Để trở thành “cường quốc đại dương” trước tiên Trung Quốc phải trở thành bá chủ Biển Đông.
Muốn bá chủ Biển Đông, phải nhổ cái gai Việt Nam.
Đánh Việt Nam để độc chiếm Biển Đông có lẽ không còn là chuyện phải bàn cãi nhiều nữa đối với các nhà lãnh đạo Trung Cộng.
Vấn đề là đánh thế nào?
Đánh bằng sức mạnh quân sự không khó, song sẽ gây ra những hậu quả khó lường có nguy cơ cực xấu tới sự ổn định của Trung Quốc.
Đánh Việt Nam bằng sức mạnh quân sự là hạ sách.
“Bất chiến tự nhiên thành” mới là thượng sách.
Vừa được tiếng là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng thế giới, yêu chuộng và gìn giữ hòa bình.
Vừa vô hiệu hóa được cái gai Việt Nam, nuốt trọn Biển Đông mà không cần tới sức mạnh quân sự.
“Sâu” chiếm vai trò quan trọng, cực kỳ quan trọng trong sách lược này.
Nuôi “Sâu”, vỗ béo “Sâu” rồi hà hơi tiếp sức cho “Sâu” leo cao, luồn sâu mới là thượng sách!
*
* *
Mục tiêu của các nhà lãnh đạo Trung Cộng ngày nay về tranh chấp trên Biển Đông đã quá rõ và càng được khẳng định mạnh mẽ ngay trước, trong và sau Đại hội Đảng CS Trung Quốc lần thứ 18.
Tân Tổng bí thư Tập Cận Bình, đã chọn cho mình những lời phát biểu đầy ẩn ý ngay sau khi nắm giữ quyền lực tối cao khi ông đến tham dự một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc có chủ đề “Con đường của sự phục hưng”. Ông Tập nói: “Ai cũng nói về giấc mơ Trung Hoa. Tôi tin rằng sự phục hưng của tinh thần dân tộc Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của đất nước trong thời buổi hiện tại”.
Cơ sở hình thành nên “Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình” thật ra cũng chẳng có gì khó hiểu. Chính Đảng Cộng sản đã tái sinh ra một Trung Quốc sau hàng loạt sự kiện “nhục nhã” đối với đất nước này trong thế kỷ XIX. Nhưng những sự trượt đà bi thảm trong lịch sử của chế độ như chủ trương Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, hay vụ thảm sát Thiên An Môn lại bị che dấu. Trung Quốc ngày nay, sau nhiều thập kỷ phát triển kinh tế một cách “thần kỳ” đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nội tại nghiêm trọng. Tinh thần dân tộc được các nhà lãnh đạo Trung Cộng xem như là liều “doping” tốt nhất cho chế độ để giữ vững sự tộc tôn chính trị và lợi ích của giới lãnh đạo. Mặc cho nhân dân tiếp tục bị che dấu và bị lừa dối bởi những thành quả kinh tế cũng như kỳ vọng về sự thỏa mãn lòng tự ái, tự tôn dân tộc một cách quá đáng.
Sự tôn vinh tinh thần dân tộc do đó được nâng lên đến mức tối đa. Tư tưởng này được biểu hiện qua việc sao chụp lại một tấm hình lớn mô tả quang cảnh vào thời xa xưa, sứ thần từ các nước lân cận đến dâng cống nạp lên hoàng đế Trung Hoa được trưng bày tại triển lãm. Bà Valérie Niquet, chuyên gia về địa chính trị – sau khi đi xem triễn lãm đã đưa ra nhận xét: “Khái niệm phục hưng tinh thần dân tộc Trung Hoa phải được hiểu qua ý tưởng là Trung Quốc phải lấy lại vị thế mà họ đáng được có tại châu Á, rằng Trung Quốc là một cường quốc rộng lượng, sẽ dang tay bảo vệ các quốc gia còn lại trong châu Á và rằng thế giới, nhất là Hoa Kỳ phải chấp nhận ý tưởng này”.
Quá trình chuyển giao quyền lực tối cao tại Trung Quốc đã được diễn ra liên tục và mang tính kế thừa sâu đậm. Báo cáo chính trị do Tổng bí thư mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đọc tại Đại hội 18 tiếp tục khẳng định tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp khi nói: “Chúng ta nên tăng cường khả năng khai thác các nguồn tài nguyên biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, đồng thời xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”.
Việc Trung Quốc khẳng định phấn đấu trở thành “cường quốc biển” đã được nói nhiều từ cuối những năm 1980, nay đã thành quốc sách hàng đầu của Trung Quốc, được xem như là “lợi ích cốt lõi” của quốc gia. Báo cáo chính trị Đại hội 18 do ông Hồ Cẩm Đào trình bày còn nhấn mạnh Trung Quốc cần xây dựng “một lực lượng quốc phòng mạnh mẽ và các lực lượng vũ trang hùng mạnh. Điều đó phù hợp với vị thế quốc tế của Trung Quốc”. Ông Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi Trung Quốc đặc biệt tăng cường các khả năng kỹ thuật công nghệ quân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc là đủ khả năng “chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ trong thời đại thông tin”. Điều này cho thấy, chủ trương “ngoại giao xung quanh” chỉ được nêu ở một vị trí thấp. Thông điệp về đối thoại hợp tác và đàm phán hoà bình tỏ ra bị mờ nhạt bởi bức thông điệp nói về sức mạnh.
Cần biết là kể từ năm 2011, khi còn là Phó chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình được giao chuyên trách cơ quan phối hợp chính sách về các vấn đề có liên quan đến Biển Đông. Và đường lối cứng rắn này chắc chắn sẽ không được từ bỏ khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng. Bằng chứng là vào cuối tháng 11 vừa qua, chính quyền đảo Hải Nam ban hành các quy định cho phép lực lượng tuần duyên của họ được quyền khám xét và trục xuất các tàu thuyền qua lại trong vùng Biển Đông rộng lớn mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền phi lý. Đầu tháng 12 này, cãi vã lại nổ ra giữa Bắc Kinh và Hà Nội, sau vụ việc các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc thêm một lần nữa cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Truyền thông Trung Quốc suốt mấy tháng qua cũng dồn dập đưa tin và hình ảnh về việc quân đội nước này tập trận bắn đạn thật dưới nhiều kịch bản giả định khác nhau: hải chiến, tấn công đổ bộ chiếm đảo… Mới đây (5-12-2012), quân đội Trung Quốc ngang nhiên tổ chức cuộc thi đấu bắn súng tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Minh họa cho cuộc thi này, tờ Hoàn Cầu Thời báo đăng tải một số mô tả như: binh sĩ ngắm bắn, trườn qua lưới thép gai, vượt qua các hàng rào thép gai đang bốc cháy…
Ngoài ra, Tân Hoa xã cũng đồng thời đưa tin 4 chiến hạm Trung Quốc diễn tập hỗ trợ ứng cứu tàu công vụ “dân sự” đang đối đầu với tàu chiến nước ngoài trên Biển Đông. Động thái trên diễn ra chẳng bao lâu sau khi chính quyền tỉnh Hải Nam đề xuất cho phép cảnh sát biển kiểm tra, bắt giữ, phá hủy tài sản nước ngoài ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao chiếm 80% Biển Đông bởi “đường lưỡi bò” phi lý. Đề xuất này được xem như mở rộng vùng tuần tra ra gần khắp Biển Đông một cách phi pháp, vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Vì thế, việc diễn tập của 4 chiến hạm trên cho thấy hải quân Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các tàu công vụ “dân sự”, bao gồm cả tàu cảnh sát biển. Đây là một động thái rất đáng quan ngại và nguy hiểm của Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Tuy nhiên, đôi khi sự hung hăng bộc lộ ra bên ngoài lại chỉ để che dấu những mưu đồ thâm độc và nguy hiểm hơn đang được âm thầm triển khai dưới bóng tối của những bức màn che kín hay sặc sở sắc màu cố tình làm lạc hướng dư luận.
Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm của lịch sử Việt Nam, kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ các nhà lãnh đạo Việt Nam trong mọi thời kỳ hầu như chưa bao giờ mơ hồ về hiểm họa xâm lăng đến từ phương Bắc. Tùy hoàn cảnh, thời điểm, tương quan lực lượng cũng như thái độ của đối phương mà các nhà nước Việt Nam trong lịch sử đều có sự chuẩn bị tương ứng để đối phó với hiểm họa này. Cũng tùy vào các vấn đề nội bộ của quốc gia dân tộc mà người Việt Nam khi thì đối phó hữu hiệu, lúc thì thất bại tạm thời trước hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc. Song tinh thần cảnh giác và quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và tự chủ là không bao giờ thay đổi. Tất nhiên trong nồi canh đôi khi cũng có những con sâu. Đó là những kẻ bán nước cầu vinh cam tâm làm tay sai, khiếp sợ và đầu hàng giặc từ trong tư tưởng. Thời nào cũng có những loại sâu này. Tuy nhiên cũng tùy thời mà loại sâu này có nhiều hay ít, chiếm thế thượng phong hay chỉ là một phần cặn bã, không gây hại được gì cho vận mệnh của quốc gia dân tộc.
Ngay từ những ngày xa xưa trong lịch sử, kẻ xâm lược cũng đã nhìn thấy điều này và đã ra sức lợi dụng, sử dụng những con sâu loại này để nhanh chóng thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta một cách nhẹ nhàng, ít hao tổn nhất. Ngày nay, những bậc hậu sinh của kẻ xâm lược cũng mưu mô không kém và chắc rằng cũng không quên thủ đoạn lợi dụng bầy sâu nước Nam để thôn tính nước Nam như tổ tiên họ từng làm.
Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gay gắt và ý đồ thôn tính Biển Đông, vươn ra trờ thành “cường quốc đại dương” của Trung Quốc được giới lãnh đạo chóp bu của nước này thừa nhận công khai câu hỏi mà rất nhiều người đang đặt ra là “liệu có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông hay không?”.
Tất nhiên, khả năng để xảy ra một cuộc chiến giữa hai quốc gia “láng giềng tốt, đồng chí tốt”… chỉ bùng nổ khi Trung Quốc tấn công và Việt Nam buộc phải tự vệ. Về mặt lý thuyết và trên phương diện chính trị – ngoại giao hiện nay lãnh đạo của cả hai nước đều đang cố gắng tránh các cuộc xung đột có khả năng dẫn tới chiến tranh và luôn đề cao nguyên tắc đàm phán, thương lượng hòa bình các vấn đề tranh chấp.
Tuy nhiên, điểm khác nhau của các bên trong trò chơi đàm phán hòa bình này là một bên cố tình áp đặt luật chơi theo kiểu có lợi cho mình mà không tính tới thiệt hại cho đối tác. Đồng thời với việc kẻ mạnh luôn phô trương việc tăng cường sức mạnh quân sự ngày càng vượt trội và sẵn sàng chiến đấu. Đó là điểm khác biệt cốt lõi tất yếu sẽ dẫn tới bế tắc và xung đột trước hết trên bàn đàm phán. Không thể có sự đàm phán và thương lượng hòa bình khi một bên cứ lấn lượt, đòi hỏi hầu hết lợi ích cho mình còn bên kia thì liên tục nhẫn nhịn, chấp nhận lùi dần hết bước này tới bước khác cho tới khi có nguy cơ mất trắng.
Nếu các nhà lãnh đạo của quốc gia thế yếu cứ chấp nhận chuyện lùi dần dẫn tới nguy cơ mất trắng thì chính nhân dân của quốc gia đó cũng sẽ không chấp nhận cách hành xử này của các nhà lãnh đạo. Một nhà nước liên tiếp chấp nhận thua thiệt và để mất lãnh thổ, không bảo vệ được đất đai, biển cả xương máu của cha ông, làm co hẹp nguồn sống của dân tộc thì đương nhiên nhà nước đó sẽ mất dần sự chính danh đối với nhân dân của họ và các nhà lãnh đạo có tội với lịch sử của dân tộc đó.
Trở lại chuyện Trung Quốc cả khả năng tấn công Việt Nam để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược trên Biển Đông hay không?
Câu trả lời là rất có thể.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc phân tích: “Trung Quốc đang muốn làm bá chủ trên mặt biển, ít nhất trong khu vực châu Á, để bảo vệ các tuyến đường hàng hải liên quan đến nền kinh tế đang phát triển của họ. Hơn nữa, họ cũng muốn phô trương thanh thế và quyền lực với thế giới. Để đạt được hai mục tiêu ấy, Trung Quốc có ba đối tượng chính: Nhật, Philippines và Việt Nam. Lâu nay, dư luận thế giới tập trung nhiều nhất vào các tranh chấp giữa Trung Quốc với hai nước Nhật và Philippines. Có lúc ngỡ như chiến tranh giữa họ sẽ bùng nổ.
Nhưng thật ra, đó chỉ là những mặt trận giả. Rất ít có khả năng Trung Quốc tấn công Nhật hay Philippines. Có ba lý do chính: Một, các vùng tranh chấp giữa họ với nhau không có ý nghĩa chiến lược lớn. Đó là những hòn đảo nhỏ không có vai trò lớn trên bàn cờ địa-chính trị. Hai, cả hai đều là những đồng minh thân cận của Mỹ; riêng Nhật, tự bản thân nó, đã là một cường quốc, không dễ gì Trung Quốc chế ngự được. Và ba, vì hai lý do ấy, tấn công Nhật hay Philippines, với Trung Quốc, là một quyết định đầy rủi ro.
Để đạt hai mục tiêu chiến lược nêu trên, Việt Nam là một đối tượng dễ dàng nhất đối với Trung Quốc. Vùng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược lớn: không những chỉ là các hòn đảo mà còn cả một vùng biển mênh mông đồng thời cũng là một con đường hàng hải mang tính chiến lược không những trong khu vực mà còn cả trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam lại là một nước yếu, và, quan trọng nhất, hầu như hoàn toàn bị cô lập. Việt Nam không có đồng minh thực sự. Sẽ không có nước nào nhảy ra giúp Việt Nam trong cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc cả. Chấp nhận đánh nhau với Nhật hay Philippines là chấp nhận đánh nhau với Mỹ. Đánh Việt Nam thì chỉ đánh một nước. Không những vậy, với sự trở cờ của Campuchia, đó là một nước bị Trung Quốc bao vây, từ đất liền cũng như từ biển cả”.
Tuy nhiên, ông Quốc nhấn mạnh: “Từ những tính toán như vậy đến một quyết định tấn công thực sự không phải là điều dễ dàng. Có vô số khó khăn và bất trắc cho Trung Quốc. Một là, chính quyền Việt Nam có thể hèn nhưng dân chúng Việt Nam lại không hèn. Đánh Việt Nam, Trung Quốc phải chấp nhận một cuộc chiến tranh lâu dài, không biết bao giờ mới kết thúc. Hai là, đánh Việt Nam, Trung Quốc không phải trực tiếp đương đầu với Mỹ nhưng lại đương đầu với cả thế giới: Trung Quốc hiện ra như một hung thần, một sự đe dọa. Mà Trung Quốc thì lại chưa thể, và có lẽ, cũng chưa muốn xuất hiện với tư cách ấy. Họ chưa đủ mạnh để làm điều đó. Họ đang cần mua chuộc tình cảm của thế giới. Để cạnh tranh với Mỹ, họ ở trong thế lưỡng nan: một mặt, họ phải chứng tỏ sức mạnh; mặt khác, họ phải chứng tỏ có một bảng giá trị nhân văn và nhân đạo để được mọi người chấp nhận. Chứ không phải như một thế lực man rợ”.
Hơn nữa, theo các nhà phân tích quốc tế, bản thân Trung Quốc cũng đang có rất nhiều vấn đề nội bộ của họ. Một cuộc chiến kéo dài và tốn kém, gây tai tiếng sẽ là môt cơ họi tốt, một môi trường thích hợp cho các vấn đề nội bộ âm ỉ lâu nay trở nên bùng phát dữ dội. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo Trung Cộng không bao giờ muốn.
Do vậy, mặc dù Trung Quốc không ít lần đe dọa về khả năng sẽ tiếp tục “dạy cho Việt Nam một bài học” bằng sức mạnh quân sự như tờ Thời báo Hoàn cầu vẫn luôn ra rã. Nếu Việt Nam không chấp nhận các “luật chơi” trên bàn đàm phán song phương với nước này và lựa chọn con đường đa phương hóa Biển Đông, bắt tay với Hoa Kỳ cũng như với nhiều quốc gia khác trong việc khai thác tài nguyên trên Biển Đông. Song, khả năng Trung Quốc thật sự tấn công Việt Nam, mở ra một cuộc chiến tranh xâm lược chỉ là 50-50 (năm ăn năm thua). Tỷ lệ này cho thấy các tính toán của Trung Quốc dẫn tới một điều là họ không hy vọng sẽ có kết quả mỹ mãn trong việc mở màn một cuộc chiến xâm lược Việt Nam để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Phương án tốt nhất vẫn là đàm phán song phương, hòa bình trên cửa miệng nhưng luôn ẩn chứa sự răn đe, trừng trị nếu đối tác không chấp nhận luật chơi được áp đặt bởi nước lớn có binh hùng tướng mạnh đang mai phục sẵn sàng. Phương thức này thuận lợi cho việc chìa ra “củ cà rốt” rồi nắm chặt lấy những con sâu bự nằm trong giới chóp bu quyền hành của quốc gia đối tác mà về lâu dài sẽ biến đối tác trở thành kẻ lệ thuộc, khiếp nhược và ngoan ngoãn. Sách lược này trong binh pháp người Trung Hoa gọi là “bất chiến tự nhiên thành”.
Giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay sẽ không dại gì gây chiến với một quốc gia như Việt Nam một khi họ có thể nắm trong tay số phận của nhiều con sâu bự đã thòi ra ngoạm lấy “củ cà rốt Trung Hoa”; một khi họ có khả năng điều khiển được ý chí của nhà nước láng giềng như những con rối bằng phương thức tương tự trong các bộ phim khoa học viễn tưởng về các cuộc chiến trong vũ trụ là thả những con sâu vào trong bộ não của đối phương rồi sai khiến chú sâu đó thực hiện các hành vi theo ý muốn của chủ nhân lũ sâu này.
Đáng buồn là lũ sâu này quên rằng một khi vật chủ mà chúng đang ra sức điều khiển theo lệnh của chủ nhân chết đi thì giá trị sử dụng của bầy sâu sẽ không còn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét