Pages

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

'Biên độ đổi mới' của ông Vương Đình Huệ?



Ông Vương Đình Huệ
Ông Vương Đình Huệ là Giáo sư, Tiến sỹ, đang lãnh đạo Bộ Tài chính
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố chức năng, nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan vừa được tái thành lập.
Với người đứng đầu là ông Vương Đình Huệ, đang giữ chức Bộ trưởng Tài chính, Ban Kinh tế trung ương sẽ thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội quan trọng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản.

Trao đổi với BBC từ Hà Nội hôm 06/1/2013, kinh tế gia từng đứng đầu một viện nghiên cứu về chiến lược trong nước, nay đã nghỉ hưu và muốn được ẩn danh, nói:
Một chuyên gia ở trong nước từng tham mưu cho các cơ quan nghiên cứu kinh tế của đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam cho rằng tân lãnh đạo ban này, ông Vương Đình Huệ, sẽ có một số giới hạn trong biên độ tham mưu, cải cách của mình.

"Cá nhân tôi là người ủng hộ đề án tái lập ban kinh tế này của đảng, nay ban đã được thành lập dù thời gian có hơi lâu. Nhưng đó là điều tích cực rồi.
"Việc tái lập ban mở ra thêm một kênh mới để các chuyên gia chiến lược, chính sách kinh tế, xã hội đương chức, hay đã nghỉ hưu, trong hay ngoài bộ máy nhà nước, bán thời gian hay toàn thời gian, có điều kiện đóng góp, phát biểu ý kiến.
"Để tham vấn, đóng góp về mặt đường lối, chiến lược, chính sách tốt hơn các lãnh đạo cấp cao trong việc đưa ra các quyết sách để gỡ các khó khăn cho tình hình hiện nay và đẩy tới bước đường phát triển sắp tới của đất nước."
"Tuy nhiên, tôi cho rằng ông Vương Đình Huệ và cơ cấu tham mưu mới cùng nhân sự của ban này sẽ vẫn chỉ thực hiện chức năng tham mưu của mình trong khuôn khổ những đường lối cơ bản của Đảng và nhà nước mà thôi."
Chuyên gia này cho rằng các đường lối cơ bản này có tính nguyên tắc và đó là giữ vững con đường của chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Ông nói thêm: "Còn lại đảng khuyến khích những đóng góp, những đột phá thực sự của giới trí thức, giới chuyên gia tư vấn, tham mưu. Mà bây giờ nếu không đổi mới, thì đất nước, vốn đang có rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi, sẽ không thể vượt qua."
'So sánh quyền hạn'

"Về quan điểm, nguyên tắc lãnh đạo mà nói, thì ông ấy sẽ là người phải cầm trịch quan điểm của đảng. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ làm như hiện nay, cái gì đảng đã nói, đã đưa ra như thế này, thì chỉ như thế này, tôi không nghĩ như vậy"
Chuyên gia ẩn danh
Cựu lãnh đạo viện nghiên cứu này cũng so sánh quyền hạn giữa hai ban mới thành lập, điều được một số chuyên gia khác cho là 'những quả đấm' mới về sách lược đối nội của Tổng bí thư, là các ban nội chính và kinh tế. Ông nói:
"Tôi thấy ban này khác hẳn với ban nội chính.. Quyền hạn của ban nội chính rõ ràng hơn rất nhiều và có rất nhiều quyền. Và ông Nguyễn Bá Thanh cũng là người biết sử dụng những quyền hạn đó.
"Còn bên Ban kinh tế trung ương thì quyền hạn ít thôi, chủ yếu làm tham mưu, làm nghiên cứu chiến lược, đề xuất chính sách, làm phản biện đường lối. Chứ còn không có quyền làm chỉ đạo, chỉ huy bộ nào, ban nào của đảng, cũng như bên quốc hội.
"Và chỉ có làm tham mưu cho Bộ Chính trị, cái đó là cái quan trọng nhất. Cái đó đã là một trọng trách rồi và vấn đề ở đây là không phải mình phải ra chỉ thị, phải quyết định cái này cái kia, cái đó ban kinh tế không làm."
Nhưng chuyên gia nhấn mạnh tổ chức tham mưu mới của ông Huệ sẽ có quyền "được cung cấp và phải được cung cấp các tài liệu" liên quan tới kinh tế, chiến lược, chính sách kinh tế của đảng và nhà nước từ các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị có chức năng liên quan, và theo ông "đó đã là một quyền hạn rất lớn rồi."
'Lựa chọn xứng đáng'
Nội các Việt Nam
Ông Vương Đình Huệ là một trong 22 thành viên của nội các Nguyễn Tấn Dũng nhiệm kỳ hai
Về mặt năng lực, dấu ấn và xu hướng lãnh đạo của cá nhân của ông Vương Đình Huệ, chuyên gia trong nước cho rằng ông Huệ là một "lựa chọn xứng đáng" và cũng "khó tìm được nhân sự phù hợp hơn" trong tình hình hiện nay.
Ông nói: "Tôi thấy khi ông ấy làm việc ở kiểm toán, thì cũng đã là khá có uy tín thì mới được cử làm Bộ trưởng tài chính. Từ khi ông làm Bộ trưởng mấy năm nay, thì các vấn đề chính sách tài chính, tài khóa nói chung cũng tương đối tốt.
"Tất nhiên, có một vấn đề là có sự kết hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ bên Ngân hàng người ta thấy còn chưa thực là tốt. Nhưng cái này không phải là do các ông Bộ trưởng được, mà là do những cấp cao hơn, để phối hợp cho nó tốt hơn.
"Nhưng về quan điểm, nguyên tắc lãnh đạo mà nói, thì ông ấy sẽ là người phải cầm trịch quan điểm của đảng. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ làm như hiện nay, cái gì đảng đã nói, đã đưa ra như thế này, thì chỉ như thế này, tôi không nghĩ như vậy.
"Tôi nghĩ rằng phải đổi mới, phải có tư duy đổi mới, vì không đổi mới, thì không tái cấu trúc được nền kinh tế, bởi vì thực chất để đổi mới là phải vận dụng những chính sách mới thì mới tái cấu trúc được, mà đầu tiên phải từ tư duy, từ ý thức, thì tôi nghĩ rằng, ông Vương Đình Huệ có khả năng để làm được việc đó. Và do đó tôi thấy rằng việc lựa chọn là xứng đáng."

"Lề lối làm việc của ban cũng cần quy định để không giẫm chân nhau, không chồng chéo lên phía chính quyền. Người đứng đầu Ban Kinh tế T.Ư rất cần một Uỷ viên Bộ Chính trị."
Ông Cao Sỹ Kiêm
Nhân dịp này, cựu quan chức và nhà tư vấn chính sách, chiến lược cho các cơ quan đảng và nhà nước từ Hà Nội cũng cho hay các thách thức lớn đang chờ đợi đảng và các cơ quan tham vấn, tham mưu chính sách cho đảng và nhà nước là các bài toán chưa có lời giải về sửa đổi các thiếu sót về tư duy, chiến lược, chính sách về kinh tế, xã hội.
Ông cho rằng việc giải quyết các vấn đề tái cơ cấu kinh tế vĩ mô, giải phóng các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp, tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, và đặc biệt là xử lý các quan hệ và hậu quả phức tạp do "các nhóm lợi ích" nội bộ gây ra và để lại là "không đơn giản" cho cả ban kinh tế trung ương và toàn bộ bộ máy của chính quyền.
'Nhân sự, đường lối'
Việc bổ nhiệm ông Huệ vào chức vụ trưởng ban kinh tế tuy mới công bố, nhưng các bàn thảo về tiêu chí nhân sự lãnh đạo ban này đã là đề tài bàn bạc trong đảng và chính quyền từ trước.
Từ thượng tuần tháng 10/2012, cựu Phó Ban Kinh tế Trung ương, ông Cao Sỹ Kiêm nói với tờ Lao Động rằng ban này cần phải có một nhân sự là Ủy viên Bộ chính trị nắm giữ, ông nói:
" Ban Kinh tế T.Ư cần được tổ chức như một cơ quan tham mưu cấp chiến lược, có trách nhiệm chủ yếu là xây dựng lại các chủ trương về kinh tế, thẩm tra các chính sách, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế.
Ông Cao Sỹ Kiêm
Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng lãnh đạo Ban Kinh tế cần phải là một Ủy viên Bộ chính trị
"...Lề lối làm việc của ban cũng cần quy định để không giẫm chân nhau, không chồng chéo lên phía chính quyền. Người đứng đầu Ban Kinh tế T.Ư rất cần một Uỷ viên Bộ Chính trị."
Cựu Thống đốc Ngân hàng Việt Nam cũng nói với tờ báo này rằng ông không tin có sự trùng lặp về chức năng và nhiệm vụ và cũng cho hay đây không hẳn là một mô hình mới:
"Ban Kinh tế T.Ư là mô hình không phải mới ở Việt Nam. Ban Kinh tế T.Ư chỉ là cơ quan tham mưu, tư vấn cho cả T.Ư Đảng, cho cả QH trong phạm vi kinh tế trước khi T.Ư Đảng, Bộ Chính trị quyết định, tập trung vào quan điểm đường lối, chính sách các dự án kinh tế. Còn việc có xung đột với các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ hay không, theo tôi, câu trả lời cũng là không," ông nói với tờ Lao Động hôm 12/10.
Một quan chức khác, đương kim Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Viết Thông, nói với tờ Tiền Phong Online hôm 18/10/2012 về điều mà ông tin phải là trọng tâm sứ mạng của Ban mới được thành lập này.
Ông nói "để hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, Ban Kinh tế trung ương lần này nên tập trung đi sâu thực hiện chức năng thẩm định, kiểm tra của mình đối với các chủ trương lớn về phát triển kinh tế, có ảnh hưởng đến đông đảo người dân.
"Tất nhiên đã gọi là tham mưu thì phải xem xét vấn đề mà các cơ quan nhà nước trình ra đã đúng chưa và đề xuất ý kiến của mình," ông Thông nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào: