Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Sẽ có khu nghỉ mát 4 sao ở Bản Giốc



Thác Bản Giốc
Tổng công ty Saigontourist vừa làm lễ động thổ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 4 sao ở thác Bản Giốc.
Được biết lễ động thổ diễn ra vào sáng thứ Bảy 8/12 tại xã Đạm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, là nơi có dòng thác mà Việt Nam chia đôi với Trung Quốc.

Giai đoạn một với tổng kinh phí đầu tư 170 tỷ đồng sẽ hoàn tất cuối năm 2013.
Báo Tiền Phong cho hay Khu du lịch cao cấp Sài Gòn - Bản Giốc có tổng diện tích hơn 31 ha.

Khi khánh thành, khu nghỉ mát 4 sao nhìn ra thác này sẽ có khách sạn 60 phòng ngủ, 24 khối bungalows, nhà hàng, khu hội nghị, hội thảo, thể thao, vui chơi giải trí, spa, cùng các khu vực hoạt động cắm trại, sinh hoạt ngoài trời...
Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist được dẫn lời nói Khu du lịch Sài Gòn - Bản Giốc "là dự án đầu tiên nằm ở vị trí vừa có thế mạnh thiên nhiên phong cảnh, văn hóa bản địa, vừa mang ý nghĩa đặc biệt về mặt lịch sử".
Các dự án phát triển ở khu vực này chắc chắn thu hút chú ý của dư luận, bởi lẽ thác Bản Giốc cùng một số địa điểm khác có liên quan tới tranh chấp biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chính phủ hai bên hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào phút chót năm 2008. Sau đó, Hà Nội đã bị chỉ trích là "nhân nhượng quá nhiều" cho Bắc Kinh.

Thỏa thuận biên giới

Thác Bản Giốc, một trong những thác đẹp nhất Việt Nam, là một phần của sông Quây Sơn và được chia làm hai phần, thác chính và thác phụ.
Theo thỏa thuận biên giới đất liền giữa hai nước, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam còn thác chính được hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác.
Tranh chấp với Trung Quốc về thác Bản Giốc bắt đầu từ những năm 1974-1975 nhưng lên cao vào năm xảy ra cuộc chiến biên giới 1979.
Cơ sở để chia đôi phần thác chính là việc tính mốc bắt đầu từ cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19 sau khi người Pháp và Nhà Thanh ký kết hiệp định phân chia biên giới.
Việc chia sẻ thác Bản Giốc được thống nhất như một phần của "gói thương lượng" gồm thác này và bãi Tục Lãm trên tinh thần mà chính phủ Việt Nam nói là "hiệp thương hữu nghị thẳng thắn".
Kinh doanh du lịch trước khi có cắm mốc phân định biên giới giữa hai nước tại khu vực này còn nghèo nàn, tuy phía Trung Quốc đã có xây dựng một số khách sạn, nhà nghỉ.

Không có nhận xét nào: