Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Bắc Triều Tiên : Chế độ sẽ lâm nguy nếu không cải cách


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong un. Ảnh chụp tại
Bình Nhưỡng, ngày 19/04/2012    
Reuters
Lê Phước
Một câu hỏi dường như muôn thuở được dành cho chế độ Bình Nhưỡng, đó là : Chế độ này có trụ được lâu dài hay không ? Sau khi Kim Jong-un lên « nối ngôi » cha hồi cuối năm 2011, câu hỏi này lại trở nên thời sự hơn bao giờ hết. Tạp chí L’Express số ra tuần này đăng bài phỏng vấn một chuyên gia về Bắc Triều Tiên, nhà nghiên cứu Andrei Lankov thuộc đại học Kookmin tại Hàn Quốc. Ông cảnh báo, nếu không cải cách, thì chế độ Bình Nhưỡng sẽ khó tránh một cuộc nổi dậy của dân chúng.

Nội trị : Nghèo đói đe dọa
Tờ báo nhắc lại sự kiện đến thăm Bắc Triều Tiên của ông chủ hãng Google Eric Schmidt và cựu đại diện Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc ông Bill Richardson. Một tuần trước đó, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ tiến hành « một sự chuyển hướng toàn diện » để vực dậy nền kinh tế đất nước. Đó có phải là những dấu hiệu cho phép hi vọng có những cải cách qui mô tại Bắc Triều Tiên ? Nhà nghiên cứu Andrei Lankov tỏ ra bi quan nhiều hơn là lạc quan về viễn ảnh này.
Ông Lankov cho rằng, nếu đem so sánh mức sống của người dân giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, thì quả là một trời một vực : Người Hàn Quốc thì sống trong nhung lụa, còn người Bắc Triều Tiên thì chỉ đơn giản như thế này : « Giàu sang, tức là ăn thịt một tuần được hai lần ».
Dù rằng chính quyền Bình Nhưỡng ra sức bưng bít thông tin để cho dân chúng không nhìn thấy thế giới to đẹp bên ngoài, nhưng nhà nghiên cứu Lankov cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin ngày nay, dần dần bầu trời thông tin của người miền Bắc sẽ được xua tan lớp mây mù. Và khi người miền Bắc biết rõ thế giới bên ngoài, nhất là biết rõ về cuộc sống thịnh vượng của người miền Nam, thì theo ông Lankov, sẽ khó tránh được một cuộc nổi dậy của dân chúng tại Bắc Triều Tiên.
Ngoại giao : Đầy rủi ro
Trong lĩnh vực ngoại giao, đồng minh thân cận nhất của Bắc Triều Tiên đến hiện tại vẫn là Trung Quốc. Thế nhưng, thậm chí với đồng minh gần như duy nhất này, chế độ Bình Nhưỡng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Theo ông Lankov, để tồn tại, chế độ Bình Nhưỡng chắc chắn phải dựa vào Bắc Kinh. Mà nếu muốn duy trì ảnh hưởng tại Bắc Triều Tiên, và muốn duy trì chế độ Bình Nhưỡng hiện hành, thì Bắc Kinh phải chịu khó ra sức tiêu tốn cho Bình Nhưỡng. Trong trường hợp này, chắc chắn đó không phải là sự giúp đỡ vô tư và miễn phí, mà luôn kèm theo nhiều điều kiện. Nếu Bình Nhưỡng muốn tồn tại mà chấp nhận điều kiện áp đặt của Bắc Kinh, thì chủ quyền quốc gia của Bắc Triều Tiên sẽ bị tổn hại.
Còn đối với miền Nam, ông Lankov cho rằng, dù nữ tổng thống tân cử Park Geun-hye đã tuyên bố lập trường « thống nhất dần dần giữa hai miền Triều Tiên », nhưng điều đó khó có thể thành hiện thực.
Thứ nhất, nếu muốn thống nhất hai miền, thì chắc chắn chế độ Bình Nhưỡng phải sụp đổ. Mà như thế thì làm gì nhà họ Kim ở miền Bắc lại chấp nhận. Hơn nữa, sự thống nhất quá ồn ào cũng không được người miền Nam đón nhận, bởi họ luôn nuôi « ảo tưởng » về « một sự thống nhất ngọt ngào ».
Khó khăn kế đến, đó là cái giá thống nhất quá đắt đối với Hàn Quốc, tức chính quyền miền Nam sau khi thống nhất, phải è cổ chi những khoản tiền khổng lồ để giúp miền Bắc phát triển theo kịp miền Nam.
Chưa hết, ông Lankov nhấn mạnh, chính quyền miền Nam mới chuẩn bị những dự án ngắn hạn chứ chưa sẵn sàng cho một kế hoạch dài hạn. Tức là miền Nam chỉ mới tính đến chuyện, sau khi chính quyền miền Bắc sụp đổ, miền Nam phải làm sao cứu trợ lương thực khẩn cấp những vùng cần thiết ? Làm sao đảm bảo an ninh ở khu quân sự, nhất những khu hạt nhân ở miền Bắc ? Còn những vấn đề mang tính dài hạn nhưng rất quan trọng thì miền Nam chưa tính đến như việc làm sao tái xây dựng xã hội miền Bắc ? Phải xử lí thế nào với trên một triệu quân nhân miền Bắc ?...
Trung Quốc đau đầu với Bắc Triều Tiên
Trong bối cảnh nêu trên, Trung Quốc đang đứng trước một câu hỏi lớn : Can thiệp hay không can thiệp ?
Theo ông Lankov, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa dứt khoát về hồ sơ này. Nếu muốn chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ bằng bạo lực, thì chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên sẽ xảy ra và sẽ gây bất ổn cho khu vực Đông Á vốn rất phát triển và thịnh vượng. Khi đó, nếu Trung Quốc can thiệp thì rất tốn kém, trên phương diện tài chính cũng như ngoại giao. Còn ngược lại, nếu không can thiệp, thì có nghĩa là Bắc Kinh chấp nhận để số phận của chế độ Bình Nhưỡng cho Hàn Quốc định đoạt. Bắc Kinh đúng là đang ở thế « tiến thoái lưỡng nan ».
Báo chí Trung Quốc : Mượn chuyện Đài Loan để chửi xéo Bắc Kinh
« Chỉ chó mắng mèo » là một thuật rất đắc dụng trong nghệ thuật hùng biện của Trung Quốc. Tờ Nam Phương Chu mạt tại Quảng Đông vừa sử dụng thuật này bằng việc mượn chuyện Đài Loan để chửi xéo Bắc Kinh. Courrier International trích dịch một bài của tờ báo này với dòng tựa : « Khi Đài Loan tạo cảm hứng cho báo chí Trung Quốc đại lục ».
Bài viết lược lại cuộc đời và sự nghiệp của ông Tưởng Kinh Quốc, tổng thống Đài Loan từ năm 1978 đến 1988, là con trai của người sáng lập Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch. Tờ báo không tiếc lời ca ngợi công trạng của ông Tưởng Kinh Quốc và cho rằng ông này đã có nhiều đóng góp cho việc mở cửa và phát triển tế của Đài Loan.
Tờ báo đặc biệt chú ý đến việc ông Tưởng Kinh Quốc đã mở đường cho việc tái lập rồi tăng cường quan hệ với Đại lục. Thế nhưng, Nam Phương Chu mạt nhấn mạnh nhiều đến sự kiện ông Tưởng đã quyết định chấp dứt tình trạng thiết quân luật tại Đài Loan vào năm 1987, đã có nhiều đóng góp cho quyền tự do dân chủ tại Đài Loan.
Tờ báo cho biết, theo thăm dò gần đây của kênh truyền hình TVBS tại Đài Loan, trong số các đời tổng thống Đài Loan, ông Tưởng Kinh Quốc được lòng dân chúng nhất với 49% số người ủng hộ, trong khi cha ông là ông Tưởng Giới Thạch chỉ chiếm có 9%, người kế nhiệm ông là cựu tổng thống Lý Đăng Huy cũng chỉ được có 12%.
Nam Phương Chu mạt nhận định : Người lãnh đạo một đất nước giống như là người lèo lái một con thuyền, và chính những khúc quanh của dòng sông mới cho thấy sự khéo léo của người cầm lái ; ông Tưởng Kinh Quốc khi chèo lái con tàu Đài Loan, ông đã vừa nghĩ đến con thuyền của ông và nghĩ đến cả những hành khách. Tức là ông không chỉ biết lo cho vị trí của mình mà còn lo cho người dân nữa.
Tuần báo Quảng Đông kết luận : Có người cho rằng, ông Tưởng đã cố tình làm vậy, một phần là vì ông muốn để lại tiếng thơm trong lịch sử, tức là cũng vì cái danh vọng của riêng ông ; Dù việc đó có đúng hay không, tờ báo nhấn mạnh, những ai đủ khôn ngoan trong cuộc đời này điều hiểu rõ rằng, chính hành động của mỗi người sẽ quyết định tiếng tăm của họ trong hậu thế, và chính hành động của ông Tưởng Kinh Quốc đã tạo ra những trang sử của ông trong hiện tại.
Thái Lan : Ai dám xúc phạm Hoàng gia ?
Tại Thái Lan, đất nước có vẻ như mở cửa và rất tự do, người dân lại luôn phải đề phòng một tội mà người dân ở nhiều nước khác chỉ còn biết đến trong lịch sử : Tội khi quân. Phụ trang cuối tuần báo Le Monde quan tâm đến chủ đề này với bài viết: « Hoàng gia Thái Lan không để bị xúc phạm ».
Tờ báo cho biết, số vụ bị kết tội khi quân tại Thái Lan gia tăng với mức đáng lo ngại : Từ năm 2005 đến nay, con số này đã tăng đến 10 lần. Tội khi quân được qui định tại điều 112 của luật hình sự Thái Lan, theo đó, người phạm tội có thể bị phạt đến 15 năm tù.
Thái Lan là nước theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Thế nhưng, Le Monde cho biết, thật ngược đời, Thái Lan thời quân chủ lập hiến còn khép tội khi quân nhiều hơn Thái Lan thời quân chủ chuyên chế trước kia.
Bàn về khả năng sửa đổi điều 112 nói trên, tờ báo cho rằng viễn ảnh rất u ám. Tờ báo dẫn ra hai trường hợp bị khép tội khi quân mới nhất tại Thái Lan để minh chứng cho sự u ám đó. Trường hợp thứ nhất là một nhân viên ngân hàng tại Bangkok, bị kêu án bốn năm tù, vì đã đăng tải trên Internet những thông tin về tình hình sức khỏe của đức vua.
Người thứ hai là cựu tổng biên tập của một tờ tạp chí tại Thái Lan, bị mang ra xét xử hồi cuối tháng 12/2012 vì đã cho đăng trên Internet các bài về lịch hai thế kỷ qua của Thái Lan, bị nhà cầm quyền cho là có ý đồ tuyên truyền phản đối chế độ quân chủ.
Liên quan đến thái độ của chính phủ Thái Lan, Le Monde nhận định, đương kim thủ tướng Yinluck Shinawatra và chính phủ của bà luôn giữ thái độ dè dặt trong những vụ việc nhạy cảm có liên quan đến Hoàng gia, bởi thế, chính phủ này không dại gì can thiệp vào việc thúc đẩy sửa đổi điều luật nói trên để bị hứng búa rìu của xã hội Thái Lan vốn dĩ rất tôn sùng Hoàng gia.
Pháp-Đức : Đồng sàng dị mộng
Nhìn sang châu Âu, tuần san Courrier International dành trang nhất đăng ảnh thủ tướng Đức Angela Merkel với một hồ sơ cho biết, bà Merkel không chỉ được lòng dân tại Đức mà báo chí châu Âu nhìn chung, cũng không tiếc lời ca ngợi bà. Trong số các bài viết có liên quan đến bà, Courrier International dẫn lại một bài đáng chú ý của tờ nhật báo Der Spiegel tại Hambourg với dòng tựa : « Merkel, Hollande : Hai thế giới song song ».
Hai thế giới vì song song nên chẳng bao giờ gặp được nhau, đó là thực trạng trong quan hệ Đức-Pháp dưới thời Angela Merkel và François Hollande. Đây là hai nước đầu tàu châu Âu, nên sự đồng sàng dị mộng này sẽ đe dọa không ít đến sự phát triển của cả châu Âu.
Tờ báo nhắc lại, dưới thời các lãnh đạo Đức-Pháp như Adenauer-De Gaulle, Schmidt-Giscard D’Estaing, Kohl-Mitterrand, nguyên thủ hai nước đã biết tìm ra tiếng nói chung hơn là tìm ra chủ đề gây cho rẽ. Chỉ mới đây thôi, cặp Merkel-Sarkozy cũng biết cố gằng tỏ ra đồng thuận.
Thế mà hiện tại, dưới thời Merkel-Hollande, quan hệ Đức-Pháp ngày càng lạnh nhạt. Tờ báo cho biết, ông Hollande thì không quên việc bà Merkel đã ra sức ủng hộ ông Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi tháng Năm năm ngoái, còn bà Merkel thì nghi ngờ ông Hollande đang vận động ngầm cho ứng viên cạnh tranh chiếc ghế thủ tướng của bà.
Liên quan đến châu Âu, thì ông Hollande và bà Merkel cũng không thiếu sự nghi kị lẫn nhau trên mọi hồ sơ. Tờ báo cho biết, ông Hollande nghi ngờ Berlin lợi dụng các vấn đề tài chính để thực hiện ý đồ thống trị châu Âu. Bà Merkel cho rằng, ông Hollande muốn xây dựng một trục Paris-Roma-Madrid để chống Đức.
Hồ sơ gai góc nhất hiện nay của Liên Hiệp Châu Âu là khắc khổ hay không khắc khổ để có thể thoát ra khủng hoảng. Trên hồ sơ hóc búa nhất này, sự đối chọi giữa ông Hollande và bà Merkel cũng trở nên dữ dội nhất. Bà Merkel buộc các nước lâm nguy phải thắt lưng buộc bụng, còn ông Hollande thì không ngại tuyên bố : « Nước Pháp có trách nhiệm kiên trì nhắc nhở các đối tác của mình rằng, có những biện pháp khác thay vì khắc khổ ».
Le Monde còn nêu ra nhiều vụ việc khác cho thấy sự bất đồng giữa ông Hollande và bà Merkel và nhận định : Chưa một khủng hoảng nào giữa Đức và Pháp lại bị đẩy tới bất đồng đến mức như vậy.
Tờ báo cho biết, trong mớ bòng bong bất đồng đó, giữa hai người còn có một điểm chung, mà lại là điểm rất quan trọng : Hai bên đều cho rằng nếu để cuộc khủng hoảng euro trầm trọng thêm thì hậu quả sẽ khôn lường. Thế nhưng, trớ trêu thay, chính trên hồ sơ quan trọng nhất này, tổng thống Hollande và thủ tướng Merkel lại tỏ bất đồng hơn bao giờ hết.
Đức : Không mạnh như người ta tưởng
Đức được xem là đầu tàu kinh tế số một của châu Âu. Trong thời buổi khủng hoảng khu vực đồng euro, tầm quan trọng của nước Đức và bà Angela Merkel càng được khẳng định. Thế nhưng, nước Đức không toàn vẹn như người ta tưởng. Courrier International dẫn lại bài của tờ Frankfurter Rundschau tại Frankfurt với dòng tựa : « Những điểm yếu của Đức ».
Tờ báo liệt kê một số trường hợp tiêu biểu cho thấy sự yếu kém trong quản lý của chính phủ Đức trên hồ sơ kinh tế, kỹ thuật hay đạo đức, như tập đoàn Thyssen bị thua lỗ đến nhiều tỷ euro mà nguyên nhân lại chính là do quản lý yếu kém và tham nhũng. Tổng công ty đường sắt quốc gia Đức cũng vừa bị phanh phui việc cố tình khai gian chi phí công trình. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Đức cũng dính đến nhiều vụ kiện tụng về lạm dụng tín nhiệm, trốn thuế, rửa tiền, điều khiển lãi suất liên ngân hàng… Mới tháng 12 rồi, cựu lãnh đạo của ngân hàng này đã bị phạt nhiều tỷ euro.
Tờ báo mỉa mai, những vụ việc trên lại xảy đến đúng vào lúc mà bà thủ tướng Đức đang « rao bán » khắp thế giới mô hình phát triển của Đức, lúc mà bà Merkel không ngần ngại chỉ trích tình trạng quản lí yếu kém và vấn nạn tham nhũng của một số nước châu Âu khác.

Không có nhận xét nào: