Pages

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Trung Quốc ngang ngược leo thang độc chiếm biển Đông thế nào?


Việc TQ in đường chín đoạn vô lý trong hộ chiếu chỉ là một trong chuỗi hành xử ngang ngược, thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.

Vừa châm lửa vừa đổ thêm dầu

Ngày 21/11, nhiều hãng thông tấn quốc tế phát thông tin, trên hình bản đồ in trong hộ chiếu mới cấp cho công dân Trung Quốc có cả các vùng biển đang tranh chấp tại Biển Đông. Khu vực mà chúng gọi là đường lưỡi bò, đi sát bờ biển các nước Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và một phần nhỏ của Indonesia.

Một ngày sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nêu trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định, việc Trung Quốc in bản đồ đường 9 đoạn trong hộ chiếu mới cấp cho công dân nước này là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông.

Hộc chiếu mới của Trung Quốc có in đường lưỡi bò vô lý.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường lưỡi bò vô lý.
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng tỏ thái độ bất bình, không chấp nhận việc Trung Quốc in đường lưỡi bò trên hộ chiếu. 

Ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc và nhấn mạnh, nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng biển Đông.

Còn tại Ấn Độ, sau khi phát hiện Trung Quốc in hình hai khu vực Arunachal Pradesh và Aksai China (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như thể đó là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc, nước này đã tiến hành in hình bản đồ của nước mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc. Đây được coi như hành động “trả đũa” Trung Quốc.

Trên tờ US Today, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland khẳng định, nước này không chấp thuận việc Trung Quốc in hình bản đồ gây tranh cãi trên hộ chiếu mới. Bà Nuland nhấn mạnh, có những quy chuẩn quốc tế căn bản cần phải được đáp ứng trong một tấm hộ chiếu, những tấm bản đồ lạc lõng không thuộc diện này. “Đây là một vấn đề kỹ thuật pháp lý, bản đồ này không có ý nghĩa gì trên hộ chiếu hợp lệ cấp visa nhập cảnh vào Mỹ", tờ US Today trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Từ diễn biến trên, trong một bài viết trên báo “Độc lập” (Nga) ngày 26/11 nêu ý kiến chuyên gia nhận định, bằng việc cấp cho công dân hộ chiếu sinh trắc học có in bản đồ hình lưỡi bò, Trung Quốc đã chính thức khai phát súng đầu tiên vào bầu không khí vốn đang căng thẳng liên quan đến tranh chấp ở biển Đông.

Ủ mưu độc
   
Chiêu bài dùng hộ chiếu mới đây để gây hấn với các nước láng giềng không phải được Trung Quốc sử dụng lần đầu. Trong cuộc xung đột lãnh thổ với Ấn Độ trước đây, Trung Quốc đã sử dụng một mánh khóe ngoại giao bằng cách in lên hộ chiếu bản đồ những khu vực tranh chấp và coi đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Khi đó Ấn Độ đã đáp trả bằng cách dùng con dấu có hình bản đồ của mình để đóng dấu xuất-nhập cảnh cho du khách Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều chiêu trò Trung Quốc đã diễn đầu năm đến nay. Theo nhận định của của các chuyên gia, mục đích chính của những hành xử ngang ngược của Trung Quốc là gây áp lực về cả chính trị lẫn quân sự nhằm ép các nước châu Á phải nhượng, thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.

Học giả Trung Quốc cũng bác bỏ đường lưỡi bò.
Học giả Trung Quốc cũng bác bỏ đường lưỡi bò.
Ngày 9/5, Trung Quốc đã chính thức vận hành giàn khoan khổng lồ “Dầu khí hải dương 981” để khai thác dầu khí trên biển Đông. Giàn khoan này tới khu vực cách Hong Kong 320km về phía đông nam và bắt đầu khoan khai thác dầu ở độ sâu 1.500m, gần vùng biển phía bắc Philippines.

Với Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã liên tục có những bước dấn tới để tìm cách gây hấn, xâm phạm phần lãnh hải chủ quyền của Việt Nam.

Đầu tiên là gây khó khăn: thu giữ lưới cụ, bắt giữ ngư dân khi đang đánh cá trên khu vực biển Đông. Đầu tháng 7, Trung Quốc đã xua hạm đội tàu cá từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa hoạt động phi pháp.

Tiếp đến, cuối tháng 7, Trung Quốc đã cho thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và còn tổ chức họp “hội đồng nhân dân”, lập đơn vị đồn trú tại thành phố này để “tiến hành các chiến dịch quân sự”. Lực lượng quân đội nước này còn tiến hành diễn tập bắn đạn thật với quy mô lớn nhất gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và trắng trợn tuyên bố cuộc tập trận là để “các nước láng giềng thấy được thực lực của Trung Quốc.

Mới đây nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) hôm 3/12 xác nhận thông tin tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 đang làm nhiệm vụ, đã bị các tàu cá Trung Quốc cản trở, làm gãy đứt cáp thu nổ địa chấn.

Theo ông Phạm Việt Dũng, Phó Trưởng ban tìm kiếm thăm dò - phụ trách Văn phòng biển Đông của PVN, vụ việc xảy ra vào lúc 5h5’ ngày 30.11, khi tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang di chuyển từ PVN12-R009 về tuyến PVN12-R005- tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để chuẩn bị khảo sát. Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17o26 bắc và 108o đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam và cách đường trung tuyến Việt Nam - Trung Quốc 20 hải lý về phía tây.

Đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc ngang ngược, trắng trợn lộng hành và gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Năm 2011, tàu Bình Minh 02 và Viking II bị gây đứt cáp ngay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Sự việc này tiếp tục tái diễn trong năm nay.

Như vậy, tất cả những hành động ngang ngược trên của Trung Quốc đều bị công luận các nước trong khu vực và quốc tế phản đối. Việt Nam đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sẽ làm tất cả để bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước.

Thuần Lương (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: