Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

“Sang năm tới Hoàng Sa”


Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Mỗi ngày, mình vào trang web Ba Sàm một lần. Mỗi lần mình ở lại đó từ 30 đến 45 phút – khoảng thời gian chỉ đủ để lướt qua các sự kiện mà nhóm thực hiện trang web này lựa chọn – giới thiệu. Cũng vì vậy, gần như chẳng bao giờ mình xem bình luận của độc giả. Hôm qua, trò chuyện với một người bạn, kể như vậy, nghe xong, bạn bảo mình sai. Bạn bảo: Bình luận của độc giả là một phần giá trị của Ba Sàm, không thể không đọc. Bận bịu cỡ nào cũng ráng mà đọc, ở đó thế nào cũng có vài ý kiến đáng ngẫm.
Hôm nay, mình thử đọc bình luận của những người đọc Ba Sàm và có ngay một chuyện để nghĩ…

1.
Đa số độc giả tham gia đóng góp ý kiến cho các sự kiện được nhóm thực hiện Ba Sàm lựa chọn – giới thiệu, thường dùng nickname thay tên thật.
Vì là nickname nên nó “thiên hình, vạn trạng”. Trong số này có một bác, không rõ nam – nữ, già – trẻ, chọn nickname là “F 361”.
Bác “F 361” đóng góp ý kiến cho nhiều sự kiện và điểm đặc biệt, khiến mình chú ý tới bác là: Lúc nào, bên dưới các ý kiến mà bác đóng góp cũng có dòng “Sang năm tới Hoàng Sa”. Dòng chữ đó khiến mình gai người!
Ngoài chuyện gai người, trong đầu mình nảy ra một thắc mắc khác: “Sang năm tới Hoàng Sa” là ý tưởng của riêng bác “F 361” hay là của một nhóm người (?). Mình mượn google, lấy “Sang năm tới Hoàng Sa” làm từ khóa để kiểm tra thì phát giác thêm một chuyện thú vị khác: Hóa ra bác “F 361” còn là độc giả, tham gia đóng góp ý kiến trên nhiều trang web và diễn đàn khác. Độc đáo là chỗ nào, góp xong, bác cũng viết thêm dòng “Sang năm tới Hoàng Sa”…
Bây giờ thì mình giải thích vì sao “Sang năm tới Hoàng Sa” làm mình gai người…
2.
Cách nay đâu chừng ba mươi năm – lúc hàng triệu người Việt “ngậm đắng, nuốt cay”, tìm đủ mọi cách để trốn khỏi nơi “chôn nhau cắt rốn” của họ, một người bạn vong niên đưa cho mình hai cuốn sách và bảo: Mày nên đọc cả hai. Đọc thật kỹ!
Cả hai: “Exodus” – tiểu thuyết lịch sử của Leon Uris và “Bài học Israel” của cụ Nguyễn Hiến Lê, cùng viết về người Do Thái và chuyện tái lập quốc gia Israel của họ.
Với mình, “Exodus” của Leon Uris và “Bài học Israel” của cụ Nguyễn Hiến Lê đều là những cuốn sách đáng đọc. Nhờ chúng mà mình có thêm kiến thức về lịch sử dân tộc Do Thái, xứ Israel, hiểu hơn nguồn gốc, đặc điểm của cuộc xung đột Israel – Palestine nói riêng, mâu thuẫn giữa Israel với các quốc gia ở khu vực Trung Đông nói chung,… Mình tin ít ai đọc xong “Exodus” và “Bài học Israel” mà không cảm thấy thán phục tinh thần dân tộc của người Do Thái.
Người Do Thái có tôn giáo riêng, được gọi là Do Thái giáo, vẫn được xem là gốc của một số tôn giáo, trong đó có cả Thiên Chúa giáo lẫn Hồi giáo sau này. Do Thái giáo tạo nơi người Do Thái niềm tin, rằng họ là dân tộc được Thượng đế chọn làm dân riêng của Ngài và xứ sở của họ là nơi mà Thượng đế ban cho riêng họ. Khoảng năm 60 trước Công nguyên, Do Thái bị đế quốc La Mã xâm chiếm. Dân Do Thái nổi dậy chống lại vài lần nhưng không thành công. Đó cũng là lý do để năm 70, đế quốc La Mã xóa tên Israel trên bản đồ thế giới. Jerusalem – thủ đô của người Do Thái bị san thành bình địa. Người Do Thái lưu lạc khắp nơi và trở thành một dân tộc không có tổ quốc.
Trong gần 2000 năm (từ năm 70 đến năm 1948), người Do Thái bị khinh miệt, ngược đãi không sao kể xiết. Họ bị xem là một loại động vật hạ đẳng, bị hắt hủi, săn đuổi. Thảm sát là một thảm kịch mà người Do Thái liên tục phải gánh chịu từ thế kỷ này, sang thế kỷ khác, ở khắp mọi nơi trên thế giới, bất kể Á hay Âu. Sáu triệu người Do Thái bị gom lại, rồi bị giết trong các trại tập trung của Đức Quốc xã hồi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai chỉ là một phần trong chuỗi thảm kịch kéo dài khoảng 20 thế kỷ của dân tộc này.
Đáng nể là tuy không còn quê hương, không rõ ngày về nhưng từ đời ông, đến đời cha, qua đời con, sang đời cháu, chắt, chút, chit,.. cho dù lưu lạc ở đâu và bất kể trong hoàn cảnh nào, trước mỗi bữa ăn, người Do Thái đều cầu xin Thượng đế dẫn họ về đất hứa, trước khi từ biệt nhau, họ luôn luôn chào nhau: “Sang năm về Jerusalem”!
Mình không biết Do Thái có đúng là dân tộc được Thượng đế chọn và lãnh thổ của Israel có phải là xử sở mà Thượng đế ban cho riêng họ hay không nhưng minh tin chắc, niềm tin, sự tự hào về việc được Thượng đế chọn, trong mỗi người Do Thái đã nâng đỡ họ vượt qua đủ thứ khó khăn, nghịch cảnh và vươn tới thành công. Lịch sử nhân loại ghi nhận nhiều thiên tài và thời nào, lĩnh vực nào cũng có những thiên tài gốc Do Thái góp mặt. Theo thống kê, khoảng ¼ số nhà khoa học được trao tặng giải Nobel có gốc Do Thái! Do Thái cũng là dân tộc có rất nhiều tỷ phú mang đủ thứ quốc tịch khác nhau. Nói cách khác, dân tộc này nổi tiếng cả vì sự thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, tài chánh.
Trong “Bài học Israel”, cụ Nguyễn Hiến Lê đã tập hợp, trưng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy, thời nào, người Do Thái cũng tìm cách để tái lập quốc gia Israel nhưng không thành công. Luôn luôn thất bại nhưng họ không nản. Từ đời ông, đến đời cha, qua đời con, sang đời cháu, chắt, chút, chit,.. trước mỗi bữa ăn, người Do Thái vẫn tiếp tục xin Thượng đế giúp họ trở về quê hương. Trước khi từ biệt nhau, vẫn chào: “Sang năm về Jerusalem”!..
Mãi tới khoảng cuối thế kỷ 19, những nỗ lực vận động tái lập Israel của người Do Thái mới bắt đầu đạt được vài kết quả.
Lịch sử ghi nhận đó là công lao của Theodore Herzl – một nhà báo gốc Do Thái, sinh ra ở Hungary, lớn lên và sống ở Áo. Herzl – vốn xuất thân từ trường Luật – viết, cho xuất bản cuốn “Quốc gia Do Thái”, khẳng định với đồng bào của ông rằng, nếu họ muốn có một quốc gia thì họ sẽ có, vì họ xứng đáng với điều đó. Rồi Herzl vẽ cờ, thiết kế quốc huy, phác thảo kế hoạch thành lập “Quốc gia Do Thái”.
Ý tưởng, kế hoạch của Herzl được người Do Thái ở khắp nơi ủng hộ. Họ góp tiền, mua lại đất đai ở Palestine – nơi vốn là lãnh thổ của Israel từ 2000 năm trước. Có những người bỏ hết mọi thứ mà họ đang có, tình nguyện trở về Palestine, gầy dựng các trang trại để những người Do Thái khác quay về cố quốc sinh sống…
Số phận, khát vọng, nỗ lực của người Do Thái khiến nhiều người khác cảm động, muốn giúp đỡ. Chính quyền Anh ngỏ ý tặng vài chỗ ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á – lúc đó đang là thuộc địa của Anh – để người Do Thái có chỗ thành lập “Quốc gia Do Thái” nhưng người Do Thái từ chối vì đó không phải là đất tổ – dẫu cho đất tổ chỉ toàn… đá và cát.
Cuộc vận động ấy diễn ra khoảng chừng mười năm thì Herzl chết do kiệt sức, song kế hoạch thành lập “Quốc gia Do Thái” vẫn được thực thi, tuần tự từng bước theo đúng tiến trình mà Herzl đề nghị.
Nỗ lực thành lập “Quốc gia Do Thái” tiến thêm một bước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Ông Chaim Weizmann – một nhà khoa học kế nhiệm Herzl, kêu gọi người Do Thái tham chiến, hỗ trợ Anh và đồng minh. Ông Weizmann còn đem phát minh chế tạo acetone (một loại dung môi quan trọng trong công nghiệp, bao gồm công nghiệp quốc phòng) tặng người Anh. Cảm kích trước sự giúp đỡ này, chính phủ Anh tặng Weizmann một tấm séc, bỏ trống chỗ ghi giá trị khoản tiền được tặng, họ muốn chính Weizmann tự quyết định giá trị tấm séc nhưng ông ta từ chối. Weizmann chỉ xin “một điều gì đó có lợi cho dân tộc của tôi”.
Được sự ủy nhiệm của chính quyền Anh, Ngoại trưởng Anh thời đó, gửi cho Weizmann một lá thư, chính thức xác nhận: Anh ủng hộ người Do Thái thành lập một quốc gia ở Palestine. Các đồng minh của Anh tất nhiên là tán thành. Vậy là nỗ lực tái lập “Quốc gia Do Thái” của người Do Thái tìm được sự ủng hộ có giá trị pháp lý trên bình diện quốc tế. Họ tiếp tục hồi hương, tiếp tục bỏ tiền mua lại đất đai trên lãnh thổ cũ của cha ông họ, tiếp tục đổ tiền, đổ mồ hôi để biến hoang mạc thành đất hứa.
Thế rồi sự thành công của người Do Thái ở Palestine khiến các sắc dân khác sống quanh họ lo âu và ganh tị. Để xoa dịu sự bất bình của người Ả Rập, giữ sự chi phối các giếng dầu tại Trung Đông, người Anh thay đổi chính sách đối với người Do Thái tại Palestine: Cấm nhập cư vào Palestine, chỉ cho người Do Thái mua đất ở một số khu vực đã xác định và không cho phép sở hữu quá 5% diện tích tại những khu vực đó.
Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ, bị Đức Quốc xã săn lùng – giết hại khắp châu Âu, người Do Thái tiếp tục đổ về Palestine nhưng vì chính sách của Anh, những con tàu chở họ bị chặn lại khi đã tới sát đất hứa. Tàu cũ, neo đậu, loanh quanh vài ngày trên biển thì chìm, hàng ngàn, hang ngàn người Do Thái chết đuối.
Bất kể sự tráo trở của Anh, người Do Thái vẫn tình nguyện gia nhập quân đội Anh và quân đội đồng minh, vừa để chống Đức Quốc xã, trả thù cho những đồng bào bị Đức Quốc xã sát hại, vừa để học kinh nghiệm tổ chức quân đợi, kỹ năng chiến đấu – thứ mà “Quốc gia Do Thái” sẽ rất cần trong tương lai. Cũng vì vậy, trong quân đội đồng minh, có cả nữ quân nhân gốc Do Thái. Đánh đấm không thua gì nam giới.
Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, thảm kịch của người Do Thái, kể cả sự hy sinh, đóng góp của họ cho chiến thắng chung, không làm chính phủ Anh thay đổi thái độ, chính sách của họ đối với người Do Thái ở Palestine. Vì người Anh cần sự “ổn định chính trị” ở bán đảo Ả Rập để giữ… các giếng dầu nên người Do Thái vẫn bị cấm nhập cư, bị bắt, giam trong nhiều trại giam khác nhau, khi họ tìm cách trở về Palestine. Vậy mà họ không nản.
Năm 1946, người Do Thái qua mặt lính Anh, đưa khoảng 300 đứa trẻ đang bị giam trong một trại giam những người Do Thái muốn vượt biên vào Palestine, đặt ở đảo Chypre, lên một con tàu mang tên Exodus để tiếp tục trốn về Palestine. Vụ việc vỡ lỡ, lính Anh không dám lên tàu, xua trẻ con xuống, vì tàu vừa chất đầy thuốc nổ, vừa có 300 đứa trẻ. Ho vây con tàu, không cho nó nhổ neo. Hăm dọa chán, chính quyền Anh chuyển qua thương lượng nhưng Ben Cananan – người chỉ huy con tàu trả lời thẳng tuột, đại ý: Hãy để chúng tôi đi. Hoặc là những đứa trẻ sẽ được sống trên đất hứa, hoặc là chúng sẽ chết như cha ông chúng từng chết khắp nơi vì bị ngược đãi!
Vụ cầm giữ tàu Exodus kéo dài khoảng nửa tháng thì 300 đứa trẻ bắt đầu tuyệt thực. Vụ tuyệt thực kéo dài đến ngày thứ tư, khi những đứa trẻ sắp sửa chết vì đói và khát thì chính phủ Anh tuyên bố nhượng bộ. Họ chịu không nổi sự phẫn nộ của dân chúng Anh và dân chúng – chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả những người lính Anh được giao nhiệm vụ vây, giữ tàu Exodus cũng vứt súng, xin ra Tòa án Quân sự, thà bất tuân thượng lệnh chứ không thể nhìn cảnh hàng trăm đứa trẻ thà chết chứ không lên bờ, trở lại với cuộc sống không có tổ quốc như ông cha chúng.
Viết tới đây, mình nhớ tới phim “Exodus” mà mình cũng đã từng được xem. Phim được dựng từ tiểu thuyết cùng tên của Leon Uris. Mình tin không ai có thể quên được cảnh những bà mẹ trên tàu “Exodus”, xin Ben Cananan cho con họ – những đứa trẻ đang ẵm ngửa – cùng được tuyệt thực với những đứa lớn hơn vì… chúng cũng là người Do Thái. Vì họ không muốn con họ khi lớn lên phải chào người khác bằng câu: “Sang năm về Jerusalem” nữa! Cũng phải nói thêm là sở dĩ Leon Uris – một nhà báo Mỹ – quyết định viết “Exodus” là vì ông ta từng có mặt ở đảo Chypre để tường thuật sự kiện tàu “Exodus”. Chính sự kiện tàu “Exodus” thúc đẩy ông ta tìm hiểu lịch sử Do Thái, cũng như số phận, tinh thần của dân tộc này.
Trở lại với vụ tái lập “Quốc gia Do Thái”, sau sự kiện tàu Exodus, chính sách của Anh đối với người Do Thái càng lúc càng khắc nghiệt hơn. Để tồn tại, người Do Thái ở Palestin vừa chống quân Anh, vừa dựa trên sự thừa nhận trước đó của Anh và đồng minh để khiếu nại. Khoảng giữa năm 1947, Liên Hiệp Quốc nhóm họp, xem xét và quyết định chia đôi Palestine, một phần Palestine thuộc về dân Do Thái. Tới lúc này, ngoài quân Anh, khối Ả Rập, bao gồm bảy quốc gia (Ai Cập, Syria, Liban, Iraq, Jordan, Saudi Arabia, Palestine), cũng bắt đầu liên kết để đuổi người Do Thái ra khỏi Palestin. Ai cũng nghĩ bốn, năm chục triệu người sẽ nuốt chửng khoảng năm, sáu trăm ngàn người. Vậy mà khối Ả Rập nuốt không nổi. Để tránh bị phê phán việc để người của khối Ả Rập tàn sát người Do Thái, Anh tuyên bố rút khỏi Palestine. Hôm 14 tháng 5 năm 1948, ngay vào thời điểm tuyên bố rút khỏi Palestine của Anh có hiệu lực, ông Ben Gurion – thay mặt những người Do Thái ở Palestine, tuyên bố thành lập “Quốc gia Do Thái”. Ông bảo: Kể từ hôm nay “Quốc gia Do Thái” ở Palestine sẽ lấy tên là Israel! Diễn văn lập quốc rất ngắn, chỉ có vài dòng. Chủ yếu thông báo với người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới rằng, họ đã có quốc gia, đã có nơi gọi là quê hương, hãy ráng hết sức để ước mơ hàng ngàn năm của họ – tái lập Israel – không bị xóa thêm lần nữa.
Tuy ngay sau đó, Mỹ, Liên Xô và nhiều quốc gia khác cùng lên tiếng công nhận Israel là một quốc gia nhưng ít ai tin Israel sẽ tồn tại. Khối Ả Rập dồn sức đánh Israel từ ba phía, dự định dồn người Do Thái xuống biển (phía còn lại) nhưng không nuốt nổi Israel. Từ đó đến nay, Israel bị “đánh hội đồng” thêm vài lần nữa nhưng nó vẫn trơ ra như thế giữa khối Ả Rập…
3.
Mình tin bác “F 361” cũng đã đọc hoặc “Exodus” của Leon Uris, hoặc “Bài học Israel” của cụ Nguyễn Hiến Lê, hoặc đã đọc cả hai cuốn sách ấy như mình. Tuy nhiên bác “F 361” hơn hẳn mình ở chỗ, nhìn ra giá trị của: “Sang năm về Jerusalem”, rồi ứng dụng vào hiện tình Việt Nam, biến nó thành: “Sang năm tới Hoàng Sa”.
Trong “Bài học Israel”, cụ Nguyễn Hiến Lê có viết, đại ý, theo cụ, thanh niên, trí thức Việt Nam nên học người Do Thái. Lúc đọc “Bài học Israel” mình còn rất trẻ, chỉ nhớ thế thôi chứ chẳng thấm được bao nhiêu. Bây giờ, ý tưởng “Sang năm tới Hoàng Sa” của bác “F 361” làm mình tỉnh ngộ.
Có thể ý tưởng “Sang năm tới Hoàng Sa” của bác “F 361” làm nhiều người mắc cười, giống như thiên hạ đã từng cười người Do Thái khi nghe họ hẹn nhau: “Sang năm về Jerusalem”, lúc Jerusalem thuộc về kẻ khác. Cũng có thể đây chính là lý do khiến cụ Nguyễn Hiến Lê – một học giả đáng kính – bỏ thời gian nghiên cứu lịch sử dân Do Thái và chuyện tái lập quốc gia Israel của họ, rồi lấy “Bài học Israel” làm tên cho công trình biên khảo của cụ.
Cám ơn bác “F 361”.
“Sang năm tới Hoàng Sa”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét