Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

'Vì sao tôi ký kiến nghị về nhân quyền'


Nhà phê bình Lại Nguyên Ân
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân tin rằng cần phải lên tiếng để yêu cầu nhà nước sửa luật

Một nhà phê bình văn học ở trong nước vừa ký tên vào một kiến nghị tập thể 'kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp tại Việt Nam' cho rằng điều 88 của bộ luật hình sự về "tội tuyên truyền chống nhà nước" có thể "bóp nghẹt" quyền phát ngôn của trí thức, văn nghệ sỹ.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm thứ Bảy, 29/12/2012, ông Lại Nguyên Ân, tán thành lá thư kiến nghị được đăng tải trên trang mạng boxitvn cho rằng cả điều 88 của Luật hình sự và Nghị định 38 của Chính phủ về cấm biểu tình đều cần được hủy bỏ.

Ông cũng giải thích vì sao có nhiều trí thức, nhân sỹ và quần chúng đã tham gia ký tên trong thư kiến nghị lần này, cũng như đưa ra lý do vì sao ông ký tên trong bức thư đề ngày 25/12.

"Tôi nghĩ điều 88 liên quan trực tiếp đến hoạt động của trí thức, văn nghệ sỹ, bởi vì những người này dù làm nghiên cứu, đều phải dùng ngôn từ, đều phải phát ngôn.

Nhà phê bình cho rằng nếu các phát ngôn nếu bị kiểm soát "một cách không hợp lý" mà ông lấy ví dụ như việc khép những phát ngôn nhất định vào hành vi "tuyên truyền chống nhà nước", thì trước hết sẽ "gây nguy hiểm cho các hoạt động của số đông những người trí thức" trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông nói: "Cho nên chúng tôi thấy cần phải có ý kiến về điều đó ở trong hiến pháp.

"Vả lại trong thực tiễn xã hội ở Việt Nam trong vòng một ít những năm nay, nhất là khi nó có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, những tầng lớp xã hội khác nhau không tán thành và thậm chí nhận thấy là cần phải phản đối những quyết định nhất định, những hành vi nhất định của bộ phận những người cầm quyền ở các cấp khác nhau trong những việc nhất định, thì họ phải lên tiếng phản đối.
"Tôi nghĩ là khi tôi ký, tôi cũng có một phần ngại ngần vì sự an nguy của bản thân và gia đình, nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam tình trạng mất dân chủ cũng tương đối nghiêm trọng"
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân

Theo nhà phê bình, trên thực thế nếu chính quyền áp dụng điều 88 thì "nó sẽ là bóp nghẹt quyền có ý kiến của họ".

Vì vậy theo ông, giới trí thức và nhấn sỹ thấy rằng có thể "càng cần phải lên tiếng" về điều này, nhất là trong ba tháng đầu năm 2013, là dịp các bộ phận dân chúng được yêu cầu góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được Quốc hội chuẩn bị.

'Không sợ trả đũa'

Khi được hỏi liệu cá nhân ông có quan ngại gì về an nguy đối với bản thân và gia đình khi đặt bút công khai ký vào bản kiến nghị hay không, nhà phê bình năm nay 67 tuổi nói:

"Tôi nghĩ là khi tôi ký, tôi cũng có một phần ngại ngần vì sự an nguy của bản thân và gia đình, nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam tình trạng mất dân chủ cũng tương đối nghiêm trọng, nhưng với một việc bày tỏ ý kiến như vậy, mà phải hứng chịu những cái ứng xử quá thô bạo, tôi nghĩ là không đến nỗi như vậy.

Nhà phê bình cho hay ông hy vọng rằng hành động của ông sẽ không chịu một "hậu quả gì đó quá nặng nề" từ phía những người thực thi pháp luật, nhất là trong bối cảnh hiện nay mà theo ông Quốc hội đang chuẩn bị thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp.
Biểu tình
Năm 2011, Việt Nam chứng kiến nhiều cuộc biểu tình có sự góp mặt đông đảo của giới nhân sỹ, trí thức ở trong nước

"Tôi nghĩ là trong điều kiện ấy, những đề xuất của chúng tôi đi vào quỹ đạo của một việc lớn hơn là sửa đổi hiến pháp, cho nên tôi không nghĩ đến những hành động trả đũa thô bạo ít nhất là trong vụ việc này."

Khi được hỏi về khả năng bản kiến nghị sẽ có thể có tác động ra sao tới nhà cầm quyền, liệu có thay đổi gì về luật pháp hay không với những điều luật và quy định đã được kiến nghị hủy bỏ trong bức thư chung kể trên, ông Lại Nguyên Ân cho biết:

"Chúng tôi không nghĩ rằng một hành động của chúng tôi ngay lập tức sẽ phải có kết quả ngay, bởi vì đây là một sự thật của đấu tranh giữa các tầng lớp xã hội khác nhau với những người nắm giữ quyền lực về các vấn đề của đời sống xã hội."

Tuy nhiên, nhà phê bình cũng đưa ra dự đoán về các khả năng chung mà theo ông chính quyền có thể đáp lại kiến nghị lần này của người dân và các nhân sỹ trí thức.

"Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng như ở tất cả các nước bên ngoài, luôn luôn có một hiện tượng là những người thuộc phạm vi bị áp dụng các điều nhất định của các luật lệ, các thể chế, thì luôn luôn có ý kiến phản đối.

"Còn những người thực thi pháp luật, những người chấp pháp, thường thướng có thái độ khác nhau, từ thái độ lờ đi không lắng nghe gì hết, cho đến thái độ là trấn áp.

"Những chuyện đó rất là thường, cho nên tôi nghĩ rằng trong mỗi một việc cụ thể, mỗi hành động cụ thể, có lẽ nó cũng chứa đựng tất cả các khả năng như thế," ông nói với BBC.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét