Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Tập Cận Bình lại khẳng định “không hề có ý hướng bá quyền”


Tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa)
gặp gỡ các chuyên gia ngoại quốc tại Đại lễ đường Nhân dân,
Bắc Kinh ngày 05/12/2012.  
REUTERS/Ed Jones/POOL
Trọng Nghĩa
Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các động thái nhằm áp đặt chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông, tân lãnh đạo nước này lại lên tiếng khẳng định trở lại đường lối “phát triển hòa bình”. Ông Tập Cận Bình đã xác định như trên vào hôm qua, 05/12/2012, nhân một hội nghị bàn tròn với hai chục chuyên gia ngoại quốc tại Bắc Kinh.

Trước số quan khách được chính ông chọn và mời đến, bao gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp lẫn các nhà nghiên cứu nước ngoài, tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho biết là nước ông vẫn theo đuổi một tiến trình phát triển trong hòa bình, và sự phát triển của Trung Quốc không bao giờ thách thức hay đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác. Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình đã khẳng định : « Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hay sự bành trướng ».

Nhật báo Trung Quốc China Daily ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên mà nhân vật số một tại Trung Quốc tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài trong tư cách người lãnh đạo Trung Quốc. Tờ báo đã trích dẫn một số nhà phân tích đánh giá rằng các tuyên bố của ông Tập Cận Bình thể hiện đường nét chính trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm sắp tới.
Xin nhắc lại là ông Tập Cận Bình vừa chính thức trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và kiêm nhiêm luôn chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Theo dự trù, ông sẽ lên thay ông Hồ Cẩm Đào vào tháng Ba năm tới ở chức vụ Chủ tịch nước.
Giới quan sát đã lồng tuyên bố đầy tính trấn an và hòa dịu của ông Tập Cận Bình vào trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh với các láng giềng Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ và Nhật Bản.
Một sô động thái gần đây của Trung Quốc đã bị giới phân tích đồng hóa với các hành vi “bành trướng” như đòi Việt Nam ngưng khai thác dầu khí tại vùng biển mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền, cho tàu đánh cá tiến vào vùng biển của Việt Nam, "làm đứt" cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, trao quyền cho công an biên phòng chặn xét tàu ngoại quốc thâm nhập vùng Biển Đông, in yêu sách chủ quyền ngay trong hộ chiếu, công khai đòi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu ngư do Nhật Bản kiểm soát…
Tất cả những yếu tố đó, kèm theo với sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gây ra quan ngại trong toàn khu vực. Bản thân ông Tập Cận Bình không làm giảm mối quan ngại này khi cũng vào hôm qua, ông đã ra lệnh cho Quân đội Trung Quốc xây dựng một lực lượng tên lửa mạnh mẽ và tối tân, được ông mệnh danh là chủ lực của chiến lược răn đe của Trung Quốc và nền tảng quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo báo New York Times ngày 4/12, tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông xẩy ra không đầy một tháng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo của Trung Quốc. Nhân vật này được cho là có một sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề Biển Đông) và tranh chấp Trung-Nhật trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Cho dù vậy, liên quan giữa các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông với ông Tập Cận Bình chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, New York Times tiết lộ là ông Tập Cận Bình quả thực là từng đứng đầu một nhóm nhỏ của các nhà hoạch định chính sách thuộc một cơ quan lo về quyền hàng hải. Theo giáo sư quan hệ quốc tế Chu Phong tại Đại học Bắc Kinh, và một số chuyên gia Trung Quốc khác, cơ quan này có nhiệm vụ phối hợp các ban ngành khác nhau.
Đơn vị đó là một bộ phận thuộc cơ chế của đảng Cộng sản Trung Quốc mang tên « Trung ương ngoại sự công tác lĩnh đạo tiểu tổ », chuyên giám sát công tác ngoại giáo. Tiểu tổ này - hiện do ông Tập Cận Bình lãnh đạo - được cho là nhóm hoạch định chính sách trung ương của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: