Pages

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Trung Quốc áp dụng "luật rừng ở Biển Đông"?



Ngày 23/11/2012, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”; ngày 27/11/2012, tỉnh Hải Nam thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, với phạm vi áp dụng bao gồm cả “Tam Sa”. Theo đó, cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam sẽ có quyền kiểm tra, bắt giữ và trục xuất bất kỳ thuyền bè nước nào "xâm nhập trái phép các vùng biển do chính quyền Hải Nam quản lý" (trong đó có vùng biển “Tam Sa”). Dư luận quốc tế đang lo ngại về chính sách áp đặt ngang ngược của Trung Quốc đối với tuyến đường hàng hải thương mại quốc tế nhộn nhịp hàng đầu thế giới này để qua đó giành quyền khống chế toàn bộ Biển Đông.
Theo Nhân dân nhật báo và Tân Hoa Xã, đạo luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Nếu đạo luật này chỉ áp dụng cho các vùng biển xung quanh đảo Hải Nam thì không có gì phải bàn cãi vì hoàn toàn thuộc quyền của Trung Quốc. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, đạo luật mới này của Trung Quốc được áp dụng cho cả một vùng biển rộng lớn trên 2 triệu km2 của “thành phố Tam Sa”, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Trung Sa, bao trùm lên hầu hết vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.

Khi được chất vấn về nội dung và phạm vi của quy định mới này, ông Wu Shicun, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam ngạo mạn nói rằng quy định mới áp dụng cho hàng trăm hòn đảo trải dài trên khắp vùng biển và những vùng nước xung quanh các đảo, bao gồm các đảo mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền và "Đạo luật bao gồm tất cả những vùng đất bên trong phạm vi đường 9 đoạn và các vùng biển lân cận".
Hành động ngang ngược này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản được quy định bởi Luật pháp quốc tế: Một là, vi phạm nguyên tắc "tự do hàng hải" của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Mặc dù, luôn tuyên bố sẽ bảo vệ và không ngăn cản tự do hàng hải, tự do giao thương, nhưng những hành động này của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế, luôn đi ngược lại với những tuyên bố mà lâu nay vẫn khẳng định. Với việc đạo luật này được áp dụng cho toàn bộ “thành phố Tam Sa” thì Trung Quốc sẽ có thể khống chế toàn bộ việc vận chuyển và giao thương trong khu vực biển Đông. Bất cứ tàu thuyền nào đi qua biển Đông cũng sẽ phải chịu sự kiểm tra của Trung Quốc, và nếu có mâu thuẫn xảy ra, ai dám đảm bảo Trung Quốc sẽ không gây khó dễ cho các quốc gia khác?; Hai là, hành động này của Trung Quốc vi phạm nguyên tắc hòa giải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trong luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đơn phương ban hành một đạo luật về “quyền kiểm soát” của họ ở một khu vực với các mâu thuẫn chồng chéo và nguy cơ xung đột cao sẽ chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng, khiến cho quá trình hòa giải và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông càng khó khăn, phức tạp hơn. Cộng đồng quốc tế luôn kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm, không áp đặt và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc làm này của Trung Quốc đã bất chấp mong muốn và ý nguyện của cộng đồng quốc tế; Ba là, hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 và mới đây Thủ tướng Trung Quốc đã cùng Lãnh đạo các nước ASEAN ra Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm ký DOC và cam kết thực hiện nghiêm túc. DOC quy định các bên liên quan cần hết sức kiềm chế, không có những hành động làm phức tạp tình hình. Hành động này của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng hòa bình ổn định trong khu vự, đi ngược lại những gì Trung Quốc đã cam kết tại DOC với các nước ASEAN.
Đây là bước đi nằm trong kế hoạch hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” chiếm 80% diện tích Biển Đông, đang bị cả thế giới lên án. Việc Trung Quốc cho phép các lực lượng chức năng của họ lên khám xét, lục soát tàu nước ngoài sẽ tạo ra một nguy cơ mới cho tàu thuyền các nước qua lại Biển Đông, thậm chí không loại trừ khả năng Trung Quốc dùng vũ lực để ngăn cản hoặc làm khó dễ giao thương hàng hải của các quốc gia tranh chấp khác hoặc xảy ra tình trạng Trung Quốc dùng lực lượng quân sự để cấm các quốc gia khác đi qua biển Đông. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho tự do, an ninh, an toàn hành hải ở Biển Đông.
Philippin đã có phản ứng mạnh mẽ trước hành động này của phía Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Philippin ra Tuyên bố phản đối, trong đó nhấn mạnh: “Kế hoạch này của Trung Quốc là bất hợp pháp và sẽ vi phạm các tuyên bố liên tiếp và lặp đi lặp lại của Philippin rằng yêu cầu chủ quyền của Trung Quốc với gần như toàn bộ Biển Đông là một đòi hỏi phi lý và đe dọa an ninh của toàn khu vực”. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng cho biết Manila sẽ kháng nghị ngoại giao chính thức về quy định mới của Trung Quốc, và tuyên bố đạo luật này vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hành động trên của phía Trung Quốc và việc tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 trên thềm lục địa Việt Nam, ngày 4/12/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp”. Trước đó, ngày 3/12/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho phía Trung Quốc công hàm phản đối.
Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, bày tỏ sự quan ngại đối với quy định mới của Trung Quốc. Ông Surin Pitsuwan nhấn mạnh: "Đây là việc làm vô cùng nghiêm trọng, làm gia tăng mức độ lo lắng và quan ngại giữa các bên", ông nói.
Biển Đông là tuyến đường hàng hải, thương mại huyết mạch của quốc tế, 50% lượng hàng hóa được vận chuyển qua Biển Đông, do vậy các nước ngoài khu vực cũng hết sức quan ngại trước việc làm này của phía Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hội đồng Châu Âu đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại EU lên để bày tỏ quan ngại đồng thời thông báo quan điểm của EU cho các nước liên quan. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc yêu cầu Bắc Kinh làm rõ vấn đề này vì hành động này cản trở giao thương thương mại trên Biển Đông. Tư lệnh Hải quân Ấn Độ nhấn mạnh Ấn Độ sẽ bảo vệ lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông, thậm chí khi cần thiết có thể điều quân đến Biển Đông.... Báo chí các nước cũng đặc biệt quan tâm đến chủ đề này vì nó liên quan trực tiếp đến tự do và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Tờ New York Times nhận định, nếu Trung Quốc thi hành đạo luật mới trong phạm vi 12 hải lý, thì các chuyên gia hải quân cho biết tự do hàng hải sẽ bị ảnh hưởng, có lợi cho Trung Quốc, nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ từ Trung Đông.
Chúng ta còn nhớ cuối tháng 6/2012, khi Trung Quốc công bố quyết định thành lập “thành phố Tam Sa”, một số tướng lĩnh của quân đội Trung Quốc đã nêu ra ý tưởng về việc thiết lập 3 vùng biển, 3 vùng trời của “Tam Sa”, trong đó vùng biển thứ nhất sẽ cấm tàu thuyền nước ngoài qua lại; vùng biển thứ 2 tàu thuyền nước ngoài phải xin phép Trung Quốc; vùng biển thứ 3 tàu thuyền có thể qua lại tự do. Tương ứng với 3 vùng biển là 3 vùng trời do Trung Quốc quản lý ở “Tam Sa”, trong đó có vùng trời nếu máy bay nước ngoài bay qua sẽ bị bắn hạ. Khi đó nhiều chuyên gia phân tích đã cho rằng phát biểu đó của tướng lĩnh quân đội Trung Quốc có thể là bước “dọn đường” cho những hành động ngang ngược mới của Bắc Kinh để kiểm soát Biển Đông.
Chưa đầy 5 tháng sau, lời cảnh báo của các nhà phân tích đã trở thành hiện thực. Trung Quốc đã tự cho mình cái quyền được lên tàu nước ngoài để khám xét, lục soát, coi Biển Đông như cái “ao nhà” của họ. Với đà này, không hiểu bước leo thang mới của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ còn nghiêm trọng đến mức độ nào? Phải chăng là họ sẽ áp đặt một trật tự mới do Trung Quốc khống chế, kiểm soát trên toàn bộ Biển Đông? Đúng là Trung Quốc đang ngạo mạn áp dụng “luật rừng” của họ ở Biển Đông. Không rõ điều gì sẽ xảy ra khi tới đây các lực lượng chức năng của Trung Quốc sẽ leo lên các tàu của Hoa Kỳ, Ấn Độ, các nước Châu Âu... ở Biển Đông để kiểm soát? Cả cộng đồng quốc tế cần phải ra tay ngăn chặn những hành động nguy hiểm này của Bắc Kinh. Hoa kỳ một siêu cường về biển cần trở thành đầu tàu trong việc chặn đứng những việc làm sai trái trên biển của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: