Pages

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Tướng Thước: Người cầm lá phiếu tâm đen… sẽ tiêu cực


Ngày 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Trên Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội đối với những người có chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn được đề ra từ năm 2011 nhưng chưa được thực hiện suốt 10 năm qua. Theo ông Mão, việc không thực hiện được có nguyên nhân là điều kiện đưa ra ngặt nghèo quá và không thực tế.

“Với điều kiện 20% đại biểu Quốc hội có đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một vị A nào đó thì khó quá! Ai là người đứng ra tập hợp những đề nghị đó? Không cẩn thận thì lại mang vạ vào thân! Vì thế chẳng ai muốn làm chuyện đó. Đồng thời mọi người cũng coi chuyện đi vận động là không tốt, kéo bè, kéo cánh, quy chụp cho đồng chí của mình… Như vậy, đây là một điều kiện rất khó khả thi.
Tướng Thước lo ngại, nếu những người cầm lá phiếu mà không trong sáng thì việc lấy phiếu này sẽ trở thành sự triệt tiêu những yếu tố tích cực.
Tướng Thước lo ngại, nếu những người cầm lá phiếu mà không trong sáng thì việc lấy phiếu này sẽ trở thành sự triệt tiêu những yếu tố tích cực. Ảnh minh họa
Về cách làm hiện nay, ông Mão nhận định, đó là một cách làm mới, dù công đoạn nhiều hơn và có thể có một số điểm phức tạp hơn. Điều quan trọng, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội thì cần làm rõ vai trò của Đảng trong quá trình triển khai”…
Cũng trên Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ trăn trở về trách nhiệm của các ĐBQH. Tướng Thước bày tỏ: “Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đạt được kết quả xấu hay tốt còn phụ thuộc rất nhiều vào người cầm lá phiếu đó mà cụ thể với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 cán bộ ở các vị trí chủ chốt của đất nước thì những người cầm lá phiếu kia là những vị đại biểu Quốc hội.
Nếu có những đại biểu lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để trả thù riêng, sát phạt lẫn nhau vì một động cơ xấu xa thì đó là một điều rất nguy hiểm. Điều này xảy ra sẽ khiến việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm không đi đúng mục tiêu bởi sẽ không tuyên dương đúng được ai và cũng không phê phán đúng được ai. Do đó có thể nói trách nhiệm của người cầm lá phiếu phải rất cao”.
Tướng Thước lo ngại, nếu những người cầm lá phiếu mà không trong sáng thì việc lấy phiếu này sẽ trở thành sự triệt tiêu những yếu tố tích cực. Cho nên khi lấy phiếu thì cần phải xác định rõ người cầm lá phiếu đó là người như thế nào, có đủ tư cách để phán xét một người khác hay không hay vì động cơ cá nhân, động cơ không trong sáng. Hơn nữa, nếu đại biểu Quốc hội mà không nắm vững tình hình thực tế thì khi bỏ phiếu sẽ làm một cách thiếu trách nhiệm, không chính xác và dễ có hiện tượng bấm nút theo phong trào… Khi ấy, lỗi đó là của đại biểu Quốc hội.
“Người cầm lá phiếu là người phải có trách nhiệm trước dân, trước Đảng chứ không phải vì động cơ cá nhân nào cả. Đó phải là người trong sáng, công minh, không thiên vị”,  ông Thước nhấn mạnh.
Trong buổi gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 15/12, nhiều cử tri quận 1, quận 3, quận 4, TP.HCM đã bày tỏ băn khoăn liệu có xảy ra tiêu cực trong việc bỏ phiếu tín nhiệm.
“Lấy phiếu tín nhiệm là để những người được lấy phiếu đo được uy tín của mình. Bản thân họ phải dũng cảm nhìn nhận những thiếu sót để khắc phục, hoàn thiện mình. Bỏ phiếu chỉ có thực chất khi chống được “vận động”, “chạy tín nhiệm” trong khi các quy định pháp lý để ngăn ngừa vấn đề này chưa có. Đây là kẽ hở cần khắc phục”, cử tri Trần Mộng Lan (quận 1) ý kiến.
Chia sẻ băn khoăn, lo lắng của bà con cử tri về hiệu quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn nhìn nhận nếu làm không chặt chẽ, chắc chắn sẽ xuất hiện hiện tượng vận động “chạy phiếu”, móc ngoặc với nhau theo kiểu “được anh, được tôi”.
Chủ tịch nước khẳng định sẽ hết sức chú ý tới vấn đề “chạy” phiếu trong quá trình triển khai lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để làm sao kết quả thực sự là thực chất và khách quan. Lần bỏ phiếu này có đổi mới là để dân có ý kiến trước, Đảng có ý kiến sau. Tránh tình trạng Đảng có ý kiến trước, dẫn tới nhiều người cho rằng việc bỏ phiếu đã được định hướng nên thực hiện một cách gò ép, khiên cưỡng. Việc bỏ phiếu tín nhiệm này cũng sẽ diễn ra đều đặn hằng năm.
Theo lãnh đạo Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ hằng năm, đồng thời để đảm bảo thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý của người giữ chức vụ, đánh giá một cách toàn diện kết quả công tác, trong mỗi nhiệm kỳ việc lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đảm bảo dân chủ, khách quan, tạo điều kiện để người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm có cơ hội, điều kiện giải trình, nhất là đối với việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm với các bước: người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong năm trước đó. Báo cáo của người lấy phiếu tín nhiệm cùng báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ (nếu có) được gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sớm để nghiên cứu.
Thuần Lương (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: