Pages

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Tổng kết tình hình kinh tế 2012



Thấm thoát vậy mà đã tới cuối năm. Đây là dịp Diễn đàn Kinh tế làm một tổng kết sơ khởi về tình hình kinh tế toàn cầu qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện.
AFP photo
Các phần của ngọn tháp cho Trung Tâm Thương Mại Thế Giới sắp xây dựng được chuyển đến New York bằng xà lan hôm 11/12/2012

Tình trạng chung

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chỉ còn hai tuần nữa là thế giới bóc nốt tờ lịch của Tháng 12 năm 2012 và chuẩn bị chào đón năm 2013 với nhiều hy vọng cùng những băn khoăn e ngại. Vì vậy, tiết mục chuyên đề của chúng ta yêu cầu ông khởi sự một bản tổng kết về tình hình kinh tế năm nay, trong đó tất nhiên là có các nền kinh tế châu Á và Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng về đại thể, ta có thể phân biệt hai khối kinh tế lớn của thế giới. Đầu tiên là khối kinh tế của các nước công nghiệp hóa tiên tiến, chủ yếu là của Âu Châu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Sau đó là khối kinh tế của các quốc gia đang phát triển hoặc vừa mới nổi lên, trong đó có Việt Nam. Do hiện tượng toàn cầu hóa vì các nền kinh tế này trao đổi buôn bán với nhau với mức độ sâu rộng chưa từng thấy, cho nên các nước cũng bị hiệu ứng của nhau.
Các nền kinh tế công nghiệp hóa chưa ra khỏi chu kỳ suy sụp vì đã vay mượn quá nhiều quá lâu và lại bị nạn lão hóa dân số nên đạt tốc độ tăng trưởng thấp, thường xuyên bị rủi ro suy trầm là khi mức tăng trưởng sút giảm trong nhiều quý liên tục và thậm chí còn bị nguy cơ suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội. Trong khi ấy, các nền kinh tế đang lên đều có mức tăng trưởng cao hơn nhưng cũng bị hậu quả sa sút từ các thị trường Âu-Mỹ-Nhật, nên chưa thể kéo kinh tế toàn cầu ra khỏi trì trệ thì có khi lại bị suy trầm vào năm tới. Nói chung, 2012 vẫn là bất trắc kéo dài.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi đi từ khối kinh tế công nghiệp hóa thưa ông. Có phải rằng năm 2012 này chưa thấy có gì tiến triển sau nhiều năm khó khăn và khủng hoảng hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Với khoảng cách thời gian đủ dài vì thật ra đã là năm năm rồi kể từ năm 2008, người ta hiểu ra nhiều điều trước đây không biết hoặc chỉ thấy một cách lờ mờ. Đó là các nước công nghiệp hóa đã qua chu kỳ tích nợ nghĩa là vay mượn kéo dài đến ba chục năm và nay đã đến hồi trả nợ. Khi nội vụ vỡ lở vào năm 2008, người ta tưởng lầm rằng đó là hậu quả của nạn bể bóng đầu tư trên thị trường gia cư và khủng hoảng tài chính của Mỹ. Thật ra, nạn chồng chất nợ nần và bể bóng đầu tư là tình trạng chung của khối kinh tế Âu Mỹ Nhật khi mà tiền rẻ, lãi suất hạ và trào lưu toàn cầu hóa còn giúp khối kinh tế này thu hút tiết kiệm từ các quốc gia mới nổi lên. Khi phải điều chỉnh một chu kỳ kéo dài nhiều thập niên thì người ta phải mất nhiều năm sau khi gặp những khó khăn chưa từng thấy kể từ vụ Tổng khủng hoảng thời 1929-1933.
Trong năm 2012, các khó khăn này kết tụ vào Âu Châu vì cả lý do kinh tế là nạn vay mượn, bong bóng và bội chi ngân sách lẫn lý do chính trị là trong cơ chế 27 nước của Liên hiệp Âu châu lại có 17 nước đã thống nhất tiền tệ gọi là khối Euro mà không có khả năng cưỡng hành về chính trị hay chính sách. Vụ khủng hoảng của đồng Euro gây rạn nứt trong khối và còn đe dọa cả cơ chế Liên Âu. Hậu quả là bất ổn xã hội lan rộng, là sự tái xuất hiện của chủ nghĩa quốc gia và nhất là nguy cơ rạn nứt trong khối Âu Châu.

Chuyện nợ nần

image.jpg
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (giữa) hội thảo cùng Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab (trái), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima (thứ 2 từ trái), Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf (thứ 2 từ phải) và Chủ tịch hãng Hitachi Nhật Bản, Takashi Kawamura (phải) tại Tokyo hôm 11/10/2012. AFP
Vũ Hoàng: Nhưng nói về chuyện nợ nần thì dường như là Nhật Bản mới mắc nợ nhiều nhất mà vì sao trong năm qua xứ này lại không bị khủng hoảng như Âu Châu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng Nhật quả là mắc nợ nhiều nhất trong các nước công nghiệp hóa với gánh nợ đã vượt 230% Tổng sản lượng Nội địa so với hơn 90% của khối Euro hay 100% của Mỹ. Nhưng khác với Âu Châu, Nhật Bản là một quốc gia thống nhất và khác với Hoa Kỳ, chủ nợ chính của Nhật Bản là người Nhật, với sức tiết kiệm rất cao.
Tuy nhiên, nền kinh tế đứng hàng thứ ba của thế giới đang ở trong trạng thái tôi xin gọi là "đợi chờ khủng hoảng" vì lãnh đạo chính trị trì hoãn và thậm chí từ chối cải cách nên trong năm 2012 chỉ kéo dài ảo tưởng ổn định. Nhiều dấu hiệu đã manh nha cho thấy nguy cơ khủng hoảng đó khi hai chính đảng lớn bị sức ép rất mạnh của các đảng nhỏ ở địa phương và có thể mất đa số để cầm quyền và lồng trong đó là sự lớn mạnh của xu hướng quốc gia dân tộc đã tìm thấy lực đẩy từ sự bất mãn và tuyệt vọng lan rộng của quần chúng.
Vũ Hoàng: Chúng ta xét tới trường hợp Hoa Kỳ, với dự báo vừa được một cơ quan tư vấn về tình báo quốc gia công bố hôm Thứ Hai mùng 10 vừa qua, rằng kinh tế Mỹ sẽ tụt xuống hạng nhì và nhường bước cho Trung Quốc vào năm 2030 này. Năm 2012, Hoa Kỳ cũng lại vừa có tổng tuyển cử, cử tri và lãnh đạo Mỹ đã xoay trở ra sao với hồ sơ kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ xác nhận công trình nghiên cứu và dự phóng của Hội đồng Tình báo Quốc gia hay National Intelligence Council mà ông vừa nhắc tới. Xin nói thêm rằng Hội đồng này chỉ là cơ quan tư vấn và kết quả nghiên cứu của họ không là chính sách nhà nước mà chỉ nhắm vào việc kích thích suy tư về chiến lược cho trường kỳ, là điều rất hay trong một xã hội có quyền tự do thông tin và cởi mở về tư tưỏng.
Trở lại chuyện kinh tế, Hoa Kỳ đã đến kỳ trả nợ và sẽ phải trải qua nhiều năm khó khăn thì mới có nền tảng chi thu quân bình và khai thác được những lợi thế truyền thống của địa dư hình thể và tinh thần linh động biến báo mà ít xứ nào có thể so sánh được. Nhưng quần chúng Mỹ không nhìn ra viễn ảnh dài của yêu cầu cải cách mà chỉ muốn có sự chọn lựa dễ dãi cho ngắn hạn.
Vì vậy, sau hai năm ách tắc, họ bầu lại hệ thống lãnh đạo tương tự như trước và hệ thống đó sẽ kéo dài tình trạng bế tắc mà không dám cải cách thật, trước tiên là hệ thống ngân sách, thuế vụ, kinh doanh và giáo dục để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn cảnh chính trị ấy mới giải thích vì sao ngay sau bầu cử nước Mỹ lại có cuộc tranh cử nữa trong dư luận về việc giảm chi hay tăng thuế, là những chọn lựa đã được nêu thành vấn đề mà không có giải pháp trong hai năm qua. Báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia có thể là hồi chuông cảnh tỉnh cho lâu dài chứ trước mắt và trong năm tới, kinh tế có thể lại bị suy trầm nữa và chỉ khá hơn nếu dám cải tổ.

Kinh tế châu Á

000_Hkg8096096-200.jpg
Một người Trung Quốc đi qua một chi nhánh ngân hàng HSBC tại Hồng Kông hôm 11/12/2012. HSBC đã đồng ý trả cho nhà chức trách Mỹ 1,92 tỷ USD để giải quyết những cáo buộc rửa tiền. AFP
Vũ Hoàng: Trong năm qua Trung Quốc cũng đã có thay đổi lãnh đạo sau Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Thưa ông, tổng kết về tình hình kinh tế của xứ này là gì trong năm 2012?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:Thuần về kinh tế, Trung Quốc bị hiệu ứng nặng nhất từ nạn trì trệ chung của các thị trường công nghiệp hoá mà cũng đã có những triệu chứng nguy ngập của tình trạng vay mượn quá sức thanh toán, bể bóng đầu cơ và cả nạn lão hóa dân số với hậu quả tệ hại cho sản xuất và xã hội.
Trong năm 2012, lãnh đạo xứ này còn chật vật chuẩn bị việc thay đổi tầng lớp cầm quyền trên thượng tầng cho 10 năm tới, với rất nhiều bất mãn và động loạn xã hội ở bên dưới trong khi đà tăng trưởng lại sút giảm nặng. Về Đại hội 18 này, năm nay nỗ lực bày tỏ ra một hình thức thống nhất và quy củ ở mặt ngoài đã thất bại vì hàng loạt những vụ tai tiếng về tội ác và tham nhũng ngay trong hàng ngũ những người cao cấp nhất. Và thế hệ thứ năm sẽ lãnh đạo Trung Quốc phải nhận lại một di sản chồng chất những vấn đề mà thế hệ thứ tư đã nhìn thấy nhưng không giải quyết được. Vì vậy, năm 2012 là năm bản lề đánh dấu sự chuyển hướng tăng trưởng từ lượng sang phẩm, với rất nhiều rủi ro chính trị.
Khi chỉ nhìn vào mặt ngoài mà dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ, dù tính trên mệnh giá hay tỷ giá mãi lực thì có khi người ta cho xứ này nuôi nấng ảo tưởng ưu việt của một quốc gia có dân số cao nhất thế giới. Chứ nhìn trong dài hạn và y hệt trường hợp Nhật Bản ba chục năm trước với ảo tưởng sẽ mua đứt nước Mỹ, Trung Quốc có nguy cơ khủng hoảng rất cao vì cơ chế thiếu dân chủ và linh động nên rất khó xoay trở và kịp thời tìm ra giải pháp khác.
Vũ Hoàng: Ngoài Trung Quốc và trong nhóm kinh tế đang lên, tình hình năm 2012 có những gì là đáng kể nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy là nói chung các nền kinh tế này đã có đà tăng trưởng cao hơn của những nước đi sau nhưng trong nội bộ từng nước thì cũng có vấn đề về tham nhũng hay lạm phát như trường hợp Ấn Độ hay Brazil và cả các nước Á Rập Hồi giáo đang bị chấn động nặng vì những đổi thay chính trị với sự xuất hiện của một lớp người trẻ, có học mà thất nghiệp và thấy bất mãn với hiện tại.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông là về tình hình Việt Nam, dù rằng chúng ta sẽ phải có một chương trình riêng về đề tài này trong những tuần lễ tới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việt Nam chưa thuộc vào tầng lớp các quốc gia có nền kinh tế tân hưng, hay mới phát triển mà cũng đã gặp nhiều chứng tật của các nền kinh tế giàu có hơn, tức là cũng vay mượn quá sức để thổi lên bong bóng đầu tư vì tình trạng lạc quan thiếu cơ sở. Thứ hai, Việt Nam cũng đi vào một chu kỳ tăng trưởng thấp hơn xưa, cỡ 5% là mừng, với cơ cấu thất quân bình còn nặng hơn nhiều nước khác, kể cả Trung Quốc, nên bị nguy cơ khủng hoảng tài chính ngân hàng và cả xã hội còn cao hơn. Thứ ba, cơ chế chính trị xứ này còn lạc hậu, với trình độ lãnh đạo thấp hơn hầu hết các lân bang mà mâu thuẫn nội bộ về quyền lợi lại sâu đậm hơn, nên sẽ rất khó xoay trở khi khủng hoảng bùng nổ. Trong khung cảnh đổi thay rất lớn của toàn cầu, mấy chục năm mới có một lần, trình trạng bấp bênh của Việt Nam là điều đáng lo ngại nhất.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét