đến giới lợi tức thấp là đại đa số dân tỵ nạn chúng ta, mà chỉ đánh vào các đại gia có tiền đầu tư vào chứng khoán, cổ phiếu, hay nhà cửa, đất đai. Nhưng dễ gì mà họ chịu ngoan ngoãn đóng thêm thuế.

Theo The Drudge Report cho biết, công ty sở hữu báo Washington Post đã dự phóng trước số tiền cổ tức sẽ phân phát trong năm tới 2013 và đã phân phát cho các cổ đông của công ty ngay trước cuối năm nay 2012 thay vì phân phát cuối năm 2013 hay đầu năm 2014, để họ tránh được mức thuế cao hơn của năm tới. Washington Post là tờ báo phe ta, luôn hồ hởi hậu thuẫn TT Obama, chủ trương tăng thuế các đại gia và sỉ vả các đại gia chuyên trốn và lách thuế, đã là công ty có “óc sáng tạo” đầu tiên tìm ra cách lách thuế mới này. Một thái độ khó có thể giả dối hơn. Cũng là bằng chứng hiển nhiên nhất cho sự kiện tăng thuế “nhà giàu” là một chuyện, thu được hay không là chuyện khác. Cũng có nghiã là tăng thuế chưa chắc đã phải là giải pháp đúng cho thâm thủng ngân sách như TT Obama luôn khẳng định, mà mấu chốt vẫn là bớt chi tiêu.

Qua năm mới, một thứ thuế Obamacare mới với tác dụng gián tiếp nhưng đáng kể trên tất cả chúng ta là thuế đánh trên các máy móc, dụng cụ y khoa. Mức thuế này là 2,3% trên giá bán các dụng cụ, mà các chuyên gia cho là thực sự tương đương với mức 15% trên lời thuần (sau khi trừ chi phí). Hậu quả tất yếu là việc tăng giá cho tất cả các máy móc, dụng cụ này, từ nhà thương cho đến các phòng mạch, và người tiêu dùng tư nhân như những người xử dụng máy chỉnh nhịp tim hay máy đo tiểu đường, đo huyết áp, hay ngay cả xe lăn, gậy chống,... Các nhà thương và phòng mạch bác sĩ càng tối tân thì chi phí sẽ càng cao, và dĩ nhiên những chi phí đó sẽ được chuyển qua các hãng bảo hiểm, và từ đó qua bảo phí mà chúng ta phải đóng.

Thuế phụ thu này cũng sẽ ảnh hưởng tai hại trong việc nghiên cứu và sản xuất dụng cụ y khoa. Một công ty lớn trong ngành này, Cook Medical, đã cho biết sẽ phải hủy bỏ kế hoạch bành trướng cơ sở trong 5 năm tới. Điều hiển hiện là thuế mới này sẽ khiến cả chục ngàn người mất việc trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn lửng lơ ở mức 7%-8%. Theo ông Stephen Ubi, Chủ Tịch hiệp hội Advanced Medical Technology Association, có thể có tới 43.000 việc làm bị ảnh hưởng bất lợi từ thuế mới này.

Chính quyền Obama đã bác bỏ lập luận này, cho rằng với Obamacare, cả chục triệu người sẽ gia nhập vào khối bệnh nhân được bảo hiểm, do đó tăng nhu cầu chữa trị, và tăng số lượng dụng cụ y khoa cần thiết. Các công ty cuối cùng sẽ bán hàng nhiều hơn và lời nhiều hơn. Dĩ nhiên, các công ty trong ngành đã không đồng ý với quan điểm này.

Tin mới nhất cho biết hai thượng nghị sĩ Dân Chủ của Minnesota và North Carolina, là những người trước đây đã biểu quyết thông qua Obamacare, đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Obama hoãn áp dụng thuế này trong tình trạng kinh tế yếu kém hiện nay.

Lập luận của TT Obama cho rằng cải tổ y tế của ông sẽ cắt giảm chi phí y tế chỉ là huyền thoại, và chúng ta sẽ thấy sự thật rất mau chóng. Chi phí y tế của Mỹ, cao nhất thế giới hiện nay, sẽ lại càng leo lên cao hơn nữa. Chưa chi thì công ty bảo hiểm sức khỏe Blue Shield tại Cali đã chính thức xin phép tăng bảo phí từ 12% đến 20% rồi. Công ty này có tính vô vị lợi (non-profit), không tăng bảo phí để kiếm thêm lời mà chỉ để đủ tiền chi phí mà họ ước tính sẽ tăng mạnh vì Obamacare.

Luật Obamacare cũng bắt buộc các công ty với 50 nhân viên trở lên phải mua bảo hiểm y tế cho tất cả nhân viên, nếu không sẽ bị phạt 2.000 đô cho mỗi nhân viên không có bảo hiểm. Gọi là tiền phạt, nhưng Tối Cao Pháp Viện đã gọi đó là thuế.

Chuỗi nhà hàng ăn Applebee dự đoán công ty này sẽ phải lựa chọn giữa chi ra thêm khoảng một triệu đô để mua bảo hiểm cho nhân viên, hay là đóng tiền phạt ước tính khoảng trên 600.000 đô. Trong cả hai trường hợp, công ty đều sẽ lỗ nặng, có thể phải đi đến phá sản. Applebee cũng như hàng loạt các chuỗi nhà hàng thực phẩm ăn nhanh (fast foods) như McDonald, Burger King,  Papa Johns, … đều là những chuỗi nhà hàng gồm hàng ngàn tiệm hoạt động biệt lập theo từng nhóm sở hữu. Chẳng hạn một nhà đầu tư có thể mở năm ba tiệm McDonald, mỗi tiệm có một chục nhân viên, tổng cộng lên đến hơn 50 nhân viên dễ dàng.

Những công ty này có vài cách giải quyết khó khăn do Obamacare gây ra:

- Sa thải bớt nhân viên, xuống dưới mức 50, những người may mắn còn việc làm sẽ phải làm mệt nghỉ để bù đắp công việc của những người đã bị sa thải;

- Thay đổi quy chế nhân viên. Một là các nhân viên toàn thời sẽ bị xuống cấp, chỉ cho làm bán thời (dưới 30 giờ một tuần), hai là họ sẽ bị chuyển qua làm nhân viên theo hợp đồng (contract labor). Trong cả hai trường hợp, các nhân công này sẽ mất rất nhiều quyền lợi như mất thâm niên, không được nghỉ hè có lương, nghỉ đau ốm không còn được ăn lương, công ty sẽ không đóng một nửa thuế hưu trí (payroll tax) nữa, mà các nhân công sẽ phải đóng trọn vẹn cỡ 12% lương thay vì chỉ đóng một nửa, 6%. Quan trọng hơn cả, họ sẽ không được lãnh bảo hiểm y tế tập thể của công ty nữa, mà sẽ phải lo đi mua bảo hiểm cho chính mình và gia đình với bảo phí dĩ nhiên là cao hơn.

- Tăng giá trong thực đơn, là điều mà chuỗi nhà hàng Dennys đã làm. Không một chủ công ty nào lại dại dột giữ nguyên giá sản phẩm của họ để chịu lỗ cho mình.

Sau khi các tiệm ăn Red Lobster và Olive Garden thuộc chuỗi nhà hàng Darden Restaurant, ra quyết định mới đây thay đổi cơ chế cho phần lớn nhân viên, một số lớn là da đen và da nâu, từ toàn thời qua bán thời, một vài tiếng nói đã nổi lên chỉ trích mấy nhà hàng này là ... kỳ thị da màu, muốn trả thù nhân viên da màu sau khi TT Obama tái đắc cử. Những người nêu vấn đề kỳ thị để đả kích quên mất hay không biết một chuyện, tổng giám đốc của hai nhà hàng này là người ... da đen.

Ngoài các nhà hàng ra, cũng còn có cả trăm ngàn công ty trung thương có trên 50 nhân viên, cũng rơi vào tình trạng như các chuỗi nhà hàng trên.

Obamacare sẽ giúp trên dưới ba chục triệu người tham gia vào khối người có bảo hiểm y tế hay được trợ cấp y tế. Chính quyền Obama ước tính một số lớn những người này sẽ thuộc nhóm lợi tức thấp, và sẽ được hưởng trợ cấp Medicaid (hay MediCal ở Cali) dành cho người nghèo. TĐ Romney trong mùa tranh cử vừa qua đã tố giác TT Obama sẽ cắt hơn 700 tỷ từ quỹ Medicare cho người cao niên, để chuyển qua tài trợ Medicaid. TT Obama đã bác bỏ tố giác này và khẳng định cắt giảm Medicare chỉ là cắt giảm tiền hoàn trả nhà thương và bác sĩ để tiết kiệm quỹ Medicare chứ không phải để chuyển qua Medicaid.

Sự thật như thế nào, cho đến nay chưa ai biết rõ vì luật Obamacare chưa được áp dụng. Nhưng nếu những tố giác của TĐ Romney đúng sự thật –và rất nhiều chuyên gia nghiên cứu Obamacare đồng ý với cái nhìn này- thì những người cao niên sẽ bị ảnh hưởng bất lợi lớn từ Obamacare.

Thuần túy trên phương diện lý luận, cắt giảm tiền bồi hoàn cho các nhà thương và bác sĩ dĩ nhiên giảm thu nhập của họ, và đương nhiên là họ sẽ phải làm gì đó để vớt vát lại. Họ có thể tăng giá dịch vụ, hay cắt giảm số bệnh nhân có Medicare của họ. Trong cả hai trường hợp, người chịu thiệt thòi là những người cao niên, chứ không ai khác.

Những người lợi tức thấp cũng chưa chắc sẽ được lợi lộc gì nhiều qua việc tăng quỹ Medicaid. Trước hết, với cả chục triệu người gia nhập vào Medicaid, con số hơn 700 tỷ “tiết kiệm” được từ Medicare sẽ khó có thể đủ được. Trợ cấp Medicaid có nhiều triển vọng sẽ bị cắt giảm.

Medicaid cũng là chương trình trợ cấp bồi hoàn tương đối ít cho các bác sĩ, do đó, nhiều bác sĩ hiện nay không nhận bệnh nhân qua chương trình này, đặc biệt là các bác sĩ chuyên ngành. Bây giờ, với cả chục triệu người nữa tham gia vào Medicaid, chương trình này có nhiều triển vọng gặp tắc nghẽn trầm trọng: quá nhiều bệnh nhân so với quá ít bác sĩ. Có nghiã là sẽ khó xin hẹn bác sĩ hơn, và thời gian chờ đợi trong phòng mạch cũng như chờ đợi đi mổ chẳng hạn, sẽ tăng mạnh.

Rất nhiều dân lợi tức thấp sẽ là nạn nhân của Obamacare mà họ tưởng là sẽ rất có lợi cho họ.

Thăm dò dư luận cho thấy một số lớn dân Mỹ gốc Á, trong đó có cộng đồng tỵ nạn Việt, ủng hộ Obamacare khá mạnh, trong khi ít người hiểu rõ hậu quả thực tế của Obamacare đối với tình trạng cá nhân họ. Mà phần lớn ủng hộ chỉ vì luật đó không cho phép các hãng bảo hiểm từ chối nhận những người đã bị bệnh từ trước. Đây là điều khoản được sự ủng hộ mạnh nhất của tất cả mọi người, cấp tiến hay bảo thủ, giàu hay nghèo.

Nếu TT Obama ra luật cải tổ y tế chỉ có điều khoản này không thôi, thì luật sẽ ít tốn kém hơn nhiều, không cần tới hơn 10.000 trang luật lệ (tính cho đến nay, khi chi tiết luật vẫn chưa được viết xong bởi cả ngàn luật sư và chuyên gia), cả rừng thủ tục, hàng ngàn công chức, tăng thuế hàng loạt, và Obamacare sẽ được ủng hộ mạnh hơn nhiều. (16-12-12)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com.

Không có nhận xét nào: