Pages

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Thủ tướng VN lại lên tiếng về chủ quyền



Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Hải Phòng (ảnh của báo Thanh Niên)
Ông Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu Quốc hội Hải Phòng
Tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại cam kết của Chính phủ trong việc 'dồn sức, dồn lực lượng để bảo toàn lãnh thổ'.

Ông Dũng đã có tiếp xúc cử tri với tư cách đại biểu Quốc hội Hải Phòng vào hôm thứ Ba 4/12.
Tuy nhiên, dường như ông Dũng đặt nhu cầu giữ vững ổn định xã hội lên cao hơn.
Trong cuộc tiếp xúc, được tường thuật trên truyền thông Việt Nam, ông thủ tướng thừa nhận trong năm 2012, "chúng ta [Chính phủ Việt Nam] phải đương đầu với khó khăn rất lớn về kinh tế và sự chống phá của thế lực thù địch".

Ông nhắc tới trước hết là "thế lực phản động, âm mưu diễn biến hòa bình, gây mất ổn định xã hội".
Sau đó, ông Dũng mới nhắc tới "sự đe dọa, xâm phạm về chủ quyền quốc gia, trên biển đảo".
Báo Thanh Niên dẫn lời ông thủ tướng phát biểu: “Nước ta lúc nào cũng bị đe dọa".
"Chúng ta bình yên như thế này nhưng luôn luôn xuất hiện những nhóm từ bên ngoài kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ. Chúng ta phải có lực lượng và phương án để xóa ngay những ổ nhóm từ manh nha, không chỉ là bắt giam, xử án mà cả bằng đấu tranh, thuyết phục..."
"Về chủ quyền quốc gia, chúng ta đang và sẽ phải dồn sức, dồn lực lượng để bảo toàn lãnh thổ.”

Xây dựng quân đội mạnh

Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, một trong những nhiệm vụ phải làm trước hết là phát triển quân đội chính quy, hiện đại.
Tuy nhiên, ông nói xây dựng quân đội chỉ là nhằm tự vệ, trong khi phải "làm hết sức mình để giữ hòa bình, bằng ngoại giao, bằng mọi biện pháp".
"Quân đội phải xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Một số lực lượng phải đi thẳng vào hiện đại như tên lửa, tàu ngầm, hải quân, không quân”.
Việt Nam đã đặt hàng sáu chiếc tàu ngầm từ Nga, dự tính sẽ giao chiếc đầu tiên trong vòng hai năm tới.
Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều phát biểu mạnh về chủ quyền biển đảo.
"Chúng ta không nên định kiến kiểu dân tộc hẹp hòi, cái gì người nước ngoài ở Việt Nam làm chưa tốt thì chúng ta nhắc nhở, xử lý."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Năm ngoái, ông đã gây ấn tượng mạnh sau 10 phút trình bày về vấn đề Biển Đông tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội Khóa 13, trong đó lần đầu tiên công khai đề cập việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974.
Lúc đó, tuyên bố rằng chủ trương của Việt Nam là đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa đã được giới quan sát cho là có chuyển dịch về chính sách.
Lần này, trong tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Tấn Dũng không nhắc tới Trung Quốc.

Không nên định kiến dân tộc hẹp hòi

Ngay cả khi trả lời về tình trạng lao động Trung Quốc hoạt động không phép ở Việt Nam, gây quan ngại về nhiều mặt, nhất là an ninh, ông chỉ nói đây là "lao động nước ngoài".
“Chúng tôi nhận khuyết điểm, quản lý của Chính phủ có những việc chưa sát, có một số người nước ngoài vào nước ta lao động “chui”, có thể có cả một số người vào nước ta với động cơ khác."
Tuy nhiên, theo ông Dũng "vấn đề này cũng cần nhìn hai mặt, khi nước ta mở cửa, lao động nước ngoài vào Việt Nam, còn hàng vạn lao động của chúng ta cũng ra nước ngoài làm việc".
Nhiều cán bộ lão thành cách mạng đã gửi thư lên cho thủ tướng cảnh tỉnh về tình trạng công nhân Trung Quốc làm việc không phép ở Việt Nam, nhiều dự án của Trung Quốc nằm ở các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng giải thích chủ trương của Chính phủ trong vấn đề lao động nước ngoài là: "Chúng ta không nên định kiến kiểu dân tộc hẹp hòi, cái gì người nước ngoài ở Việt Nam làm chưa tốt thì chúng ta nhắc nhở, xử lý”.

Không có nhận xét nào: